Chuyên mục
Đức hy vọng dự án khí đốt “Dòng chảy phương Nam” sớm được phục hồi
BÌNH LUẬN
Nga giong nhu mot con voi to lon neu choc gian no thi se phai tra gia rat dat

Đức hy vọng dự án khí đốt “Dòng chảy phương Nam” sớm được phục hồi

Thứ tư 10/12/2014 20:51 GMT + 7
Ngày 9/12, Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel bày tỏ hy vọng dự án khí đốt “Dòng chảy phương Nam” sẽ được phục hồi nếu căng thẳng Nga - Ukraine được xoa dịu. Phát biểu trước thềm khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng châu Âu ở Brussels (Bỉ), Phó Thủ tướng Đức khẳng định tầm quan trọng của dự án, đồng thời hối thúc các bên liên quan nối lại đàm phán để dự án này sớm được khôi phục.


Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel - Ảnh: AFP

Theo Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel: “Điều đáng tiếc là chính phủ Nga đã quyết định dừng dự án quan trọng này mặc dù có thể không phải là thảm họa đối với châu Âu. Tuy nhiên, đối với các quốc gia miền nam châu Âu thì đó là một dự án rất  quan trọng và  đã được chuẩn bị từ nhiều năm. Chúng tôi hi vọng rằng, một khi căng thẳng giữa Ukraine, Nga và châu Âu được giảm bớt, các bên nên sớm trở lại bàn đàm phán về vấn đề này".

Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bất ngờ quyết định hủy dự án khí đốt trị giá 40 tỷ USD mang tên “Dòng chảy phương Nam”. Dự án này là nguồn cung cấp khí đốt quan trọng trong tương lai cho các nước Nam Âu đi qua lãnh thổ Bungari. Thay vào đó, Tổng thống Putin đề xuất xây dựng một đường ống tương tự đến Thổ Nhĩ Kỳ và thiết lập một trung tâm khí đốt trên biên giới Thổ Nhĩ kỳ và Hy Lạp để cung cấp khí đốt cho châu Âu. 

"Dòng chảy phương Nam" là dự án đường ống dẫn khí đốt khổng lồ do Tập đoàn Gaz-prom của Nga đầu tư nhằm xuất khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga, xuyên qua Biển Đen, tới Trung và Nam Âu mà không qua Ukraine. Tập đoàn Gaz-prom nắm giữ 50% cổ phần dự án, phần còn lại là của các đối tác đến từ Italia, Đức và Pháp./.

Tổn thương nặng, Đức vẫn không buông tha Nga?

Mặc dù Đức đang là nước phải hứng chịu tổn thất nặng nề nhất từ chính những đòn trừng phạt mà họ cùng đồng minh tung ra đối với Nga và cả do đòn trả đũa của Nga nhưng có vẻ như Berlin vẫn sẵn sàng ra tay thêm nữa với Moscow.

Hơn một nửa doanh nghiệp Đức đang bị tổn thương bởi các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga và các biện pháp trả đũa từ Nga, Chủ tịch Phòng Thương mại Nga-Đức – ông Michael Harms hôm qua (9/12) đã cho biết như vậy tại một diễn đàn năng lượng.

Trong khi đó, có đến 3/4 đại diện doanh nghiệp Đức xem Nga là một thị trường tiềm năng và đầy hứa hẹn, ông Harms cho hay.

“Tuy nhiên, có đến 60% doanh nghiệp đang phải hứng chịu tác động tiêu cực từ các biện pháp trừng phạt của Liên minh Châu Âu (EU) nhằm vào Nga cũng như các biện pháp trả đũa của Nga. Đây là một điều tồi tệ đối với sự phát triển của quan hệ hợp tác giữa chúng ta”, vị quan chức kinh doanh người Đức phát biểu.

Ngoài ra, 72% doanh nghiệp Đức nói rằng các biện pháp trừng phạt Nga “không hiệu quả về mặt chính trị”, ông Harms nói thêm.

Theo lời Chủ tịch Phòng Thương mại Nga-Đức, mối quan hệ kinh tế giữa Nga và Đức cần phải được cài đặt lại. Ông Harms ca ngợi ý tưởng của giới lãnh đạo Nga trong việc thiết lập một vùng thương mại tự do từ Lisbon đến cảng Vladivostok ở Thái Bình Dương của Nga.

“Có lẽ, vào thời điểm này, chủ đề đó dường như không được quan tâm lắm do tình hình chính trị hiện tại, nhưng đây rõ ràng là một kế hoạch đúng đắn trước những thách thức của thời đại. Nếu chúng ta có thể tạo ra được một vùng thương mại tự do như thế một không gian kinh tế chung giữa Liên minh Kinh tế Âu-Á và Liên minh Châu Âu, thì điều đó sẽ tạo ra động lực to lớn cho sự hội nhập kinh tế chung của chúng ta”, ông Harms nhấn mạnh.

Đức được đánh giá sẽ là nước phải chịu tổn thương nhiều nhất từ những đòn trừng phạt được tung ra qua lại giữa Nga với Mỹ và Liên minh Châu Âu bởi giữa Đức và Nga có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ về kinh tế. Giá trị thương mại song phương giữa hai nước đạt khoảng 76 tỉ euro năm 2013. Ngoài ra, có khoảng 6.000 công ty Đức và hơn 300.000 công việc ở Đức đang phụ thuộc vào các đối tác Nga với tổng đầu tư lên tới 20 tỉ euro. Đức hiện tại cũng là nhà xuất khẩu sang Nga lớn nhất trong Liên minh Châu Âu (EU). Nhiều tập đoàn lớn hàng đầu của Đức như Volkswagen, BMW, MAN…đều đang có chi nhánh tại Nga và có kế hoạch đầu tư lớn vào thị trường Nga.

Đánh giá trên hoàn toàn chính xác. Các cuộc điều tra cho thấy, khu vực sản xuất của Đức đã sụt giảm thê thảm, xuống mức thấp nhất kể từ hồi tháng 6 năm 2013 vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Những con số đánh giá ngành sản xuất của Đức đã sụt giảm mạnh vào tháng 9 vừa rồi, xuống mức thấp nhất trong vòng 15 tháng qua.

Bất chấp thực tế về việc các doanh nghiệp Đức đã “lãnh đủ” trong cuộc chiến trừng phạt giữa Nga và phương Tây cũng như bất chấp việc các doanh nghiệp Đức vẫn thèm khát thị trường Nga, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày hôm qua vẫn cứng rắn tuyên bố, bà không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.

“Các biện pháp trừng phạt thêm nữa sẽ được áp dụng nếu điều đó là không thể tránh khỏi”, bà Merkel cho biết. Nữ Thủ tướng quyền lực của nước Đức nhấn mạnh, bà không có ý định giảm áp lực đối với Nga trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị đang tiếp diễn ở Ukraine.

Nga lần đầu bày tỏ lo ngại về Thủ tướng Đức

Nga hôm qua cho biết, nước này thực sự quan ngại với cách ứng xử của giới lãnh đạo Đức đồng thời cảnh báo Châu Âu sẽ phải “hứng chịu đủ” nếu Berlin ngừng đóng vai trò mang tính xây dựng trong mối quan hệ giữa Moscow và phương Tây.

Dưới thời Thủ tướng Đức Angela Merkel, Berlin đã đóng vai trò dẫn đầu trong việc thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia hợp tác với phương Tây trong suốt quá trình diễn ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine nhưng trong mấy tuần trở lại đây, bà Merkel đã tăng cường chĩa mũi dùi chỉ trích nhằm vào Moscow.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua đã phát đi thông điệp rằng, các nước đừng tìm cách dạy dỗ Moscow và rằng sự kiên nhẫn của Nga sắp hết.
  
"Chúng tôi không thể không bày tỏ quan ngại về những gì mà các đồng nghiệp Đức đang làm”, ông Lavrov cho biết tại một cuộc họp báo sau các cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders.

"Đức vốn có truyền thống đóng vai trò mang tính xây dựng liên quan đến mối quan hệ giữa EU với Nga cũng như phương Tây nói chung với Nga. Nếu Đức quyết định tiến tới việc chỉ ra lệnh thì Châu Âu chẳng được lợi gì và Đức cũng vậy”, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga nhấn mạnh.

Đức với Nga trước đây vốn là những người bạn thân thiết hàng đầu Châu Âu. Quan hệ giữa hai nước không chỉ dựa trên tình cảm gắn bó về mặt lịch sử, địa lý mà còn dựa trên lợi ích kinh tế to lớn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người ta chứng kiến quan hệ giữa hai người bạn thân Nga và Đức sứt mẻ chưa từng thấy. Tất cả đều xuất phát từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Theo NTD


Bulgaria cuống cuồng níu kéo 'Dòng chảy phương Nam' trong vô vọng

Bulgaria tuyên bố vẫn thúc đẩy dự án “Dòng chảy phương Nam”, bất kể sự ngăn cản của EU nhưng có vẻ những nỗ lực của nước này là đã muộn.

Theo hãng thông tấn Nga TASS, Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov vừa tuyên bố nước này vẫn quyết định thúc đẩy dự án xây dựng "Dòng chảy phương Nam" của Nga trên cơ sở hài hòa các lợi ích của Nga và nước này mà vẫn tuân thủ các quy định châu Âu.

"Tôi tiếp tục ủng hộ quan điểm "Dòng chảy phương Nam" đi qua lãnh thổ Bulgaria, vì đường ống này rất hữu ích cho đất nước. Vì vậy, ngày 9-12 chúng tôi đã cử Phó Thủ tướng Tomislav Donchev và Bộ trưởng Năng lượng Temenujka Petkov tới Brussels" - người đứng đầu chính phủ Bungari cho biết.

Ông Borisov tuyên bố nước này vẫn sẽ thúc đẩy việc tiếp tục xây dựng "Dòng chảy phương Nam" (“South Stream”) và lí giải nguyên nhân Bulgaria cương quyết theo đuổi dự án hợp tác khí đốt này với Nga bởi họ có thể bị mất đến 750 triệu USD/năm do dự án vận chuyển khí đốt bị ngừng lại.

Trước đó, cựu Bộ trưởng Năng lượng Rumen Ovcharov cũng tuyên bố rằng nước này sẽ gánh chịu rất nhiều thiệt thòi do việc Nga dừng kế hoạch xây dựng tuyến đường ống “South Stream” và chuyển sang xây dựng tuyến đường ống mới ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuần trước, Nga đã đình chỉ dự án xây dựng đường ống "Dòng chảy phương Nam" vào ngày 1 tháng 12, sau chuyến thăm Ankara của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo Tổng thống Nga, dự án không thể tiếp tục trong môi trường hiện tại do bị EU “chèn ép”.

Ông Putin nói rằng Nga dự định xây dựng một hệ thống đường ống mới, nhằm vào các thị trường khác, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ. Do tuyến ống xuyên biển Đen sẽ chạy trên đất Thổ Nhĩ Kỳ nên Ankara sẽ nhận được rất nhiều lợi ích do Moscow ưu đãi như giảm giá khí đốt, tiền phí trung chuyển khí đốt qua các nước châu Âu…

Thỏa thuận đạt được như sau: Từ ngày 01-01-2015, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mua khí đốt của Nga với giá giảm 6% và Nga sẽ xây dựng tuyến đường ống đến Thổ Nhĩ Kỳ với công suất mới là 63 tỷ mét khối mỗi năm. Thỏa thuận này còn kèm theo những bí ẩn trong quan hệ giữa Moscow và Ankara về vấn đề Syria.

Đường ống dẫn khí đốt này sẽ thay thế cho South Stream, theo đó Thổ Nhĩ Kỳ sau khi tiếp nhận, sẽ xây dựng một kho gas ngầm khổng lồ sát biên giới Hy Lạp vừa giải quyết được vấn đề an ninh năng lượng, vừa là một trung tâm phân phối năng lượng cho các quốc gia Nam Âu và vùng Balkan…

Nếu Nga đình chỉ “South Stream”, 7 thành viên của EU gồm Bulgaria, Serbia, Hungary, Slovenia, Italy, Croatia, Áo, đặc biệt là Bulgaria, Serbia và Hungary sẽ bị thiệt hại nặng nề do phải mua khí đốt với giá cao hơn do việc tăng chi phí xây dựng tuyến đường ống mới xa hơn.

Riêng với Bulgaria, hủy bỏ dự án này có thể khiến nước này mất đi nhiều lợi ích, trong đó, riêng nguồn thu ngân sách từ phí trung chuyển khí đốt và giá bán ưu đãi tới vài chục phần trăm của Nga. Điều này đã khiến không chỉ Bulgaria mà tất cả các nước nam Âu bồn chồn lo lắng.

Tuy nhiên, dù Bulgaria có cương quyết thực hiện và các nước Nam Âu có phản đối và đòi EU phải thay đổi thái độ với Nga thì họ cũng cần hỏi xem Moscow có đồng ý tiếp tục kế hoạch không đã, bởi nước này đã đạt được thỏa thuận hết sức hấp dẫn với Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến thăm Ankara của ông Putin.

Theo thông tin mới nhất, người phát ngôn của Tập đoàn khí đốt quốc gia Nga Gazprom, ông Sergei Kuprianov vừa tuyên bố, Tập đoàn này sẽ thành lập một công ty để xây dựng tuyến đường ống khí đốt tới Thổ Nhĩ Kỳ và có thể lập một trung tâm trung chuyển khí đốt trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp để cung cấp mặt hàng này cho châu Âu.

Trong một thông cáo, Tập đoàn cho biết, công ty mới sẽ được đăng ký tại thành phố St. Petersburg với tên gọi "Gazprom Russkaya" chuyên đảm nhận kế hoạch xây dựng một đường ống khí đốt tới Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cũng cho biết, quyết định thành lập công ty này được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Vladimir Putin công bố dự án mới này.

Trước động thái mới nhất này của phía Nga, không biết Bulgaria có níu kéo được “Dòng chảy phương nam” về phía mình?

Toàn Thắng
Theo Baodatviet.vn

Nguồn: vov.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.