Chuyên mục
Cần lên án những hành vi lợi dụng dịch bệnh để kiếm lời

Cần lên án những hành vi lợi dụng dịch bệnh để kiếm lời

Thứ bảy 15/02/2020 07:38 GMT + 7

Lợi dụng nhu cầu tăng cao của người dân đối với các sản phẩm khẩu trang, thiết bị y tế (TBYT), nhiều cá nhân, tổ chức đã có những hành vi sai trái, trục lợi. Để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức của mình, đấu tranh chống lại những hành vi kinh doanh sai trái.

Dịch bệnh Covid 19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, các cấp, các ngành đang không ngừng nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng. Do đã có sự chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu, đến nay chúng ta đã đạt được một số thành công trong việc khoanh vùng, cách ly những trường hợp nhiễm và nghi nhiễm bệnh, cùng với điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân bị nhiễm virus.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng của các cấp, các ngành vẫn còn không ít những cá nhân, tổ chức đã lợi dụng tình tình dịch bệnh để không ngừng trục lợi, kiếm chác, hòng mang về lợi ích kinh tế cho bản thân.


Trong thời gian qua, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử phạt nhiều trường hợp kinh doanh trục lợi. Ảnh minh họa


Tâm lý lo sợ dịch bệnh cùng với nhiều luồng thông tin không chính thống trên các mạng xã hội đã gây ra cơn sốt khẩu trang, thiết bị y tế trong thời gian vừa qua. Lợi dụng nhu cầu rất lớn của người dân với các mặt hàng này, nhiều kẻ đã có những hành vi “găm” hàng, đẩy giá khẩu trang lên cao gấp nhiều lần hòng đem về lợi ích kinh tế cho bản thân khiến những chiếc khẩu trang bình thường bỗng trở nên đắt đỏ, khan hiếm. Tiêu biểu như vụ việc xảy ra vào ngày 11-2-2020, khi Đội QLTT số 4, Cục QLTT TP. Hà Nội phối hợp với CQCA tiến hành khám địa điểm tập kết hàng hoá trước cửa nhà số 90 ngõ 167 Tây Sơn, Đống Đa đã phát hiện 71.300 chiếc khẩu trang y tế các loại có dấu hiệu lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để găm hàng, mua gom hàng hóa để bán thu lợi bất chính. Đây là những hành vi đáng bị lên án, vi phạm đạo đức kinh doanh, gây ra nhiều sự bất bình trong dư luận xã hội.

Hay như trường hợp nhiều cửa hàng kinh doanh thiết bị trong một chợ thuốc ở Hà Nội sau khi bị xử phạt và lên án vì tăng giá khẩu trang đã treo những tấm biển có nội dung phản cảm như “Không bán khẩu trang, nước rửa tay. Miễn hỏi” cùng với việc xuất hiện thông tin về việc một số tiểu thương kêu gọi không nhập khẩu trang để bán cũng đã gây ra nhiều sự phẫn nộ, bức xúc trong dư luận vì sự thiếu lương tâm nghề nghiệp cũng như kinh doanh của một bộ phận người này.

Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, cộng dồn từ ngày 31-1 đến ngày 13-2-2020, lực lượng QLTT trên cả nước đã kiểm tra, giám sát, xử lý 4.210 vụ vi phạm trong kinh doanh thiết bị y tế, xử phạt hàng tỷ đồng đối với các vi phạm này. Với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, tuy nhiên đâu đó vẫn còn có những kẻ cơ hội vẫn đang hàng ngày, hàng giờ tìm mọi cách để kiếm lời bất chấp thủ đoạn.

Không chỉ găm hàng, thổi giá, nhiều cá nhân còn lợi dụng nhu cầu tăng cao về mặt hàng khẩu trang, TBYT để sản xuất, buôn bán hàng giả, kém chất lượng. Thời gian gần đây, lực lượng QLTT đã liên tiếp bắt giữ nhiều vụ sản xuất, kinh doanh mặt hàng khẩu trang giả trên địa bàn cả nước.

Ngày 11-2-2020, Đội QLTT số 01, Cục QLTT TP. Hà Nội phối hợp với Đội 4 - PA05 CA TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra xe ô tô mang BKS 29C-939.89 do lái xe Tạ Văn Triệu điều khiển. Tại thời điểm kiểm tra, xe đang vận chuyển 2.863 hộp khẩu trang của 18 loại, tương đương 143.000 chiếc trong đó có 449 hộp (50 chiếc/hộp) khẩu trang kháng khuẩn 4 lớp không thể hiện thông tin địa chỉ nhà sản xuất do ông Chu Ngọc Tú là chủ hàng hóa. Ông Tú khai nhận đã mua gom trên thị trường qua các mạng xã hội như nhóm chuyên sỉ lẻ khẩu trang, nhóm sỉ khẩu trang y tế rẻ 3 miền Bắc - Trung - Nam thông qua facebook có tên là Chu Ngọc Tú và bán ra với giá 364.000 đồng/hộp. Toàn bộ lô hàng sau khi được gửi đi kiểm nghiệm, giám định chất lượng cho thấy lô hàng không đạt chất lượng, có dấu hiệu hàng giả.

Không dừng lại ở đó, ngày 13-2, Đoàn kiểm tra của Tổng cục QLTT phối hợp với lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra xưởng sản xuất khẩu trang y tế của Cty TNHH Việt Hàn, trụ sở tại thôn Khôn Thôn, xã Minh Cường, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Tại đây, lực lượng QLTT đã phát hiện các loại khẩu trang y tế do xưởng này sản xuất được dùng nguyên liệu là các cuộn gấy to mềm, loại dùng làm giấy vệ sinh. Lớp giấy vệ sinh này được dùng làm lớp lót giữa (với khẩu trang là lớp kháng khuẩn, không bị tan trong nước). Số nguyên liệu này chứa trong các thùng nằm la liệt trên sàn của xưởng.

Nếu như những hành vi găm hàng, tăng giá bán khẩu trang, thiết bị y tế đáng bị lên án mạnh mẽ thì hành vi sản xuất, buôn bán khẩu trang, TBYT giả, kém chất lượng cần phải bị ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật vì những sản phẩm khẩu tràn, TBYT giả này không có khả năng giúp người dùng phòng bệnh.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức của mình để vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như góp phần bảo đảm sự an toàn, ổn định của xã hội. Để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng cần thường xuyên cập nhật, tìm hiểu các thông tin chính thức và thực hiện theo các yêu cầu, khuyến cáo, khuyến nghị của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để đảm bảo sức khỏe và có các quyết định tiêu dùng phù hợp.

Đồng thời, cần kiên quyết đấu tranh với các hành vi kinh doanh sai trái, không hợp tác với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm những hành vi nói trên, nhanh chóng tố cáo về các hành vi có dấu hiệu vi phạm đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.


Duy Linh

Nguồn: phapluatxahoi.vn
28 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.