Chuyên mục
Hành trình từ người ''tìm đường'' trở thành người ''dẫn đường'' của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

Hành trình từ người ''tìm đường'' trở thành người ''dẫn đường'' của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

Thứ tư 27/01/2021 18:39 GMT + 7

Ngày 28/1/1941- một ngày bình thường đã ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử văn hóa nhân loại một chấm son chói lọi, ngày trở về Tổ quốc của một con người, một nhà cách mạng, một vị anh hùng, một vĩ nhân, một nhà tư tưởng kiệt xuất mà toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp đã trở thành động lực chân chính của lịch sử, đem đến cho những người bị áp bức bóc lột những lý do trỗi dậy và hoạt động một cách bền bỉ, kiên cường đưa tới sự biến đổi lịch sử vĩ đại.


Mặc dù rất khâm phục tinh thần yêu nước của các sỹ phu, văn thân, nhưng Người không tán thành đường lối cứu nước của các bậc tiền bối, nên Nguyễn Tất Thành đã quyết định sang nơi khởi nguồn của khẩu hiệu TỰ DO - BÌNH ĐẲNG - BÁC ÁI để tìm hiểu những  gì ẩn sau những mỹ từ đẹp đẽ đó, đồng thời tìm một con đường cứu nước mới. Hành trình gần 30 năm ấy có thể chia làm 3 giai đoạn.


Giai đoạn thứ nhất từ 1911-1919: Nguyễn Tất Thành đến nước Pháp và các nước châu Phi, châu Mỹ khác nhau để tìm hiểu đúng, thực chất về chủ nghĩa tư bản, về sự áp bức dân tộc của thực dân đế quốc và được thấy tận mắt cuộc sống bần cùng của giai cấp vô sản ở các nước tư bản phát triển và người dân thuộc địa. Người đã rút ra kết luận: Ở đâu cũng có người áp bức và người bị áp bức; các dân tộc muốn thoát khỏi nô lệ và áp bức bóc lột thì phải đoàn kết chống kẻ thù chung.

 

Tàu L’Admiral Latouche Tresvill đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ bến Nhà Rồng, ngày 5/6/1911. Ảnh Bích Hời (kinhtedothi.vn) sưu tầm.


Giai đoạn thứ hai từ 1919 - 1924: Thời gian này người cùng một số chí sĩ yêu nước ở Pháp soạn thảo một bản Yêu sách 8 điểm gửi lên Hội nghị Véc-xai nhưng không được chấp nhận. Kể từ đó, Nguyễn Ái Quốc hiểu thêm về bản chất của chủ nghĩa thực dân đế quốc và quyết tâm tìm con đường cứu nước mới. 


Mùa hè năm 1919, Người đọc Sơ thảo Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, gia nhập Đảng Xã hội Pháp bởi vì trong suy nghĩ của Người, đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, tổ chức duy nhất ở Pháp theo đuổi lý tưởng cách mạng cao quý của đại cách mạng Pháp, rồi sau đó, Người đã đứng về phía Quốc tế III, trở thành thành viên sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Với sự kiện này, sau gần 10 năm đi tìm đường cứu nước Nguyễn Ái Quốc từ người yêu nước đã trở thành người cộng sản.

 

Tháng 12/1920, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc phát biểu ủng hộ Luận cương của Lê-Nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, đồng thời tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Ảnh Bích Hời (kinhtedothi.vn) sưu tầm.


Những năm này thế giới có nhiều biến động lớn sau Cách mạng Tháng Mười Nga thành công. Trong điều kiện lịch sử đó, Nguyễn Ái Quốc đã đến với học thuyết Mác - Lênin, học thuyết cách mạng tiên phong của thời đại. Sau đó, Người đã đến đất nước của Lênin để nghiên cứu về lý luận và thực tiễn. Từ việc nhận thấy những thành quả trên đất nước Xô Viết, Người đã đi đến khẳng định “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”.


Giai đoạn thứ ba từ 1924-1941: Từ đây, Nguyễn Ái Quốc trực diện đấu tranh với thực dân Pháp ngay trên đất Pháp và các nước tư bản phát triển. Mặc dù bị theo dõi, kiểm duyệt, nhưng thông qua báo chí, hội họp, mít tinh... để phô bày tội ác của thực dân Pháp ở các nước mà chúng khoe khoang là đi “khai hóa văn minh”. Mọi hành động đó xuất phát từ lý tưởng “Tự do cho cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi” với một niềm tin mãnh liệt “Người Đông Dương không chết, người Đông Dương vẫn sống, sống mãi..., người Đông Dương dấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng  nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến”.


Khi được Quốc tế Cộng sản cử về Trung Quốc hoạt động, Người đã hợp nhất 3 tổ chức cộng sản để lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam làm ngọn cờ vận động, lãnh đạo Nhân dân. Song do những thăng trầm thời cuộc nên Người đã phải trải qua nhiều cam go, thử thách... Nhưng với trái tim nhiệt huyết, khí phách phi thường, Người đã kiên trì, nhẫn nại, bền gan, vững chí vượt qua mọi khó khăn,  khổ ải, thử thách để tìm đường về với Tổ quốc thiêng liêng.

 

 Nhà số 13 và 13.1 (nay là 248 - 250), đường Văn Minh, TP Quảng Châu (Trung Quốc), trụ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, nơi Nguyễn Ái Quốc mở các lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ cho Cách mạng Việt Nam từ 1925 - 1927. Ảnh Bích Hời (kinhtedothi.vn) sưu tầm.


Ngày 28/1/1941, tức Mùng hai Tết Tân Tỵ, Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua cột mốc 108 biên giới Việt - Trung trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng. 


Từ khi tiếp nhận chủ nghĩa Mác Lênin, xác định “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản” Nguyễn Ái Quốc đã xác định nhiệm vụ của mình: “Đối với tôi câu trả lời đã rõ ràng, trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, đưa họ ra đấu tranh dành tự do, độc lập” đến khi trở về nước để thực hiện mong muốn này gần 20 năm. Với sự nhạy bén về chính trị, khả năng dự báo khoa học, Người đã đoán định được những thay đổi của thời cuộc, nên đã triệu tập Hội nghị lần thứ tám của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, đề ra những chiến lược và sách lược đúng đắn, đoàn kết cả dân tộc vào một mặt trận chống kẻ thù chung.


Như vậy, sau gần 30 năm đi tìm đường cứu nước, vượt qua biết bao khó khăn, trở ngại tưởng chừng như không thể vượt qua nổi, mong ước được trở về nước trực tiếp lãnh đạo Nhân dân đấu tranh để giải phóng dân tộc của Bác đã trở thành hiện thực.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ảnh Bích Hời (kinhtedothi.vn) sưu tầm .


Con người với nhiều danh tính ấy đã có một cuộc hành trình tìm chân lý cho dân tộc dài nhất, xa nhất, lâu nhất trong lịch sử nhân loại. Ra đi là người tìm đường, khi trở về là người dẫn đường. Ngày 28/1/1941, không chỉ là ngày trở về của một người con ưu tú đã tìm thấy tương lai tươi sáng cho Tổ quốc, cho Nhân dân, mà qua đó còn khẳng định vai trò của Việt Nam từng bước hội nhập vào xu thế mới của nhân loại dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng sự trải nghiệm của mình Người đã biết đưa cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp đem đến thắng lợi vĩ đại cho cách mạng Việt Nam. Mặt khác, trong quá trình thực hiện khát vọng của dân tộc, Việt Nam đã góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh chung của nhân loại, góp phần đánh đổ chủ nghĩa thực dân, thúc đẩy lịch sử loài người tiến lên theo hướng nhân văn, tiến bộ.


Mục tiêu mà hiện nay toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thực hiện là hiện thực hóa con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Đó là con đường duy nhất đúng của dân tộc ta. Thành công của sự nghiệp cao cả, vĩ đại này của dân tộc đã, đang và sẽ góp phần vào công cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới./.

 

Tác giả: Trần Thị Bích Thuỷ

Trường Chính trị Trần Phú

31 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.