Chuyên mục
Giao kèo trị giá hàng trăm tỷ USD giữa Mỹ và Ukraine

Giao kèo trị giá hàng trăm tỷ USD giữa Mỹ và Ukraine

Thứ tư 26/02/2025 04:51 GMT + 7

Ukraine muốn dùng thỏa thuận khoáng sản để đổi lấy đảm bảo an ninh từ Mỹ, trong khi Washington nhìn thấy tiềm năng chiến lược về địa chính trị và kinh tế từ tài nguyên của Kyiv.

Ukraine đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ chính quyền Mỹ liên quan tới thỏa thuận khoáng sản. Ảnh: Reuters.

 

Olga Stefanishyna - Phó thủ tướng Ukraine phụ trách hội nhập châu Âu và Euro-Atlantic - cho biết Kyiv và Washington chuẩn bị ký một thỏa thuận về quyền tiếp cận của Mỹ với các mỏ khoáng sản của Ukraine.

“Các cuộc đàm phán mang tính xây dựng, với hầu hết chi tiết chính đã được hoàn thiện”, bà viết trên mạng xã hội X. “Chúng tôi cam kết nhanh chóng hoàn thành thỏa thuận để bắt đầu việc ký kết”.

Theo BBC, Ukraine đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ chính quyền Mỹ liên quan tới thỏa thuận khoáng sản. Chủ đề này trở thành trung tâm cho sự rạn nứt giữa những người đứng đầu hai nước.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lần đầu đề xuất thỏa thuận khoáng sản trong “kế hoạch chiến thắng” gửi tới ông Donald Trump - khi đó vẫn là ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa - hồi tháng 9/2024.

Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson nhận định thỏa thuận này “là giải thưởng lớn” vì sẽ đảm bảo “cam kết của Mỹ, dưới thời Donald Trump, về một Ukraine tự do, có chủ quyền và an toàn”.

Ukraine có những khoáng sản nào?

Kyiv ước tính khoảng 5% "nguyên liệu thô quan trọng" của thế giới nằm ở Ukraine. Với khoảng 19 triệu tấn trữ lượng than chì, Cơ quan Nhà nước Khảo sát Địa chất khẳng định Ukraine là “một trong 5 quốc gia hàng đầu” cung cấp khoáng sản này. Than chì được sử dụng trong sản xuất pin cho xe điện.

Ukraine cũng sở hữu 1/3 tổng số mỏ lithium của châu Âu, thành phần chính trong pin. Trước khi xung đột nổ ra, thị phần sản xuất titan toàn cầu của Ukraine, loại kim loại nhẹ ứng dụng trong chế tạo nhiều lĩnh vực từ máy bay đến nhà máy điện, là 7%.

Ngoài ra, Ukraine có mỏ kim loại đất hiếm - gồm 17 nguyên tố sử dụng trong sản xuất vũ khí, tua bin gió, thiết bị điện tử và các sản phẩm quan trọng khác.

Tuy nhiên, một số mỏ khoáng sản hiện thuộc quyền kiểm soát của Nga. Theo Bộ trưởng Kinh tế Yulia Svyrydenko, các vùng lãnh thổ Ukraine hiện do Nga kiểm soát có nguồn tài nguyên trị giá 350 tỷ USD.

Năm 2022, SecDev - công ty tư vấn rủi ro địa chính trị có trụ sở tại Canada - đánh giá Nga nắm 63% mỏ than và một nửa mỏ mangan, caesium, tantalum và đất hiếm của Ukraine.

 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tại Kyiv hôm 12/2. Ảnh: Reuters.

 

Tại sao Mỹ muốn khoáng sản Ukraine?

Tiến sĩ Robert Muggah, người đứng đầu SecDev, giải thích các khoáng sản quan trọng "là nền tảng của nền kinh tế thế kỷ XXI" khi đóng vai trò quan trọng trong năng lượng tái tạo, quân sự và cơ sở hạ tầng công nghiệp, cũng như "vai trò chiến lược ngày càng tăng về địa chính trị và địa kinh tế".

Ngoài ra, Mỹ hy vọng đạt được thỏa thuận tài nguyên khoáng sản của Ukraine vì muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, quốc gia kiểm soát 75% trữ lượng đất hiếm trên thế giới, theo Geological Investment Group. Vào tháng 12/2024, Trung Quốc cấm xuất khẩu một số khoáng sản đất hiếm sang Mỹ.

Hôm 24/2, trước chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Mike Waltz cho hay thỏa thuận này "liên quan tới tăng trưởng kinh tế và ràng buộc Mỹ với Ukraine tương lai".

Đã đàm phán gì cho đến nay?

Hôm 19/2, ông Zelensky bác bỏ yêu cầu chia sẻ 50% khoáng sản đất hiếm của Mỹ. Ông Trump cho rằng con số này phản ánh đúng số tiền Washington đã viện trợ cho Kyiv trong xung đột với Nga. “Tôi không thể bán đất nước chúng ta”, nhà lãnh đạo Ukraine nói.

Các điều khoản trong bản thảo thứ 2 đưa ra hôm 23/2 thậm chí còn cứng rắn hơn. Ông Zelensky cho biết thay vì chia 50/50, Mỹ giờ muốn kiểm soát toàn bộ.

Hồi đầu tháng 2, ông Trump khẳng định số tiền Mỹ viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine lên tới 500 tỷ USD, và ông muốn Mỹ được tiếp cận các khoáng sản có giá trị tương đương.

Trong khi đó, ông Zelensky nói Washington cung cấp cho Ukraine khoảng 100 tỷ USD. Kyiv nhấn mạnh số tiền này đến tay họ dưới dạng tài trợ chứ không phải cho vay, vì vậy Ukraine không có nghĩa vụ phải hoàn trả. Ông Zelenzky muốn mọi thỏa thuận cũng đi kèm với đảm bảo an ninh.

Iryna Suprun - CEO Geological Investment Group, công ty tư vấn khai thác có trụ sở tại Ukraine - cho hay việc phát triển các nguồn tài nguyên khoáng sản cực kỳ khó khăn và tốn kém. Do đó, bà lập luận nếu có thể thu hút giới đầu tư Mỹ phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Ukraine, nền kinh tế nước này sẽ hưởng lợi.


Trí Ân

Nguồn: znews.vn
0 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.