Chuyên mục
Khủng bố, vì đâu mà có?
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Khủng bố, vì đâu mà có?

Thứ hai 09/02/2015 15:11 GMT + 7
Tin tức về cuộc chiến của các nước phương Tây chống Nhà nước Hồi giáo IS ở Iraq và Syria giờ được thay thế bằng thông tin những vụ tấn công khủng bố ngay trong lòng châu Âu. Cuộc thảm sát tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Pháp đã mở màn một làn sóng khủng bố mới tại châu Âu. Nó cho thấy châu Âu đã không còn an toàn như trước.

Châu Âu không an toàn

Thời gian vừa rồi, tin tức về các nhóm khủng bố, Hồi giáo cực đoan, bạo lực thống trị trên các kênh truyền thông thế giới. Đặc biệt là sau vụ tấn công tòa báo Charlie Hebdo ở Pháp.

Chỉ trong mấy ngày qua, hàng loạt các quốc gia châu Âu đã gia tăng các cuộc bố ráp khủng bố. Các thành phố ở Bỉ ngày 16/1 được đặt trong tình trạng cảnh giác cao sau khi hai người bị cáo buộc là phần tử thánh chiến bị nhân viên an ninh hạ sát. Sự kiện xảy ra tại thành phố Verviers miền Đông nước Bỉ, hai nghi can bị hạ và một bị bắt đều là công dân Vương quốc Bỉ. Nhà cầm quyền Bỉ cho hay, cuộc hành quân cảnh sát truy lùng khủng bố đã khởi sự từ trước khi có vụ tấn công tuần báo Charlie Hebdo tại Paris và hai sự kiện này không liên quan gì với nhau. Tuy nhiên lời giải thích này không làm giảm mà có thể còn tăng thêm lo sợ vì rõ ràng có quá nhiều tổ chức khủng bố với phạm vị hoạt động phức tạp trên nhiều mặt và nhiều lĩnh vực.


Những vụ bắt giữ phần tử thánh chiến ở Pháp được diễn ra cùng với các chiến dịch ở Đức và Bỉ

Gần đây các nước châu Âu lo ngại rằng mối đe dọa lớn nhất là những phần tử Hồi giáo sang chiến đấu ở Syria trở về và Bỉ nằm trong số những nước có nhiều thành phần ấy. Cuộc bố ráp những chiến binh Hồi giáo từ Trung Đông trở về diễn ra ở khắp các thành phố lớn của Bỉ, đặc biệt là thủ đô Brussels nơi có nhiều cộng đồng di dân gốc từ các nước Hồi giáo. Tại Verviers, người dân cho biết, sau những gì xảy ra ở Paris, họ có cảm tưởng châu Âu không được an toàn.

Theo tin của truyền thông Bỉ, sự theo dõi thu thập liên lạc qua điện thoại đã khiến nhà chức trách an ninh phải khẩn cấp mở chiến dịch đối phó. Thủ tướng Bỉ Charles Michel, cho lệnh nâng cấp báo động trên toàn quốc từ 2 lên 3, mức 4 là mức cao nhất. Ông nói: “Chúng ta chưa nhận thấy có trường hơp đe dọa cụ thể nào, tuy nhiên trong tình hình này, nâng cao cảnh giác và thận trọng là thái độ hợp lý”.

Theo hồ sơ của các cơ quan tình báo, có khoảng 310 người dân Bỉ lén lút qua Trung Đông, 40 đã bị giết, 170 còn chiến đấu tại Syria hoặc Iraq và 100 trở về mang theo kinh nghiệm chiến đấu cũng như được tuyên truyền thêm tinh thần tín ngưỡng để sẵn sàng phục vụ cho lý tưởng cực đoan. Như vậy nếu tính theo đầu người thì Bỉ có số dân qua Trung Đông tham gia các tổ chức thánh chiến Hồi giáo cao nhất châu Âu. Pháp có khoảng 1.400 phần tử Hồi giáo trong lực lượng thánh chiến nhưng dân số Pháp 66 triệu trong khi Bỉ chỉ 11 triệu.

Cộng đồng Hồi giáo hơn nửa triệu người ở Bỉ hầu hết là dân gốc Bắc Phi nói tiếng Pháp, còn lại khoảng 1/3 dân gốc Thổ Nhĩ Kỳ kể cả người Kurd. Con số này có thể lớn hơn vì có nhiều di dân bất hợp pháp không thể kiểm soát hết. Đa số dân Hồi giáo ở Bỉ tập trung trong những thành phố lớn như Antwerp, Brussels, Charleroi. Giống như tại Pháp, nhóm dân thiểu số này ít thành công về mặt sinh hoạt kinh tế như dân bản xứ, tỷ lệ thất nghiệp cao, tạo nên môi trường thích hợp cho sự truyền bá ý thức hệ cực đoan và sự khuấy động của thành phần quá khích.

Chính vì sự lo lắng về tình hình an ninh quốc nội, Bỉ là nước dẫn đầu EU trong nỗ lực ngăn chặn sự trở về của những “chiến binh ngoại quốc” từ nguồn gốc là Trung Đông. Bỉ đưa một phi đội máy bay chiến đấu F-16 tham gia vào liên minh do Mỹ lãnh đạo chống IS ở Syria và Iraq.

Các chuyên gia phân tích nói rằng tiếp theo vụ tấn công gây chết người ở Paris tuần trước, các nước châu Âu đang đề cao cảnh giác và hành động nhanh để trán áp các âm mưu khủng bố.

Ngày 16/1, cảnh sát Pháp đã bắt giữ cả chục người và một nhà ga xe lửa ở Paris đã bị sơ tán trong chốc lát, vào lúc cả nước đề cao cảnh giác sau các vụ tấn công khủng bố tuần trước. Phát biểu với các phóng viên, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve tóm lược các vụ bắt giữ lúc sáng sớm cả chục người quanh Paris. Ông nói Pháp vẫn ở trong tình trạng báo động cao, với hơn 120.000 cảnh sát và nhân viên quân đội bố trí khắp nước. Các vụ bắt giữ ở Pháp trùng hợp với các chiến dịch tương tự nhắm vào các phần tử thánh chiến ở Bỉ.

Trong khi đó, cảnh sát Đức cho biết đã bắt 2 công dân Thổ Nhĩ Kỳ trong các vụ bố ráp sáng sớm. Martin Steltner, thuộc văn phòng công tố ở Berlin, nói những vụ bắt giữ được tiến hành dựa trên việc tình nghi có các chuẩn bị ở Syria cho một tội ác nghiêm trọng và tàn bạo nhắm vào nhà nước.

Chuyên gia An ninh Quốc tế Shaun Gregory thuộc Trường đại học Durham của Anh nói lực lượng an ninh khắp châu Âu đang tái thẩm định việc đáp lại những mối đe dọa khủng bố. Ông nói: “Họ đang xét lại sự điều chỉnh giữa nguy cơ biết về một số cá nhân nhưng bắt họ quá sớm thì sẽ không có bằng chứng cần có để buộc tội; mà bắt quá trễ thì dĩ nhiên là sự cố bạo động đã xảy ra rồi”. Ông nói trong những tuần lễ sắp tới, chắc chắn chúng ta sẽ thấy lực lượng an ninh hành động nhanh hơn. Theo ông, trước đây lực lượng an ninh đã quá thận trọng bởi vì họ muốn đưa vụ việc ra tòa nhưng sắp tới họ sẽ can thiệp sớm hơn so với chuyện họ đã làm, phá các âm mưu, tìm cách đẩy lui vài cá nhân và dĩ nhiên tìm cách giúp cảnh sát và nhân viên an ninh Pháp trong cuộc điều tra.

Các nước khác ở châu Âu như Anh, Tây Ban Nha và Bulgari cũng đang đi tìm những liên hệ có thể có giữa nước họ và các tay súng đã thực hiện các vụ tấn công khủng bố ở Paris tuần trước gây thiệt mạng cho 17 người.

Rob Wainwright, Giám đốc Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) cho báo chí hay việc phá vỡ các âm mưu tấn công của khủng bố đang trở nên “cực kỳ khó khăn” vì khoảng 2.500 đến 5.000 người trong giới Hồi giáo quá khích ở châu Âu hiện nay không có hệ thống tổ chức rõ ràng và ngày càng chuyên môn hơn.

Không có lửa làm sao có khói!

Còn nhớ trước ngày 7/1, tức là trước khi tòa soạn báo Charloe Hebdo ở Pháp bị tấn công, cả thế giới dường như dõi tâm theo những tin tức từ cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo IS của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu tại Iraq và Syria. Cuộc chiến này cho đến nay vẫn “bất phân thắng bại”. Mặc dù đôi lúc nhóm IS bị đẩy lui dưới sức ép của vũ khí tối tân do liên quân ném xuống, song chúng chưa bao giờ suy yếu.

Nhưng kể từ khi mấy kẻ khủng bố xông vào trụ sở tuần báo Charlie Hebdo ở giữa thủ đô Paris, xả súng giết chết mười mấy người thì lúc này cuộc chiến chống IS bên ngoài dường như bị lãng quên. Thay vào đó là những tin tức cập nhật từng phút về tình hình khủng bố tại Pháp và châu Âu. Thậm chí chỉ vụ một kẻ bắt giữ con tin “bị thất tình” ở Paris ngày 16/1 cũng đã khiến thiên hạ phát hoảng và Pháp đã phải huy động hàng trăm cảnh sát trên trời dưới đất tới hiện trường. Cuối cùng kẻ bắt cóc tỉnh ngộ, tự ra đầu hàng!

Nếu theo dõi tình hình khủng bố tại các nước Âu - Mỹ, ta dường như thấy rằng IS đang trả thù. Thay vì chống trả các đợt ném bom của liên quân quốc tế tại Iraq và Syria, IS cử người về chính quê hương của những nước tham gia liên minh để chống phá. Đây vốn là điều lo sợ nhất của các nước phương Tây trước khi họ hạ quyết tâm đem quân tiêu diệt IS ở Iraq và Syria. Có thể thấy rằng, ngay cả khi IS bị cô lập về lãnh thổ, phương Tây cũng chưa đánh bại được chúng thì đừng nói đến chuyện họ ngăn chặn thành công hành động của những “con sói cô độc” ngay chính tại đất nước họ.

Chưa biết cuộc chiến khủng bố của họ đạt hiệu quả đến đâu trong thời gian tới, nhưng điều nhìn thấy rõ nhất là xã hội phương Tây trong những ngày qua đã bị rối loạn. Cảnh báo nguy cơ khủng bố ở khắp nơi. Người dân bị giết, tâm lý bất an ngự trị và tốn khá nhiều tiền cho các cơ quan bảo an. Đó là những gì các nước châu Âu đang phải gánh chịu liên quan tới khủng bố.

Các nhóm khủng bố trên thế giới hiện nay như Al-Qaeda, IS, Taliban… xét cho cùng thì đều bắt nguồn từ những sai lầm của phương Tây mà ra. Nhà nước Hồi giáo IS xuất phát từ Al-Qaeda, còn Al-Qaeda từng bí mật phục vụ cho Mỹ nhằm chống lại Liên xô tại Afghanistan, Taliban thì cũng đã có thời là bạn của chính quyền Mỹ. Sở dĩ các nhóm này quay lưng chống lại Mỹ vì họ đã bị Washington “vắt chanh bỏ vỏ”. Năm 2001, Bush xua quân sang Afghanistan tiêu diệt Al-Qaeda và Taliban. Năm 2003, Iraq là mục tiêu kế tiếp, rồi Lybia, Syria... Bài học lịch sử về việc Mỹ từng hỗ trợ lực lượng Taliban ở Afghanistan vẫn còn nguyên giá trị. Mượn tay Taliban để đẩy lùi người Nga ra khỏi Afghanistan, Mỹ đang hằng ngày phải chịu những tổn thất do Taliban gây cho.

Phải chăng giờ là lúc thế giới cần xem xét lại cách thức chống khủng bố. Đánh giá hiện trạng cuộc chiến chống khủng bố hiện nay, các chuyên gia khẳng định các biện pháp chống khủng bố cho đến thời điểm này dù có thay đổi nhưng vẫn chưa thể đạt yêu cầu so với thực tế thay đổi ngày càng tinh vi của các lực lượng khủng bố.

Cách đây chỉ khoảng 3, 4 năm, người ta nói nhiều tới Al-Qaeda và hiện tại, người ta nói nhiều tới IS. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn thẳng vào chủ nghĩa khủng bố mà không phải nhìn vào hành động khủng bố. Trong tương lai chiến lược chống khủng bố sẽ cần phải thay đổi hai yếu tố trọng điểm. Một là thay đổi phương thức “tìm - diệt” đang được các nước sử dụng nhằm chống lại lực lượng khủng bố. Hai là tăng cường hoạt động hợp tác chống khủng bố giữa các quốc gia trên toàn thế giới.

Hiện tại các nước Âu - Mỹ vẫn tiếp tục đi theo con đường tìm diệt các nhóm khủng bố. Trong những ngày tới sẽ diễn ra các hội nghị quan trọng để thảo luận và quyết định kế hoạch chống khủng bố, trong đó có hội nghị bộ trưởng ngoại giao EU, hội nghị bộ trưởng nội vụ các nước EU và Hội nghị thượng đỉnh EU họp tại Brussels.

Hai điểm căn bản sẽ được hoạch định, một là chống sự di chuyển qua biên giới của các phần tử gọi là “chiến binh ngoại quốc”, hai là chống tuyên truyền của khủng bố và sự lôi kéo giới trẻ vào những hoạt động quá khích, đặc biệt là qua việc dùng mạng lưới Internet. Trong cuộc gặp mới đây, Thủ tướng Anh và Tổng thống Mỹ cam kết sẽ không ngừng ngăn chặn các cuộc tấn công và đánh bại các mạng lưới khủng bố mặc dù sẽ mất rất nhiều thời gian và không đơn giản.

Trước mắt, các nước châu Âu đang phải chống trả trên nhiều mặt trận: Phòng chống những vụ khủng bố trong tương lai, bảo vệ người dân sống trong lãnh thổ của mình, rồi lại phải bảo vệ công dân của họ đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài.

S.Phương (tổng hợp)
Nguồn: petrotimes.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.