Chuyên mục
Thứ trưởng Y tế: Đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine COVID-19 'made in Vietnam'

Thứ trưởng Y tế: Đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine COVID-19 'made in Vietnam'

Thứ tư 09/02/2022 10:50 GMT + 7

Bộ Y tế đang chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ sản xuất, để trong thời gian sớm nhất vaccine COVID-19 ‘made in Vietnam’ có thể được đưa vào sử dụng.

Vaccine là một trong những vấn đề căn cơ của công tác phòng chống dịch, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch quan tâm ngay từ khi dịch mới bùng phát và tích cực tiếp cận các nguồn vaccine khác nhau.

Được Chính phủ giao nhiệm vụ, Bộ Y tế đã ký hợp đồng mua vaccine, làm đầu mối nhận vaccine của các nhà tài trợ, các quốc gia hỗ trợ Việt Nam. Tuy nhiên, vaccine không về một lúc mà hoàn toàn phụ thuộc vào tiến độ cung ứng của nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà tài trợ.

Việt Nam sắp có vaccine trong nước

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, ngay khi dịch xảy ra, Bộ đã chỉ đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Paster tổ chức nghiên cứu, phân lập virus SARS-CoV-2.

Việt Nam là 1 trong 4 nước đầu tiên phân lập được virus SARS-CoV-2 và sau đó tập trung nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước. Ba đơn vị đang triển khai sản xuất vaccine gồm:

Nanogen đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, đã được Hội đồng Đạo đức của Bộ đánh giá và chuyển Hội đồng Cấp phép. Qua rà soát hồ sơ, Hội đồng Cấp phép gồm các nhà khoa học độc lập yêu cầu Nanogen cung cấp thêm 1 số kết quả nghiên cứu. Khi Hội đồng Cấp phép thông qua sẽ trình Bộ Y tế cấp phép.

 


Thử nghiệm vaccine COVID-19 Nanocovax giai đoạn 2. (Ảnh: Bộ Y tế)


“Đó là yêu cầu chuyên môn vì vaccine cũng như thuốc dùng trực tiếp cho con người. Tất cả những gì đưa vào con người đều yêu cầu phải an toàn. Về trách nhiệm, chúng tôi đang đôn đốc Hội đồng và Nanogen kết hợp chặt chẽ, sớm trình sang Bộ Y tế cấp phép, để đưa vaccine vào sản xuất, phục vụ người dân”, Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.

Đơn vị thứ 2 là Ivac đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.


Đơn vị thứ 3 là Vingroup đang tích cực tiếp cận công nghệ vaccine của nước ngoài để sớm có kết quả đưa vào sản xuất trong nước.

“Bộ Y tế đang chỉ đạo các đơn vị tích cực đẩy nhanh tiến độ sản xuất. Có thể trong đầu năm 2022, vaccine trong nước sẽ được đưa vào sử dụng”, Thứ trưởng Tuyên thông tin.

 


Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.


Những thủ tục về nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Khoa học Công nghệ chủ trì cùng các đơn vị có liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện nghiên cứu thí nghiệm cũng như thử nghiệm lâm sàng thuận lợi nhất.

“Vừa rồi, khi Nanogen, Ivac thực hiện thử nghiệm lâm sàng, các địa phương và người dân tham gia rất tích cực. Bộ Y tế thường xuyên làm việc với các đơn vị, nghe các đơn vị phản ánh khó khăn vướng mắc để cùng tháo gỡ.

Chúng tôi sẵn sàng ưu tiên vấn đề thẩm định và cấp phép để chúng ta sớm có vaccine của Việt Nam đưa vào sử dụng. Nếu chúng ta sản xuất được vaccine, chủ động được nguồn vaccine thì đây là việc hết sức căn cơ để chủ động trong phòng chống dịch”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Thích ứng với tình hình mới

Đợt dịch thứ 4, biến chủng Delta có chu kỳ lây nhiễm ngắn, tốc độ lây lan nhanh. Trong khi đó, hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở chưa va vấp với đợt dịch nào như vậy. Chính quyền địa phương cũng rất lúng túng. Giai đoạn này, số ca nhiễm và số ca tử vong không ngừng tăng lên.

Lãnh đạo Bộ Y tế đã tham vấn các nhà khoa học, các chuyên gia. Băn khoăn lớn nhất là làm thế nào để giảm tốc độ lây lan của dịch, đặc biệt là giảm tỉ lệ tử vong.  

“Chúng tôi đã bàn bạc thống nhất trong Bộ Y tế, báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia, báo cáo Thủ tướng. Từ kinh nghiệm từ các đợt dịch trước, chúng tôi bàn đi bàn lại để thống nhất với chính quyền địa phương đưa ra những giải pháp. Có thể nói, đến giờ dịch đã được kiểm soát rất tốt. Chúng ta đang chuyển dần chiến lược trong tình hình mới để vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch”, Thứ trưởng Tuyên cho biết thêm.

WHO và các nhà khoa học trên thế giới nhận định diễn biến dịch trong năm 2022 còn phức tạp. Vì thế, nhiều nước đã chuyển chiến lược phòng chống dịch từ “zero virus” sang “no zero virus” và thích ứng với tình hình mới.

Việt Nam đã trải qua đợt dịch thứ 4, ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế. Chính vì vậy, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 chỉ đạo công tác phòng chống dịch trong điều kiện mới, thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả.

“Như vậy chúng ta phải sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng chống dịch trong điều kiện mới. Qua thực tế đợt dịch thứ 4, 98% người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm vaccine mũi 1 nên chúng ta cần có biện pháp thích ứng mới, để vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa làm tốt việc phát triển kinh tế. Nếu chúng ta không xử lý hài hòa giữa phát triển kinh tế và phòng chống dịch thì thời gian tới rất khó có nguồn lực để đầu tư cho phát triển và công tác phòng, chống dịch”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Những cuộc tranh luận xuyên đêm

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Bộ Y tế vào cuộc rất quyết liệt. Đã có những cuộc tranh luận xuyên đêm khi làm việc tại địa phương:“Có lúc chúng tôi cũng phải gay gắt với địa phương. Khi đó, một số lãnh đạo địa phương từng nói rằng làm việc với Bộ Y tế có vẻ là rất khó khăn. Nhưng sau các cuộc họp, tranh luận, khi đã có sự thống nhất giữa địa phương và cơ quan chuyên môn, thì việc chống dịch diễn ra thuận lợi và hiệu quả. Có lãnh đạo một tỉnh còn đồng tình để tôi chỉ huy toàn bộ công tác phòng chống dịch của địa phương, nhất nhất theo mệnh lệnh của tôi. Sau khoảng 2 tuần chúng tôi dập được dịch. Lãnh đạo tỉnh rất vui”.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, trong phòng chống dịch, chính quyền cần tôn trọng ý kiến của các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn. Thủ tướng nói chống dịch như chống giặc thì phải điều hành bằng mệnh lệnh. Làm bằng mệnh lệnh người chỉ huy mới thành công.

 

Thanh Hải

Nguồn: vtc.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.