Chuyên mục
Tết Việt: Gặp gỡ những bạn trẻ Nga yêu Việt Nam
BÌNH LUẬN
Chào bạn, tác giả bài này có phải là Hồ Thắm ko ? Chúc Năm mới mọi điều tốt lành.
Cảm ơn tác giả vì bài viết rất hay. Hai chữ Việt nam nhỏ ngọn sao lại có sức thu hút lạ kỳ đến thế. Nếu như hơn 9 năm...
Vo cung cam dong va tran trong nhung tinh cam chan thanh cua cac em doi voi van hoa,con nguoi,dat nuoc Viet nam yeu quy...

Tết Việt: Gặp gỡ những bạn trẻ Nga yêu Việt Nam

Thứ bảy 25/01/2014 18:29 GMT + 7
Lần này Tết Việt là cái cớ để các em gặp nhau. Gặp để ôn lại những khoảnh khắc tuyệt vời được đi du lịch và biểu diễn ở Việt Nam; Gặp để lại được ăn món ăn Việt, được mặc áo dài. Và lần này, điều tuyệt vời hơn cả là các em gặp gỡ để tìm hiểu về ngày lễ tiễn Ông Công, ông Táo về trời, tìm hiểu về Tết. Với các em, tất cả những gì liên quan tới Việt Nam đều mang lại những cảm xúc thú vị, bởi họ rất yêu đất nước này.

Các em chính là thành viên Nhà hát múa đương đại Magia do biên đạo múa - cô giáo Anatasia Suvorova điều hành. Các em đều đang là học sinh phổ thông hoặc sinh viên đại học. Họ đến với Nhà hát Magia xuất phát từ một điểm chung – đó là tình yêu dành cho vũ đạo. Và giờ đây, sau khi trở về từ Việt Nam, các em còn gắn kết với nhau hơn bởi một điểm chung nữa - đó là tình yêu dành cho Việt Nam.

Cách đây 1 năm, các diễn viên trẻ của Nhà hát Magia đã có chuyến du lịch, biểu diễn và giao lưu tại TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Thuận. Có thể nói, cái duyên dẫn dắt các em đến với Việt Nam có lẽ là do đã từ lâu trong nhóm múa, có một cô bé Việt được các bạn rất yêu mến, bởi em thích chia sẻ với các bạn những gì em biết về đất nước mình. Em cùng bố mẹ đã từng ấp ủ ước mơ một ngày nào đó tổ chức cho các bạn sang thăm quê hương Việt Nam của mình. Và ước mơ đó đã được thực hiện khoảng một năm trước đây, sau khi cả nhóm hạ quyết tâm tiết kiệm được một khoản tiền đủ để trả chi phí cho chuyến đi. Tình yêu dành cho Việt Nam được khởi nguồn từ chuyến đi này, khi các em được tận mắt ngắm nhìn phong cảnh nên thơ, được tiếp xúc với những con người hồn hậu, được làm quen với nền văn hoá lâu đời của một đất nước  mà lần đầu tiên các em được đặt chân tới.

“Tôi chưa bao giờ tới đất nước nào để lại ấn tượng sâu sắc như Việt Nam, - cô giáo Anatasia chia sẻ, - Ở đó không có kiểu lịch sự lạnh nhạt như ở những nước châu Âu mà tôi đã từng tới. Nụ cười và cái cách gặp gỡ bạn bè hồn nhiên, chân chất khiến tôi cảm thấy như mình đã quen những người bạn Việt Nam từ lâu”. Cô Anatasia còn ấn tượng với cách người Việt Nam thờ cúng những người thân quá cố: “Nhà nào cũng có bàn thờ đặt ở nơi trang nghiêm nhất. Nhiều gia đình Việt mà tôi tới thăm còn trang trọng thờ Bác Hồ, điều đó chứng tỏ họ trân trọng lịch sử, trân trọng bậc vĩ nhân đã mang lại độc lập tự do cho đất nước. Đó là điều nên làm”.

Múa trống cơm, múa quạt là những điệu múa Việt Nam từng được Nhà hát Magia dàn dựng và biểu diễn ở Nga, cũng như ở những nơi các em tới giao lưu tại Việt Nam. Là biên đạo múa chính của nhà hát, lại dành cho Việt Nam một tình cảm đặc biệt, cô Anatasia không bỏ qua cơ hội tìm hiểu nghệ thuật múa Việt Nam. Cô cho rằng vũ đạo Nga phóng khoáng, mạnh mẽ, sôi nổi bao nhiêu, thì vũ điệu Việt dường như lại kín đáo, trầm lắng, nhẹ nhàng bấy nhiêu. Vì vậy, cô cho rằng khi tập những điệu múa Việt Nam, cần phải lưu ý sự khác biệt này để có thể chuyển tải ý tưởng một cách hiệu quả nhất. “Khi múa quạt, cháu thấy khó nhất là học cầm quạt đúng cách, học điều khiển quạt cũng như cánh tay sao cho thật mềm mại”, - cô học sinh lớp 9 Yulia kể lại mình đã tập múa quạt như thế nào.

Nhớ về chuyến du lịch Việt Nam, chàng trai trẻ Misa đã say sưa miêu tả vẻ đẹp lung linh của buổi sớm bình minh tại một làng chài tại Phan Thiết. Ánh hồng của mặt trời, màu xanh của biển và những con thuyền đánh cá cập bến buổi sớm mai mang lại cảm giác thanh bình khiến các em vô cùng thích thú.

Vì yêu Việt Nam nên cô học sinh lớp 11 Alena lại có cách đặc biệt để nuôi dưỡng tình yêu đó. Sau khi trở về từ Việt Nam, dường như cảm xúc muốn gắn kết nhiều hơn với đất nước này đã khiến cô bé có ý định chọn học tiếng Việt tại Viện Á-Phi và Mỹ la tinh thuộc trường MGU. Chắc hẳn mọi người đều ngạc nhiên khi cô bé 17 tuổi này không chỉ đơn giản đặt mục tiêu học tiếng Việt, mà còn bắt tay vào tìm hiểu những đặc điểm của ngôn ngữ mà em lựa chọn. Em tâm sự: “Cháu lo không thể nói chuẩn tiếng Việt vì ngôn ngữ này có những 6 thanh điệu…”. Nỗi lo lắng trẻ con thật dễ thương. Và rồi một ngày nào đó chắc chắn em sẽ hiểu, khi ta dành tình yêu cho những gì mình chọn lựa, thì tình yêu đó sẽ giúp ta gặt hái thành công.

Sáng kiến cùng đón Tết với các bạn Việt Nam do cô Anatasia đề xuất đã được cả nhóm ủng hộ. Với các em, sẽ là không thú vị nếu chỉ ngồi nghe kể về món bánh chưng ngày Tết, về món nem, về mâm ngũ quả…Và thế là cô giáo cùng cả nhóm quyết định tổ chức tiễn ông Công, ông Táo cùng với thực hành gói bánh chưng, cuốn nem, bày mứt kẹo, mâm ngũ quả, đón Tết sớm cùng các bạn Việt Nam. Nhìn các em xúng xính trong bộ áo dài Việt mà các em đã tự sắm cho mình trong chuyến du lịch, cẩn thận cuốn từng chiếc nem, chăm chú nghe hướng dẫn cách gói bánh chưng, nghe kể chuyện Táo Quân… mới thấy những bạn trẻ Nga này khao khát muốn tìm hiểu Việt Nam  biết nhường nào. Tình yêu có thể không cần những lời đao to búa lớn để miêu tả, đôi khi đó đơn giản chỉ là một sự quan tâm, mong muốn tìm hiểu để thêm yêu hơn nữa.

Với tình yêu dành cho Việt Nam, biết đâu trong tương lai, ai đó trong các em sẽ trở thành nhà khoa học nghiên cứu về Việt Nam, trở thành nhà ngoại giao vun đắp cho tình hữu nghị hai nước Việt-Nga. Trong thế giới đầy biến động ngày hôm nay, chúng ta rất cần những tình yêu như thế./.

Một số hình ảnh về buổi gặp gỡ giao lưu của các bạn nhân dịp Tết Việt


Alena múa quạt




Cô và trò tập múa quạt

 
Bày bánh kẹo


Gói bánh chưng


Ăn thử bánh chưng


Cô giáo Anatasia gói nem


Nếm thử nem

   
Tiễn Táo Quân

 
Bày mâm ngũ quả


Lì xì năm mới

Hải Hà
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.