Chuyên mục
Tiến sĩ: Xứ người thừa, xứ ta thiếu
BÌNH LUẬN
Đừng bao giờ chạy theo thành tích và số lượng, chú ý đến chất lượng.

Tiến sĩ: Xứ người thừa, xứ ta thiếu

Thứ ba 07/10/2014 20:10 GMT + 7
Mĩ đào tạo quá nhiều tiến sĩ, làm cho các đại học không kịp "tiêu hóa", nên nhiều postdoc phải sống vất vưởng… Ở Việt Nam ta và các nước phát triển thì tình hình ngược lại. Việt Nam đang thiếu tiến sĩ thật trầm trọng. Trong số hơn 60.000 giảng viên đại học hiện nay, chỉ có khoảng 15% là có bằng tiến sĩ.

Được sự cho phép của GS Nguyễn Văn Tuấn (giáo sư ĐH New South Wales, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia), xin trân trọng giới thiệu bài viết mới nhất của ông bàn về việc thừa thiếu tiến sĩ ở các nước:

Tôi nhớ nhạc sĩ Từ Công Phụng có lần trả lời phỏng vấn nói rằng ông lúc nào cũng quan tâm đến cái buồn, sau cái vui lúc nào cũng đến cái buồn, thậm chí trong lúc vui ông cũng nghĩ đến cái buồn. Nghĩ về giải Nobel cũng thế. Sau cái vui, hồ hởi, hứng thú, khích lệ khi thấy người ta được trao giải Nobel, là đến lúc nghĩ về thực tại: nỗi buồn thân phận của người postdoc. 

Một bài báo trên tờ Boston Globe cung cấp cho chúng ta một bức tranh màu đen về số phận của các nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ (dân trong nghề gọi là "postdoc" - tức "postdoctoral fellow"). Nói một cách ngắn gọn: Mĩ đào tạo quá nhiều tiến sĩ, làm cho các đại học không kịp "tiêu hóa", nên nhiều postdoc phải sống vất vưởng.

Chỉ tính riêng ngành y sinh, mỗi năm các đại học Mĩ ghi danh 16.000 nghiên cứu sinh tiến sĩ; trong số này, khoảng 9.000 người tốt nghiệp sau 6-7 năm miệt mài nghiên cứu. Trong số 9.000 tốt nghiệp, khoảng 5.800 có vị trí postdoc, và 30% không làm postdoc. Tính trung bình, mỗi tiến sĩ dành ra 4 năm làm nghiên cứu postdoc, trước khi trở thành độc lập. Hiện nay, chỉ tính riêng ngành Y sinh học, có khoảng 37.000 đến 68.000 postdoc, và họ phải cạnh tranh tìm việc làm.
 


GS Nguyễn Văn Tuấn hiện là giáo sư Trường ĐH New South Wales, là chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan (Australia).

Tuy chẳng ai biết Mĩ hiện đang có bao nhiêu postdoc cho tất cả các bộ môn khoa học, nhưng con số ước tính có thể lên đến 90.000, và phân nửa số này là người nước ngoài (2). Theo một chuyên gia kinh tế, trong thời gian 2005-2009, các đại học Mĩ chỉ có 16.000 vị trí giáo sư còn trống. Do đó, mỗi khi một vị trí giáo sư được quảng cáo, có hàng trăm đơn xin việc từ các postdoc. Tình trạng này không chỉ ở Mĩ mà còn ở Canada. Chỉ tính năm 2007, các đại học Canada sản xuất ra 4.800 tiến sĩ, nhưng cả nước chỉ có 2.616 vị trí cho chức danh giáo sư (3). 

Dù may mắn có được vị trí giáo sư (Assistant Professor) rồi, postdoc vẫn phải cạnh tranh để xin tài trợ làm nghiên cứu. Ở các nước như Mĩ, Canada, và Úc, một giáo sư trẻ mà không tìm được tài trợ (grant) thì coi chừng bị mất việc. Một thống kê bên Mĩ cho thấy tuổi trung bình xin được grant R01 (loại grant dành cho nhà khoa học độc lập) là 42 tuổi! Còn nếu học MD-PhD thì con số này là 44 tuổi! Đầu thập niên 1990, tuổi trung bình xin được R01 chỉ 39 tuổi. Nói cách khác, nhà khoa học càng ngày càng lão hoá. 

Những con số trên đây cho thấy một bức tranh ảm đạm về sự nghiệp khoa học ở Mĩ. Trớ trêu thay, Mĩ vẫn là nơi thu hút nhân tài khắp nơi trên thế giới, và tình hình cạnh tranh càng ngày càng ác liệt. Mà, trong thực tế, chẳng phải Mĩ, các nước khác ở Âu châu, Úc, Canada cũng có tình trạng như thế. Nhiều người bắt đầu lên tiếng phải làm gì với các postdoc, chẳng lẽ để họ vất vưởng sau bao nhiêu năm đào tạo? Nhưng câu hỏi quan trọng nhất là "tiền đâu" mà mướn họ, trong khi ngân sách dành cho khoa học càng ngày càng eo hẹp. 

Ở Việt Nam ta và các nước phát triển thì tình hình ngược lại. Việt Nam đang thiếu tiến sĩ thật trầm trọng. Trong số hơn 60.000 giảng viên đại học hiện nay, chỉ có khoảng 15% là có bằng tiến sĩ. Nhà nước định nâng con số này lên 25% trong vòng 5-10 năm nữa, và đó là một mục tiêu khó đạt. 

Do đó, tôi nghĩ tại sao mình không nhân dịp này mà thu hút postdoc từ nước ngoài. Họ là những người được đào tạo bài bản, hay nói theo tiếng Việt là "xịn" (chứ không phải dỏm), và là một nguồn nhân lực rất tốt. Thế thì câu hỏi là Việt Nam có thể thu hút postdoc từ nước ngoài không? Thật ra, đã có trường như ĐH Tôn Đức Thắng đang ráo riết tuyển postdoc từ nước ngoài, nhưng chưa biết lương họ trả là bao nhiêu vì chỉ thấy để "negotiable" (có thể thỏa thuận). 

Tôi nghĩ câu hỏi đúng ra phải là: Việt Nam có tiền mướn postdoc hay không. Một postdoc hiện nay lương trung bình khoảng 60.000 đến 70.000 USD một năm. Nếu họ chấp nhận đến VN làm việc, thì đồng lương vẫn phải từ 30.000 USD trở lên (tức 2.500 USD/tháng). Số tiền này tính ra Đồng thì chẳng phải là nhỏ, nhưng tôi nghĩ Việt Nam có thể trả được. Ở Thái Lan, tôi biết họ trả lương cho postdoc trong nước là khoảng 3.000 USD/tháng, còn postdoc nước ngoài là 4.000 USD/tháng. Việt Nam mình còn nghèo, trả 2.500 USD là quá "đẹp" rồi. Tôi nghĩ một cách khác mình có thể làm trội hơn Thái Lan là đặt chế độ miễn thuế thu nhập cho postdoc từ nước ngoài đến Việt Nam, và hỗ trợ nơi ăn ở cho họ. Với chính sách như thế tôi nghĩ có thể giúp Việt Nam nhanh chóng "đuổi kịp" các nước trong vùng. 

* * *

(1)http://www.bostonglobe.com/metro/2014/10/04/glut-postdoc-researchers-stirs-quiet-crisis-science/HWxyErx9RNIW17khv0MWTN/story.html
(2) http://www.scientificamerican.com/article/does-the-us-produce-too-m/
(3) http://www.economist.com/node/17723223

GS Nguyễn Văn Tuấn
(Giáo sư ĐH New South Wales, chuyên gia cao cấp tại
 Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia)
Nguồn: dantri.com.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.