Chuyên mục
Taliban - kẻ thù hay đối tác của Moscow
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Taliban - kẻ thù hay đối tác của Moscow

Thứ tư 21/07/2021 11:04 GMT + 7

Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài báo của chuyên gia quân sự Nga Yuri Apukhtin đăng trên “Bình luận quân sự” Nga 20/7 để cùng tham khảo.

Chúng tôi có bổ sung thêm một bản đồ để tiện hình dung:

 


Ảnh: isafmedia / flickr.com


Những diễn biến nhanh chóng và tình hình căng thẳng leo thang tại Afghanistan, hậu quả của cuộc đối đầu giữa quân chính phủ với quân Taliban trong bối cảnh quân Mỹ và những "sứ giả văn minh" (lực lượng NATO-ND) do thất bại trong việc hoàn thành “sứ mệnh” của mình đang phải rút quân lại một lần nữa cho thấy người dân Afghanistan hoàn toàn không muốn sống theo những luật lệ bị người khác áp đặt từ bên ngoài.

Taliban- ke thu hay doi tac cua Moscow


Thay vì rút quân vào tháng 9 như đã tuyên bố, người Mỹ bắt đầu bỏ chạy một cách hoảng loạn ngay vào đầu tháng 7, thậm chí còn không báo trước cho chính quyền Afghanistan thân Mỹ và Quân đội chính phủ.

Mỹ không hề quan tâm đến tương lai của Quân đội Afghanistan, và đã bỏ mặc nó cho số phận. Sự rút chạy của người Mỹ đáng xấu hổ đến mức lực lượng Taliban đang tấn công được “tiếp quản” những vũ khí- trang thiết bị kỹ thuật quân sự trong trạng thái sẵn sàng hoạt động cùng các kho còn nguyên vẹn.

Taliban nhanh chóng đánh chiếm các vùng nông thôn rộng lớn và tấn công vào các thành phố lớn. Quân đội Afghanistan mất tinh thần rút lui và trên thực tế không hề kháng cự, nhiều phân đội chạy sang hàng ngũ Taliban với toàn bộ quân số hoặc chạy trốn sang nước láng giềng Tajikistan.

Quân Taliban nhanh chóng tiến lên biên giới phía bắc Afghanistan với Tajikistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Turkmenistan và Iran, chiếm giữ các cửa khẩu biên giới quan trọng nhất, hàng nghìn binh sĩ quân chính phủ Afghanistan bị ép chặt ở biên giới với Tajikistan, đã vượt biên giới chạy sang nước này.

Mỹ đã phải đề nghị các nước Trung Á tiếp nhận những quân nhân (Quân đội Chính phủ) Afghanistan chạy sang những nước đó.

Chính phủ Tajikistan, do lo sợ về một cuộc tấn công xâm lược của Taliban, đã ban hành lệnh động viên 20.000 quân nhân dự bị và chính thức yêu cầu OKBD (Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể với các nước thành viên là Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan) hỗ trợ để bảo vệ các tuyến biên giới phía nam.

Trước những thành công nhanh chóng của Taliban, tất cả các nước láng giềng của Afghanistan đều quan ngại rằng phong trào Hồi giáo cực đoan Taliban có thể sớm tràn sang các nước láng giềng có cư dân Hồi giáo, - và từ đó, tất nhiên, sẽ tạo ra các mối đe dọa địa- chính trị đối với cả Matxcova lẫn Bắc Kinh.

Nga không thể đứng ngoài trước những diễn diễn tình hình ngày càng phức tạp ở Trung Á; Ngoại trưởng Nga X. Lavrov đã ra một loạt tuyên bố về sự cần thiết phải ngừng bắn ở Afghanistan và về việc Mỹ cần phải thực hiện những cam kết của mình.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng đang lan truyền thông tin về nguy cơ IS sẽ chiếm đóng các quốc gia Trung Á và thậm chí còn cả về khả năng các chiến binh Hồi giáo có thể tiến đến tận bức tường thành phố Samara (thành phố lớn thứ 6 nằm ở đông nam khu vực châu Âu thuộc Nga, vùng Volga-ND).

Dĩ nhiên, đến đây thì một số câu hỏi được đặt ra, đâu là sự thật và đâu là bịa đặt? Taliban và IS mạnh đến mức nào? Và ai là người đứng sau những lực lượng đó?

Taliban là ai

Phong trào Hồi giáo Taliban được thành lập vào năm 1995 dưới sự bảo trợ của Quân đội và Cơ quan tình báo Pakistan để chống lại chính phủ Afghanistan thân Liên Xô của Najibullah.

Taliban cũng đối đấu cả với Liên minh phương Bắc ở miền Bắc Afghanistan với thành phần chủ yếu là những người dân tộc Tajik và người Uzbek.

Năm 1996, Taliban đánh bại Quân đội Afghanistan và Liên minh phương Bắc, chiếm thủ đô Kabul và thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan, ban hành luật Sharia ở đó.

Điểm khác biệt quan trọng nhất của chính quyền Taliban là sự không khoan dung đối với các tôn giáo khác, việc phá hủy các đền thờ của họ và cung cấp nơi trú ẩn cho lực lượng IS, vì thế Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Nga xếp Taliban vào danh sách các tổ chức khủng bố vào năm 2003.

Taliban tiến hành một cách nhất quán chính sách, theo đó thì xã hội cần phải sống như đã từng sống trong những ngày Đạo Hồi mới xuất hiện. Taliban cho rằng mọi tiến bộ, khoa học, giáo dục và các mối quan hệ thế tục khác - đều chống lại Chúa và phải bị loại bỏ.

Mọi người phải sống trong các ngôi làng và làm nghề nông,có nghĩa là, nói một cách hình tượng, Afghanistan cần phải quay trở lại thời kỳ Trung cổ. Đồng thời, các ý tưởng do Taliban đề xuất lại nhắm vào phần lớn cư dân của xã hội Afghanistan, một xã hội với thành phần và lực lượng chủ yếu là nông dân.

Đó chính là lý do tại sao, bất chấp những sức ép từ bên ngoài và chiến tranh, sự ủng hộ dành cho Taliban vẫn không ngừng tăng lên, bởi vì hệ tư tưởng của Taliban đáp ứng được những nhu cầu về đức tin nội tâm của người dân Afganistan.

Taliban cũng nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng nông dân cùng dân tộc ở Tajikistan và Uzbekistan.

Tuyệt đối đừng vội cho rằng giới lãnh đạo chính trị của Taliban- đó là những kẻ cuồng tín và cực đoan thất học, - hoàn toàn không phải như vậy.

Dẫn dắt Phong trào này là những người có trình độ học vấn rất cao, tốt nghiệp các trường đại học tổng hợp Hồi giáo, biết cách trình bày, diễn giải một cách rất rõ ràng và thuyết phục những mục tiêu của mình, đồng thời đề xuất những con đường và biện pháp hiệu quả nhất để đạt được những mục tiêu đó.

Mỹ đã tiến hành một chiến dịch chống khủng bố ở Afghanistan vào năm 2001 và với sự hỗ trợ của Liên minh phương Bắc, đã lật đổ được chế độ Taliban, - quân Taliban khi đó chạy sang Pakistan, thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo Waziristan ở đó vào năm 2006 và tiến hành một cuộc đấu tranh vũ trang chống lại người Mỹ và tay sai của họ ở Kabul.

Mỹ chưa từng bao giờ thành công trong việc đánh bại Taliban, vì lực lượng này được sự ủng hộ của một bộ phận rất lớn dân chúng Afganistan và kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn.

Kết quả là người Mỹ đã thua trong cuộc chiến này, nên vào tháng 2/2020, Mỹ và Taliban đã ký một thỏa thuận hòa bình, theo đó thì lực lượng NATO sẽ rút khỏi Afghanistan, còn Taliban và chính quyền Kabul sẽ tiến hành ngay các cuộc đàm phán về giải quyết vấn đề lập lại hòa bình cho Afganistan.

Các binh sỹ Mỹ lẽ ra sẽ được rút hết vào tháng 9 năm nay theo thỏa thuận, nhưng đột nhiên người Mỹ vội vã rời khỏi đất nước ngay vào đầu tháng 7, và điều này làm cho chính Mtaxcova cũng bị bất ngờ.

Ngoại trưởng Nga X. Lavrov tuyên bố Matxcova ủng hộ việc Mỹ thực hiện những thỏa thuận đã đạt được trước đây về việc bình thường hóa tình hình ở Afghanistan, triển khai một tiến trình chính trị cùng một giai đoạn chuyển tiếp, và chỉ sau đó – mới xác định cơ cấu (nhà nước) cuối cùng cho Afghanistan.

Người Mỹ đã không hề có bất cứ phản hồi nào trước các tuyên bố trên của Matxcova. Trong khi đó thì Taliban bắt đầu tấn công và không lâu sau đã tuyên bố chiếm được 85% lãnh thổ đất nước, nhưng cho đến nay- vẫn chưa có thành phố lớn nào bị Taliban chiếm giữ.

Quân Taliban tiến vào Kandahar, tấn công Herat, Mazar-i-Sharif, Jalalabad, nhưng chưa thể làm chủ hoàn toàn thành phố này.

Đột nhiên, một phái đoàn Taliban đến Matxcova để đàm phán khiến rất nhiều người sửng sốt.

Các cuộc đàm phán của Taliban tại Matxcova

Những người thay mặt Taliban đến Matxcova là những thành viên thuộc cánh chính trị trong phong trào và họ đã có trụ sở chính tại Qatar trong vài năm nay. Chính cánh chính trị này cũng đã tiến hành các cuộc đàm phán tương tự với người Mỹ về việc rút quân Mỹ và ngừng bắn ở Afganistan.

Theo tuyên bố của các thành viên phái đoàn Taliban, mục đích chính của chuyến thăm Matxcova là để thảo luận (với Nga) về tình hình ở miền bắc Afghanistan.

Chuyến thăm này được coi là một nỗ lực ngoại giao của Taliban nhằm đạt được thái độ trung lập của các nước láng giềng trong cuộc đối đầu giải quyết các vận đề nội bộ Afghanistan (giữa Taliban) với Chính phủ Kabul.

Tại Matxcova, đoàn đại biểu Taliban đã hội đàm với đặc phái viên của Tổng thống Nga phụ trách vấn đề Afghanistan và với Ngoại trưởng Nga X. Lavrov và đã cam kết là họ không có kế hoạch bành trướng (sang các nước láng giềng).

Sau khi kết thúc các cuộc gặp, các đại diện Taliban đã tổ chức một cuộc họp báo để trình bày những mục tiêu của mình.

Mục tiêu quan trọng nhất của Taliban là giải phóng đất nước và dân tộc, xây dựng một hệ thống chính trị dựa trên các giá trị dân tộc và lợi ích quốc gia của đất nước, thông qua con đường đối thoại để xây dựng một thiết chế nhà nước Hồi giáo độc lập, tự do, có đủ sức xây dựng đất nước và bảo vệ lãnh thổ.

Taliban tuyên bố: họ cam kết trung thành với một giải pháp chính trị, không đặt mục tiêu nằm quyền cai quản tất cả các vùng và các tỉnh của Afghanistan, không có ý định chiếm các trung tâm quận huyện của Afghanistan bằng các biện pháp quân sự, và cũng sẽ không truy bức những người phiên dịch Afghanistan từng làm việc cho người Mỹ.

Các đại diện của Taliban cũng đảm bảo rằng họ sẽ không tấn công các nước láng giềng và lãnh thổ của Afghanistan sẽ không được sử dụng để chống lại các nước láng giềng hoặc những nước thân thiện (với Afganistan).

Họ sẽ đảm bảo an ninh cho các cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự nước ngoài, đồng thời cũng tuyên bố rằng họ sẽ không cho phép IS hiện diện trên lãnh thổ Afghanistan.

Về nhân quyền, Taliban khẳng định sự quan tâm của mình trong việc đạt được nền hòa bình bền vững trong nước thông qua các cuộc đàm phán, có tính đến lợi ích của tất cả các nhóm dân, sắc tộc, cũng như sẵn sàng tôn trọng quyền con người, trong đó có quyền của phụ nữ được học tập và làm việc “trong khuôn khổ những chuẩn mực Hồi giáo và các truyền thống Afghanistan” nhưng không mâu thuẫn với Đạo Hồi..

Tại một cuộc họp báo nói trên, Taliban cũng tuyên bố rằng họ sẽ chiến đấu chống nạn buôn lậu ma túy từ Afghanistan, đảm bảo vận chuyển hàng hóa an toàn trong những vùng lãnh thổ họ kiểm soát và sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ để bắt đầu các mối quan hệ lại từ đầu, bởi vì Mỹ đã công nhậnTaliban không phải là một tổ chức khủng bố và đang rút lực lượng của mình khỏi Afganistan.

Cũng trong cuộc họp báo này, đại diện của Taliban đã trả lời phỏng vấn của các phương tiện truyền thông Trung Quốc và khẳng định rằng họ mong muốn phát triển quan hệ láng giềng thân thiện với Bắc Kinh, không nêu vấn đề người Duy Ngô Nhĩ theo Đạo Hồi ở Trung Quốc và đề nghị Trung Quốc đầu tư để xây dựng một Afghanistan hòa bình.

Không nên quên rằng Pakistan, quốc gia thân cận với Trung Quốc, chính là quốc gia đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ Taliban và nỗ lực hết mình vì sự thành công của Taliban.

Cũng cần phải thấy rằng Taliban theo Đạo Hồi truyền thống và không chấp nhận thuyết Wahhabism do IS áp đặt.

Mục tiêu của hai phong trào Hồi giáo này khác nhau về cơ bản, Taliban chiến đấu cho Đạo Hồi dân tộc truyền thống trên lãnh thổ Afghanistan, còn các thành viên ISIS là những “chiến sỹ quốc tế” và bảo vệ lý tưởng về một Vương quốc Hồi giáo, đặt cho mình mục tiêu chiếm toàn thế giới.

Hiện tại Afganistan có hai phong trào Hồi giáo cực đoan (nói trên); ngoài ra không còn lực lượng (đáng kể) nào khác. Tình hình ở khu vực Trung Á đầy khó khăn này sẽ phụ thuộc vào việc ai thắng ai tại Afghanistan.

Taliban đang tìm kiếm cơ hội cùng chung sống hòa bình với các nước láng giềng, còn IS thì sẵn sàng chinh phục tất cả và áp đặt lý tưởng của mình bằng sức mạnh của vũ khí.

Taliban có thể tìm cách gây ảnh hưởng đến người Tajik và người Uzbek cùng dân tộc ở Tajikistan và Uzbekistan, nhưng việc đồng hóa các dân tộc khác là đi ngược lại những nguyên tắc tư tưởng của họ.

Chính vì thế, có thể và cần phải đàm phán với Taliban về tương lai của Afghanistan và về các mối quan hệ của nó với các nước láng giềng để tìm cách đảm bảo an ninh cho các tuyến biên giới phía nam của Nga.

Và đây cũng là lợi ích của Trung Quốc, một quốc gia đang tìm kiếm đồng minh trong cuộc đối đầu với Mỹ để đảm bảo an ninh cho mình trên các tuyến biên giới phía Bắc.


Lê Hùng- Nguyễn Hoàng
(dịch)

Nguồn: datviet.trithuccuocsong.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.