Chuyên mục
Trung Quốc và nguy cơ kinh mạch nghịch hành trong năm con Dê
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Trung Quốc và nguy cơ kinh mạch nghịch hành trong năm con Dê

Thứ ba 10/02/2015 04:53 GMT + 7
“Đóng cửa hậu, mở cửa trước” đang là khẩu hiệu được giới chức Trung Quốc sử dụng chính thức cho chiến dịch cải cách tài chính, ước tính sẽ kéo dài trong hai thập kỷ tới, để giải quyết tình trạng nợ công và lành mạnh hóa hệ thống tài chính của nước này.


Thế giới đang trải qua những ngày giông tố khi cuộc chiến tiền tệ toàn cầu ngày càng leo thang với một tốc độ chóng mặt, kéo theo hầu hết tất cả các nền kinh tế lớn lao vào một cuộc chạy đua chính sách tỉ giá. 

Nhưng, vẫn còn một cuộc chiến tiền tệ khác, cũng phức tạp không kém và thậm chí có thể đánh sập một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, đó là cuộc chiến tiền tệ của Trung Quốc trong lĩnh vực nợ công. 

Nếu như cả thế giới đang lao theo chính sách tỷ giá như những con bạc, thì Trung Quốc lại đang phải đối mặt với những hệ lụy tài chính từ canh bạc phát triển kéo dài 3 thập kỷ vừa qua của mình, những hệ lụy đang được ví với một đỉnh Everest mới.

Cuối cùng, sau rất nhiều lời cảnh báo từ các học giả trong nước và các chuyên gia quốc tế về nguy cơ của khối nợ công khổng lồ có thể nổ tung bất cứ lúc nào, Bắc Kinh đã đưa ra một chương trình để giải quyết cục máu đông khổng lồ trong nền kinh tế Trung Quốc này. 

“Đóng cửa hậu, mở cửa trước” đang là khẩu hiệu được giới chức Trung Quốc sử dụng chính thức cho chiến dịch cải cách tài chính, ước tính sẽ kéo dài trong 2 thập kỷ tới, để giải quyết tình trạng nợ công và lành mạnh hóa hệ thống tài chính của nước này. 

Một kế hoạch đầy tham vọng nhưng được dự báo sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Nội dung chủ đạo của chiến dịch cải cách tài chính này sẽ theo đúng nội dung câu Slogan đầy khoa trương mà Bắc Kinh đưa ra, theo đó chính phủ Trung Quốc sẽ chính thức thắt chặt và đi đến đóng cửa khả năng tiếp cận các nguồn tài chính “ngoài luồng” của chính quyền các địa phương ở nước này, vốn được gọi bằng cái tên “cửa hậu” và nắn luồng tài chính được chính phủ kiểm soát đến rót trực tiếp cho các địa phương, vốn được Bắc Kinh gọi là “cửa trước”. 

Mục đích chủ đạo của động thái này, được giới phân tích gọi vui là cai sữa cho các địa phương của Trung Quốc, thay vì để các địa phương tự do tiếp cận các nguồn vốn tài chính vốn là nguyên nhân chủ đạo gây ra khoản nợ công đồ sộ hiện nay của nền kinh tế thứ hai thế giới. 

Nếu như trước đây hàng chục ngàn các thành phố, quận huyện và thị trấn Trung Quốc được tự do đi tìm bầu sữa tài chính để phát triển kinh tế ở địa phương thì giờ đây họ sẽ chỉ được phép bú từ bầu sữa do Bắc Kinh chỉ định mà thôi.

Điều này bắt nguồn từ cuộc cải cách tài chính lớn nhất ở Trung Quốc diễn ra vào giữa những năm 90, khi đó đồng thời với quá trình mở cửa, thủ tướng Trung Quốc khi ấy là Chu Dung Cơ đã khôi phục quyền kiểm soát tài chính công cho chính phủ trung ương. 

Theo đó, các địa phương không được giữ lại một phần ngân sách để phát triển, mà phải nộp toàn bộ cho Bắc Kinh, và sẽ được nhận lại một phần tùy theo tính toán của nhà nước. 

Điều này dẫn đến một sự bất mãn lớn, khi mà các địa phương phải chi trả đến 80% tất cả các chi phí của chính phủ, như trường học, bệnh viện và hệ thống giao thông trong khi chỉ nhận được khoảng 50% chi phí cần thiết. Gọng kìm càng được xiết chặt hơn khi Bắc Kinh cấm các địa phương vay tiền từ các ngân hàng hoặc tự phát hành trái phiếu để trang trải cho khoản thiếu hụt.

Các chuyên gia cho rằng, chính sách kiểm soát tài chính công của thủ tướng Chu Dung Cơ bề ngoài là thiết lập trật tự và sự ổn định của hệ thống tài chính Trung Quốc, nhưng thực chất lại là nguyên nhân chủ yếu trực tiếp phát sinh đủ mọi tệ nạn của hệ thống tài chính nước này. 

Bị cấm vay tiền từ ngân hàng và phát hành trái phiếu, chính quyền các địa phương tìm cách lách luật bằng cách thỏa thuận ngầm với các công ty tài chính đang mọc lên như nấm ở Trung Quốc trong giai đoạn đó để đáp ứng nhu cầu của các địa phương. 

Theo đó, các công ty cung cấp tài chính cho chính quyền địa phương, đổi lại sẽ được nhận những ưu đãi lớn từ phía chính quyền như đất đai hay các cơ hội đầu tư. Đây được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tham nhũng, rửa tiền và hàng loạt các hoạt động tài chính mờ ám khác ở các địa phương của Trung Quốc. 

Không một ai kiểm soát các hoạt động phần lớn là không công khai này trong suốt gần ba mươi năm Trung Quốc mở cửa, và khi Bắc Kinh nhận ra vấn đề để bắt đầu thống kê tổng số nợ mà các địa phương đã vay thì mọi chuyện đã quá trễ.

Theo ước tính của văn phòng kiểm toán quốc gia Trung Quốc, tổng số nợ của Trung Quốc tính đến giữa năm 2013 là 17.900 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 2.800 tỉ USD, tăng 63% kể từ năm 2010 trong khi mức mở rộng kinh tế trong khoảng thời gian này chỉ đạt 40%. Thâm hụt ngân sách của Trung Quốc cũng đạt mức kỷ lục là 5% GDP. 

Giới phân tích đánh giá mức nợ công thực của Trung Quốc cao hơn nhiều con số mà Bắc Kinh công bố, ít nhất là gần gấp đôi. Chỉ khi nợ công của nền kinh tế thứ hai thế giới sắp chạm mốc 60% thì Bắc Kinh mới vội vã kiểm kê và đưa ra các chính sách kiểm soát chặt chẽ như vậy.

Phần lớn các học giả trong nước và chuyên gia quốc tế đều tỏ ra nghi ngờ về triển vọng của chương trình cải cách tài chính mà Bắc Kinh vừa đưa ra. Kiểm soát chặt chẽ luồng vốn luân chuyển ở các địa phương Trung Quốc giờ đây còn khó hơn lên trời. 

Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống tín dụng ngầm đã có ba mươi năm tồn tại và đóng vai trò là kênh tín dụng chính thức để phát triển kinh tế ở các địa phương. Dù Bắc Kinh không công khai thừa nhận nhưng ai cũng hiểu việc chính quyền các địa phương tự huy động vốn chính là chìa khóa cho sự phát triển cao độ của kinh tế Trung Quốc, với nền tảng là tăng trưởng kinh tế ở các vùng miền của nước này, chứ không phải là do khả năng điều hành của chính phủ.

Bắc Kinh đã để mặc cho hệ thống tín dụng ngầm đó hoạt động và thu lợi từ nó, và giờ đây khi thấy nó vượt khỏi tầm kiểm soát thì mới vội vã tìm cách kiểm soát. Giới phân tích cảnh báo, một sự xiết chặt hệ thống tài chính một cách thiếu cân nhắc có thể sẽ khiến các địa phương của Trung Quốc rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng do luồng luân chuyển tài chính bị đứt gãy. Nói theo cách của những tác giả tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Quốc là dễ có nguy cơ rơi vào cảnh “kinh mạch nghịch hành”.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Gần tết, tranh chấp đòi nợ lương bùng nổ ở Trung Quốc

Khi Tết âm lịch đến gần, thì cái chết của một đốc công xây dựng lại là dấu hiệu của sự tranh chấp đòi nợ lương bùng nổ ở Trung Quốc, người lao động muốn được hưởng lương trước khi về quê.

Cảnh tượng về quê hỗn loạn của giới lao động nhập cư TQ

Tranh chấp đòi nợ lương bùng nổ ở Trung Quốc, nhất là ở lĩnh vực xây dựng và nhà đất vốn đang bị mất giá nhà đất, theo các nhà hoạt động xã hội và chuyên gia.

Tuần trước, Li Hangui, 38 tuổi người tỉnh Quảng Tây cùng một bạn đốc công đến công trường nọ ở thành phố Nanning, để họp giải quyết tranh chấp tiền lương giữa một nhà thầu với khoảng 100 lao động.

Theo đồng nghiệp của Li, cuộc họp tiến hành được vài phút, nhà thầu nổi nóng chửi mắng hai đốc công rồi dùng ghế phang họ. Hai đốc công toan bỏ chạy nhưng hàng chục thợ vây quanh Li. 

Nhà thầu gào lên: “Không cho nó thoát. Tao muốn nó bị giết”. Trong cuộc hành hung, một kẻ nào đó dùng dao đâm vào đầu và ngực Li, theo người bạn đốc công thoát chết. Người này cùng anh em của Li nói anh chết trên đường đến bệnh viện.

Mãi đến tuần này, cái chết của Li mới được Nam Thành nhật báo ở Quảng Châu đưa tin, là bi kịch của một trong những hàng ngàn vụ tranh chấp lao động liên quan tiền lương xảy ra trên toàn TQ trong vài tuần gần đây.

Khi dịp Tết đến gần, nhiều lao động thúc ép giới chủ chi trả lương thưởng trước khi họ về quê, khiến đây là giai đoạn cao điểm của những vụ tranh chấp lao động.

Với giới thợ xây, đây là thời điểm rất khó được nhận lương trong năm nay, khi các nhà thầu xây dựng phải lo tìm cách “xả hàng” và tích vốn mới.

Những căng thẳng tranh chấp lao động ngày càng tăng ở mảng xây dựng là một yếu tố đằng sau vụ đình công toàn TQ hồi năm ngoái, theo tổ chức phi chính phủ China Labour Bulletin (Hồng Kông) vốn phổ cập quyền lao động tại Hoa lục.

Tổ chức này nói những vụ tranh chấp gia tăng trong vài tháng qua, ngành xây dựng chiếm 31% trong 569 vụ tranh chấp từ tháng 10 đến tháng 12.2014, kế đến là lãnh vực sản xuất chiếm 36% số vụ.  

Giới thợ xây Trung Quốc đang bị nợ lương.

Đầu tháng 2, hàng chục thợ xây ở Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam) đã chặn luồng giao thông ở một tuyến đường lớn, để đòi nhà thầu địa phương phải trả nợ lương, theo các nhân chứng nói với báo The Wall Street Journal.

Các thợ xây trương biểu ngữ đòi số tiền lương mà họ kiếm được “bằng mồ hôi và máu”. Một thợ nữ chỉ nhận tên họ Liu, 29 tuổi người Trùng Khánh, nói cô cùng 10 người bị nhà thầu nợ 4 tháng lương, tổng cộng hơn 100.000 Nhân dân tệ (16.000 USD).

Liu kể: “Lúc đầu, chúng tôi không đòi, vì họ bảo sẽ sớm có lương, tuần sau hoặc tháng sau. Nhưng sắp Tết, chúng tôi phải hành động, nếu không thì chẳng bao giờ nhận được lương. Chúng tôi phản đối vì chẳng còn lựa chọn nào khác”.

Một số vụ tranh chấp lao động được giải quyết êm, trong khi nhiều vụ khác bị kéo dài. Cũng có những vụ chuyển thành bạo lực, chủ lao động và người lao động lao vào đánh nhau.

Trong vụ đốc công Li chết, đồng nghiệp Lin Qinghua nói anh và Li nhận định nhà thầu (làm cho một chi nhánh của công ty cổ phần bất động sản Logan (tham gia thị trường chứng khoán Hồng Kông) nợ họ và 100 thợ khoảng 900.000 Nhân dân tệ. Nhưng nhà thầu nói ông ta chỉ nợ 630.000 Nhân dân tệ.

Một sĩ quan công an địa phương ở Nanning nói cuộc điều tra cái chết của Li vẫn tiếp tục, nhưng không nói chi tiết. Không rõ những người dính líu có bị bắt hay không. Phóng viên tờ The Wall Street Journal không thể gặp được nhà thầu.

Người phát ngôn của công ty Logan nói công ty đang xem xét vụ tranh chấp dẫn đến cái chết của Li. Người phát ngôn công ty con nói vụ bạo lực liên quan chuyện tranh cãi về các phí phải đóng cho dự án.

China Labour Bulletin nêu: tỉnh Quảng Đông mạnh về sản xuất, “tiếp tục là tâm điểm của những vụ tranh chấp lao động ở TQ”, với 20% tổng các vụ việc trong quý 4.2014.

Nhưng tổ chức này nói các vụ tranh chấp phản đối ở nhiều tỉnh-như Giang Tô, Sơn Đông, Hồ Nam-cũng tăng đáng kể.

Gần đây nhất, Tân Hoa Xã đưa tin: các thành phố nhỏ hơn ở miền tây và miền trung TQ đều trở thành “điểm nóng mới” của chuyện tranh chấp nợ lương, khi giới lao động nhập cư trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất cũng đòi chủ lao động trả nợ lương.

Tân Hoa Xã viết: “Việc phê duyệt dự án và các quy định tiền lương-bảo hiểm ở các thành phố trung bình và nhỏ thì ít được quan tâm hơn so với ở các thành phố lớn, nên tranh chấp tiền lương cũng gia tăng đột ngột”.

Theo WSJ, TQ có khoảng 270 triệu lao động nhập cư. Theo nghiên cứu năm 2014 của Viện khoa xã hội TQ, trong hơn 2.000 lao động nhập cư được hỏi, 80% nói họ bị nợ lương từ tháng 7.2013. Trong số này có 4,3% thừa nhận họ có tham gia “những vụ việc nhỏ” để đòi lương. 

Bảo Vĩnh (Theo The Wall Street Journal)
Nguồn: Một thế giới
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.