Chuyên mục
Ấn Độ đòi lại viên kim cương trên vương miện Nữ hoàng Anh

Ấn Độ đòi lại viên kim cương trên vương miện Nữ hoàng Anh

Thứ sáu 14/10/2022 17:30 GMT + 7

Cuộc chiến pháp lý về việc ai là 'chủ sở hữu' của viên kim cương Koh-i-Noor một lần nữa nóng trở lại sau khi Nữ hoàng Anh Elizabeth II băng hà.


Cuộc chiến pháp lý về việc ai là “chủ sở hữu” của viên kim cương Koh-i-Noor một lần nữa nóng trở lại sau khi Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời.

Theo một số nguồn tin, Vương hậu Camilla có thể sẽ không đội vương miện Nữ hoàng để tránh làm “mất lòng" Ấn Độ trong lễ đăng quang của Vua Charles III, Washington Post đưa tin.

Khi được phóng viên hỏi về vấn đề này trong cuộc họp báo 13/10, đại diện chính phủ Anh cho biết điều này hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của Hoàng gia Anh.

Về phía Hoàng gia Anh, cung điện Buckingham vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức về việc này.

 

Vương miện Nữ Hoàng Anh với viên kim cương Koh-i-Noor trên đỉnh được đặt trên linh cửu Hoàng thái hậu Elizabeth ngày 9/4/2002. (Ảnh: Alastair Grant/AP).


Chủ cũ muốn lấy lại viên kim cương Koh-i-Noor

Viên kim cương Koh-i-Noor được phát hiện tại Ấn Độ và thuộc sở hữu của Maharaja Ranjit Singh, vị vua đầu tiên của vùng Ngũ Hà (vùng nằm giữa Ấn Độ - Pakistan ngày nay). Người thừa kế viên đá đã “tặng” nó cho Nữ hoàng Victoria vào năm 1850 sau khi Đế chế Sikh bị người Anh đánh bại.

Viên kim cương có kích thước bằng một quả trứng nhỏ, hiện đang gắn trên vương miện Nữ hoàng Anh. Vương miện thường được trưng bày tại tòa Tháp London. Lần cuối viên kim cương xuất hiện trước công chúng là vào năm 2002, trong lễ tang của Hoàng thái hậu Elizabeth, cũng là người cuối cùng đội nó. Trong lễ tang, vương miện được đặt trên gối nhung tím nằm trên linh cửu của bà.

Nhiều người cho rằng Hoàng hậu Camilla sẽ đội vương miện vào lễ đăng quang Charles III giống như các Vương hậu trước đây. Nghi lễ dự kiện sẽ diễn ra vào tháng 5/2023.

Từ sau đám tang của Nữ hoàng Elizabeth II, Ấn Độ đã nhiều lần yêu cầu trả lại viên kim cương. Pakistan, Bangladesh và Afghanistan cũng tuyên bố quyền sở hữu đối với Koh-i-Noor, vốn thuộc sở hữu của nhiều vị vua, lãnh chúa, trong đó có các Hoàng đế Mughal, trước khi thuộc về Hoàng gia Anh.

Ngoại trưởng Anh James Cleverly trả lời tờ Sky News rằng Hoàng gia Anh đang xem xét về việc có sử dụng viên kim cương trong lễ đăng quang hay không và “Điện Buckingham luôn ghi nhận mọi ý kiến của công chúng".



Bản sao của viên kim cương Koh-i-Noor được trưng bày tạo bảo tàng Công tước xứ Wales ở Mumbai. (Ảnh: Wikipedia).


Trả lại kim cương Koh-i-Noor sẽ tạo ra ngoại lệ

Rakesh Sinha, một nhà lập pháp tại Ấn Độ, cho rằng viên kim cương là biểu tượng cho một giai đoạn đáng quên của nước Anh, và viên kim cương nên được trả lại như là một cách đền bù cho người dân Ấn Độ. Ông cũng bày tỏ rằng, việc viên kim cương được đính lên vương miện của Vương hậu Camilla “thể hiện rằng người dân và chính phủ Anh đang tiếp tục di sản chủ nghĩa thực dân" và “việc này tượng trưng cho quá khứ bóc lột Ấn Độ của người Anh. Thật đáng tiếc là họ không sẵn sàng sửa chữa quá khứ của mình và mang viên kim cương bị đánh cắp nhằm thể hiện vương quyền”.

Dalrymple, đồng tác giả của cuốn sách “Koh-i-Noor - viên đá khét tiếng nhất thế giới" phát biểu: “Người dân tại Ấn Độ đều biết về viên kim cương và muốn giành nó lại. Rõ ràng đây là vấn đề rất quan trọng với Ấn Độ cũng như Pakistan, Bangladesh, Iran và Afghanistan”. Tuy nhiên hầu hết người dân Anh đều không biết về những tranh cãi xoay xung quanh viên đá này, một phần do các chương trình tại trường học không giảng dạy sâu về thời kỳ Đế quốc của Anh.

Ông cũng cho rằng sẽ “rất đáng hoan nghênh nếu viên đá không được sử dụng” và Hoàng gia Anh sẽ “càng được hoan nghênh hơn nếu trả lại” viên Koh-i-Noor.

Tranh cãi xoay quanh viên kim cương Koh-i-Noor diễn ra vào thời điểm Anh và Ấn Độ tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại, đề tài rất được quan tâm tại Anh sau Brexit.

 

Viên kim cương Koh-i-Noor đặt Hoàng gia Anh vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. (Ảnh: The TImes).


Trước đó, vào tháng Tư, hai bên cho biết muốn kết thúc đàm phán vào ngày lễ Diwali 24/10. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho biết cuộc đàm phán đã gặp trở ngại khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Suella Braverman bày tỏ quan ngại về vấn đề nhập cư.

Sau chuyến thăm Ấn Độ vào năm 2010, cựu Thủ tướng Anh David Cameron đã trả lời yêu cầu trả lại viên đá quý rằng: “Nếu chúng tôi nói “có" với một yêu cầu, toàn bộ Bảo tàng Anh quốc sẽ trống trơn” .

Vì có nhiều quốc gia tuyên bố chủ quyền với Koh-i-Noor, nếu Anh quyết định trả lại thì vấn đề sẽ là bên nào sẽ nhận được viên đá này?

Nước Anh bị đánh giá là luôn trì hoãn việc trong những nỗ lực trả lại di vật và cổ vật mang tính biểu tượng của nhiều quốc gia. Ai Cập cũng yêu cầu nước Anh gửi trả bộ sưu tập điêu khắc Elgin Marbles.

Thủ tướng Anh Liz Truss phát biểu rằng bà “không ủng hộ" việc trả lại bộ sưu tập này.


Hoàng Linh - Trà Khánh (Theo: The Washington Post)

Nguồn: vtc.vn
29 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.