Chuyên mục
Tương quan lực lượng hạt nhân của Nga và NATO

Tương quan lực lượng hạt nhân của Nga và NATO

Chủ nhật 26/05/2024 17:20 GMT + 7

Ngày 22/5/2024, Pháp đã tiến hành cuộc thử nghiệm đầu tiên đối với tên lửa ASMPA nâng cấp có khả năng mang đầu đạt hạt nhân và một ngày trước đó Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố bắt đầu cuộc tập trận lực lượng hạt nhân chiến thuật. Các động thái đặt ra thách thức đối với cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân vốn đã rất mong manh.



 

Trong điều kiện nào Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân?

Theo học thuyết hạt nhân của Nga, việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể là một phản ứng nhằm đối phó với các loại vũ khí tương tự và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác nhằm vào Nga.

Quy định sử dụng vũ khí hạt nhân cũng được áp dụng khi đối phương sử dụng vũ khí thông thường đe dọa tới sự tồn tại của nhà nước Nga hoặc các cơ sở quân sự, nhà nước cực kỳ quan trọng của Nga. Tổng thống Nga có thể thông báo tới các quốc gia và tổ chức quốc tế khác về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng điều này không bắt buộc. Do đó, việc sử dụng vũ khí hạt nhân về bản chất có thể mang tính phủ đầu và các tình huống khi nước Nga bị đe dọa.

Nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Giải trừ Quân bị của Liên hợp quốc Pavel Podvig đánh giá, học thuyết sử dụng vũ khí hạt nhân và kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Nga sẽ đặt ra “lằn ranh đỏ” đối với mọi đối thủ tiềm năng.

Quy mô kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga

Lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga bao gồm ba thành phần của lực lượng vũ trang chiến lược được trang bị vũ khí hạt nhân: trên bộ, trên biển và trên không (“bộ ba hạt nhân”). Tổng cộng, kho vũ khí hạt nhân của Nga lên tới gần 4,5 nghìn đầu đạn, bao gồm cả những đầu đạn được triển khai và đặt trong kho.

Thành phần mặt đất bao gồm 198 bệ phóng di động và 144 bệ phóng cố định dành cho tên lửa đạn đạo liên lục địa. Nga có tới 1.356 đầu đạn với tầm bay lên tới 11,5 nghìn km. Các tên lửa của Nga có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân, như tổ hợp RS-24 Yars được đưa vào sử dụng năm 2009 và R-36M2 Voevoda, hệ thống do Liên Xô phát triển vào những năm 1980.

Thành phần hải quân bao gồm các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. Hiện nay, lực lượng này bao gồm 11 tàu ngầm hạt nhân đang hoạt động trong khuôn khổ Dự án Dolphin và Borei với đầu đạn có sức công phá 100 kiloton và tầm bắn lên tới 9-11 nghìn km. Ước tính, Nga sở hữu khoảng 928 đầu đạn như vậy.

Cuối cùng, thành phần trên không gồm máy bay ném bom Tu-95MS và Tu-160, có thể mang bom hạt nhân hoặc tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân Kh-55 (tầm bắn 2,5 nghìn km, sức mạnh 200 kiloton) và Kh-102 (tầm bắn 4,5 nghìn km, công suất lên tới 1000 kiloton). Tổng số phương tiện mang tên lửa là 68 phương tiện, số lượng đầu đạn lên tới 580.

Sự khác biệt giữa Lực lượng hạt nhân chiến lược và chiến thuật của Nga

Không có định nghĩa rõ ràng về vũ khí hạt nhân chiến thuật. Đây được cho là những vũ khí cần thiết để hoàn thành các mục tiêu chiến thuật cụ thể trên chiến trường, trong khi lực lượng chiến lược được thiết kế để tấn công quy mô lớn hủy diệt hoàn toàn đối thủ. Vũ khí hạt nhân phi chiến lược hay chiến thuật thường có tầm bắn không quá 5.500km. Tuy nhiên, tầm bắn đó cũng đủ để bao trùm toàn bộ châu Âu. Chính vì thế, trong nhiều tình huống, vũ khí hạt nhân chiến thuật đóng vai trò giải quyết và răn đe chiến lược.

Theo các con số thống kê chính thức, tổng số đầu đạn hạt nhân chiến thuật của Nga hiện không quá 1.816 đơn vị. Do không bị ràng buộc bởi các hiệp định quốc tế, vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga được sử dụng cho cả nhiệm vụ tấn công truyền thống và răn đe chiến lược.

Lực lượng hạt nhân chiến thuật của Quân đội Nga hiện được trang bị chủ yếu trên các tàu ngầm hạt nhân đa năng Đồ án 885 Yasen, cũng như máy bay ném bom siêu âm Tu-22M3, máy bay tiêm kích-bom Su-24M, Su-34 và các dòng máy bay chiến đấu khác. Đầu đạn hạt nhân chiến thuật cũng được trang bị trên tổ hợp tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M và hệ thống phòng thủ tên lửa A-135 Amur bảo vệ Thủ đô Moscow và miền Trung nước Nga.

Quân đội Nga cũng thường xuyên diễn tập với vũ khí hạt nhân chiến thuật. Cụ thể, năm 2020, các đơn vị Quân đội Nga ở Buryatia đã thực hành “cung cấp đạn dược đặc biệt đến một khu vực có điều kiện”. Theo đánh giá của chuyên gia quân sự Dmitry Stefanovich, những hoạt động diễn tập như vậy nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu, hoàn thiện quy trình chuyển trạng thái sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật và không nhằm vào các đối tượng cụ thể.

Chính sách răn đe hạt nhân của Nga

Chính sách của Nga về răn đe hạt nhân mang tính chất phòng thủ nhằm duy trì tiềm năng của lực lượng hạt nhân ở mức đủ bảo đảm khả năng răn đe hạt nhân cũng như bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; kiềm chế kẻ thù tấn công Nga và các đồng minh; ngăn chặn leo thang hoạt động quân sự và chấm dứt việc này dựa trên các điều kiện được Nga và các nước đồng minh chấp nhận. Nga coi vũ khí hạt nhân chỉ là một biện pháp răn đe, là biện pháp cuối cùng và bắt buộc.

Chính sách răn đe hạt nhân của Nga được đưa ra nhằm mục đích để các đối thủ nhận thức về sự trả đũa không thể tránh khỏi trong trường hợp gây hấn với Nga và các đồng minh. Ngoài ra, trong chính sách này, Moscow cũng liệt kê các mối đe dọa quân sự như sự hiện diện của vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác; triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của các quốc gia phi hạt nhân; triển khai lực lượng gần biên giới với Nga. Moscow cũng coi việc triển khai các hệ thống tấn công trong không gian là mối đe dọa.

Quan điểm của Nga và NATO về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột ở Ukraine

Ngày 24/2/2022, trong một bài phát biểu, Tổng thống Nga Putin đã cảnh báo về khả năng đáp trả cứng rắn trước hành động của kẻ thủ tạo ra mối đe dọa đối với người dân, đất nước Nga. Sau đó 3 ngày, lực lượng hạt nhân chiến lược Nga được chuyển sang chế độ cảnh báo đặc biệt.

Khi phát lệnh tổng động viên một phần vào tháng 9/2022, Tổng thống Putin cáo buộc các nước phương Tây đang thảo luận về khả năng được chấp nhận sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Nga. Ông Putin nhấn mạnh, nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa, Moscow chắc chắn sẽ sử dụng mọi phương tiện có sẵn để bảo vệ đất nước và người dân Nga.

Năm 2023, vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga được triển khai trên lãnh thổ Belarus. Theo Tổng thống Belarus Lukashenko, những vũ khí này mạnh hơn nhiều so với những gì được thả xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào cuối Thế chiến thứ II.

Vào mùa xuân năm 2024, sau khi Ba Lan tuyên bố sẵn sàng triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình, NATO nhấn mạnh rằng, khối này chưa có kế hoạch như vậy. Hãng thông tấn APA ngày 24/4/2024 đưa tin, phát biểu tại một cuộc họp báo tại Ba Lan, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định, NATO không có kế hoạch mở rộng chương trình chia sẻ hạt nhân hay triển khai thêm vũ khí hạt nhân tới các quốc gia thành viên NATO khác. Ngoài ra, NATO thường xuyên đưa ra những thông điệp cảnh báo sẽ đáp trả cứng rắn đối với kịch bản Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine.

Điểm tương đồng và khác biệt giữa học thuyết hạt nhân của Nga và Mỹ

Các quy định về răn đe hạt nhân của Nga và Mỹ phần lớn tương tự nhau. Đánh giá tình hình hạt nhân năm 2022, Lầu Năm Góc xác định 3 tình huống cần phải sử dụng vũ khí hạt nhân răn đe là ngăn chặn hành vi xâm lược; đảm bảo an ninh cho các đồng minh và đối tác; đảm bảo các mục tiêu chiến lược của Mỹ.

Quân đội Mỹ cũng có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong nhiều điều kiện khác nhau. Học thuyết hạt nhân của Mỹ không xác định rõ Washington có phải là bên sử dụng vũ khí hủy diệt này hay không.

“Việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể thay đổi hoàn toàn hoặc đẩy nhanh tiến trình của một chiến dịch quân sự. Vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng trong một chiến dịch nếu có nhận thức rằng Mỹ đang mất hoặc có nguy cơ mất kiểm soát hoặc leo thang xung đột nhằm đạt được hòa bình theo những điều kiện có lợi hơn cho Mỹ”, trích Học thuyết về hạt nhân năm 2019 của Mỹ.

Kho vũ khí hạt nhân của Mỹ có gì?

Giống như Nga, Mỹ cũng sở hữu bộ ba hạt nhân chiến lược, nhưng thành phần then chốt là thành phần hải quân, chiếm tới 70% số đầu đạn. Tàu ngầm lớp Ohio là một lớp tàu ngầm năng lượng hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Hải quân Mỹ, bao gồm 14 tàu mang tên lửa liên lục địa và bốn tàu ngầm mang tên lửa hành trình. Theo thống kê đến tháng 1/2023, kho vũ khí của Mỹ bao gồm 3.708 đầu đạn, phần lớn trong số đó là đầu đạn chiến lược.

Mặc dù tổng số đầu đạn mà Mỹ có ít hơn một chút so với kho dự trữ của Nga nhưng kho vũ khí của Mỹ lại lớn hơn của Nga về số lượng đầu đạn được triển khai. Mỹ chỉ có một loại vũ khí hạt nhân phi chiến lược - khoảng 200 quả bom hạt nhân B61, một nửa trong số đó nằm trên lãnh thổ các đồng minh châu Âu của Mỹ (Ý, Đức, Bỉ, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ).

Chính sách răn đe hạt nhân của NATO

Ngoài học thuyết riêng của Mỹ, thành phần hạt nhân còn có mặt trong các thỏa thuận hợp tác với các đồng minh NATO. Liên minh đã thông qua một chương trình sử dụng chung vũ khí hạt nhân; trong đó, đảm bảo rằng cả lợi ích và rủi ro của việc răn đe hạt nhân đều được chia sẻ giữa tất cả các đồng minh. Đồng thời, vũ khí chiến thuật của Mỹ đặt ở châu Âu nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Washington.

Mục đích chính sách răn đe hạt nhân của NATO được xác định trong Khái niệm chiến lược năm 2022 là “bảo vệ hòa bình, tránh ép buộc và ngăn chặn hành vi xâm lược”. Việc sử dụng vũ khí hạt nhân được mô tả là “cực kỳ khó xảy ra”. Đồng thời, máy bay mang bom hạt nhân có thể được sử dụng trong lực lượng không quân của các quốc gia phi hạt nhân trong liên minh, nhưng việc sử dụng thực tế của chúng chỉ diễn ra khi có sự chấp thuận của Nhóm Kế hoạch Hạt nhân NATO với sự tham gia của tất cả các thành viên trong liên minh và với sự cho phép đặc biệt của Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh.

 

Hùng Anh (Tổng hợp)

Nguồn: baothanhhoa.vn
0 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.