Chuyên mục
Ông Putin bẻ ngoặt lưỡi dao EU tính đâm sau lưng Nga
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Ông Putin bẻ ngoặt lưỡi dao EU tính đâm sau lưng Nga

Thứ sáu 05/07/2019 04:22 GMT + 7
Tổng thống Putin kết thúc xung đột về khí đốt giữa Nga với Turkmenistan, khi Ashgabat và Brussles chưa thể đồng thuận về việc Turkmenistan tham gia SGC...

Nga và Turkmenistan chính thức kết thúc xung đột về khí đốt

Ngày 3/7, Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga ra thông báo cho biết họ đã ký hợp đồng nhập khẩu khí đốt từ Turkmenistan với thời hạn 5 năm. Quyết định này đã khép lại những xung đột về khí đốt giữa Nga và Turkmenistan.

Hợp đồng Gazprom ký với công ty khí đốt nhà nước Turkmenistan -Turkmengaz - là sự tiếp nối từ một thỏa thuận tạm thời được hai bên ký kết hồi tháng 4/2019 và đã hết hạn vào cuối tháng 6/2019.

Nga từng là đối tác chính trong hoạt động mua bán khí đốt của Turkmenistan cho đến đầu những năm 2010, khi việc nhập khẩu khí đốt tương đối rẻ từ Turkmenistan cho phép Nga tăng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu.

Nga nối lại việc mua khí đốt của Turkmenistan

Tuy nhiên, sau vụ nổ đường ống dẫn khí Davletbat-Daryalik hồi tháng 10/2009, mà Ashgabat đổ lỗi cho Moscow, Turkmenistan đã tìm cách đa dạng hóa ngành năng lượng, qua đó giảm sự phụ thuộc vào Nga. Cuộc xung đột khí đốt khởi phát.

Đến năm 2015, Gazprom quyết định giảm lượng khí đốt mua của Turkmenistan còn 4 tỷ m3 mỗi năm. Quyết định này đã khiến Turkmenistan ngừng toàn bộ hoạt động xuất khẩu khí đốt sang Nga từ đầu năm 2016. Thay thế Nga là Trung Quốc.

Xuất khẩu khí đốt từ Turkmenistan sang Trung Quốc đi qua một đường ống dẫn khí qua Uzbekistan và Kazakhstan, dài hơn 1.800 km, được tài trợ bởi Bắc Kinh, hiện ở mức từ 30 đến 40 tỷ m3 mỗi năm.

Song Turkmenistan bán khí đốt cho Trung Quốc không mang lại lợi ích bằng bán cho Nga. Điều đó một phần vì giá bán rẻ, một phần vì chi phí trung chuyển lớn, một phần vì Bắc Kinh cấn trừ nợ quá nhiều, khiến Turkmenistan bán càng nhiều thiệt càng lớn.

Trong khi với Nga, mất phần khí đốt của Turkmenistan không chỉ mất đi nguồn lợi to lớn, mà còn giúp nâng cao khả năng cạnh tranh cho đối thủ, đồng thời tạo cơ hội cho bạn hàng gây sức ép với chính mình.

Vì vậy, từ tháng 10/2018, các cuộc đàm phán nối lại hoạt động xuất khẩu khí đốt từ Turkmenistan sang Nga được xúc tiến. Gazprom hy vọng mua khí đốt Turkmenistan từ tháng 1/2019, song đến tháng 4/2019 mới được nối lại bằng thoả thuận tạm thời.

Nay thỏa thuận tạm thời hết hạn nhưng không phải được gia hạn hay tái ký mà được nối tiếp bằng hợp đồng chính thức, khép lại những xung đột trong hoạt động mua bán khí đốt giữa Nga và Turkmenistan.

Tầm quan trọng của hợp đồng mua bán khí đốt giữa Gazprom và Turkmengaz ký kết ngày 3/7/2019 được giới chuyên gia năng lượng quốc tế đánh giá là mở ra một trang sử mới trong hoạt động mua bán khí đốt giữa Nga và Turkmenistan, theo AFP.

Ông Putin đã bẻ ngoặt lưỡi dao EU tính đâm sau lưng Nga

Trong thời gian Nga và Turkmenistan chưa thống nhất về nối lại việc mua bán khi đốt thì đã xảy ra một sự kiện quan trọng. Đó là EU mời Turkmenistan tham gia Dự án Hành lang khí đốt phía Nam (SGC), cung cấp khí đốt cho châu Âu. 

Sơ đồ hàng lang khí đốt phía Nam

Đáp lời EU, chính phủ Turkmenistan đã cử đại diện cao cấp tham gia cuộc họp Hội đồng tư vấn cho SGC. Điều đó được xem là tín hiệu cho thấy Turkmenistan thực sự quan tâm với Dự án Hành lang khí đốt phía Nam.

Dự án Hành lang khí đốt phía Nam với chi phí lên tới 40 tỷ USD - dự án đầy tham vọng của EU - được đánh giá là một sáng kiến quan trọng, mang tầm chiến lược sẽ giúp châu Âu đảm bảo tốt nhất an ninh năng lượng.

Tuyến ống dẫn của SGC có chiều dài 3.500 km, bao gồm các cung đoạn : Đường ống dẫn khí Nam Caucasus (SCP) liên kết các mỏ ở biển Caspi với Thổ Nhĩ Kỳ, các đường ống dẫn khí Trans-Anatilian (TANAP) và Trans-Adriatic (TAP).

Chiều dài TANAP là 1.850 km, công suất thông lượng là 16 tỷ m3 khí/năm, trong đó khoảng 6 tỷ m3 khí cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ. Còn lại 10 tỷ m3 sẽ được chuyển đến châu Âu qua cung đoạn TAP với chiều dài là 878 km.

Nguồn tài nguyên chính yếu đảm bảo cho Dự án Hành lang khí đốt phía Nam có thể vận hành được xác định là mỏ khí ngưng tụ Shakh Deniz của Azerbaijan trên thềm lục địa biển Caspi.

EU đang theo đuổi chính sách đa dạng hóa nhập khẩu khí đốt, vì thế luôn hỗ trợ đầy đủ cho dự án SGC. Thậm chí giới chính trị châu Âu còn đưa SGC ra làm đối trọng với các đường ống khí đốt của Nga đến châu Âu.

Tuy nhiên, hiện tại SGC không thể cạnh tranh với các đường ống dẫn khí của Nga, vì công suất chỉ là 16 tỷ m3/năm. Trong khi 6 tỷ m3 đã dành cho Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ còn 10 tỷ m3 cho EU, quá nhỏ so với lượng khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu.

Có chiều dài 3.500 km và chi phí lên tới 40 tỷ USD mà chỉ để vận chuyển 16 tỷ m3 khí mỗi năm đã đặt ra nhiều hoài nghi về tham vọng của EU đối với Dự án Hành lang khí đốt phía Nam.

Do vậy, giới phân tích cho rằng mời Turkmenistan tham gia SGC bên cạnh việc hoá giải nguy cơ lượng khí đốt của Azerbaijan không đủ lấp đầy công suất đường ống dẫn, nó còn nằm trong chiến lược của EU.

Nga đã có thể ngăn chặn hoặc tối thiểu hoá lượng khí đốt Turkmenistan cung cấp cho châu Âu qua SGC

Có thể thấy mời Turkmenistan tham gia SGC là cách tốt nhất giúp EU đa dạng hoá nguồn cung ứng khi đốt - loại nhiên liệu ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong các loại nhiên liệu phục vụ sản xuất và sinh hoạt tại châu Âu, từ đó giảm phụ thuộc vào Nga.

Giới chuyên gia năng lượng nhận định công suất của SGC không chỉ cố định là 16 tỷ m3 khí/năm, mà chắc chắn sẽ được nâng lên ngay sau khi những m3 khí đầu tiên đến được châu Âu, đồng thời Turkmenistan chấp nhận tham gia dự án.

Bởi với trữ lượng khí đốt của Azerbaijan được xác định là 2.600 tỷ m3 và trữ lượng khí đốt của Turkmenistan được xác định là 7.500 tỷ m3, rõ ràng việc nâng công suất cho SGC là yêu cầu tất yếu.

Nếu dòng khí đốt của Turkmenistan hoà vào SGC sẽ là cảnh báo nghiêm khắc với khí đốt Nga, đang chiếm gần 45% thị phần EU, dù tổng trữ lượng của Azerbaijan và Turkmenistan là 10.100 tỷ m3, chưa bằng 1/4 của Nga - trữ lượng là 47.570 tỷ m3.

Vì ngoài SGC, EU còn thúc đẩy Dự án đường ống dẫn khí đốt Đông Địa Trung Hải, mỗi năm vận chuyển khoảng 20 tỷ m3 khí đốt từ Israel và Cộng hoà Síp tới châu Âu, đáp ứng khoảng 15% nhu cầu khí đốt của EU. Dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Như vậy, tổng lượng khí đốt mà đường ống SGC và đường ống Đông Địa Trung Hải cung cấp cho châu Âu sẽ khiến Nga mất đi khoảng gần 1/3 thị phần EU. Đó là chưa tính tới khả năng SGC được nâng công suất.

Không những vậy, khi EU mời Turkmenistan tham gia Dự án Hành lang khí đốt phía Nam thì Ashgabat sẽ có thêm động lực cho việc xây dựng Đường ống xuyên Caspi, vốn gặp rào cản từ Moscow trong bối cảnh quan hệ Moscow-Ashgabat lạnh nhạt.

Nên biết là Turkmenistan muốn xây dựng Đường ống xuyên Caspi, dẫn truyền khí đốt giữa Turkmenistan và Azerbaijan, cho phép phép khí đốt của Turkmenistan đi vòng qua Nga và tới châu Âu. Tuy nhiên, Nga đã phản đối.

Mặc dù Moscow viện dẫn lý do môi trường để phản đối việc xây dựng Đường ống xuyên Caspi, song theo giới chuyên gia năng lượng thì nguyên nhân chính là nguy cơ khí đốt của Nga phải cạnh tranh với khí đốt Turkmenistan tại thị trường EU.

Tổng thống Putin đã bẻ ngoặt lưỡi dao mà EU tính đâm sau lưng Nga

Thế là từ xuất phát điểm Dự án Hành lang khí đốt phía Nam, EU đã tiến sâu hơn vào không gian hậu Xô Viết. Thậm chí Brussels còn được nhìn nhận là sẽ không chỉ dừng lại ở lợi ích của khí đốt, mà còn sử dụng khí đốt để tạo thế tại sân sau của Nga.

Đó là cung cấp khí đốt với giá ưu đãi từ SGC cho Armenia - đồng minh chiến lược của Nga ở Nam Caucasus. Điều này hoàn toàn có thể bởi Moscow đã và đang thực hiện. Như vậy, mời Turkmenistan tham gia SGC, EU đã tính đâm sau lưng Nga.

Rõ ràng, để hoá giải nguy hại thì phải chặn được dòng khí đốt của Turkmenistan hoà vào dòng chảy SGC hay tối thiểu hoá lượng khí đốt của Turkmenistan cung cấp cho châu Âu qua đường ống của SGC.

Tổng thống Putin đã thực hiện điều đó bằng hâm nóng quan hệ Moscow-Ashgabat và từ đó kết thúc xung đột về khí đốt giữa Nga với Turkmenistan, ngay khi Ashgabat và Brussles chưa thể đồng thuận mọi vấn đề về việc Turkmenistan tham gia SGC.

Khi chỉ còn nguồn khí đốt của Azerbaijan với trữ lượng khoảng 2.600 tỷ m3, EU khó có thể sử dụng SGC để gây sức ép với Nga. Và khi Gazprom - Turkmengaz ký hợp đồng mua bán khí đốt thì cũng là lúc lưỡi dao EU tính đâm sau lưng Nga chính thức bị Putin bẻ ngoặt.

Ngọc Việt
Nguồn: baodatviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.