Chuyên mục
“Dấu ấn Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh ở Liên Xô” (phỏng vấn nhà văn Việt Nam học Evgheni Kobelev về những họa động của Bác Hồ ở Liên Xô cách đây 90 năm)
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

“Dấu ấn Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh ở Liên Xô” (phỏng vấn nhà văn Việt Nam học Evgheni Kobelev về những họa động của Bác Hồ ở Liên Xô cách đây 90 năm)

Thứ năm 16/05/2013 08:51 GMT + 7
Thưa quý vị và các bạn, trong chặng đường bôn ba, hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tìm đường cứu nước, quãng thời gian Người đến Liên Xô lần đầu tiên, học tập và hoạt động trong Quốc tế cộng sản với cái tên lúc đó là Nguyễn Ái Quốc có ý nghĩa rất quan trọng. Nhân kỷ niệm lần thứ 123 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là hướng tới kỷ niệm tròn 90 năm Người đến Liên Xô lần đầu tiên vào ngày 30/6/1923, phóng viên Đài TNVN thường trú tại LB Nga phỏng vấn nhà Việt Nam học Ev-ghê-nhi Kô-bê-lev về những dấu ấn Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trên quê hương Cách mạng Tháng Mười. Mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Phóng viên: Thưa ông, về Chủ tịch Hồ Chí Minh ông đã viết không ít sách, báo và đặc biệt trong số đó có cuốn sách nhan đề “Hồ Chí Minh” xuất bản đã lâu và được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau. Thưa ông, điều gì khiến ông ấn tượng nhất khi viết cuốn sách đó?

Ông Kôbêlev:  Vào những năm 1964 đến 1967 tôi làm phóng viên thường trú TASS tại Việt Nam, khi đó cuộc chiến tranh đã bắt đầu ác liệt. Tôi đã may mắn có rất nhiều dịp được gặp Chủ tịch HCM, đó là những dịp hội nghị quan trọng... Nhưng có một lần gặp mặt mà tôi rất có ấn tượng, đó là vào năm 1966, tại Tòa nhà Quốc hội ở Quảng trường Ba Đình, khi đó diễn ra Đại hội Thi đua Yêu nước. Sau khi trao tặng Huân chương cho các anh hùng, Bác Hồ đã phát biểu và nói rằng, Đế Quốc Mỹ đang cố xâm chiếm nước ta nhưng chúng sẽ không thể làm được điều đó bởi chúng ta đã và sẽ còn sinh ra nhiều hơn nữa những người anh hùng như thế này... Rồi những lời phát biểu của Người năm sau đó, khi Đế Quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc rằng: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa... Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố khác có thể bị phát hủy... song (nói tiếng Việt) “không có gì quý hơn Độc lập – Tự do... ” Và điều đó đã thành hiện thực sau này với chiến thắng của nhân dân Việt Nam. 

Về sau, nhiều người đã khuyên tôi nên tập hợp các bài viết và viết sách về Hồ Chí Minh. Tôi đã làm một công trình nghiên cứu mang tính khoa học và đến năm 1968 thì ra cuốn sách dày 360 trang về cả cuộc đời hoạt động của HCM với những ấn tượng rất sâu sắc của tôi về Người đã được xuất bản. Cuốn sách đã thu được lượng lớn độc giả và đến 1983 nó đã được tái bản lần thứ hai và đạt con số kỷ lục số bản ấn hành với 200 nghìn cuốn, con số không thể tưởng tượng được ở cả thời kỳ Liên Xô khi đó, cũng như ở nước Nga và Việt Nam hiện nay. 

Phóng viên:  Vâng, thưa ông, trong cuốn sách ấy ông có viết gì không về quãng thời gian lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn mang tên Nguyễn Ái Quốc và là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp đã sang Liên Xô để học tập và công tác tại Quốc tế Cộng sản?

Ông Kôbêlev: Tôi đã viết rất kỹ sự kiện này trong cuốn sách của tôi về Hồ Chí Minh: đó là ngày 30/6/1923 Người đã đến Pêt’rôgrad rồi từ đó, 2 tháng sau thì Người đến Mat-xcơ-va. Trước đến nay, cả các tác giả Việt Nam lẫn người nước ngoài đã có những thông tin không chính xác rằng, vào ngày 21/1/1924 HCM đến Liên Xô, tức là ngày Lênin mất là lần đầu tiên. Nhưng qua tìm hiểu kỹ thì tôi phát hiện ra một tài liệu ghi rất rõ sự kiện Hồ Chí Minh – Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên đến Liên Xô. Có một chi tiết thế này: Từ thời điểm đó, trên báo chí Mat-xcơ-va có xuất hiện nhiều bài báo về một người trẻ tuổi, đại diện cho các dân tộc thuộc địa ở Đông Dương... chính là Nguyễn Ái Quốc. Vào ngày 1/5/1924, tại diễn đàn của cuộc mít tinh chào mừng Ngày Quốc tế Lao động trên Quảng trường Đỏ, Hồ Chí Minh khi đó đã công tác tại Quốc tế Cộng sản, được cử phát biểu chào mừng những người tham gia Mít tinh. Đến cuối tháng 5, Người đã đại diện nhóm đảng viên Đảng cộng sản Pháp trao cho công nhân Nga lá cờ của Công xã Pari với ý nghĩa: Mặc dù Công xã Pari bị thất bại nhưng tinh thần của nó vẫn sống và sẽ được tiếp nối. Và như thế, Hồ Chí Minh đã có mặt ở Nga và làm những công việc quan trọng ấy.

Phóng viên: Quãng thời gian học tập và hoạt động tại Quốc tế Cộng sản lần đầu tiên ấy đã được đánh giá có ý nghĩa như thế nào trong việc hình thành và hoàn thiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về con đường giải phóng dân tộc thuộc địa, thưa ông?

Ông Kôbêlev trả lời: Khi đến Liên Xô thì Hồ Chí Minh là thành viên của Đảng Cộng sản Pháp, còn ở Đảng CS Pháp Người phụ trách công việc của Ban Đông Dương. Bởi thế, nhìn chung, trong con người Hồ Chí Minh thời đó đã mang một quyết tâm là làm thể nào để giải phóng Việt Nam khỏi ách đô hộ của Thực dân Pháp. Nhưng khi đó kiến thức của Người còn chưa đầy đủ. Và khi Người đến Mat-xcơ-va, nhất là từ khi Người đã làm việc tại Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản hơn 1 năm (từ tháng 10/1923) và học tại Đại học Phương Đông từ tháng 3/1924... thì kiến thức của Người về cách làm thể nào để giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của thực dân đã hình thành và hoàn thiện. Như vậy, có thể nói, sau hơn 1 năm rưỡi có mặt tại Liên Xô, chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, một người cộng sản... đã có những kiến thức cơ bản về việc thế nào là đấu tranh cách mạng, vì mục tiêu gì mà tiến hành đấu tranh. Sau đó, vào những năm 1925 - 1926 Người đã làm việc trong nhóm những nhà cách mạng Việt Nam để rồi sau đó, vào năm 1930 thành lập nên chính Đảng của các nước Đông Dương.

Phóng viên: Thưa ông, qua những gì chúng ta vừa trao đổi, có thể nói sự có mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Liên Xô, ở nước Nga là khá sâu đậm. Vậy có những dấu ấn gì của Hồ Chí Minh ở Liên Xô còn đến ngày hôm nay?

Ông Kôbêlev trả lời: Khi công tác tại Ban Đối ngoại TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô, qua tìm hiểu các tư liệu, tôi đã biết rất rõ rằng, tại tòa nhà ở trung tâm Thủ đô Mat-xcơ-va, nơi là trụ sở của Quốc tế Cộng sản, từ tháng 10/1923 đến tháng 11/1924, đồng chí HCM đã làm việc tại Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Vào dịp chuẩn bị kỷ niệm tròn 100 năm sinh Chủ tịch HCM, tôi đã viết một lá thư nói về mong muốn của nhiều người về hoạt động kỷ niệm trọng thể ngày sinh lần thứ 100 của HCM và gắn với việc HCM đã từng sống và làm việc tại Liên Xô, trong Quốc tế Cộng sản đặt tại tòa nhà từng là trụ sở này. Tôi đã được giao viết nội dung tấm biển và thế là vào đúng tháng 5/1990, một tấm bảng đá khắc ghi sự kiện quan trọng được gắn lên với nội dung “Trong các năm 1923, 1924, một nhà hoạt động quốc tế cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc xuất sắc, người thành lập Đảng CS VN Hồ Chí Minh đã làm việc tại tòa nhà này”.

Ngoài ra, phía trong tường điện Kremlin, nhìn từ đây chúng ta cũng có thể thấy tòa nhà Quốc hội Nga. Tại đây vào năm 1961 diễn ra Đại hội Đảng CSLX lần thứ 22 và rất hiếm hoi có sự tham dự của đoàn đại biểu Đảng CS VN do đồng chí HCM dẫn đầu. Khi đó, mặc dù tôi mới tốt nghiệp ở Việt Nam về và đã được cử làm phiên dịch cho HCM. Tôi nhớ mãi câu chuyện là khi đến đoạn cuối bài phát biểu của mình, HCM đã đọc bằng tiếng Nga khá tốt. Bài phát biểu của ông được mọi người rất hoan nghênh, không chỉ bởi những lời tốt đẹp Người dành chúc mừng Đại hội mà còn vì Người nói tiếng Nga rất hay. 

Phóng viên: Vâng, và thưa ông, quần thể Tượng đài và Quảng trường Hồ Chí Minh ở gần trung tâm Thủ đô Mat-xcơ-va cũng đã được xây dựng như một minh chứng về sự có mặt và gắn bó của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Liên Xô, với nước Nga?

Ông Kôbêlev trả lời: Một vài năm sau khi CT Hồ Chí Minh qua đời, Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã quyết định sẽ xây dựng tượng đài HCM ở Mat-xcơ-va. Thiết kế tượng đài được giao cho một kiến trúc sư nổi tiếng của Liên Xô thời đó, ông Tsư-gan... Và thế là bức tượng như chúng ta đang đứng cạnh đây đã hình thành. Vào năm 1990, đúng ngày sinh lần thứ 100 của Hồ Chí Minh, một đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Đào Duy Tùng dẫn đầu đã sang thăm Liên Xô và dự lễ khánh thành tượng đài này. Khi đó tôi phụ trách đơn vị làm việc với các nước Đông Dương của Ban Đối Ngoại Trung ương Đảng CS Liên Xô. Tôi vẫn còn những tấm ảnh ghi lại sự kiện này. Rất đông đảo người dân đã tới tham dự lễ khánh thành. Khi đó ở đây mới chỉ có bức tượng đài và quảng trường phía trước đã được đổi tên thành Quảng trường Hồ Chí Minh. Về sau, thêm rất nhiều cây xanh được trồng, khuôn viên bên cạnh cũng được sửa sang, xây dựng... Nơi đây đã trở thành một nơi lui tới thường xuyên của nhiều người dân xung quanh. Hàng năm cứ vào những dịp lễ lớn thì thành viên của Hội Hữu nghị Nga – Việt, các hội, viện... có liên quan đến Việt Nam lại đến đây đặt hoa viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phóng viên: Thưa ông, vậy ngoài những lưu niệm Hồ Chí Minh ở thủ đô Mat-xcơ-va thì dấu ấn Hồ Chí Minh còn có ở đâu nữa trên đất nước Nga mà ông biết?

Ông Kôbêlev trả lời: Có một điều nữa cũng phải nói: Có lẽ HCM là một nhà lãnh đạo cấp cao duy nhất đã đến thăm tất cả các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây. Bởi vậy, ở hầu hết các nước cộng hòa thuộc SNG ngày nay đều dường như có sự hiện diện của Người. Ở nước Nga cũng thế, ví dụ ở Sô-chi có một công viên Hữu nghị và ai đến thăm công viên đó cũng đều tham gia trồng một cây lưu niệm. Hồ Chí  Minh cũng đã đến thăm và đến nay, ở đó vẫn có cây lưu niệm mà Bác trồng. 

Có một nơi nữa, vào năm 2009 tôi có nhận được bức thư từ Vlađivostôc trong đó giới thiệu là người ta vừa khai trương gắn biển tại nhà ga xe lửa, nơi mà Chủ tịch HCM và các bạn Việt Nam khi đến nước Nga Xô Viết đều đến nhà ga này. Tấm biển có ghi nội dung là: (Đọc bằng tiếng Việt) “Trong những năm 24, 27 và 34 của thế kỷ trước, HCM, nhà hoạt động xuất sắc của phong trào giải phóng dân tộc, Anh Hùng dân tộc, Nhà văn hóa lớn của nhân dân VN, người đã dựng nên cơ sở vững chắc của tình hữu nghị Nga – Việt, đã nhiều lần đến và đi về từ nhà ga này.

Ngoài ra, ở nước Nga cũng còn có những kỷ vật gắn với HCM như con tàu thủy mang tên HCM ở Na-khôt-ka, Con đường mang tên HCM ở thành phố Brian-xcơ.

Phóng viên: Chúng tôi được biết là ngay tại nhà của ông cũng còn lưu giữ khá nhiều hiện vật quý liên quan đến Việt Nam, đặc biệt là liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông có thể giới thiệu cho chúng tôi biết?

Ông Kôbêlev trả lời:  Tại nhà tôi, trong phòng khách, tôi cũng đã cố gắng xây dựng thành một không gian Việt Nam: Tất cả các bức tranh trong phòng đều là của Việt Nam hoặc tôi đã mua ở VN... Kia là bức tượng HCM mà tôi được tặng trong một dịp dự hội thảo quốc tế về HCM. Đặc biệt quý giá nhất đối với tôi đó là những cuốn sách (nói tiếng Việt)“Đồng chí Hồ Chí Minh” được xuất bản những lần khác nhau cả tiếng Nga, tiếng Việt cũng như các thứ tiếng khác... Cuốn sách đã từng được tái bản lần thứ hai với dòng chữ tái bản và bổ sung... Nhà xuất bản Thanh niên cùng thời gian đó cũng xuất bản bản tiếng Việt (2 tập) và cuốn sách nhanh chóng được nhiều nước quan tâm, dịch và xuất bản ở nước mình như Mông cổ, Ka-zăc-stan, Bungari, Lào, Séc... Rồi NXB sự thật có xuất bản cuốn tiếng Anh và tiếng Việt với chân dung tác giả là tôi đây...

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn ông về những thông tin quý này!











(Điệp Anh, Đoan Hải - VOV Moscow, 5/2013)
Nguồn: vov.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.