Chuyên mục
Mỹ muốn chứng minh Nga cô đơn ở Biển Đen?

Mỹ muốn chứng minh Nga cô đơn ở Biển Đen?

Chủ nhật 29/08/2021 22:36 GMT + 7

Tạp chí Mỹ thừa nhận vị thế thống trị của Nga ở Biển Đen, song chứng minh mối quan hệ khó khăn của Moscow với các quốc gia trong khu vực.

Hải quân Nga hồi sinh

Trang Foreign Affairs của Mỹ mới đây có bài phân tích về vị thế của Nga ở Biển Đen, một trong nhưng “điểm nóng” trong quan hệ giữa Moscow với phương Tây.

Theo trang này, sự trỗi dậy của “gấu Nga” với tư cách là một cường quốc hải quân đã tạo nên những "con sóng cả" ở Biển Đen, nơi Nga đang tìm cách thiết lập một phạm vi ảnh hưởng hàng hải mới.

Các động thái của Nga gồm nâng cấp, hiện đại hóa hạm đội Biển Đen và tuyên bố chủ quyền đối với các vùng lãnh hải xung quanh Bán đảo Crimea được tạp chí Mỹ nhìn nhận có thể làm đảo lộn cán cân quyền lực ở Biển Đen và Đông Địa Trung Hải.

 


Tổng thống Nga V. Putin tại lễ duyệt binh hải quân ngày 25/7


Foreign Affairs nhắc lại sự kiện ngày 25/7 khi Tổng thống Nga Vladimir Putin có bài phát biểu tại St.Petersburg nhân kỷ niệm 325 năm Ngày thành lập Hải quân Nga.

Sau bài phát biểu là màn duyệt binh của lực lượng hải quân Nga được tạp chí Mỹ đánh giá là “ấn tượng”, coi là động thái nhằm phô trương các khí tài hải quân và cũng là bằng chứng cho thấy quá trình hiện đại hóa quân đội của Nga trong 2 thập kỷ qua.

Ngược dòng lịch sử, Foreign Affairs nhấn mạnh việc Nga coi Biển Đen là khu vực trọng yếu đối với an ninh của mình trong nhiều thế kỷ qua. Nữ hoàng Catherine Đại đế đã sáp nhập Crimea từ đế chế Ottoman vào năm 1783, và chồng bà, Hoàng tử Grigory Potemkin, là người quyết định thành lập Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol vào tháng 5 năm đó.

Trong thế kỷ XIX, Nga cạnh tranh với các cường quốc châu Âu và với Đế chế Ottoman để giành ảnh hưởng trên và xung quanh Biển Đen. Tuy nhiên, phải đến thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô mới trở thành cường quốc thống trị trong khu vực, đối trọng với Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Foreign Affairs cho rằng Liên Xô cũng sử dụng Biển Đen để mở rộng sức mạnh ra phía Đông Địa Trung Hải.

Thế nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga đã trải qua sự thay đổi đột ngột và mạnh mẽ ở Biển Đen: Gruzia và Ukraine trở thành các quốc gia độc lập và tìm cách hội nhập với phương Tây, trong khi Bulgaria và Romania gia nhập NATO năm 2004. Nga mất quyền tiếp cận một số đường bờ biển của Biển Đen mà trước đó họ đã kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp.

 


Tàu chiến Nga trong lễ duyệt binh ngày 25/7


Nga và Ukraine đồng ý chia sẻ Hạm đội Biển Đen, trụ sở chính vẫn đóng tại Sevastopol. Năm 2010, Kiev gia hạn hợp đồng cho thuê Sevastopol đến năm 2042. Tháng 3/2014, Moscow sáp nhập Crimea và tiếp quản hầu hết các tàu Ukraine ở Sevastopol, còn hải quân Ukraine chuyển trụ sở đến Odessa.

Tổng thống Nga Putin khi đó đã khẳng định “các tàu của NATO sẽ đến Sevastopol” nếu Nga không giành lại Crimea trước. Sau đó, Nga đã mở rộng gấp ba lần đường bờ biển trên thực tế ở Biển Đen và tăng cường lực lượng tên lửa trong khu vực, củng cố vị thế ở đây thông qua sự kết hợp của các chiến thuật quân sự, ngoại giao, kinh tế, năng lượng và thông tin.

"Sự cô đơn của Nga"

Foreign Affairs thừa nhận Nga đã tái khẳng định vị thế thống trị của mình ở Biển Đen một phần thông qua việc xây dựng lực lượng hải quân mạnh. Chính Tổng thống Putin đã nỗ lực hồi sinh sức mạnh hàng hải của Nga kể từ khi ông bước chân vào Điện Kremlin cách đây 2 thập kỷ, đảo ngược thời kỳ hải quân suy tàn nhanh chóng và tạo ra một lực lượng hải quân nhanh nhẹn, hiện đại và đa năng hơn.

Từ năm 2014, Nga đã tiến xa hơn khi bố trí các cơ sở, quân đội và vũ khí mới ở Biển Đen, từ đó giúp nước này gia tăng ảnh hưởng ở phía Đông Địa Trung Hải, khu vực đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch quân sự của Moscow ở Syria. Nga cũng đã hiện đại hóa căn cứ hải quân tại Tartus (Syria) như một phần của nỗ lực trở lại Trung Đông trên phạm vi rộng hơn.

 


Hải quân Nga chứng tỏ vị thế thống trị ở Biển Đen và cả khu vực Đông Địa Trung Hải

 

Tuy nhiên, Foreign Affairs cho rằng các động thái của Nga đã khiến các quốc gia tiếp giáp Biển Đen khác, bao gồm Gruzia và Ukraine, tức giận. Theo tạp chí Mỹ, cả hai nước này đều có quan hệ đối địch với Moscow và đang hợp tác với NATO để tăng cường khả năng phòng thủ trên biển.

Cũng theo tạp chí Mỹ, Romania, một đồng minh trung thành của NATO, cũng cảnh giác với khả năng quân sự của Nga và nghi ngờ về ý định của họ. Bulgaria, cũng là thành viên NATO, có quan hệ gần gũi và phức tạp hơn với Moscow, nhưng nước này vẫn cam kết hội nhập với phương Tây. Foreign Affairs khẳng định cả Romania và Bulgaria đều ủng hộ sự hiện diện lớn hơn của Mỹ và NATO trong khu vực.

Đối với quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, tạp chí Mỹ xoáy sâu việc hai nước có lịch sử xung đột lâu dài, phần lớn diễn ra ở Biển Đen. Dù hai nước đang xích lại gần nhau, điển hình là việc Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng bị loại khỏi chương trình F-35 và mâu thuẫn với Mỹ để mua tên lửa S-400 của Nga, Foreign Affairs cho rằng quan hệ Nga-Thổ không hoàn toàn là hợp tác.

Hai bên ủng hộ các lực lượng quân sự đối địch ở Libya và Syria. Trong cuộc chiến gần đây ở Nagorno-Karabakh, Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ Azerbaijan trong khi Nga làm trung gian giữa Armenia và Azerbaijan. Theo thỏa thuận ngừng bắn, Nga đã phải chấp nhận vai trò gìn giữ hòa bình của Thổ Nhĩ Kỳ ở “nước ngoài sát bên cạnh” Nga.

 


Mỹ và NATO liên tục khuấy đảo Biển Đen


Căng thẳng cũng bùng phát do Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ủng hộ mạnh mẽ Ukraine và công khai lập trường rằng Crimea là của Ukraine. Tháng 7 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển giao máy bay không người lái có vũ trang đầu tiên cho hải quân Ukraine, động thái được đánh giá sẽ khiến Nga khó chịu.

Thổ Nhĩ Kỳ điều tiết giao thông hàng hải quân sự và thương mại ra vào Biển Đen theo Công ước Montreux, đảm bảo tàu thuyền qua lại eo biển Thổ Nhĩ Kỳ tự do trong thời bình và có một số điều khoản quy định việc tàu chiến qua lại như yêu cầu phải thông báo trước cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara có ảnh hưởng đáng kể vì họ có thể cho phép hoặc từ chối các tàu của NATO tiếp cận Biển Đen.

Trong những năm gần đây, Mỹ đã thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng cách giải thích tự do hơn đối với Công ước Montreux để NATO có thể mở rộng sự hiện diện của khối ở Biển Đen.

Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay vẫn từ chối yêu cầu này, nhưng mới đây đã cho khởi công kênh đào Istanbul. Kênh đào mới này sẽ không nằm trong các điều khoản của Montreux, điều đó có nghĩa là về lý thuyết, các tàu chiến của NATO có thể đi qua Biển Đen không hạn chế.

Nga đã có động thái chỉ trích dự án này và yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ bảo tồn Công ước Montreux.


Đông Triều

Nguồn: datviet.trithuccuocsong.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.