Chuyên mục
Những phận đời 'quên' 8.3
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Những phận đời 'quên' 8.3

Thứ sáu 06/03/2015 12:07 GMT + 7
Ảnh minh họa

Họ là những phụ nữ đủ mọi lứa tuổi, dù nắng hay mưa, trưa hay tối, lễ Tết hay ngày thường vẫn phải lao lực kiếm sống. Họ chưa bao giờ được nhận hoa hay những lời chúc mừng trong ngày 8.3 như những phụ nữ may mắn khác.

Quay quắt trong cuộc mưu sinh

Ở khu vực xung quanh Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố (quận 1), ngày nào người ta cũng thấy một phụ nữ ngồi xe lăn chào mời khách mua hàng. Chiếc hộp nhựa bày trên xe của chị có đầy đủ sing-gum, kẹo, thuốc lá... 

Tên chị là Nguyễn Thị Nga, 46 tuổi, quê tận ngoài Bắc. Bại liệt từ nhỏ sau một cơn sốt, hơn 20 năm qua chị gắn bó với khu vục này để mưu sinh. Đến giờ chị vẫn chưa có gia đình, nhiều lúc cuối tuần nhìn nhiều người dẫn con nhỏ dạo quanh công viên, chị lại ao ước giá mình cũng được như vậy.

Sau khi thực khách ở phố ăn uống Lê Ngô Cát (quận 3) rời bàn, chị Nguyễn Thị Bích (30 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) lại sà vào nhặt nhanh nắp chai bia trong những bịch rác. Mỗi ký, chị bán được ba nghìn đồng; một ngày cũng kiếm được bốn - năm chục nghìn từ việc bán nắp chai cho các tiệm phế liệu ở cầu Kiệu. “Ngày trước nắp chai nhiều hơn nên thu nhập cũng đỡ, bây giờ nhiều người nhặt quá nên tôi kiếm được ít hẳn" - chị tâm sự.

Hàng ngày, người dân xung quanh trục đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) lại thấy một bà cụ 70 tuổi, dáng hom hem cầm tập vé số đi chào mời khắp nơi. Tên bà là Nguyễn Thị Giáp, cả chục năm qua bà rời quê ở Phú Yên để “Nam tiến" cùng người cháu, thuê nhà trọ đi bán “ước mơ’. Ngày nắng ráo, bà cũng kiếm được vài chục nghìn đồng. 

“Ở quê nghèo quá nên tui mới vào Sài Gòn bán vé số. Người bán giờ đông nên thu nhập cũng ít dần” - bà Giáp buồn bã tâm sự. Chỉ khi có người mua, bỏ tiền vào cái túi nhỏ đeo bên hông, bà mới nở nụ cười hiếm hoi. Ở bên kia dốc của cuộc đời, lẽ ra bà đã an phận tuổi già, vui đùa bên cháu con, đằng này lại mỏi mòn dùng chút sức tàn để kiếm tiền độ nhật. Hy vọng thời tiết thuận hòa để bà không còn húng hắng ho khi trời trở gió.

Nghề của đàn ông

30 năm qua, trên đường Nguyễn Thị Định (phường Bình Trưng Đông, quận 2), có một phụ nữ tỉ mẩn với nghề sửa đồng hồ từ sáng đến tối. Chị tên là Trần Thị Tài, 52 tuổi.

Vốn là dân sở tại mà người ta thường gọi là cư dân Giồng ông Tố, nhà chị trước đây ở mặt tiền đường Nguyễn Thị Định, từ ngày lấy chồng sinh con, chị chuyển về khu phố Mỹ Hòa (phường Bình Trưng Tây, quận 2), cách căn nhà của đại gia đình không xa.

Sửa đồng hồ vốn là nghề của chồng chị, anh Trần Văn Nam (55 tuổi). Thấy công việc này ngày càng bấp bênh, anh Nam đi lái xe đu lịch thuê rồi mấy năm nay ở nhà mở tiệm sửa xe máy. Từ ngày chồng chuyển nghề, chị Tuyền (tên thân mật của chị Tài) thay anh đảm đương việc này. Vợ chồng chị đã nuôi dạy ba con trai khôn lớn, trưởng thành.

“Nghề này giờ cũng ít khách lắm. Đồng hồ giá rẻ quá, hơn 100 nghìn đồng là có một cái mới nên bị hư là mọi người bỏ luôn, mua cái mới chứ không sửa lại để dùng như xưa đâu. Hằng ngày tôi chủ yếu là thay pin và dây cũng kiếm được vài chục nghìn” - chị Tuyền cho biết. Ngoài sửa đồng hồ, chị còn bán chả cá để kiếm thêm tiền chợ.

Kiếm sống bên sân ga

Mỗi ngày, bà Nguyễn Thị Thưởng (68 tuổi, quê Bình Định) đều có mặt tại sân ga Diêu Trì để mưu sinh.

Trên chiếc rổ nhựa cũ kỹ, bà nấu đậu phộng ở nhà rồi đổ ra rổ bán dạo cho khách đi tàu dừng chân tại sân ga vài phút. Chiếc rổ của bà chứa khoảng 5 - 6 ký, bán cả ngày cũng kiếm được vài chục nghìn đồng. Mỗi lon đậu phộng giá chỉ năm nghìn nhưng bà phải ra rả chào mời. Chồng mất sớm, bà bám sân ga bán đậu phộng cả chục năm qua. Khi các con lớn khôn, bà vẫn tiếp tục nghề này.

Vén mái tóc ướt đẫm mồ hôi, bà trần tình: “Con cái có gia đình cả rồi, lại lo cho các cháu nên phận già như tui phải tự kiếm sống để nuôi thân chứ trông chờ làm gì, tội nghiệp chúng lắm!”. Giọng bà bị tiếng còi tàu át đi khi chuẩn bị tiếp tục cuộc hành trình. Bà lại đứng dậy, xốc rổ đậu đã vơi đi phần nào.

Ngày tôn vinh một nửa thế giới sắp đến, những phụ nữ nghèo vẫn tất tả lo cho gia đình. Xin được chia sẻ với các mẹ, các chị với cả tấm lòng.

An Hòa (Công An TP.HCM)
Nguồn: Một thế giới
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.