Chuyên mục
Những đòn hiểm người Thổ dành cho Nga

Những đòn hiểm người Thổ dành cho Nga

Chủ nhật 11/10/2020 18:39 GMT + 7

Thổ Nhĩ kỳ tăng cường hợp tác với Ukraine và Gruzia, theo đó hình thành hướng thứ hai trong chiến lược của mình đối với Nga.

 

Mối thâm thù thế kỷ

Giáo sư Stephen Walt của trường Harvard mới đây trích dẫn câu nói của tiểu thuyết gia người Mỹ William Faulkner “Quá khứ chưa bao giờ chết. Nó thậm chí còn chưa trôi qua” khi bình luận về chính sách của các “cường quốc”.

Theo ông, các cuộc chiến có quy mô lớn có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu dài đối với chính sách quân sự và đối ngoại sau này của một quốc gia.

Ví dụ được đưa ra là mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Từ thế kỷ thứ 17 đến thế kỷ thứ 20, Nga đã tham gia 12 cuộc chiến với Đế chế Ottoman khiến đế chế Nga bị suy giảm sức mạnh và dần tan rã.

Thế nhưng, trong suy nghĩ của những người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ, thì Nga lại đóng vai trò lịch sử trong việc làm suy yếu Đế chế Ottoman ở Trung Âu, khu vực Balkan và khu vực Đông Nam châu Âu.

 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T. Erdogan (trái) và Tổng thống Nga V. Putin.


Đến năm 1991, sau sự sụp đổ của Liên Xô, khi khu vực Đông Nam châu Âu phân chia thành những nhà nước độc lập Gruzia, Armenia và Azerbaijan, lịch sử mà Giáo sư Stephen Walt mô tả là “đẫm máu” liên quan các cuộc chiến tranh giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành nền tảng cơ sở cho mối quan hệ giữa Moscow và Ankara hiện nay.

Theo tờ phân tích Á-Âu, Nga không ngừng nỗ lực gia tăng ảnh hưởng về quân sự và kinh tế tại Biển Đen và Nam Caucasus. Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, ngăn chặn tuyến đường của hải quân Ukraine qua eo biển Kerch và sự gia tăng dần dần hiện diện của binh sĩ Nga đến Crimea đã đẩy cán cân này theo chiều hướng có lợi cho Moscow và hạn chế khả năng hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ tại Biển Đen.

Sự tăng cường quân sự tương tự của Nga cũng diễn ra tại các khu vực Abkhazia và Tskhinvali giáp Gruzia được nhận định làm gia tăng nguy cơ về một vụ đụng độ nhỏ dọc tuyến đường tiếp giáp này leo thang thành một cuộc đối đầu quân sự tổng lực.

 


Thổ Nhĩ Kỳ từng tuyên bố sẵn sàng cho cuộc chiến thứ 13 với Nga.


Ankara và Moscow cho thấy có thể hợp tác tại các chiến trường khác nhau, đặc biệt là tại Syria, song hai bên vẫn là những đối thủ địa chính trị với những tầm nhìn khác biệt tại Biển Đen và ở Nam Caucasus. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang theo đuổi một chiến lược hai hướng trong mối quan hệ với Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay đã phát triển mối quan hệ kinh tế và quân sự gần gũi mang tính lịch sử với Azerbaijan, đã hậu thuẫn tối đa cho nỗ lực gần đây của Baku trong vấn đề Nagorny Karabakh thuộc kiểm soát của Armenia. Thổ Nhĩ kỳ cũng tăng cường hợp tác với Ukraine và Gruzia, theo đó hình thành hướng thứ hai trong chiến lược của mình đối với Nga.

Hợp lực phương Tây bao vây Nga?

Trong chuyến thăm Ukraine hồi tháng 2 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thông báo gói viện trợ quân sự trị giá 36 triệu USD dành cho Ukraine. Hai bên đã kí thoản thuận khung về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Thổ Nhĩ Kỳ cũng không ngừng nỗ lực tăng cường năng lực quân sự của Ukraine.

Một số cuộc gặp để bàn về hợp tác giữa các quan chức hai nước đã được tổ chức, với việc các phái đoàn quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine công khai tìm kiếm khả năng tăng cường hợp tác an ninh song phương tại khu vực Biển Đen.

Điều này bao hàm cả các cuộc tập trận chung tiềm năng giữa lực lượng hải quân hai nước. Hợp tác quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ-Ukraine cũng đang được duy trì qua việc tăng cường các thương vụ mua bán vũ khí giữa hai bên.


Tổng thống Erdogan gặp gỡ đoàn đại biểu quân sự Ukraine tới Thổ Nhĩ Kỳ tham gia tập trận chung.


Trước đó, tháng 12/2019, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố dành 100 triệu lira (tương đương 12 triệu USD) cho Bộ Quốc phòng Gruzia để cải tiến năng lực hậu cần quân sự của nước này. Động thái này diễn ra sau đợt Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường chuyển giao các năng lực quân sự cho Gruzia trong suốt năm 2019.

Trong 11 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ sang Gruzia đạt 3,9 triệu USD, tăng gần 38% so với cùng kỳ năm 2018. Hợp tác quân sự mà Tbilisi và Ankara tiến hành trong khuôn khổ mô hình hợp tác ba bên Thổ Nhĩ Kỳ-Gruzia-Azerbaijan (đã được gia hạn đến năm 2022) được cho là có giá trị đặc biệt đối với Gruzia.

Theo tờ phân tích Á-Âu, Nga chính là yếu tố tạo ra chất “kết dính” địa chính trị Thổ Nhĩ Kỳ với Gruzia và Azerbaijan. Bên cạnh đó, việc phát triển năng lượng và hạ tầng giao thông tại Nam Caucasus cùng nhu cầu bảo đảm an ninh sẽ thúc đẩy Ankara tiếp tục đầu tư hơn nữa vào hợp tác ba bên này. Giới chuyên gia cho rằng việc thành lập các lữ đoàn bảo vệ chung phục vụ triển khai nhanh chóng dọc hành lang năng lượng và giao thông Nam Caucasus, tăng quân số tham gia tập trận và nâng cấp đầu tư quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Gruzia và Azerbaijan nhiều khả năng sẽ là những bước đi tiếp theo.

Chiến lược Biển Đen-Caucasus của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là các hoạt động đầu tư về củng cố năng lực quốc phòng cho Ukraina và Gruzia, ăn khớp với các chiến lược của phương Tây đối với Nga, cũng như các lợi ích của phương Tây trong khu vực này nói chung.



Sự hợp tác tại Syria hay thương vụ S-400 không thể che giấu mối quan hệ đối đầu về địa chính trị Nga-Thổ.


Giống như Thổ Nhĩ Kỳ, phương Tây quan tâm đến việc tiếp nhận dầu khí của Azerbaijan và hoạt động đầu tư vào các cơ sở hạ tầng đường ống dẫn năng lượng và đường sắt tại Gruzia. Phương Tây cũng ủng hộ tham vọng lớn hơn của Thổ Nhĩ Kỳ để trở thành một trung tâm đầu mối trung chuyển năng lượng cho hệ thống đường ống dẫn khí xuyên Anatolia (TANAP), đường ống xuyên biển Adriatic (TAP) và đường ống Nam Caucasus (SCP).

Phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ cùng quan tâm đến việc bảo đảm an toàn cho hành lang trên bộ quanh vùng biển Caspi. Điều đó tạo ra một tuyến kết nối tuy hẹp nhưng mang tính quyết định với Trung Á, nơi mà phương Tây chỉ có ảnh hưởng hạn chế, song lại là nơi Thổ nhĩ Kỳ, với tham vọng đóng vai trò lớn hơn về kinh tế và chính trị, đang xây dựng các mối quan hệ dựa trên các yếu tố lịch sử và văn hóa, có tiềm năng trở thành một sợi dây liên kết các lợi ích của phương Tây như hồi thập niên 1990.

Không những thế, giới phân tích cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách lôi kéo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chống lại Nga.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sỹ) năm nay, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố: “Tôi không hiểu tại sao chúng ta lại không mời Gruzia, hay chúng ta không kích hoạt kế hoạch hành động để Gruzia trở thành thành viên (của NATO)”.

Với việc tăng cường hợp tác quân sự với Gruzia và công khai ủng hộ tham vọng gia nhập NATO của nước này, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát đi tín hiệu rằng họ đang áp dụng cách tiếp cận mang tính tấn công hơn nhằm vào các tính toán của Nga tại Nam Caucasus.


Thành Minh

Nguồn: baodatviet.vn
30 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.