Chuyên mục
Đàm phán ngoại giao Nga-NATO: Vẫn trượt dài trong bế tắc

Đàm phán ngoại giao Nga-NATO: Vẫn trượt dài trong bế tắc

Thứ sáu 14/01/2022 10:46 GMT + 7

Đàm phán ngoại giao Nga-NATO liên tục được triển khai trong thời gian vừa qua, thiện chí ngồi lại cùng nhau giữa hai bên là điều dễ dàng nhận thấy nhưng mọi nút thắt vẫn chưa được tháo gỡ.

 

 Nga-NATO vẫn có nhiều bất đồng cốt lõi khó có thể hóa giải. (Ảnh: QT)


Ngày 12/1, Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bác bỏ các yêu cầu an ninh quan trọng của Nga nhằm xoa dịu căng thẳng về vấn đề Ukraine nhưng vẫn để ngỏ khả năng đàm phán trong tương lai với Moscow về kiểm soát vũ khí, triển khai tên lửa và cách ngăn chặn các đụng độ quân sự giữa Nga và phương Tây.

Các quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp của Hội đồng NATO-Nga, cuộc họp đầu tiên của họ trong hơn hai năm. Việc phái đoàn Nga không quay lưng lại với các cuộc đàm phán và vẫn để ngỏ triển vọng về các cuộc thảo luận trong tương lai sau khi các yêu cầu chính của họ bị từ chối được coi là những điểm tích cực trong một tuần diễn ra các cuộc họp cấp cao nhằm ngăn chặn một cuộc xâm lược nguy hiểm của Nga vào Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn NATO rút quân và thiết bị quân sự khỏi các quốc gia có biên giới với Nga, bao gồm Ukraine và các đồng minh NATO như Estonia, Latvia và Litva. Ông Putin cũng yêu cầu liên minh quân sự 30 nước đồng ý không kết nạp thêm bất kỳ thành viên nào.

Phát biểu sau cuộc họp tại trụ sở NATO ở Brussels, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tái khẳng định rằng một số yêu cầu an ninh của Tổng thống Putin “đơn giản là bất khả thi”. Phát biểu với các phóng viên sau gần bốn giờ hội đàm, bà Wendy Sherman nói: “Chúng tôi sẽ không đóng sập cánh cửa đối với chính sách ‘mở cửa’ của NATO. Chúng tôi sẽ không đồng ý về việc NATO không thể mở rộng thêm nữa”.

Cuộc họp được tổ chức khi ước tính có khoảng 100.000 quân Nga, xe tăng và thiết bị quân sự hạng nặng tập trung gần biên giới phía Đông Ukraine. Cuộc triển khai quân này đã gây ra những lo ngại sâu sắc ở Kiev và phương Tây rằng Moscow đang chuẩn bị cho một cuộc xâm lược.

Chia rẽ sâu sắc trước các lợi ích cốt lõi


Những cuộc họp vừa qua cho thấy NATO và Nga đang đối mặt với sự chia rẽ sâu sắc về an ninh ở châu Âu. Gặp gỡ các đặc phái viên cấp cao của Điện Kremlin tại trụ sở NATO ở Brussels, các đại sứ châu Âu khẳng định Moscow sẽ không có quyền phủ quyết đối với việc Ukraine cũng như bất kỳ quốc gia nào khác gia nhập liên minh và cảnh báo Moscow sẽ phải trả giá đắt nếu tiến hành xâm lược Ukraine.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nói: "Trên hết, Nga sẽ phải quyết định xem họ có thực sự quan tâm đến vấn đề an ninh hay không, trong trường hợp nào thì họ nên tham gia, hay tất cả chỉ là một cái cớ và họ thậm chí có thể chưa biết rõ".

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko đồng ý rằng đàm phán Nga-NATO không có đột phá. Ông khẳng định rằng giữa Nga và NATO không có "chương trình nghị sự tích cực nào". Ông nói: "Cuộc đối thoại diễn ra khá thẳng thắn, trực tiếp, sâu sắc, quyết liệt, nhưng đồng thời nó cũng cho thấy nhiều bất đồng lớn về các vấn đề cơ bản".

Việc củng cố quân đội của Nga ở biên giới Ukraine đã buộc Washington can dự ngoại giao vào các cuộc đàm phán an ninh song phương tại Geneva ngày 10/1, một cuộc họp NATO-Nga ngày 12/1 và một cuộc họp khác tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ở Vienna ngày 13/1.

Tuy nhiên, các đồng minh phương Tây không nhận được lời hứa rằng Nga sẽ rút các lực lượng của họ. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo: "Nga không đồng ý với đề xuất đó. Họ cũng không từ chối nó, nhưng các đại diện của Nga đã nói rõ rằng cần thời gian để quay lại ngồi cùng NATO với một câu trả lời”.

 

Châu Âu bị gạt ra ngoài lề


Giữa vòng xoáy ngoại giao này, “câu lạc bộ ngoại giao” lớn nhất châu Âu đã vắng mặt. EU không có vai trò chính thức nào trong các cuộc đàm phán, mặc dù các quan chức của họ đang đưa ra các biện pháp trừng phạt có thể áp dụng với Nga nếu Điện Kremlin quyết định xâm lược Ukraine.

Việc EU bị loại khỏi các cuộc đàm phán về chiến tranh và hòa bình tại "sân sau" của chính mình là một vấn đề gây tổn hại. Tuần trước, tờ Le Monde đăng bài viết có tựa đề: "Giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Biden, châu Âu đứng ngoài lề".

Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell nói rằng người Nga đã “cố tình loại trừ EU khỏi bất kỳ cuộc họp nào” nhưng ông đã được Mỹ đảm bảo rằng “sẽ không có gì được thống nhất nếu không có sự hợp tác, phối hợp và tham gia mạnh mẽ của chúng tôi”.

Các quan chức đã hạ thấp tính nghiêm trọng của việc EU bị gạt ra ngoài lề. Tổng thư ký NATO Stoltenberg khẳng định: “Các đồng minh châu Âu đang ngồi tại bàn đàm phán, bởi các đồng minh châu Âu đều nằm trong NATO”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng tin vào những lời trấn an về sự vắng mặt của châu Âu. Radosław Sikorski, cựu Ngoại trưởng Ba Lan, hiện là nghị sĩ châu Âu cho rằng: “Điều này khiến tôi rất quan ngại. EU là láng giềng của cả Ukraine và Nga. Và những gì xảy ra giữa họ ảnh hưởng đến một số quốc gia thành viên. Tất nhiên là chúng tôi nên ở đó và tôi ngạc nhiên vì EU không có mặt".

Năm 2014, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU khi đó là Catherine Ashton đã có mặt tại bàn đàm phán với Mỹ, Nga và Ukraine tại Geneva, sau vụ việc Nga xâm lược Crimea. Pháp và Đức sau đó chuyển sang hình thức Normandy hẹp hơn, đối thoại với Kiev và Moscow, trong nỗ lực chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Ông Sikorski lập luận: “Chính hành động của một số quốc gia thành viên, Đức và Pháp, và sai lầm ngoại giao của Ukraine khi chấp nhận công thức Normandy và sau đó là công thức Minsk khiến chúng ta không đi tới đâu. Sau một loạt sai lầm, kết cục là EU bị loại khỏi một vấn đề quan trọng đối với chúng ta".

Cuộc khủng hoảng đang tiếp tục diễn ra khi các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao EU tập trung vào tuần này tại Brest (Pháp) để thảo luận về cách EU có thể trở thành một nhân tố mạnh hơn trong một trật tự toàn cầu.

Việc tìm kiếm “quyền tự chủ chiến lược” của EU nhận được sự ủng hộ của Pháp, nước vừa đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên EU. Một quan chức cấp cao của chính phủ Pháp cho rằng châu Âu phải “có chủ quyền hoàn toàn, tự do lựa chọn và làm chủ vận mệnh của mình”.

 

Vy Anh

Nguồn: baoquocte.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.