Chuyên mục
Bóng đá Việt trước nguy cơ: vỡ bong bóng
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Bóng đá Việt trước nguy cơ: vỡ bong bóng

Chủ nhật 26/08/2012 08:28 GMT + 7
Trước hàng loạt thông tin “ảo” như Hoà Phát Hà Nội có ý định nhận lại hai đội bóng của bầu Kiên, ông Lê Hùng Dũng – phó chủ tịch VFF – đã thừa nhận trên phương tiện truyền thông rằng, rất khó tìm được người mua các đội bóng trong hoàn cảnh hiện nay. Bóng đá Việt Nam đang đứng trước nguy cơ vỡ bong bóng như những gì đã diễn ra ở thị trường chứng khoán cách đây vài năm.


Hiện chỉ còn đội bóng của bầu Hiển là dám chi nhiều tỉ đồng tiền thưởng cho một trận đấu.
Ảnh: VSI

Đã có lần Sài Gòn Tiếp Thị viết rằng, khi các cậu ấm cô chiêu thừa tiền sắm siêu xe thì ở một đẳng cấp giàu hơn, nhiều đại gia chọn cách chi tiền vào bóng đá. Và rồi những điều này đã dần được thừa nhận qua các phát biểu của các đại gia, bầu Thuỵ của Sài Gòn Xuân Thành nói rằng, bóng đá chỉ là “thú vui”, còn ông Tiến Anh công khai rõ ràng hơn: “Nhiều đại gia đến bóng đá chỉ vì thừa một chút tiền hoặc đơn giản hơn là trả nghĩa cho địa phương sau những dự án thành công”.

Tất cả những điều ấy chỉ ra rằng, bóng đá Việt Nam hoàn toàn chẳng có sự bền vững nào cả, ngay chính bầu Đức, người được coi là thành công trong việc đầu tư vào bóng đá nhờ thắng lợi ở các “giá trị gia tăng” của môn thể thao này, cũng thừa nhận với các cổ đông trong buổi họp cuối năm rằng: “Trong bản cáo bạch của Hoàng Anh Gia Lai, chỗ nào cũng đẹp trừ “cái lũm đen” liên quan đến đội bóng đá”.

Mọi chuyện rất “tươi” khi mà các doanh nghiệp phát triển tốt, thế nhưng khi nền kinh tế đi xuống, người ta lần lượt thấy các đội bóng đi xuống. Đã từng là đại gia của làng bóng đá một thời, Đồng Tâm Long An nhìn các cầu thủ tốt nhất của mình ra đi không cưỡng lại được, và hậu quả là đội bóng của họ đã xuống hạng vì đầu tư không tốt ở mùa 2011.

Nhưng, vậy là còn may, bởi lẽ vẫn còn nhiều ông bầu duy trì đội bóng ở giải chuyên nghiệp như một cách “gồng” để chờ những sự “đền bù thoả đáng” và đã có dấu hiệu chịu không thấu. Ông Lê Hùng Dũng cho giới truyền thông hay, trước khi mùa bóng 2012 kết thúc, nhiều người đã nhờ đến ông để tính đường bán đội bóng nhưng bất thành, vì “Rất khó để tìm ra người có thể bỏ vài triệu USD để mua một đội bóng, đó là chưa kể đến số tiền 30 – 40 tỉ đồng mỗi năm phải chi để nuôi đội bóng”.

Những điều ông Dũng nói hoàn toàn không còn mới và cũng chẳng sai. Bầu Trường của Ninh Bình đã không ít lần nói lên “tâm nguyện” muốn rời khỏi bóng đá, thế nhưng ông đã không thể vì chẳng ai màng. Thế mới có chuyện cầu thủ Ninh Bình đã bị nợ đến hai tháng lương và ở những lượt trận cuối, nhiều cầu thủ chẳng muốn ra sân nếu chưa biết được tương lai của mình thế nào. Tương tự như vậy, bầu Thuỵ ở Sài Gòn Xuân Thành cũng cho hay ông đã “hết vui”, và thông tin về chuyện đội bóng vừa đoạt huy chương đồng ở V-League mùa 2012 được rao bán chẳng phải mới đây. Chẳng cứ gì những ông bầu ở ngành khai thác khoáng sản đuối và muốn buông bóng đá, những đội bóng có dính líu tới ngành ngân hàng cũng “xụi lơ”.

Đội Kiên Giang do Kienlong Bank tài trợ là một trong những đội có chế độ lương, thưởng và mua sắm cầu thủ “héo” nhất mùa bóng 2012. Chính ông Lại Hồng Vân đã từng thừa nhận, đội đầu tư không bằng người ta nhưng phải cố mà xoay xở. Đội Bình Dương có sự hỗ trợ của Maritime Bank cũng bắt đầu chính sách thắt lưng buộc bụng, không mua cầu thủ giá cao ngất như xưa, thậm chí ai muốn ra đi thì xin mời, miễn trả lại đủ tiền. Tân binh của làng bóng dưới sự mai mối của ông Lê Hùng Dũng là Navibank Sài Gòn cũng chẳng giấu sự mệt mỏi của mình. Cả mùa bóng năm nay, cả đội luôn bị tình cảnh lâu lâu nợ lương, thậm chí mùa bóng kết thúc các cầu thủ được về nhà nghỉ ngơi mà đội bóng vẫn thiếu lại tiền thưởng, khiến các cầu thủ nháo nhác đồn đoán chuyện đội sẽ được sang tay.

Khi món trang sức mang tên bóng đá trở thành của nợ, ngay cả ý định muốn bán, cho, tặng cũng chẳng được ai hưởng ứng. Chẳng ai biết mùa bóng 2013 sẽ khởi đầu như thế nào. Một kịch bản thị trường bóng đá bị vỡ bong bóng đã được nghĩ đến.

TẤT ĐẠT
Nguồn: sgtt.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.