Chuyên mục
Những vũ khí nào của Pháp phù hợp với Việt Nam?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Những vũ khí nào của Pháp phù hợp với Việt Nam?

Thứ tư 21/05/2014 05:13 GMT + 7
Tàu tuần tra xa bờ lớp Gowind, máy bay chiến đấu đa năng Rafale và Mirage-2000 nâng cấp có thể là những ứng viên tiềm năng.

Vũ khí Pháp luôn được đánh giá cao trên thế giới vì sở hữu nhiều tính năng chiến đấu ưu việt. Nhưng trong biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay số lượng vũ khí có nguồn gốc Pháp còn khá ít, có thể kể ra đây một vài chủng loại như radar giám sát biển CW-100 đã đưa vào biên chế hay tên lửa đối hạm Exocet MM40 Block 3 cùng tên lửa phòng không VL MICA sắp được mua nhằm trang bị cho tàu chiến Sigma 9814.

Tuy nhiên trong chuyến thăm gần đây, Chuẩn đô đốc Pháp Pascal Ausseur cho biết: Pháp sẵn sàng hợp tác và chuyển giao công nghệ vũ khí với các cơ quan Quân đội và Quân sự Việt Nam nếu nhận được yêu cầu. Với diễn biến mới này việc các loại vũ khí Pháp sẽ xuất hiện nhiều hơn tại Việt Nam trong tương lai là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Một số vũ khí Pháp có thể phù hợp với Việt Nam, bao gồm:

1. Tàu tuần tra xa bờ (OPV) lớp Gowind

 
Tàu tuần tra xa bờ lớp Gowind

Tàu tuần tra xa bờ (OPV - Offshore Patrol Vessels) lớp Gowind được nghiên cứu và chế tạo bởi Tập đoàn công nghiệp tàu thủy DCNS (Pháp). Nhiệm vụ chính của tàu là bảo vệ chủ quyền biển đảo, đảm bảo an ninh hàng hải, chống cướp biển, buôn lậu, giám sát hoạt động đánh bắt cá, tìm kiếm cứu nạn...

OPV Gowind có thiết kế khá lạ mắt với hình kim tự tháp. Tháp chỉ huy được thiết kế dạng tam giác có phần mũi nhọn hướng về phía trước, không bằng phẳng như các tàu chiến khác sẽ làm tán xạ sóng radar rất cao giúp tàu có tính năng tàng hình ưu việt.

Thông số cơ bản: dài 83m, rộng 13m, mớn nước 3,3m và lượng giãn nước toàn tải 1.450 tấn. Tàu biên chế thủy thủ đoàn 30 người cùng không gian cho khoảng 30 hành khách và có thể hoạt động liên tục trên biển 3 tuần. Đuôi tàu có sàn đáp và nhà chứa trực thăng hạng trung, loại máy bay tàu thường mang theo là UAV Camcopter S-100 làm nhiệm vụ tuần thám.

Vũ khí trang bị của Gowind OPV gồm pháo tự động 20mm ở phía trước boong tàu có tầm bắn 2 km và 2 súng máy hạng nặng 12,7mm. Để phù hợp với nhiệm vụ tuần tra, tàu còn được trang bị vũ khí phi sát thương gồm 2 súng nước có tầm bắn khoảng 200m và vũ khí âm thanh cỡ nhỏ (tầm ảnh hưởng 500-1.000m) ở hai bên mạn tàu.

Về hệ thống điện tử, Gowind được trang bị một loạt công nghệ hiện đại như: radar giám sát hàng hải Scanter 20 Terma 01 hoạt động trên băng tần I, hệ thống giám sát quang điện tử Sagem EOMS, hệ thống dẫn hướng quán tính Sagem SIGMA 40D, hệ thống trợ giúp trực thăng cất hạ cánh LinkSrechts, hệ thống thông tin liên lạc HF/VHF và hệ thống liên kết thông tin vệ tinh.

Tàu có hệ thống quản lý chiến đấu Polaris, hệ thống chiến tranh điện tử toàn diện được cung cấp bởi Tập đoàn Thales với khả năng bao quát 3600 giúp tàu đối phó với nhiều mối đe dọa khác nhau. Hệ thống động lực của tàu gồm 2 động cơ diesel Anglo Belgian V12 cho phép đạt tốc độ tối đa 39 km/h và tầm hoạt động tới gần 15.000 km. 2 động cơ diesel này được hỗ trợ bởi 1 động cơ pump-jet giúp tàu cơ động hơn tại các vùng nước nông.

Vào năm ngoái, tàu tuần tra L’Adroit lớp Gowind của Pháp đã đến thăm cảng Chùa Vẽ, Hải Phòng từ ngày 27/5 - 1/6 để giới thiệu các tính năng ưu việt của loại OPV này với Hải quân Việt Nam. L'Adroit được đánh giá hiệu quả đối với hoạt động kiểm soát vùng biển, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế. Khả năng tàng hình cao của tàu là một lợi thế rất lớn trong các hoạt động tuần tra và khi cần tàu cũng có thể chuyển đổi cho mục đích quân sự khá dễ dàng.

2. Máy bay chiến đấu Rafale

 
Máy bay chiến đấu Rafale

Rafale là máy bay chiến đấu đa nhiệm 2 động cơ với cánh hình tam giác thuộc thế hệ 4,5 do hãng Dassault Aviation của Pháp chế tạo, đây cũng chính là tiêm kích hiện đại nhất đang được Không quân Pháp sử dụng.

Dự án sản xuất máy bay chiến đấu Rafale bắt đầu vào cuối những năm 1970 khi Hải quân và Không quân Pháp có nhu cầu hiện đại hóa máy bay chiến đấu. Trước đó, Pháp đã ký thỏa thuận hợp tác với 4 quốc gia châu Âu khác để nhằm giảm chi phí phát triển, nhưng thỏa thuận này đã thất bại. Do đó, Dassault đã độc lập chế tạo mô hình máy bay Rafale và thử nghiệm bay lần đầu tiên vào tháng 7/1986. Đến năm 2000, những chiếc máy bay chiến đấu Rafale đầu tiên được hoàn thành để trang bị cho Không quân và Hải quân Pháp.

Rafale được trang bị các hệ thống điện tử hàng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nhà sản xuất tuyên bố, hệ thống chiến tranh điện tử Spectra sẽ giúp Rafale hoạt động an toàn dưới hỏa lực phòng không đối phương.

Với thiết kế khí động học khá ưu việt lại được sự hỗ trợ của cánh mũi, Rafale có thể thực hiện những pha quay ngoặt đột ngột trong không gian chật hẹp. Khi Rafale thực hiện động tác biểu diễn ở tốc độ siêu âm, không khí đi qua cánh máy bay sẽ bị dồn nén lại và tạo nên hiệu ứng như bức màn che phủ. Rafale còn có thể thực hiện động tác thao diễn "rắn hổ mang" ở trạng thái động cơ gần như không hoạt động.

Rafale từng xuất phát từ tàu sân bay Charles de Gaulle để thực thi nhiệm vụ không kích tại Libya. Trong cuộc chiến này, Rafale đã chứng tỏ khả năng tấn công mặt đất xuất sắc với các vũ khí dẫn đường công nghệ cao.

Mặc dù có kích thước khá khiêm tốn: dài 15,27m; sải cánh 10,8m; cao 5,34m; trọng lượng rỗng 9.060kg nhưng Rafale lại có khả năng mang theo tới 9,5 tấn vũ khí gồm: tên lửa không đối không, không đối đất, chống radar, không đối hạm, bom hàng không có điều khiển; tầm hoạt động đạt tới 1.800 km. Các thông số này của Rafale còn vượt trội cả tiêm kích hạng nặng Su-30 của Nga.

3. Máy bay chiến đấu Mirage-2000

 
Máy bay chiến đấu Mirage-2000

Tiêm kích Rafale mặc dù có tính năng chiến đấu cực kỳ ưu việt, có thể nói là số 1 trong các máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 hiện nay nhưng lại có nhược điểm là giá thành quá cao, lên tới trên 125 triệu USD/chiếc, không phù hợp để trang bị với số lượng lớn nhằm thay thế vai trò tiêm kích nhẹ của MiG-21 sắp ngừng hoạt động.

Để có thể trang bị một lượng lớn tiêm kích nhẹ nhằm thay thế MiG-21 thì hợp đồng lỡ hẹn hồi những năm 1990 - Mirage-2000 nâng cấp tỏ ra có nhiều ưu thế hơn khi so với các ứng viên khác như JAS-39 hay F-16.

Mirage-2000 là một tiêm kích đa nhiệm cánh tam giác rất nhanh nhẹn được sản xuất và đưa vào sử dụng trong Không quân Pháp từ năm 1982. Nó có thể đạt tốc độ tối đa Mach 2,2; tầm bay 1.550 km. Mirage-2000 có khả năng mang theo tới 6,3 tấn vũ khí, các biến thể nâng cấp về sau có thể mang theo tới 7 tấn vũ khí. Máy bay có thể mang tên lửa không đối không tầm ngắn MICA hoặc R-550, tên lửa không đối đất AS-30L, tên lửa hành trình tấn công mặt đất ASMP hoặc tên lửa không đối hạm Exocet AM39.

Hệ thống điện tử của Mirage-2000 khá hiện đại với cảm biến chính là radar xung Doppler Thomson-CSF RDY có tầm phát hiện mục tiêu tối đa 110 km ở chế độ đối không và 37 km ở chế độ đối đất. Radar có thể phát hiện 24 mục tiêu, theo dõi đồng thời 8 mục tiêu và dẫn đường cho vũ khí tấn công 4 mục tiêu cùng lúc.

Hiện tại Không quân Pháp còn duy trì hàng chục chiếc Mirage-2000 trong các kho dự trữ, những máy bay này sau khi nâng cấp lên chuẩn Mirage-2000-5 với giá thành 45 triệu USD sẽ có năng lực chiến đấu tương đương với F-16 Block 52 của Mỹ, thời hạn sử dụng sau nâng cấp sửa chữa kéo dài thêm ít nhất 20 năm. Có thể nói đây vẫn là ứng viên sáng giá nhất cả về tính năng và chi phí để thay thế những “lão tướng” MiG-21 đã sắp hết hạn sử dụng của Việt Nam.

Trên đây là một số "ứng viên" được liệt kê dựa trên đánh giá thông số kỹ thuật, tính năng, giá cả... đã được phía Pháp công bố chính thức. Khả năng các vũ khí này có mặt ở Việt Nam còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, với mối quan hệ tốt đẹp Việt-Pháp hiện nay, đặc biệt là sau phát biểu của Chuẩn đô đốc Pascal Ausseur, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào triển vọng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa hai nước. 

Máy bay chiến đấu Rafale trình diễn tính năng

Nguồn: soha.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.