Chuyên mục
4 điều cần biết về Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á AIIB
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

4 điều cần biết về Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á AIIB

Thứ năm 02/04/2015 17:31 GMT + 7
VBA - Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về Ngân hàng đầu tư hạ tầng Châu Á AIIB - định chế tài chính mới do Trung Quốc khởi xướng. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, AIIB sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với những định chế đang tồn tại như Ngân hàng thế giới WB và Quỹ tiền tệ quốc tế IMF – vốn được xem là chịu sự chi phối của Mỹ. Trong khi đó, nhiều nhà phân tích lại nhận định rằng, AIIB thể hiện nỗ lực của Trung Quốc nhằm gia tăng ảnh hưởng của mình đối với kinh tế toàn cầu, kiểm soát và thay đổi trật tự tài chính thế giới. Dưới đây là 4 điều cơ bản cần biết về định chế tài chính mới, vốn thu hút được nhiều sự quan tâm này.


AIIB được thành lập với mục đích gì?

Thỏa thuận về việc thành lập AIIB được ký kết bởi 21 quốc gia Châu Á từ tháng 10/2014. Mục tiêu chính được AIIB theo đuổi là thúc đẩy hợp tác tài chính trong khu vực, đầu tư tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Châu Á, từ việc xây dựng đường xá, sân bay cho đến các công trình phục vụ thông tin liên lạc, nhà ở xã hội…

Tuy nhiên, khi phân tích sâu hơn mục đích thành lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng Châu Á, các nhà kinh tế nhận định rằng, sự ra đời của AIIB là kết quả dồn nén chỉ trích nhiều năm từ phía Trung Quốc đối với các tổ chức tài chính do Mỹ chi phối như Ngân hàng Thế giới WB và Ngân hàng phát triển Châu Á ADB – vốn được Trung Quốc cho là không giúp đỡ được nhiều cho các nền kinh tế đang phát triển.

Chính vì vậy mà ngay cả khi với tên gọi mang tính khu vực Ngân hàng đầu tư hạ tầng Châu Á, nhưng rõ ràng tham vọng của AIIB là mở rộng ra phạm vi toàn cầu với các nước thành viên sáng lập đến cả từ Châu Âu và Châu Phi.

Những nước nào sẽ tham gia vào AIIB?

Đến thời điểm hiện tại, đã có 46 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đồng ý tham gia AIIB. Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, bao gồm cả các nước Châu Âu cũng đã bày tỏ mong muốn gia nhập định chế tài chính mới này, ngoại trừ Mỹ và Nhật Bản.

Vào tháng Ba vừa qua, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã đồng loạt bày tỏ nguyện vọng tham gia vào dự án này. Trong số đó phải kể đến Anh, Pháp, Đức, Italia, Thụy Sĩ, Brasil, Australia, Hàn Quốc và Nga. Ngoài ra, nhiều nước thuộc vùng Trung Cận Đông như Arab Saudi, Oman, Qatar và Ai Cập cũng đã nộp đơn xin gia nhập AIIB. Dự kiến, danh sách thành viên chính thức sẽ được công bố vào ngày 15/4 tới.

Trong khi đó, không có gì bất ngờ khi Mỹ vẫn đang giữ thái độ lưỡng lự đối với việc tham gia vào dự án này. Giải thích cho quan điểm của Mỹ, phát ngôn viên Nhà trắng Jen Pseki cho biết “mặc dù chính quyền Mỹ hoan nghênh ý tưởng thành lập AIIB, song Mỹ cũng kêu gọi AIIB sẽ tuân thủ những nguyên tắc quốc tế về quản lý và minh bạch”.

Riêng đối với một đồng minh khác của Mỹ là Nhật Bản, theo thông tin mới nhất nước này đã quyết định không tham gia AIIB với tư cách thành viên sáng lập với lý do tránh làm tổn hại quan hệ đồng minh với Mĩ.

Tiền cho AIIB được lấy từ đâu?

Theo bản ghi nhớ được ký kết tháng 10/2014, vốn điều lệ của Ngân hàng đầu tư hạ tầng Châu Á được xác định là 100 tỷ USD, một nửa trong số đó được Trung Quốc đảm bảo.

Mặc dù nhiều người cho rằng, với số vốn đóng góp lớn vậy, Trung Quốc sẽ nắm quyền kiểm soát định chế tài chính mới này, song Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc đã tuyên bố, đóng góp 50% vốn không có nghĩa là Trung Quốc hướng đến việc chiếm 50% tiếng nói trong các quyết định của AIIB.

Theo đó, việc đóng góp 50% vốn điều lệ ban đầu được xem là để ủng hộ dự án phát triển, còn tỷ lệ kiểm soát của Trung Quốc sẽ được giảm xuống cùng với sự gia nhập thêm của các thành viên mới.

Đến thời điểm hiện tại, AIIB vẫn chưa chỉ rõ trong tương lai tổ chức này sẽ thu hút nguồn tài chính như thế nào. Tuy nhiên, theo báo cáo của tạp chí tài chính quốc gia Trung Quốc Economy & Nation Weekly, các khoản vay liên ngân hàng và phát hành trái phiếu của các quốc gia thành viên có thể sẽ là những phương án huy động tài chính của AIIB trong tương lai.

Vai trò của AIIB trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc?

Thành lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng Châu Á được xem là một phần trong kế hoạch xây dựng Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc, với mục đích thúc đẩy phát triển thương mại và hợp tác kinh tế với các nước Á-Âu, Châu Phi thông qua phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực.

AIIB sẽ là bệ phóng giúp Trung Quốc xuất khẩu vốn, nguồn lực lao động và kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng vào các nền kinh tế đang phát triển. Đây là một điều hết sức có lợi cho Trung Quốc.

Ngoài ra, dự án AIIB sẽ góp phần thúc đẩy tham vọng quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, tăng cường vai trò của Trung Quốc trong hệ thống tài chính toàn cầu, đồng thời giúp xây dựng hình ảnh Trung Quốc như một cường quốc có trách nhiệm./.

Nguồn: hoidoanhnghiep.ru
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.