Chuyên mục
Ý đồ của Triều Tiên khi phóng tên lửa qua Nhật Bản

Ý đồ của Triều Tiên khi phóng tên lửa qua Nhật Bản

Thứ năm 06/10/2022 12:34 GMT + 7

Giới chuyên gia cho rằng Triều Tiên đang muốn lặp lại những gì đã diễn ra vào năm 2017 nhằm gây sức ép buộc Mỹ giảm bớt các lệnh trừng phạt.


Triều Tiên đã tăng cường các vụ thử tên lửa trong năm nay, tiến hành 23 vụ phóng kể từ tháng 1. Theo các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc, Bình Nhưỡng tiến hành 6 vụ thử vũ khí trong vòng chưa đầy 2 tuần qua, bao gồm cả vụ phóng sáng sớm 6/10, với 2 tên lửa đạn đạo ra vùng biển phía Đông.

Đáng chú ý nhất là vụ phóng hôm 4/10. Đó là lần đầu tiên kể từ năm 2017 tên lửa Triều Tiên bay qua Nhật Bản. Bình Nhưỡng cũng không cảnh báo trước cho Tokyo. Tên lửa trong vụ phóng này cũng bay xa hơn so với các tên lửa trước đây của Triều Tiên.

 

Một số chuyến tàu tại Nhật Bản bị tạm dừng do vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: Kyodo

 

Các vụ thử tên lửa của Triều Tiên có thể phục vụ nhiều mục đích, trong đó bao gồm cả cải thiện khả năng kỹ thuật và gửi đi thông điệp chính trị, cả trong nước cũng như quốc tế. Các vụ việc này cũng có thể là lời nhắc nhở về việc thiếu tiến triển trong các cuộc đàm phán hạt nhân và cho thấy năng lực quân sự của Bình Nhưỡng đã phát triển như thế nào trong khoảng thời gian vế tắc đó.

Tên lửa Triều Tiên bay qua Nhật Bản


Cư dân khu vực phía Bắc Nhật Bản thức giấc vào sáng sớm 4/10 khi tiếng còi báo động vang lên cảnh báo về vụ phóng tên lửa. Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung vào lúc 7h22 phút sáng theo giờ Nhật Bản, tên lửa đạt tầm cao 1.000km, bay được quãng đường 4.600km trong 22 phút, bay qua vùng Aomori của Nhật Bản trước khi rơi xuống Thái Bình Dương.

Hiện vẫn chưa rõ chi tiết về loại vũ khí này. Giới chức quốc phòng Nhật Bản cho biết nó tương tự tên lửa Hwasong-12 có khả năng vươn tới Nhật Bản và Guam – vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Theo ông Kim Dong-yup, cựu quan chức Hải quân Hàn Quốc hiện đang giảng dạy tại Đại học Kyungnam ở Seoul, dựa trên quỹ đạo và quãng đường bay, tên lửa lần này có thể là phiên bản nâng cấp của Hwasong-12.

Việc Triều Tiên tăng cường thử nghiệm vũ khí là phù hợp với kế hoạch 5 năm của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Đầu năm nay, ông Kim tuyên bố sẽ “củng cố và phát triển” chương trình vũ khí và hạt nhân của Triều Tiên với tốc độ “cao nhất có thể”.

Theo một số chuyên gia, Triều Tiên thường phóng tên lửa lên tầm cao để nó sau đó rơi xuống vùng biển giữa nước này và Nhật Bản, tránh đe dọa an ninh các nước láng giềng. Việc phóng một quả tên lửa qua Nhật Bản có thể là vì mục đích chính trị.

Vì sao Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa ở thời điểm này?

Triều Tiên không công khai tuyên bố về các vụ phóng tên lửa trong 6 tháng qua. Tuy nhiên, có một số manh mối có thể giúp các chuyên gia giải mã thông điệp của Bình Nhưỡng.

Trong 2 tháng qua, quân đội Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự nhằm thể hiện khả năng sẵn sàng phối hợp trong trường hợp xảy ra xung đột. Dù cả 3 nước đều nói rằng các cuộc tập trận là nhằm mục đích phòng vệ, nhưng Triều Tiên lâu nay vẫn coi đây là hành động thù địch và là lý do nước này điều chỉnh chương trình hạt nhân và phát triển vũ khí.

Sau vụ phóng tên lửa ngày 4/10, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận trên không, trên biển và trên bộ để đáp trả.

 


Máy bay Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung. Ảnh: Reuters

 

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Triều Tiên đã xích lại gần Nga hơn trong khi quan hệ giữa Nhật Bản với Nga trở nên xấu đi.

Do cạnh tranh Mỹ-Trung trở nên căng thẳng, Trung Quốc cũng xích lại gần Triều Tiên hơn. Hàn Quốc và Triều Tiên lại bất đồng nhiều hơn trong bối cảnh chính phủ mới ở Seoul bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Mỹ và có quan điểm cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng.

Trong bối cảnh như vậy, Bình Nhưỡng có thể nhận thấy cơ hội để nhắc nhở thế giới, vốn đang dồn mọi chú ý vào vấn đề Ukraine, cần quay trở lại vấn đề Triều Tiên, theo ông Robert Ward, nghiên cứu sinh cấp cao về tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS).

“Vụ phóng tên lửa làm căng thẳng thêm mối đe dọa an ninh dọc sườn phía Tây của Nhật Bản – với Nga ở phía Bắc, Triều Tiên ở trung tâm và Trung Quốc ở phía Nam. Một mối đe dọa chiến lược cần phải theo dõi là sự hợp tác giữa Nga-Trung-Triều. Đây là mối đe dọa đối với Nhật Bản”, ông Ward nhận định.

Trong khi đó, ông Masashi Murano, một học giả tại Viện Hudson có trụ sở ở Washington (Mỹ) cho rằng, trên quan điểm của Triều Tiên, không có nhiều lựa chọn về đường bay của tên lửa có tầm bắn vượt 4.000km ngoài hành trình bay qua phía Bắc Nhật Bản, hướng về phía Thái Bình Dương. Các lựa chọn khác có thể bị coi là nỗ lực tấn công lục địa Mỹ hoặc vươn tới Guam.

Khả năng Triều Tiên thử hạt nhân

Một vòng xoáy leo thang tương tự dường như đang hình thành. Đối với một số chuyên gia, vụ thử tên lửa hôm 4/10 gợi nhớ về những căng thẳng liên tục leo thang cách đây 5 năm và các giải pháp ngoại giao nhanh chóng sau đó.

Tháng 8/2017, Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo qua Nhật Bản trong bối cảnh Tổng thống Mỹ khi đó, ông Donald Trump, đe dọa sẽ trút “lửa và giận giữ” nếu Bình Nhưỡng tiếp tục leo thang căng thẳng với cac vụ thử tên lửa liên tiếp. Tháng 9 cùng năm, Triều Tiên tiến hành một vụ thử hạt nhân.

Một lần nữa, Triều Tiên có vẻ như đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân thứ 7. Theo các hình ảnh vệ tinh thương mại và tuyên bố từ các quan chức tình báo, Triều Tiên dường như đã hoàn thành khâu chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân tiếp theo và đang chờ đợi thời điểm mang tính chính trị để “nhấn nút”.

Ngày 5/10, tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield đã đổ lỗi cho Nga và Trung Quốc đã tạo điều kiện cho Triều Tiên và cung cấp “biện pháp bảo vệ” giúp Bình Nhưỡng chống lại các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này.

Đáp lại, Nga cho rằng Triều Tiên đang phản ứng trước “học thuyết đối đầu ở khu vực Thái Bình Dương” của Mỹ. Tương tự, đại diện Trung Quốc cũng nói rằng các cuộc tập trận hải quân gần đây của Mỹ trong khu vực là lí do Triều Tiên phóng tên lửa, đồng thời cáo buộc Washington “tiêu chuẩn kép”.

Cả Nga và Trung Quốc đều kêu gọi nối lại đối thoại đa phương về Bán đảo Triều Tiên. Các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa đã rơi vào bế tắc sau Hội nghị thượng đỉnh năm 2019 giữa Tổng thống Mỹ Donad Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Biden không sẵn lòng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà Bình Nhưỡng mong muốn./.

 

Hoàng Phạm

Nguồn: vov.vn
28 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.