Chuyên mục
Sao ông Putin đề xuất Tổng thống Nga chỉ 2 nhiệm kỳ?

Sao ông Putin đề xuất Tổng thống Nga chỉ 2 nhiệm kỳ?

Chủ nhật 16/02/2020 06:46 GMT + 7

Đề xuất của ông Putin giúp giải quyết tình trạng "giữ chỗ" của những lãnh đạo "kém tài, thiếu đức nhưng thừa thủ đoạn" có thể làm hại đất nước...

 

Tổng thống Putin ký sắc lệnh trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp Nga

RIA Novosti đưa tin, hôm 14/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về việc bắt đầu chuẩn bị tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp. Sắc lệnh được công bố trên cổng thông tin điện tử của chính phủ Nga.

“Liên quan đến việc đảm bảo sự tham gia của công dân Nga trong việc quyết định sửa đổi Hiến pháp Nga, các cơ quan chính phủ, chính quyền địa phương và các tổ chức khác chuẩn bị tiến hành cho cuộc bỏ phiếu toàn Nga”, theo Sắc lệnh.

Cũng theo Sắc lệnh của Tổng thống Nga, Ủy ban Bầu cử trung ương Nga (CEC) đã được giao nhiệm vụ tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp và thực hiện tất cả các hoạt động liên quan.


Ông Putin luôn là ngôi sao sáng nhất trong đời sống chính trị Nga suốt hơn 2 thập kỷ qua.


Ngoài việc ký Sắc lệnh tổ chức trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp, Tổng thống Putin cũng ra chỉ thị, yêu cầu chính phủ Nga cấp khoản ngân sách 17,7 tỷ ruble, tương đương 279 triệu đô la Mỹ cho công tác tổ chức sự kiện đặc biệt này.

Ủy ban Bầu cử trung ương Nga chưa công bố thời điểm cụ thể tiến hành cuộc trưng cầu. Tuy nhiên, ông Putin đã đề xuất trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp vào một ngày làm việc. Theo các nguồn tin, cuộc bỏ phiếu có thể diễn ra ngày thứ Tư, 22/4.

Chủ tịch Ủy ban Bầu cử trung ương Nga Ella Pamfilova cho biết: “Chúng tôi đã sẵn sàng cho việc tổ chức một cuộc bỏ phiếu toàn Nga. Chúng tôi hiểu rất rõ rằng không nên trì hoãn quá trình trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp quá lâu”.

Xin nhắc lại, ngày 15/1, Tổng thống Putin đã đề xuất một loạt sửa đổi cho Hiến pháp Nga trong Thông điệp Liên bang năm 2020. Các sửa đổi được đề xuất có liên quan cả đến cơ chế lẫn định chế trong phân chia, vận hành và thực thi quyền lực.

Thư ký báo chí của tổng thống Nga, Dmitry Peskov lưu ý đây là cải cách nghiêm túc, nên Tổng thống Putin cho rằng cần phải tham khảo ý kiến của dân chúng thông qua bỏ phiếu. Ông Putin đề nghị trưng cầu ý dân cho mỗi đề xuất sửa đổi.

Ngày 20/1, Tổng thống Putin đã trình bản Dự luật sửa đổi Hiến pháp lên Quốc hội Nga. Bản dự luật sửa đổi Hiến pháp mà người đứng đầu Điện Kremlin đề xuất sau đó đã được công khai trên trang web của Hạ viện Nga - Duma Quốc gia Nga.

Tuy nhiên, cuộc cải cách chính trị - mà được ví như một cuộc cách mạng quyền lực - do Tổng thống Nga Vladimir Putin thúc đẩy đã gặp phải những phản ứng trái chiều trong cả đời sống chính trị lẫn đời sống xã hội Nga, theo Reuters.

Tổng thống Putin đã đề xuất Hiến pháp sửa đổi phải được trưng cầu dân ý, nghĩa là trao vận mệnh quốc gia vào tay người dân Nga. Vậy nhưng ông Putin vẫn bị hoài nghi là tìm cách củng cố quyền lực sau khi mãn nhiệm.

 


Với ông Putin, việc trao vận mệnh quốc gia vào tay người dân Nga là cực kỳ quan trọng.


Tại sao ông Putin đề xuất Tổng thống Nga chỉ giới hạn trong 2 nhiệm kỳ?

Trong các điểm cải cách mà Tổng thống Putin đề xuất cho Hiến pháp sửa đổi năm 2020, đáng chú ý là việc giới hạn mỗi tổng thống Nga chỉ có 2 nhiệm kỳ tổng cộng, thay vì hai nhiệm kỳ liên tiếp được quy định trong Hiến pháp sửa đổi năm 2008.

Điều gì khiến vị Tổng thống Nga đương thời Vladimir Putin lại đề xuất Tổng thống Nga trong tương lai - cụ thể là từ nhiệm kỳ thứ 8 trở đi - chỉ được phục vụ tối đa 2 nhiệm kỳ? Theo giới phân tích, có thể xem xét dưới 2 khía cạnh:

Thứ nhất, sau khi Tổng thống Putin thực hiện cuộc cách mạng quyền lực, thể chế nhà nước Nga đã được hoàn thiện một bước quan trọng, mà thể hiện ra là vai trò cơ chế quan trọng hơn định chế trong nền tảng vận hành quyền lực.

Xét trên góc độ khoa học nhà nước và pháp luật, từ khi Liên bang Xô Viết tan rã năm 1991 cho đền trước khi diễn ra cuộc cách mạng quyền lực, nước Nga thời hậu Xô Viết đã trải qua 2 giai đoạn phát triển với nhiều sắc thái khác nhau.

Giai đoạn thứ nhất là phát triển không định hướng dưới thời chính quyền Tổng thống Boris Yeltsin, mà kết quả là đưa nước Nga vào hỗn loạn. Cả nhà nước và pháp luật của Nga đều suy yếu dưới thời Yeltsin.

Nhà lãnh đạo đầu tiên của nước Nga thời hậu Xô Viết đã tạo điều kiện và cuối cùng là bất lực trước hiện tượng “tội phạm hoá chính trị”, hậu quả là để nhiều kẻ phạm tội hình sự tham gia vào bộ máy công quyền, từ đó làm suy yếu nhà nước.

Khi nhà nước bị suy yếu bởi hiệu tượng tội phạm hoá chính trị thì vai trò của hệ thống pháp luật cũng bị suy giảm, thể hiện rõ nhất là trong nhiều trường hợp văn bản hành chính nhà nước điều chỉnh văn bản luật.

Đây chính là biểu hiện nền tảng quyền lực phụ thuộc vào định chế hơn là cơ chế và là nguyên nhân khiến quyền lực nhà nước Nga dưới thời Yeltsin bị suy giảm nghiêm trọng, lợi ích của người dân gần như không được bảo vệ bởi luật pháp.


Thời Yeltsin, định chế thực thi quyền đã lần át cơ chế vận hành quyền lực.


Giai đoạn thứ hai là sau khi Tổng thống Putin nắm quyền. Giai đoạn này được chia làm 2 thời kỳ với định hướng phát triển khác nhau, nhưng cùng hướng tới một mục đích là khôi phục sức mạnh của nhà nước và khẳng định sức mạnh của luật pháp.

Nhà lãnh đạo thứ 2 của nước Nga thời hậu Xô Viết vừa tập trung khắc phục những sai lầm của người tiền nhiệm, vừa tập trung vào hoàn thiện cả thể chế lẫn cơ chế, để từ đó khẳng định sức mạnh của nhà nước và pháp luật Nga.

Chính vì tập trung hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh lập pháp và tăng cường hành pháp nên Tổng thống Putin đã nhận ra những trở lực đối với sự phát triển của đất nước, nên đã tiến hành cuộc cách mạng quyền lực.

Nếu như năm 2008, Tổng thống Putin tiến hành sửa đổi Hiến pháp để có thể nắm quyền lâu hơn, giúp ông hoàn thành những ý định dang dở, thì năm 2020, đề xuất sửa đổi Hiến pháp của ông là hoàn thiện thể chế để đảm bảo an toàn cho nước Nga.

Có thể thấy, Tổng thống Putin quyết đưa nước Nga lên vị thế của một cường quốc, nhưng chỉ là vị thế thôi chứ Nga chưa phải là cường quốc thực thụ. Bởi cường quốc thì luôn phải mạnh về nhiều mặt, trong đó có hệ thống luật pháp vững mạnh.

Mà hệ thống luật pháp vững mạnh thì thể chế nhà nước phải hoàn thiện, cơ chế phân chia và vận hành quyền lực đóng vai trò quyết định, chứ không phải định chế thực thi quyền lực. Từ đó, giúp người dân vào sức mạnh và sự công bằng của pháp luật.

Với những đề xuất của Tổng thống Putin cho sửa đổi Hiến pháp năm 2020 này, có thể thấy sau khi cuộc cách mạng quyền lực hoàn tất, bản Hiến pháp sửa đổi được trưng cầu dân ý thông qua thì thể chế nhà nước Nga đã hoàn thiện cơ bản.

Khi đó cơ chế vận hành quyền lực đóng vai trò quyết định cho hệ thống chính trị vận hành. Thực tế đó khiến việc tạo cơ hội cho người tài tham gia giúp nước cần được mở rộng, và giới hạn tổng thống chỉ phục vụ 2 nhiệm kỳ là đáp ứng yêu cầu đó.


Ông Putin hướng nước Nga tới vị thế cường quốc, trong đó có hệ thống luật pháp mạnh như nước Mỹ.


Thứ hai, Tổng thống Putin đã nhận thấy sự khiếm khuyết và thiếu khoa học của việc nằm giữ và thực thi quyền lực không theo nhiệm kỳ, vì vậy ông triệt để khắc phục.

Có thể thấy, những nhà luật học, xã hội học và chính trị học đưa ra khái niệm nhiệm kỳ trong hoạt động chính trị là dựa trên những cơ sở hết sức khoa học về sức khỏe, trí tuệ và tâm lý của con người.

Nhiệm kỳ hoạt động chính trị đã tạo ra một động lực rất mạnh mẽ, giúp phát huy cao nhất khả năng của con người hoạt động, làm việc trong những khoảng thời gian cố định, nhất định.

Nhiệm kỳ hoạt động chính trị - nhất là với các chức vị lãnh đạo - giúp giảm đi sự lệch pha giữa ý chí cá nhân với ý nguyện tập thể, mà kết quả của nó là mang lại quyền lợi cho cả hai phía.

Và với chức vị lãnh đạo càng cao thì quy định về nhiệm kỳ càng chặt chẽ, vì sự lệch pha giữa ý chí cá nhân với ý nguyện tập thể gia tăng theo số lượng người dân chịu sự kiểm tỏa bởi chức vị.

Do vậy, việc kéo dài quyền lực mà không dựa trên cơ sở học về sức khỏe, trí tuệ và tâm lý của con người, thì với bất cứ lý do gì đều là phản khoa học, từ đó cản trở sự phát triển của xã hội, và đương nhiên sẽ có hậu quả cho những hành động ấy.

Là nhà lãnh đạo tài năng và có trí tuệ siêu phàm, Tổng thống Putin thừa hiểu tác hại của vấn đề lãnh đạo không nhiệm kỳ. Tại cuộc gặp gỡ với các cựu chiến binh thời Thế chiến 2 tại St. Petersburg ngày 18/1, ông Putin đã chia sẻ lo ngại về điều này.

Nhà lãnh đạo Nga đương thời cho cho rằng : "Sẽ rất đáng lo ngại nếu trở lại với tình hình của những năm giữa thập niên 1980, khi mà những nhà lãnh đạo của đất nước, từng người một, cứ tại vị mãi cho tới ngày cuối cùng của họ", theo TASS.



Ông Putin luôn cho thấy không có tham vọng nắm giữ quyển lực suốt đời.


Nhưng theo Hiến pháp Nga sửa đổi năm 2008, giới hạn cho phục vụ của Tổng thống Nga chỉ là 2 nhiệm kỳ liên tiếp, nên sau 1 thời gian gián đoạn có thể ra ứng cử tiếp, như chính ông Putin, thì vấn đề vẫn rất ổn thoả, sao ông Putin lại thay đổi điều này?

Giới phân tích cho rằng, vấn đề nằm ở động lực làm việc. Khi bị giới hạn bởi thời gian cố định, nhất định của nhiệm kỳ, các cá nhân - nhất là lãnh đạo - sẽ làm việc và cống hiến với động lực và hiệu suất cao nhất. Vì họ sẽ không còn cơ hội lần nữa.

Mặt khác, đề xuất của ông Putin còn giúp giải quyết tình trạng "giữ chỗ" của những lãnh đạo "kém tài, thiếu đức nhưng thừa thủ đoạn" có thể làm hại đất nước, qua việc cấu kết hay đổi trao-mua bán quyền lực.

Ai muốn phục vụ đất nước lâu dài thì hãy tham gia vào cơ chế phân chia và vận hảnh quyền lực, mà cụ thể là tham gia vào các cuộc tổng tuyển cử. Như vậy, việc giới hạn 2 nhiệm kỳ cho Tổng thống Nga tương lai vừa khoa học, vừa thực tế với nước Nga.

Chính vì vậy, giới phân tích cho rằng, Tổng thống Putin thực hiện cuộc cách mạng về quyền lực là vì nước Nga, vì người dân Nga, chứ không hẳn là tính toán về quyền lực vì lợi ích của cá nhân ông.


Ngọc Việt

Nguồn: baodatviet.vn
32 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.