Chuyên mục
Pháp từng bất ngờ rút khỏi bộ chỉ huy, khiến NATO một phen ''sốt vó'' ra sao?

Pháp từng bất ngờ rút khỏi bộ chỉ huy, khiến NATO một phen ''sốt vó'' ra sao?

Thứ hai 06/06/2022 19:31 GMT + 7

Ngày 4.4.1949, Pháp, Mỹ, Anh cùng 8 quốc gia khác trở thành những thành viên sáng lập và trụ cột của NATO. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Pháp và NATO không phải lúc nào cũng “cơm lành canh ngọt”.

Năm 1966, việc Pháp rời khỏi bộ chỉ huy NATO đã trở thành cuộc khủng hoảng nội bộ đầu tiên và lớn nhất mà khối quân sự này phải đối mặt.

 

Charles de Gaulle – Tổng thống Pháp có đường lối cứng cắn với NATO (ảnh : History)


Tháng 1.1959, Charles de Gaulle nhậm chức Tổng thống Pháp. Lúc này, Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô đang trong giai đoạn căng thẳng nhất và Pháp đã đạt được nhiều bước tiến để sở hữu kho vũ khí hạt nhân của riêng mình.

Tuy nhiên, không giống như Anh, chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Pháp không nhận được sự giúp đỡ của Mỹ. Chỉ có một số ít các nhà khoa học Pháp được tham gia vào Dự án Manhattan (dự án nghiên cứu và phát triển bom nguyên tử của Mỹ), theo History.

Xuất thân là Bộ trưởng Quốc phòng, ông Charles de Gaulle có cái nhìn khá cứng rắn về chính sách hạt nhân của Pháp. Ông Charles de Gaulle cho rằng, Pháp cần sở hữu kho vũ khí hạt nhân của riêng mình để tự vệ trong trường hợp không nhận được sự giúp đỡ từ Anh và Mỹ. Pháp cũng không tình với chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân của Washington. Ngược lại, quyết định theo đuổi chương trình hạt nhân độc lập của Pháp không nhận được sự ủng hộ của Mỹ và Anh.

 


Quân đội Pháp ở Estonia – nước thành viên NATO (ảnh : France 24)


Theo History, về mặt lý thuyết, các hoạt động quân sự của NATO được quyết định dựa trên sự đồng thuận của tất cả các thành viên. Nhưng trên thực tế, Mỹ mới là quốc gia đứng sau những quyết định này và điều đó khiến Pháp lo ngại. Cuối cùng, ông Charles de Gaulle muốn quyền kiểm soát tuyệt đối quân đội Pháp chỉ thuộc về riêng Paris.

Ngày 17.9.1958, ông Charles de Gaulle – khi đó còn là Bộ trưởng Quốc phòng Pháp – gửi một bức thư cho Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Dwight Eisenhower và Thủ tướng Anh Harold Mc Millan nhằm đề xuất việc thành lập một ủy ban lãnh đạo của NATO. Theo đó, Mỹ, Anh và Pháp sẽ có tiếng nói bình đẳng trong NATO và cùng quyết định các vấn đề chiến lược. Ông Charles de Gaulle cũng đề cập đến việc Pháp có thể rời NATO nếu Anh và Mỹ không chấp thuận việc chia sẻ quyền lực.

Thời điểm ông Charles de Gaulle viết bức thư, quan hệ Mỹ - Pháp vẫn khá căng thẳng sau cuộc khủng hoảng kênh đào Suez (Ai Cập). Năm 1956, chính phủ Ai Cập quyết định đòi lại quyền sở hữu kênh đào Suez – tuyến huyết mạch nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ – lúc này đang do Anh và Pháp kiểm soát.

Bất mãn trước quyết định của Cairo, liên quân Anh – Pháp tấn công Ai Cập và khiến cả Mỹ và Liên Xô phải vào cuộc. Washington đã gây sức ép, buộc Anh – Pháp phải rút quân và trao trả kênh đào cho Ai Cập. Theo nhiều chuyên gia, Mỹ lo ngại cuộc chiến ở kênh đào Suez có thể lan sang Trung Đông – nơi Washington đang cạnh tranh ảnh hưởng với Liên Xô.

 


Pháp sở hữu lực lượng hạt nhân của riêng mình (ảnh : RT)


Ông Charles de Gaulle tỏ ra bực tức với tính toán của Mỹ. Ông cho rằng, Washington đã “bỏ rơi” đồng minh trong cuộc khủng hoảng kênh đào Suez. Một lần nữa, ông Charles de Gaulle thấy rằng, quân đội Pháp sẽ không bao giờ thực sự độc lập nếu còn nằm trong khối NATO, theo Allthatsinteresting.

Cuộc đối đầu trong nội bộ NATO giữa Pháp và Mỹ lên đến đỉnh điểm vào năm 1963, khi Paris không chấp nhận ý tưởng của Washington về việc xây dựng một hạm đội hạt nhân Bắc Đại Tây Dương. Lý do là Pháp đã có kế hoạch xây dựng một hạm đội mạnh mẽ cho riêng mình.

Ngày 11.3.1959, sau nhiều căng thẳng âm ỉ, ông Charles de Gaulle đã ra lệnh cho hạm đội hải quân Pháp rút khỏi lực lượng NATO. 

Thông báo việc Pháp rút hạm đội khỏi NATO được đưa ra trùng thời điểm Tổng thống Mỹ John F. Kennedy chuẩn bị có chuyến thăm châu Âu. Ông Kennedy đã nhiều lần thuyết phục người đồng cấp Pháp rút lại quyết định của mình. Trong khi đó, một số cố vấn của ông Kennedy chỉ trích động thái của Pháp có thể đe dọa an ninh châu Âu và tạo ra tiền lệ xấu.

Tháng 6 cùng năm, Pháp từ chối cho Mỹ đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ. Để đáp trả, Mỹ rút 200 máy bay quân sự khỏi nước Pháp.

Ngày 10.3.1966, sau khi đắc cử Tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2, ông Charles de Gaulle tuyên bố Pháp rút khỏi bộ chỉ huy quân sự NATO – cơ quan ra quyết định quân sự quan trọng nhất của khối. Điều này đồng nghĩa với việc Pháp có quyền chỉ huy tuyệt đối đối với quân đội nước này, không phụ thuộc vào các hoạt động của NATO. Ngoài ra, Pháp cũng tuyên bố không cho phép NATO đặt bất cứ căn cứ quân sự nào trên lãnh thổ nước này.

“Pháp quyết tâm giành lại toàn bộ lãnh thổ và chủ quyền của mình. Chúng tôi sẽ ngừng việc đưa lực lượng của mình vào sự kiểm soát của NATO. Chúng tôi cũng loại bỏ các lực lượng của NATO ra khỏi lãnh thổ”, ông Charles de Gaulle thời điểm đó cho hay.

Để làm cho tình hình căng thẳng hơn, năm 1966, ông Charles de Gaulle đã viết một bức thư cho Tổng thống Mỹ khi đó là Lyndon B Johnson, yêu cầu Washington rút toàn bộ lực lượng khỏi Pháp. Ngoại trưởng Mỹ Dean Rusk đã bình luận về yêu cầu của ông Charles de Gaulle một cách mỉa mai rằng: “Điều đó có bao gồm cả những người lính Mỹ đã chết khi bảo vệ nước Pháp (trong Thế chiến II) hay không”.

Quyết định năm 1966 của Pháp đã gây chấn động lớn đối với tất các thành viên còn lại của NATO. Đây cũng là lời nhắc nhở về những rạn nứt của NATO và thách thức hoạt động ổn định của khối quân sự này, theo Guardian.

“Thập niên 60 chứng kiến NATO xảy ra nhiều chia rẽ và căng thẳng chưa từng có kể từ khi thành lập. Một số quốc gia cho rằng họ không được đối xử một cách công bằng”, Jamie Shea – phó trợ lý Tổng thư ký NATO – nói năm 2009.

Quyết định rời bộ chỉ huy NATO của ông Charles de Gaulle được người dân Pháp khi đó rất ủng hộ. Dư luận Pháp cho rằng, ông Charles de Gaulle đang đưa nước Pháp tiến lên theo con đường tự chủ và một lần nữa trở thành một trong những nhà lãnh đạo toàn cầu.

Các đồng minh còn lại của NATO đã cố gắng thuyết phục Pháp cân nhắc lại về quyết định nhưng không thành công. Tháng 7.1966, Pháp rút hầu hết quân đội nước này khỏi lực lượng chung của NATO. NATO cũng chuyển trụ sở từ Pháp sang Bỉ.

Tuy nhiên, việc Pháp rút khỏi bộ chỉ huy NATO không có nghĩa là nước này đã rời khỏi khối quân sự lớn nhất thế giới. Pháp vẫn giữ nguyên chính sách tham gia phòng thủ chung nếu một thành viên NATO bị tấn công. Việc cử lực lượng tham gia phòng thủ hay không sẽ do Pháp quyết định, không bị chi phối bởi các thành viên NATO.



Tàu chiến NATO trên đất Pháp (ảnh : Turkishnavy)


Theo History, Washington khi đó cho rằng, việc Pháp rút khỏi bộ chỉ huy quân sự NATO chỉ là hành động bột phát và Paris sẽ sớm quay lại. Đánh giá của Mỹ không sai, nhưng NATO đã phải chờ rất lâu để chào đón Pháp trở về.

Năm 2009 (43 năm sau quyết định của ông Charles de Gaulle), Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố Pháp sẽ quay lại bộ chỉ huy quân sự NATO. Lúc này, lực lượng Pháp cũng có mặt trong hoạt động gìn giữ hòa bình của NATO ở khu vực Balkan và Afghanistan.

“Chúng ta có binh sĩ tham gia vào hoạt động của NATO, nhưng chúng ta lại không có mặt tại bộ chỉ huy, nơi những quyết định quan trọng nhất được đưa ra? Đã đến lúc chấm dứt tình trạng này. Vì lợi ích của Pháp và châu Âu”, ông Nicolas Sarkozy phát biểu năm 2009.

Mỹ đã nhiệt liệt hoan nghênh việc Pháp quay lại bộ chỉ huy NATO.

“Mặc dù lực lượng Pháp vẫn sát cánh cùng chúng ta, nhưng việc họ quay lại bộ chỉ huy là một tin tốt lành”, Geoff Morrell – thư ký báo chí Lầu Năm Góc – phát biểu.

Jaap de Hoop Scheffer – Tổng Thư ký NATO – khi đó đang có chuyến thăm Hungary, Cộng hòa Séc và Ba Lan cũng ngay lập tức tổ chức họp báo để hoan nghênh về quyết định quay lại của Pháp.

 

Vương Nam (tổng hợp)

Nguồn: danviet.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.