Chuyên mục
Những chuyện về rắn trong đời tôi
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Những chuyện về rắn trong đời tôi

Thứ bảy 09/02/2013 12:08 GMT + 7
Có lẽ tôi sẽ không bao giờ dám sờ vào rắn nữa. Mà đâu chỉ có riêng tôi, đa phần mọi người đều sợ rắn. Ta đang đi mà bất ngờ gặp 1 con rắn bò qua đường, dù đó chỉ là con rắn nước không có nọc độc nhưng hồn vía của chúng ta cũng... lên mây!

Đã thế, tôi lại hay gặp rắn. Có nhiều kỷ niệm hú hồn.


Ảnh minh họa

Năm 1965, lúc đó tôi là sinh viên; trường đại học của chúng tôi sơ tán lên Đại Từ, Thái Nguyên. Nhân một hôm dọn giếng cho nhà chủ, tôi xung phong xuống dưới để vét hết bùn bã đọng dưới đáy. Anh em ròng dây để tôi tụt xuống. Ngay giữa chừng giếng, trong một kẽ hở, một con rắn vàng khè khè thè lưỡi sát mặt tôi... Có lẽ, đó là kỷ niệm đầu tiên trong đời mà tôi suýt được... hôn rắn!

Lần thứ hai cũng là những kỷ niệm hú hồn. Năm 1967, tôi được phân công vào dạy ở Đại học Sư phạm Vinh. Trường sơ tán ở miền rừng núi Thạch Thành, Thanh Hóa. Thời đó, xứ này nhiều rắn lắm! Chúng tôi tự xây lán trại để ở, để làm lớp học và làm phòng thí nghiệm ngay giữa rừng. Chỗ nào rắn cũng chui vào. Buổi sáng, tôi dựng đôi ủng lên, định thò chân vào thì một chú rắn cạp nia từ trong chiếc ủng nhô đầu ra. Nó gật, gật. Chả biết nó định “chào buổi sáng” hay định mổ cho tôi một nhát?!

Một tối khác, trời ở miền núi rất rét, mấy anh em ngồi co ro trên giường để uống ấm trà nóng. Bỗng một con rắn hổ trâu to đùng rơi từ trên sà nhà xuống giữa chiếu. Bọn tôi như chết cứng, ngồi ngây mặt. Con rắn đen xì lừ lừ bò đi mà không thèm ngó nhìn những bộ mặt bạc nhược xung quanh.

Cũng thời đó, lại chuyện rắn. Hằng ngày, tôi phải đi sang quả đồi bên cạnh để dạy. Các lớp sinh viên phải sơ tán mỗi lớp một nơi để tránh bị máy bay địch phát hiện. Cây cối rậm rạp nên chỉ có những lối mòn là quang đãng. Thế nhưng, sáng nào rắn cũng ra phơi mình để tắm nắng. Nó là loài thân nhiệt nên phải lấy thêm năng lượng mặt trời để sưởi ấm cho cơ thể. Nhìn trên con đường nhỏ hẹp mà hàng chục con rắn to đùng nằm ườn ra đó thì thật là... quá ngán! Bọn tôi phải lấy cây đập đập lên mặt đất để đánh động cho chúng rúc vào hai bên. Miệng thì cố hát thật to nhưng trong lòng bọn tôi thì cứ như là đang đi ra pháp trường để cho rắn... xử trảm!

Thời chiến đã vậy, thời bình chuyện rắn vẫn đeo đuổi tôi. Nhưng đây là những chuyện của thầy và bạn tôi.

Thầy tôi là chuyên gia đầu ngành, ông say sưa với các công trình nghiên cứu chuyên sâu về rắn. Tôi chưa bao giờ thấy ông sợ rắn (nhưng sợ vợ... thì tôi thấy nhiều lần!). Có một hôm, tôi theo thầy tôi lên trại rắn. Ở đó, ông hướng dẫn người ta nuôi cả nghìn con rắn hổ mang. Con nào cũng dài như cái đòn gánh, đầu ngẩng cao, mang bạnh ra, phì phì như muốn nuốt chủng mọi người. Thầy tôi không sợ chúng. Ông đi băng băng qua các ụ mả. Rắn dạt ra hai bên. Ông bảo: “Ta đừng làm động tác nào như muốn tấn công nó thì nó sẽ không tấn công mình”. Thầy dạy vậy nhưng tôi đâu dám tin. Chưa bước vào trại mà hai chân tôi đã lạnh cóng rồi...

Tối đó, thầy bắt một con hổ mang to để đưa về phòng thí nghiệm ở Hà Nội. Thầy cho nó vào một túi bạt và buộc chặt dây kín miệng túi. Nó phải nặng ít nhất là 5 cân! Cái xe u-oát ì ạch đưa chúng tôi mãi tới 11 giờ đêm mới về tới Hà Nội. Thầy bảo tôi ngủ lại ở nhà thầy vì đã muộn. Tôi nằm ở phòng đọc sách tại tầng lửng. Thầy lên với cô ở trên gác. Túi đựng rắn được treo ở trên tường sát mép đất ở tầng 1. Sáng sớm, thầy chạy xuống không thấy con rắn đâu nữa! Thầy hốt hoảng gọi tôi dậy. Hai thầy trò lùng sục khắp nơi mà không thấy. Thấy động, cô lên tiếng. Thầy bảo tôi lên báo với cô sự cố và khuyên cô đừng xuống. Tôi chạy lên và thấy cô đã cầm sẵn 1 cây gậy (không biết để sẵn sàng đánh rắn hay định... đánh thầy tôi). Mãi tới 10 giờ vẫn không tìm được rắn. Thầy bảo tôi về nhà đi. Sáng sớm hôm sau, thầy vào nhà tôi. Thầy hồ hởi kể: “...Chuột thấy tanh nên nó cắn thủng cái túi bạt. Rắn bò ra và theo cống, bò lên sân nhà bên cạnh. Bà con bên đó hết hồn và hùa nhau đập chết được con rắn”. Biết thầy tôi là chuyên gia về rắn, họ đưa sang để hỏi đó là loài rắn gì? Thầy nhận ra đúng là con rắn của mình mà không dám nói... (chuyện đã lâu, nay kể lại, xin bà con đừng trách thầy tôi nhé).

Thầy tôi còn có những người học trò rất say sưa với rắn. Họ cũng không sợ rắn mà chỉ... sợ vợ!

Một hôm, anh bạn trẻ của tôi lên trại rắn. Khi về, anh mang theo một bọc trứng rắn hổ mang. Anh định đưa lên phòng thí nghiệm để áp dụng phương pháp ấp nhân tạo. Nhưng vừa về tới nhà thì... gặp chị. Anh bèn đút bọc trứng vào chiếc chiếu cuộn sẵn ở đầu giường để giấu vợ. Thế rồi, anh quên mất. Ít hôm sau, có khách đến chơi. Chị rải chiếu sạch để mời khách ngồi. Khi tung chiếu ra, cả đàn rắn hổ mang mới nở bò lúc nhúc khắp nơi. Chị hết hồn, bỏ về nhà mẹ đẻ suốt mấy tuần liền...

Một môn đệ khác của thầy tôi cũng là một chuyên gia về rắn. Ông rất giỏi và say sưa như thầy tôi. Ông đưa rắn con về nuôi trong phòng thí nghiệm. Đến kỳ nghỉ hè, ông theo sếp về quê một tháng. Trước khi đi, ông đưa thùng rắn về phòng ở của ông tại khu tập thể nhà 5 tầng (ông ở tầng 3). Ông cho nó ăn thật no (vì rắn có thể nhịn ăn vài tháng). Ông nghĩ, ở nhà yên tĩnh hơn phòng thí nghiệm, rắn sẽ được ngủ yên lành. Thế nhưng, lũ chuột khốn kiếp lại đến phá. Thấy mùi tanh, chúng khoét chuồng để chui vào. Thế là đàn rắn hổ mang xổ ra. Có ai biết được tình trạng khẩn cấp này đâu! Chỉ có bác hàng xóm bất ngờ thấy một con rắn hổ mang ngay ở đống củi của mình để ở hành lang tầng 3. Ông thét lên, mở đầu cho một trận huyên náo khủng khiếp khắp tòa nhà 5 tầng trong suốt cả mùa hè. Ai cũng nghĩ trong phòng mình đang ở có rắn hổ mang rình rập. Giữa tháng 6 nóng bỏng mà cả khu tập thể, từ đứa trẻ mới tập đi tới các cụ già lụ khụ, ai ai cũng phải đi ủng suốt từ sáng sớm tới tối, khi lên giường. Các bà, các chị thì rên xiết vật vã, vừa khiếp đảo, vừa la hét om sòm. Cả khoa chúng tôi bị chửi. Anh chủ nhiệm khoa già xọm đi vì đã cử nhiều đoàn đi tìm mà không gặp được anh nuôi rắn. Anh không về quê mà lại đi thăm một nơi khác! Thật là một mùa hè khốn khổ cho tất cả chúng tôi. Tuy nhiên, không ai bị rắn cắn. Rắn không ở chung với người. Nó tự tìm đường bò xuống đất để thoát thân.

Dù quá ngán về chuyện rắn nhưng tôi lại phải quay lại với nó một lần nữa. Lần này là viết về rắn.

Được tin anh nông dân Lê Hùng Minh ở tỉnh Sóc Trăng nuôi rắn ri voi rất tài, tôi động viên anh viết một tài liệu để hướng dẫn cho bà con học theo. Anh sẵn sàng và bắt tay vào viết ngay. Tuy nhiên, tài liệu anh gửi cho, tôi phải biên tập lại cho thành sách. Trong bộ sách “100 nghề cho nông dân” của chúng tôi có cuốn “Nghề nuôi rắn ri voi”.

Chuyện cũ đã qua nhưng tôi không sao quên được những kỷ niệm ấy. Chỉ có điều, những người chuyên nghiên cứu về loài rắn độc ghê gớm đó lại là những người đàn ông rất hiền lành và tốt tính. Họ lại luôn nể vợ hơn là... sợ rắn.
Nguồn: nongnghiep.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.