Chuyên mục
Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách nước thao túng tiền tệ: Tiếp tục nỗ lực để thương mại đôi bên cùng có lợi
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách nước thao túng tiền tệ: Tiếp tục nỗ lực để thương mại đôi bên cùng có lợi

Thứ ba 20/04/2021 06:49 GMT + 7

Tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, việc Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách nước thao túng tiền tệ vừa qua là nỗ lực lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong tiếp xúc ngoại giao và sự làm việc tích cực, trách nhiệm của một số bộ ngành, nhất là NHNN, để Mỹ có đánh giá phù hợp liên quan đến vấn đề tiền tệ của Việt Nam.

Mỹ rút tên Việt Nam khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ

Thủ tướng chỉ đạo NHNN thời gian tới cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng của Mỹ trong tổng thể Kế hoạch hành động, để hướng đến cán cân thương mại hài hòa bền vững giữa hai nước.


Trước đó, NHNN thông tin, ngày 16/4, Bộ Tài chính Mỹ đã khẳng định không có đủ bằng chứng để xác định Việt Nam thao túng tiền tệ như đã nêu trong "Báo cáo chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ" vào cuối năm 2020.

 

Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Chiến Công


Thời gian qua, trong quá trình làm việc với Bộ Tài chính Mỹ, NHNN đã trao đổi thẳng thắn và khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua (trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung) nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

NHNN áp dụng các giải pháp để từng bước nâng cao tính linh hoạt của tỷ giá trong khi vẫn duy trì hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường ngoại tệ. Những diễn biến tích cực trên thị trường ngoại tệ cũng như trong hoạt động điều hành của NHNN đã được Bộ Tài chính Mỹ ghi nhận.


Trên cơ sở tiếp xúc bước đầu với Việt Nam cũng như dựa trên các số liệu, phân tích sâu hơn, Bộ Tài chính Mỹ xác định trong giai đoạn năm 2020, không có đủ bằng chứng, dấu hiệu cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ theo quy định của Đạo luật cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988.


Thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến tới quan hệ thương mại hài hòa, bền vững. Đồng thời, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.


Minh bạch, hướng tới đôi bên cùng có lợi


Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa các nền kinh tế, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Thụy Sĩ, Đài Loan, Việt Nam... vào danh sách có dấu hiệu thao túng tiền tệ. Danh sách trên được xác định trên cơ sở quy định của Đạo luật thuận lợi hóa và thực thi thương mại năm 2015. Bộ Tài chính Mỹ xem xét các đối tác thương mại đáp ứng các tiêu chí gồm thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.


Vấn đề này đã khiến nhiều chuyên gia trong và ngoài nước bày tỏ quan ngại sâu, cho rằng cuộc điều tra này có thể gây ra nhiều tác động không mong muốn, không chỉ tổn hại đến quan hệ song phương, lòng tin chiến lược và các nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa hai nước mà còn ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến hàng ngàn DN và hàng triệu người lao động, người tiêu dùng ở Việt Nam và Hoa Kỳ.


Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, trong giao dịch hàng hóa giữa hai quốc gia, tỷ giá có thể ảnh hưởng rất lớn đến cán cân thương mại song phương. Chẳng hạn nếu đồng nội tệ được định giá thấp hơn so với đồng ngoại tệ, khi đó đối với người nước ngoài, giá sản phẩm nhập khẩu sẽ rẻ hơn so với các sản phẩm trong nước, kích thích người dân mua hàng nhập.


Cần khẳng định, hoạt động mua ngoại tệ của NHNN thời gian qua về mặt bản chất là quá trình chuyển đổi ngoại tệ sang VND từ các nhà đầu tư, xuất khẩu và người nhận kiều hối, để bảo đảm người có ngoại tệ không dùng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán trong nước. Hoạt động này theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, cũng phù hợp thông lệ như nhiều nước khác.


Những năm qua, Việt Nam thực hiện chính sách tỷ giá trung tâm trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung với mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Tỷ giá trung tâm VND/USD cuối năm thường không vượt quá 1,5 - 2 % so với đầu năm, bất chấp những biến động mạnh mẽ tỷ giá nhiều đồng tiền khu vực và quốc tế, thậm chí ngay cả đồng USD.


Theo chuyên gia kinh tế Trương Văn Phước, việc Việt Nam xuất siêu sang Mỹ, có thặng dư thương mại với Mỹ lớn có nhiều lý do nhưng chủ yếu là do cấu trúc của cán cân thương mại Việt Nam. Hàng Việt Nam xuất sang Mỹ là dệt may, da giày, thủy sản, kể cả điện thoại... đều xuất phát từ nhân công giá rẻ - lợi thế của Việt Nam. Phần lớn nguyên liệu sản xuất đều nhập khẩu, trong đó có nhập từ Mỹ. Như đôi giày của Hãng Nike xuất sang Mỹ, từ đế đến dây, da giày đều nhập khẩu. Tương tự, hàng may mặc Việt Nam chỉ đóng góp nhân công hoàn thiện sản phẩm nhưng khi xuất khẩu toàn bộ trị giá của sản phẩm tính cho Việt Nam.


Quan điểm của Chính phủ rằng, Việt Nam hiện vẫn là nước đang phát triển, tiềm lực kinh tế còn hạn chế, việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm mục đích kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, không phải để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế; Hoạt động mua bán ngoại tệ thời gian qua không nhằm định giá thấp tiền tệ mà để củng cố dự trữ ngoại hối vốn ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực, nhằm mục tiêu tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, giúp củng cố mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Chính phủ Việt Nam quyết tâm cùng Mỹ thực hiện kế hoạch chung hướng tới cán cân thương mại hài hoà và bền vững, cùng có lợi.

 

"Việt Nam không có động lực phá giá tiền tệ nhằm tạo lợi thế xuất khẩu, bởi xuất khẩu và xuất siêu chủ yếu do các công ty DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam là động lực và hưởng lợi chính, trong khi cộng đồng DN trong nước thường nhập siêu. Hơn nữa, Việt Nam cũng không có lợi khi phá giá đồng tiền do phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và nợ chính phủ cao." - TS Nguyễn Trí Hiếu

 

"Thời gian qua Mỹ -Việt Nam đã triển khai hiệu quả hoạt động hợp tác thông qua cơ chế đối thoại của Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) trên tinh thần hợp tác, xây dựng, công bằng, đáp ứng lợi ích chính đáng của mỗi bên. Đây là lý do kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước liên tục tăng trưởng với tốc độ ấn tượng trong suốt 25 năm qua." - TS Nguyễn Minh Phong

Nguồn: kinhtedothi.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.