Chuyên mục
Đã đến lúc Mỹ 'cởi trói' quân sự cho Nhật Bản?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Đã đến lúc Mỹ 'cởi trói' quân sự cho Nhật Bản?

Thứ ba 11/09/2012 22:04 GMT + 7
Mấy tháng qua đã chứng kiến một số bước phát triển quan trọng ảnh hưởng đến mối quan hệ của Mỹ với các quốc gia Đông Á.

Báo cáo của CSIS kêu gọi "cởi trói" cho Nhật

Hàng ngàn người biểu tình đã xuống đường tại các thành phố lớn của Trung Quốc hô vang khẩu hiệu và đập phá xe ô tô Nhật. Thậm chí còn cướp cờ xe đại sứ Nhật để phản đối tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản đối với đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông.

Ngày 10/8, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak thực hiện chuyến thăm rất đáng chú ý tới hòn đảo Dokdo/Takeshima hiện do Hàn Quốc kiểm soát nhưng Nhật Bản tuyên bố chủ quyền. Sự kiện đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước. 

Tiếp đó, một nhóm người dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc đã đổ bộ lên quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát, và ngay lập tức bị các lực lượng Nhật Bản bắt giữ.

Cuộc đổ bộ này của nhóm người Trung Quốc được tiếp nối bởi một cuộc thám hiểm dân sự của người Nhật vài ngày sau đó đã làm dấy lên các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Trung Quốc.

Các dòng hải lưu ngầm dân tộc chủ nghĩa lâu đời và địa chính trị đang làm biển Hoa Đông dậy sóng. Các lực lượng dân túy này sẽ tác động đến môi trường chiến lược trong khu vực. 

Chính trong thời điểm rất quan trọng này Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ (CSIS) đã công bố một báo cáo cảnh báo về "một thời kỳ xa cách" trong liên minh Mỹ - Nhật.

CSIS là cơ quan nghiên cứu chính sách gồm các nhà hoạch định chính sách cao cấp từng làm việc trong chính quyền Mỹ. Những kiến nghị chính sách của Trung tâm có ảnh hưởng rất lớn vì từng được sử dụng làm một phần cơ sở xây dựng chính sách của chính phủ Mỹ trong quá khứ. 

Báo cáo mới đây của CSIS có tiêu đề “Liên minh Mỹ - Nhật: Neo ổn định ở châu Á” do Richard Armitage, nguyên thứ trưởng ngoại giao Mỹ đồng chủ biên, đã kêu gọi Nhật Bản đóng vai trò chủ động hơn nữa ở châu Á.

Bản báo cáo khuyến nghị nới lỏng hạn chế trong Hiến pháp của Nhật Bản về “phòng vệ tập thể”, và chỉ ra sự "trớ trêu" của Hiến pháp Nhật Bản do Mỹ áp đặt. Trong đó ngăn Nhật Bản không được đóng một vai trò quân sự quyết đoán hơn bên cạnh Mỹ ở châu Á.

Báo cáo còn kêu gọi Nhật Bản tăng khả năng trinh sát trong tranh chấp ở Biển Hoa Đông và chuẩn bị gửi tàu quét mìn đến Vịnh Ba Tư.

Động lực chính để Mỹ thúc đẩy Nhật đóng một vai trò tích cực hơn về an ninh ở khu vực là nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. 

Báo cáo của CSIS cũng nêu đích danh Triều Tiên, nhưng “những thách thức” do ảnh hưởng ngày một gia tăng của Trung Quốc vẫn là mạch chủ đạo của báo cáo. Trong khi Mỹ chuyển trọng tâm về châu Á, Nhật Bản được coi là một liên minh mạnh và không thể thiếu trong chiến lược này.


Tranh chấp đảo Senkaku/Điếu ngư khiến mối quan hệ Trung-Nhật căng thẳng.

Lợi bất cấp hại?

Tuy nhiên, tăng cường triển khai sức mạnh vào châu Á với một liên minh quân sự ngày một gia tăng với Nhật Bản lại gây ra những mạo hiểm nghiêm trọng. 

Báo cáo của CSIS về quan hệ Mỹ-Nhật đặc biệt kêu gọi thành lập một liên minh tay ba giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm kiềm chế Triều Tiên và hạn chế những tham vọng của Trung Quốc. “Washington, Tokyo và Seoul cần phải hợp lực về ngoại giao để cùng nhau ngăn Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân và giúp hình thành một môi trường khu vực đáp ứng tốt nhất cho việc đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc”, bản báo cáo viết.

Nhằm đạt được mục đích này, CSIS khuyến khích chính phủ Nhật Bản “đối mặt với những vấn đề lịch sử hiện đang làm phức tạp quan hệ” với Hàn Quốc.

Chính ở đây tồn tại sự bất cập cơ bản trong việc Mỹ phụ thuộc vào một vai trò mạnh mẽ hơn của Nhật Bản trong chiến lược chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á. 

Những người Nhật có đầu óc dân tộc chủ nghĩa, những người sẵn sàng chấp nhận một vai trò khu vực chủ động hơn chính là các nhà chính trị thề quyết đối mặtt với những thực tế không mấy dễ chịu trong lịch sử thực dân Nhật Bản, nói gì đến việc họ xin lỗi các nước láng giềng.

Thêm vào đó, bất kể một động thái nào nhằm khuyến khích một lập trường tích cực của Quân đội Nhật sẽ gây nên một sự phản đối mang tính dân tộc chủ nghĩa ở tất cả các nước trong khu vực. Tại Đông Á, chủ nghĩa dân tộc lịch sử có thể thắng các quy luật của địa chính trị. Ở khu vực này, những viết thương trong quá khứ thường rất sâu nặng.

Hàn Quốc và các nước ở Đông Nam Á có thể lo ngại về hành động cứng rắn của Trung Quốc. Tuy nhiên những nước này không dễ gì công khai hoan nghênh một vai trò mạnh mẽ của Nhật Bản trong khu vực.

Tình hình căng thẳng hiện nay giữa Nhật Bản và Hàn Quốc về Dokdo/Takeshima đẩy Mỹ vào một thế khó xử khi có hai nước đồng minh khu vực quan trọng nhất lại đối đầu với nhau. Sự ủng hộ công khai của Mỹ để Tokyo mở rộng vai trò quân sự ở khu vực có thể làm xa lánh hoàn toàn thế hệ trẻ có đầu óc dân tộc ở Hàn Quốc. Rất nhiều người trong thế hệ này đã nổi giận với sự hiện diện quân sự của Mỹ hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.

Chính phủ Trung Quốc chắc chắn sẽ lợi dụng tình cảm chống Nhật Bản trong khu vực trong trường hợp Nhật Bản mở rộng sức mạnh với sự hậu thuẫn của Mỹ. Hơn nữa, không gì có thể kích động chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc bằng tiềm thức về sự xâm lược của Nhật Bản. 

Cuộc đổ bộ của một số các nhà hoạt động Trung Quốc lên quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư mới đây đã tạo ra một sự khuấy động cảm xúc ở Trung Quốc. Những người biểu tình đã được đón tiếp như những người hùng tại Hong Kong sau khi bị Chính phủ Nhật Bản bắt và trục xuất.

Đáng chú ý hơn là sau khi các nhà hoạt động Nhật Bản lên các đảo tranh chấp mấy ngày sau đó, một loạt các cuộc biểu tình đã nổ ra ở nhiều thành phố lớn của Trung Quốc trong vòng vài giờ. Sự tức giận đã trút xuống các xe ô tô, nhà hàng và các cửa hàng bán lẻ của Nhật Bản. Những người biểu tình ở Thượng Hải đã hô vang đả đảo "Đế quốc Nhật Bản".

Cho nên có thể nói, không gì có thể kích động một không khí nghi kỵ lâu dài, sự tức giận và tình cảm chống Mỹ ở Trung Quốc nhanh hơn việc Mỹ hỗ trợ cho một Nhật Bản cứng rắn hơn.


Biểu tình phản đối Nhật ở Trung Quốc.

Cuối cùng, áp lực của Mỹ nhằm tăng cường tham vọng của Nhật Bản ở nước ngoài có thể gây chia rẽ sâu sắc ngay ngay trong nước Nhật. Đang có sự bất hòa giữa những người theo đường lối hòa bình và những người theo chủ nghĩa dân tộc do những bế tắc kinh tế và chính trị ở Nhật Bản. 

Thị trưởng Tokyo có đầu óc dân tộc chủ nghĩa Shintaro Ishihara, người khởi xướng các đợt tranh chấp hiện nay ở biển Hoa Đông bằng một đề nghị "mua đứt" các đảo tranh chấp. 

Chính ông là người lên án chính phủ Nhật Bản đã thả các nhà hoạt động Trung Quốc, vì cho rằng "đây là một vụ hình sự rõ ràng ... không thể gọi Nhật Bản là một quốc gia pháp quyền nếu thả họ về giống như thả những người ngoài hành tinh”.

Lời cảnh báo của CSIS về “thời kỳ xa cách” trong quan hệ Mỹ - Nhật là dấu hiệu của những thay đổi quan trọng trong cán cân quyền lực ở khu vực. 

Hàn Quốc và Nhật Bản có thể lo ngại về chiến lược đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng những lực lượng chính trị quan trọng ở hai nước này lại không muốn hùa theo một "mặt trận thống nhất chống Trung Quốc". Tổng thống Hàn Quốc chắc chắn hiểu rõ cuộc tranh chấp trên biển giữa Nhật Bản và Trung Quốc khi ông chủ ý làm căng thẳng với Nhật bằng chuyến thăm đến đảo Dokodo. Trong thời gian hiện nay, trên thực tế đang có một nỗ lực chung giữa Hàn Quốc và Trung Quốc nhằm gây sức ép đối với những tuyên bố về chủ quyền của Nhật Bản.

Ngoài ra, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều có quan hệ thương mại sâu rộng với Trung Quốc, thậm chí còn sâu rộng hơn cả quan hệ thương mại với Mỹ. "Có lẽ vì lý do này mà CSIS đã cảnh báo về một sự “xa cách” giữa Mỹ và Nhật Bản" – trong khi Mỹ tìm cách ủy quyền cho chính phủ Nhật Bản kiểm soát Trung Quốc, Nhật Bản bị lôi kéo vào quỹ đạo của Trung Quốc bởi các thực tế kinh tế mà chính phủ không thể kiểm soát nổi.

Bài học cuối cùng rút ra từ những cuộc tranh chấp trên biển đang diễn ra giữa Nhật Bản và các nước láng giềng là khả năng một Trung Quốc dân chủ hơn sẽ là một Trung Quốc hiếu chiến hơn. Điều quan trọng cần lưu ý là chiếc thuyền phản đối được đưa đến để "bảo vệ quần đảo Điếu Ngư" là từ Hong Kong, chứ không phải từ Trung Quốc đại lục. Nếu cải cách chính trị ở đại lục cuối cùng dẫn đến việc Trung Quốc trở nên dân chủ hơn, thì các chính trị gia Trung Quốc sẽ cần phải nhanh chóng đáp ứng được những tiếng nói dân tộc chủ nghĩa và dân túy..

Các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc, được bầu lên qua một các dân chủ, đang bày tỏ một lập trường dân tộc chủ nghĩa nhằm kiếm thêm phiếu. Nhưng cả hai quốc gia này đều không có được nguồn nhân lực, tiền bạc và tham vọng  như nước láng giềng đông dân nhất thế giới của họ. 

Phạm Ngọc Uyển
Nguồn: baodatviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.