Chuyên mục
Liệt hoàn toàn cơ, thở máy nguy kịch do ngộ độc Pate Minh Chay

Liệt hoàn toàn cơ, thở máy nguy kịch do ngộ độc Pate Minh Chay

Thứ hai 31/08/2020 18:41 GMT + 7

Hai bệnh nhân cao tuổi là vợ chồng ở Hà Nội đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai do ngộ độc vi khuẩn Clostridium botulinum sau khi dùng sản phẩm Pate Minh Chay, đã được điều trị thuốc giải độc nhập từ Thái Lan. Hiện, người chồng vẫn đang phải thở máy, tiên lượng nặng. Ngoài ra, có 4 bệnh nhân khác cũng đến Bệnh viện thăm khám với các biểu hiện ngộ độc sau khi ăn loại thực phẩm chay này.


Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trung tâm hiện đang tiếp nhận 2 bệnh nhân điều trị nội trú và 4 bệnh nhân khác tới khám kiểm tra, đều bị ngộ độc vi khuẩn Clostridium Botulinum sau khi có dùng sản phẩm pate Minh Chay.

 

Nam bệnh nhân ngộ độc vẫn đang thở máy, tiên lượng rất nặng.


Trong số các bệnh nhân trên, có hai vợ chồng bệnh nhân ở Hà Nội độ tuổi 68 - 70 tiên lượng nặng được chuyển từ Bệnh viện Lão khoa Trung ương vào ngày 18/8. Khai thác bệnh sử, cả hai bệnh nhân đều sử dụng sản phẩm ăn chay của Minh Chay, mua trên mạng. Ăn đến lọ thứ 2 được vài bữa, tới bữa cuối cùng vào cuối tháng 7, thì sang đầu tháng 8 cả hai bệnh nhân đều có biểu hiện đau họng, khó nuốt, sụt mi, yếu chân, tay.

Chuyên gia chống độc cho biết, người chồng bị tình trạng bệnh lý nặng hơn, liệt hoàn toàn các cơ, phụ thuộc máy thở, đồng tử giãn; còn người vợ liệt các cơ nhẹ hơn, nhưng cũng không thể ngồi dậy được, không tự ăn được.

Cũng theo bác sĩ Nguyên, các bệnh nhân được điều trị cấp cứu hồi sức. Tuy nhiên, do đây là loại ngộ độc hiếm, bệnh nhân đến viện muộn nên tình trạng bệnh nhân nặng. Trong khi đó, thuốc giải độc bệnh này lại không có sẵn nên việc điều trị khó khăn.

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân và chẩn đoán ngộ độc vi khuẩn Clostridium Botulinum lập tức, Bệnh viện Bạch Mai đã có công văn báo cáo Bộ Y tế và cơ quan liên quan vào cuộc kiểm tra, đồng thời hỗ trợ công tác điều trị" – bác sĩ Nguyên thông tin.

Ngoài 2 vợ chồng bệnh nhân trên thì có 4 bệnh nhân khác đến Trung tâm Chống độc thăm khám trong tình trạng nhẹ hơn, mỏi cơ, khó thở, khó nuốt… cũng do sử dụng Pate Minh Chay.

Đơn cử như chị Nguyễn Thị L (40 tuổi, ở Thái Nguyên) đã đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khám và mang theo hộp sản phẩm Pate Minh Chay. Theo chị L, trước đó, chị đã đến 2 bệnh viện nhưng chưa được chẩn đoán ra bệnh. Chị L. cho biết chị thường xuyên ăn pate Minh Chay, với hộp sản phẩm mới nhất chị sử dụng hôm 12/8 ăn hai bữa sáng, chiều.



Lọ sản phẩm chay mà bệnh nhân sử dụng.


Ngày 13/8 bắt đầu có biểu hiện mệt mỏi và nói khó, ngày 15/8 chị bắt đầu vào Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên do bệnh tiến triển, nhược cơ, sụp mí mắt... Bệnh viện ở tỉnh Thái Nguyên chuyển chị xuống Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào ngày 18/8 và từ đó đến nay chị điều trị tại bệnh viện này, nhưng không phát hiện ra nguyên nhân.

Hai ngày trước, khi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân không ăn pate Minh Chay do có độc tố gây ngộ độc, chị L mới biết và từ sáng 31/8 chị được chuyển sang Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai.

Lý giải về tình trạng ngộ độc của các bệnh nhân, bác sĩ Nguyên cho hay: Chất độc này có sẵn trong thực phẩm, thời gian ủ bệnh khoảng 12 - 36 tiếng sau khi bệnh nhân sử dụng, sau đó bệnh nhân có biểu hiện bất thường, giao động 1 tuần sau khi ăn. Bên cạnh đó, trên thực tế, rất ít gặp ca ngộ độc Botulinum nên thuốc giải độc rất hiếm, tại bệnh viện hay ở Việt Nam đều không có. Bệnh viện đã tìm rất nhiều nguồn và giữa tuần trước đã có giấy phép để nhập khẩu 2 lọ thuốc giải độc đặc hiệu từ Thái Lan.

Ngày 29/8, hai lọ thuốc giải độc từ Thái Lan được gửi về Việt Nam và sử dụng luôn trong ngày cho hai bệnh nhân. "Thuốc điều trị căn bệnh này được xem là “thuốc mồ côi”, do bệnh không xuất hiện nhiều, số lượng thất thường, các doanh nghiệp không sản xuất một cách phổ biến. Giá bán của mỗi lọ thuốc này lên tới 8.000 USD. Hai lọ thuốc được nhập về điều trị cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai do Tổ chức Y tế thế giới tài trợ"- bác sĩ Nguyên nói.

 

"Thông thường những người ngộ độc nặng, nhược cơ do ngộ độc độc tố Clostridium botulinum sẽ phải thở máy ít nhất trong 2 tháng, quá trình điều trị sau đó sẽ kéo dài nhiều tháng nữa để hồi phục. Đó là chưa kể nguy cơ bệnh nhân có thể mắc thêm các bệnh khác do việc thở máy kéo dài. Đây là chứng bệnh rất hiếm gặp ở Việt Nam, nhưng gặp thì bệnh khá nặng nề.

Từ những trường hợp bệnh hiếm gặp nói trên chúng tôi cũng mong Nhà nước sẽ có một kho hàng thuốc hiếm để có thể điều phối cho các bệnh viện trên cả nước khi cần thiết, bởi với số lượng thuốc ít, các bệnh viện cũng rất khó khăn trong việc nhập khẩu”- bác sĩ Nguyên chia sẻ thêm.

 

Minh Khuê

Nguồn: laodongthudo.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.