Chuyên mục
Ký sự World Cup: Không gian Xô viết trong lòng nước Nga
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Ký sự World Cup: Không gian Xô viết trong lòng nước Nga

Thứ sáu 06/07/2018 08:07 GMT + 7
“Với bố mẹ tôi, năm tháng đó là những ký ức tươi đẹp mà những khi vui buồn họ đều nhắc lại. Chúng tôi thì muốn được sống tự do, tự quyết định cuộc sống của mình…”, Sasa làm việc tại một cửa hàng bán sách, nói.

Bà Olga giới thiệu lịch sử các hiện vật trưng bày trong bảo tàng với khách tham quan. Ảnh: N.P.

Từ ga Glavny, bước sang bên kia đường rồi rẽ phải. Đi một đoạn thì tới đại lộ Nevsky Prospekt, con đường hoa lệ nổi tiếng của thành phố Saint Petersburg. Ở đây có tất cả mọi thứ, từ nhà thờ, cung điện, các công trình kiến trúc biểu tượng của thời kỳ Sa hoàng tới những cửa hàng lưu niệm, hàng ăn, quán bar…Không khí tấp nập từ sáng sớm tới nửa đêm, với hàng nghìn người mua, kẻ bán.

Đi dọc theo đại lộ hướng về phía sông Neva, nhìn sang phải thì thấy nhà thờ “Chúa Cứu thế trên Máu đổ”. Tên gọi của nhà thờ bắt nguồn từ việc đây là nơi Nga hoàng Alexander II bị thương trong vụ tấn công năm 1881. Ngay cạnh đây, BTC World Cup 2018 của Nga đã đặt Fan Fest phục vụ các CĐV.

Nếu chọn lối đi vào bên trái của nhánh sông Neva, để ý nhìn khách có thể bắt gặp một cánh cửa nhỏ, ở trên có biển hiệu màu đỏ ghi chú: Bảo tàng đời sống Xô-viết.

Bảo tàng nhỏ, ngay ngoài cửa đặt một chiếc máy đánh chữ “mổ cò”, thoạt trông khách có thể nhận ra ngay đây là một sản phẩm từ thời Liên bang Xô viết (Liên Xô). Bước vào trong, không gian yên tĩnh, tách biệt hoàn toàn với cảnh ồn ào, náo nhiệt phía ngoài.

Một chiếc máy chữ cũ trưng bày trước lối vào bảo tàng. Ảnh: N.P

Các hiện vật về đời sống sinh hoạt của người Nga thời Xô-viết. Ảnh: N.P




Toàn bộ các sản phẩm trưng bày chủ yếu được đặt tại tầng 2. Nơi đây, những người ưa hoài cổ có thể tìm lại tuổi thơ của mình với những đồ vật quen thuộc ở thập niên 80, 90: chiếc tivi đen trắng, đài phát thanh hay chiếc điện thoại quay số, những thứ đồ chơi chỉ con nhà khá giả mới có như súng nhựa, bộ xếp hình, búp bê.

Anh Phương, người bạn đi cùng tôi tới đây đã ồ lên thích thú khi nhận ra con ngựa nhựa, đặt phía trên cùng giá sách. “Gia đình tôi trước có người quen sang Nga công tác rồi mang về. Trẻ em lúc đó làm gì có nhiều đồ chơi như bây giờ. Tôi đi ngủ cũng ôm theo”-anh Phương bồi hồi kể.

Bà Olga, nhân viên của bảo tàng cho biết, đây là bảo tàng tư nhân. Ở Nga hiện chỉ có 2 bảo tàng như vậy, một tại Kazan. Bảo tàng ở Saint Petersburg mới mở từ tháng 11 năm ngoái. Khách đến là người nước ngoài còn người Nga thì thường mang cả con cái theo. Với những người Nga trung tuổi, nước Nga thời Liên Xô đã gắn liền với cả giai đoạn tuổi thơ của họ. Không giống như khách nước ngoài, họ không cần nhân viên như bà Olga giới thiệu mà tự mình làm “hướng dẫn viên” cho con.

“Chúng tôi phải thu thập từ nhiều nguồn, trong đó có đi xin người dân. Những thứ ở đây đều là những vật dụng hàng ngày của người Nga trước kia”-bà Olga cho biết.

Người già và người trẻ

Bà Olga nói, thời trẻ của bà hạnh phúc hơn so với lứa trẻ hiện nay. “Lúc đó chúng tôi không có nhiều đồ chơi đâu, nhưng tôi nghĩ khi đó, chúng tôi hạnh phúc hơn tụi trẻ bây giờ”-bà Olga nói.

Người bạn của bà Olga cho biết, từ thời đó nước Nga đã áp dụng việc miễn học phí đối với các bậc học từ tiểu học. Tới cao học nếu thi đỗ thì tiếp tục được học miễn phí, và chỉ phải đóng tiền học nếu không vượt qua được kỳ thi nhưng vẫn muốn học tiếp. “Lúc đó chúng tôi không phải lo lắng nhiều như bây giờ. Thanh niên giờ thấy chúng nó lo kiếm tiền sớm quá. Chúng nó phải lo việc làm nhiều hơn thời tôi”-bà nói.

Cô gái bán sách trẻ Sasa tranh thủ nghỉ trưa. Theo Sasa, thế hệ trẻ người Nga thích được sống tự do, được lựa chọn tương lai theo ý mình. Ảnh: N.P

Sasa vừa tốt nghiệp một thời gian, đang làm việc tại một cửa hàng bán sách lớn trên đại lộ Nevsky Prospekt. Cô gặp tôi khi đang tranh thủ giờ nghỉ trưa. “Bố mẹ tôi thường nhắc về giai đoạn đó mỗi khi vui buồn. Với họ có lẽ đấy luôn là thời kỳ tươi đẹp. Nhưng thế hệ trẻ chúng tôi lại thích được sống tự do theo ý mình, được thoải mái lựa chọn tương lai hơn”-Sasa nói.

Theo Sasa, cô không quan tâm nhiều tới chuyện chính trị, một phần bởi “chúng tôi không có nhiều lựa chọn”. Sasa kể cô từng sang Anh, và muốn có nhiều cơ hội được ra nước ngoài, tìm hiểu về thế giới bên ngoài nhiều hơn.

NGUYÊN PHONG (TỪ MOSCOW)
Nguồn: tienphong.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.