Chuyên mục
Cơn bão chỉ trích tấn công dồn dập 'chính sách ngoại giao ngẫu hứng' của Tổng thống Trump hậu G-20
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Cơn bão chỉ trích tấn công dồn dập 'chính sách ngoại giao ngẫu hứng' của Tổng thống Trump hậu G-20

Thứ hai 01/07/2019 03:47 GMT + 7
Các diễn biến tại G-20 cũng như cuộc gặp ngẫu hứng với ông Kim Jong-un khiến Tổng thống Trump trở thành mục tiêu công kích của các chính khách Mỹ.

Chiều 30/6, Tổng thống Trump lên chuyên cơ rời Hàn Quốc trở về Washington, kết thúc chuyến công du châu Á kéo dài 4 ngày.

Trong chưa đầy 1 tuần lưu lại châu Á, nhà lãnh đạo Mỹ dành 2 ngày tại Nhật Bản, tham gia Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và 2 ngày công du Hàn Quốc.

Tại Osaka, ông nhóm họp với lãnh đạo 9 nước. Nhưng nội dung của 2 trong số các cuộc gặp đó, 1 với Thái tử Ả-rập Xê-út, 1 với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khiến ông trở thành mục tiêu công kích tại quê nhà.

Trong bữa sáng với Thái tử Mohammed bin Salman hôm 28/6, ông Trump ca ngợi vị Thái tử quyền lực của Ả-rập Xê-út vì nỗ lực mở cửa đất nước bằng các cải cách kinh tế và xã hội trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua và gọi ông này là bạn.

Sau cuộc gặp, ông nhấn mạnh bản thân hết sức giận dữ trước vụ nhà báo Ả-rập Xê-út Jamal Khashoggi bị sát hại, nhưng khẳng định ông bin Salman không phải là thủ phạm.

Trong buổi chụp hình gia đình sau đó, ông Trump được nhìn thấy tươi cười trò chuyện với vị Thái tử Ả-rập. Tại một phiên họp của G-20 một ngày sau đó, Tổng thống Mỹ có hành động đùa vui với ông bin Salman khi đi qua ông này, vỗ vai nhưng lờ đi khiến vị thái tử Ả-rập nhìn theo hướng ngược lại mà không phát hiện ai vừa vỗ vai mình.

Những cử chỉ thân mật đó khiến các nghị sỹ Mỹ giận dữ. Họ tức giận vì cho rằng Tổng thống Trump dường như làm ngơ trước nghị quyết mà Thượng viện Mỹ đưa ra hồi cuối năm 2018 nêu rõ Thái tử Salman phải chịu trách nhiệm cho vụ giết sát hại nhà báo bất đồng chính kiến cũng như kết luận tương tự trong báo cáo được Liên hợp quốc công bố giữa tháng 6.

Tới cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 29/6, ông Trump thừa nhận tình hình xung quanh thỏa thuận mua S-400 Thổ Nhĩ Kỳ rất phức tạp và để ngỏ khả năng miễn trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp việc Ankara vẫn đang theo đuổi hợp đồng mua bán hệ thống S-400 của Nga.

Thậm chí ông chủ Nhà Trắng còn đổ lỗi cho người tiền nhiệm Barack Obama đã đặt điều kiện khi Ankara ngỏ ý mua hệ thống Patriot khiến nước này chuyển sang S-400.

Tổng thống Erdogan và Tổng thống Trump. (Ảnh: Getty)

Sau cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ, ông Erdogan khẳng định đích thân ông Trump xác nhận với ông rằng sẽ không còn lệnh trừng phạt từ phía Mỹ.

“Chúng tôi nghe điều này từ chính ông ấy. Hai nước là đối tác chiến lược, không ai có quyền can thiệp vào chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ. Mọi người nên hiểu”, Tổng thống Erdogan nói.

Ngay sau tuyên bố này của ông Erdogan, các quan chức Mỹ không tiếc lời chỉ trích nhà lãnh đạo của họ. Đa số cho rằng cách tiếp cận ngẫu hứng, không nhất quán, mơ hồ của ông đang làm phức tạp thêm khả năng của họ trong việc buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải nhượng bộ, khiến ông Erdogan từ bỏ hệ thống S-400 của Nga.

2 cuộc gặp đó chưa phải là tất cả. Tại cuộc họp báo sau thượng đỉnh G-20, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ cho phép tập đoàn Huawei của Trung Quốc tiếp tục mua các sản phẩm công nghệ cao từ các công ty Mỹ.

"Tôi đồng ý để các công ty Mỹ tiếp tục bán các sản phẩm cho Huawei. Chúng ta sẽ tiếp tục bán hàng cho họ", ông Trump nói dù khẳng định sẽ không đưa gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc ra khỏi danh sách các công ty nước ngoài có thể làm suy yếu an ninh Mỹ. Ông Trump nhấn mạnh rằng quyết định này là một sự "thiên vị cá nhân" đối với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Nhiều nghị sỹ Mỹ bất mãn với động thái nhượng bộ này. Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Marco Rubio thậm chí gọi quyết định của ông Trump là một "sai lầm thảm khốc".

"Nếu ông Trump đảo ngược các lệnh trừng phạt gần đây với Huawei, đó sẽ là một sai lầm thảm khốc. Quyết định này sẽ phá hủy sự tín nhiệm của chính quyền của ông. Sẽ không còn ai nghiêm túc đánh giá các cảnh báo về mối đe dọa của Huawei nữa", ông Rubio nói.

Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau ở biên giới liên Triều. (Ảnh: Yonhap)

Những chỉ trích cuối cùng nhằm vào Tổng thống Trump xuất phát từ cuộc gặp ngẫu hứng của ông tại biên giới liên Triều với Chủ tịch Kim Jong-un. Bất chấp việc ông Trump trở thành Tổng thống đương nhiệm đầu tiên đặt chân tới lãnh thổ Triều Tiên và cuộc gặp giúp nối lại đối thoại giữa 2 bên, nhiều nghị sỹ Mỹ cho rằng những gì diễn ra ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm không có gì hơn ngoài những tấm hình đánh bóng hình tượng và để phục vụ cho chiến dịch tái tranh cử của ông Trump.

"Quan hệ ngoại giao đòi hỏi nhiều thứ hơn là trò chuyện", thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Amy Klobuchar cho hay.

"Mỹ cần phải chắc chắn rằng các kết quả phải đo lường được và rằng chúng tôi có một kế hoạch khi chúng tôi đến đó. Nhưng thực tế là chúng tôi chẳng thấy gì cả", bà nói trong cuộc phỏng vấn trên PBS hôm 30/6.

Song Hy (Theo Bloomberg)
Nguồn: vtc.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.