Chuyên mục
Giới khoa học nói về biến thể phụ của Omicron mới xuất hiện

Giới khoa học nói về biến thể phụ của Omicron mới xuất hiện

Thứ ba 25/01/2022 04:37 GMT + 7

Vẫn cần thêm dữ liệu và thời gian nghiên cứu mới có thể kết luận liệu BA.2, biến thể phụ của Omicron, có tác động tiêu cực đến diễn biến dịch COVID-19 toàn cầu hay không.

Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA) mới đây cảnh báo về một dòng phụ của biến thể Omicron có tên mã là BA.2 (phân biệt với Omicron gốc là BA.1) đang lây lan nhanh ở nước này. Chỉ sau 10 ngày đầu tháng 1, Anh ghi nhận hơn 400 ca nhiễm BA.2 và biến thể này cũng được phát hiện ở khoảng 40 quốc gia khác như Ấn Độ, Đan Mạch, Thụy Điển.

 


Chuyên gia làm việc trong một phòng thí nghiệm ở thủ đô Paris (Pháp) ngày 10-1. Ảnh: AF


Còn nhiều câu hỏi về BA.2

Theo kênh France24, BA.2 lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ và Nam Phi vào cuối tháng 12 năm ngoái. BA.2 được sinh ra từ một đột biến của biến thể Omicron; bản thân Omicron cũng được sinh ra từ một đột biến của biến thể Delta. BA.2 hiện được xác định có hơn 20 đột biến, khoảng một nửa trong số đó là ở protein gai. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Omicron vào nhóm biến thể đáng lo ngại nhưng ở giai đoạn này thì WHO chưa phân biệt giữa Omicron và dòng phụ BA.2 của nó.

Giới khoa học quốc tế đang tập trung nghiên cứu biến thể BA.2, song vẫn chưa đủ dữ liệu để xác định khả năng kháng vaccine hoặc độ nghiêm trọng của nó. Trích dẫn nghiên cứu sơ bộ từ Ấn Độ và Đan Mạch, chuyên gia Tom Peacock thuộc ĐH Hoàng gia London (Anh) nhận định mức độ nghiêm trọng về triệu chứng khi nhiễm BA.2 không khác biệt nhiều so với nhiễm Omicron nhưng vẫn cần thêm dữ liệu chắc chắn hơn trong những tuần tới.

“Cá nhân tôi không nghĩ BA.2 có tác động đáng kể đến làn sóng Omicron đang hoành hành ở nhiều khu vực trên thế giới. Một số quốc gia cũng đang ở gần hoặc đã vượt qua đỉnh dịch. Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu BA.2 có thể gây ra một làn sóng thứ hai ở thời điểm này. Ngay cả với khả năng lây nhiễm cao, có thể nó sẽ không gây tác động nhiều như Delta hay Omicron. Có thể nó sẽ lây lan chậm chạp và tinh vi hơn” - ông Peacock nói thêm.

 

''Các biến thể mới vẫn tiếp tục xuất hiện nhưng không đồng nghĩa với việc chúng sẽ trở nên nguy hiểm hơn. Mức độ nguy hiểm của biến thể mới sẽ chỉ được xác định sau khi các nhà khoa học tiến hành tìm hiểu thêm về cách thức hoạt động của nó.''


TS ERIC FEIGL-DING, Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS)

 

Khó khăn trong theo dõi BA.2

Biến thể BA.2 khó theo dõi và đặt ra những thách thức nhất định cho các nhà khoa học. Theo chuyên gia Florence Debarre thuộc Viện Sinh thái và khoa học môi trường Paris (Pháp), việc theo dõi đường lây lan của BA.2 đang gặp một số khó khăn nhất định vì đòi hỏi phải giải trình tự gen virus mất thời gian và tốn kém hơn một xét nghiệm PCR đơn thuần. BA.1 thiếu gen S và có thể bị phát hiện bằng xét nghiệm PCR. Trong khi đó, BA.2 có gen S nên cần giải trình tự gen, khó phát hiện hơn.

Theo ông Antoine Flahault, Giám đốc Viện Y tế toàn cầu thuộc ĐH Geneva (Thụy Sĩ), dù hiện tại BA.2 chưa được coi là biến thể đáng lo ngại, các nước vẫn cần cảnh giác và xem xét liệu người nhiễm Omicron có tái nhiễm BA.2 hay không. Ông nhấn mạnh rằng nhiều chuyên gia đã bất ngờ khi nhận thấy BA.2 có mức độ lây lan nhanh chóng ở một số quốc gia châu Âu.

Chuyên gia Meera Chand thuộc Cơ quan An ninh y tế Anh dự báo “chúng ta có thể sẽ tiếp tục chứng kiến các biến thể mới xuất hiện” vì “bản chất của virus là tiến hóa và đột biến”. Vì vậy, việc tìm ra cách theo dõi chúng hiệu quả nên là ưu tiên hàng đầu của giới khoa học quốc tế hiện nay, lý do là vẫn còn quá nhiều điều chưa chắc chắn về ảnh hưởng của các thay đổi bên trong hệ gen của virus SARS-CoV-2, theo ông.

 

Phát hiện thêm một biến thể khác lai Delta, Omicron

Hồi đầu tháng 1, các nhà khoa học thuộc ĐH Cyprus từng thông báo họ phát hiện ra một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, đặt tên tạm là Deltacron, mang các dấu hiệu di truyền của hai biến thể Omicron và Delta.

GS Leondios Kostrikis, một thành viên trong nhóm, cho biết ông và cộng sự đã phát hiện 25 trường hợp nhiễm Deltacron ở Cyprus. Trình tự gen virus của 25 ca đã được gửi tới GISAID, cơ sở dữ liệu quốc tế chuyên theo dõi thay đổi của virus SARS-CoV-2.

Hiện không rõ biến thể Deltacron có gây bệnh nặng hơn hay dễ lây lan hơn so với các biến thể Delta và Omicron hay không nhưng theo ông Kostrikis, biến thể này rồi cũng sẽ bị biến thể Omicron - vốn được cho rất dễ lây lan hơn mọi biến thể trước đó - áp đảo.

 

VĨ CƯỜNG

Nguồn: plo.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.