Chuyên mục
TT Vladimir Putin: Hạnh phúc trong công việc
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Het 2 nhiem ki lam tong thong cua nuoc Nga thi vo chong ong se lai doan tu.Toi tin la nhu vay!
Rất phấn khởi vì những bước đi cụ thể trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga trong thời gian gần đây....
Rất phấn khởi vì những bước đi cụ thể trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga trong thời gian gần đây....

TT Vladimir Putin: Hạnh phúc trong công việc

Thứ tư 30/10/2013 16:09 GMT + 7
Tháng 10 này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đón sinh nhật lần thứ 61 (ngày 7) của mình ở khu nghỉ mát Bali của Indonesia, khi ông dẫn đầu đoàn đại biểu Nga tham dự Hội nghị Thượng đỉnh châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Các nguyên thủ quốc gia có mặt ở Bali hôm đó đã cùng nhau hát “Happy Birthday to you” chúc mừng Tổng thống Nga...

Vượt nỗi buồn riêng

Phải nói rằng năm 2013 không phải là một năm may mắn đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc chia tay không hẹn trước với người vợ Lyudmila hiển nhiên đã gây nên cho Tổng thống Nga vô số những đau đớn trong tâm tưởng, dù ông đã là một cựu cán bộ KGB được rèn luyện kỹ càng. Tuy nhiên, ông Putin đã biết cách tìm thấy niềm vui đích thực trong công việc phụng sự tổ quốc. Nói theo cách của ông Peskov, người phát ngôn chính thức của Điện Kremli, Tổng  thống Nga hiện nay đã say sưa với các phận sự quốc gia của mình đến mức khó có thể hình dung là ông tìm đâu ra thời gian cho cuộc sống riêng tư...

Nhìn trên bình diện chính trị, năm 2013 vẫn là một năm có nhiều thành công của Vladimir Putin. Và điều này đã được chính những người dân Nga ghi nhận. Theo kết quả thăm dò dư luận xã hội, được công bố vào dịp sinh nhật lần thứ 61 của Tổng thống Nga, hiện nay đại đa số người Nga đã coi ông như một nguyên thủ anh minh và gần gụi với nhân dân hơn trước. Và họ cũng ghi nhận uy tín đang được nâng cao của ông trên trường quốc tế. 65% số người Nga được hỏi ý kiến cho rằng, Tổng thống Purin đã trở nên nhìn xa trông rộng và anh minh hơn. 64% cho rằng ông trở nên mạnh mẽ và chủ đích hơn. Theo ý kiến của 63% số người Nga được hỏi ý kiến, trông ông Putin có vẻ như sung mãn và năng nổ hơn.

Người dân Nga cũng nhận xét rằng, Tổng thống Putin hiện nay đã khêu gợi được sự chú ý lớn hơn nhiều đối với bản thân và các hành động của ông (57%). 59% số người Nga được hỏi ý kiến cho rằng, ông đang làm được nhiều việc hơn cho đất nước. Đối với 54%, ông đang được yêu thích nhiều hơ, còn 50% cho rằng ông gần gụi hơn đối với dân tộc, trong đó có 50% cho rằng ông gần hơn với những người bình dị dù đang cư xử cứng rắn hơn đối với trước (58%).

Người dân Nga cũng ghi nhận những thay đổi tích cực trong hình ảnh của Tổng thống Putin trên trường quốc tế: 67% số người Nga được hỏi ý kiến cho rằng,  trong thời gian gần đây, ông Putin đã có sức nặng hơn trên bàn cờ thế giới.

Theo ý kiến của đa số những người Nga tham gia cuộc thăm dò ý kiến xã hội ở đầu tháng 10 này, trong thời gian gần đây, Tổng thống Putin đã trở nên nghiêm khắc hơn với chính bản thân mình và những nhân sự gần gụi trong các vấn đề đạo đức, tính trung thực và tuân thủ luật pháp (65%).  Trong số này có tới 44% cho rằng Tổng thống có thể tin cậy ở đội ngũ nhân sự làm việc sát cạnh mình hơn trước, còn 45% lại cho rằng ông Putin hiện ít tin cậy ở đội ngũ nhân sự gần mình hơn...



Khi được yêu cầu nhớ lại những cảm giác mà họ đã cảm thấy khi nhìn nhận ông Putin trong quá khứ, người dân Nga thường thổ lộ rằng họ đã từng rất hy vọng ở ông (56%). Những cảm giác đã là phổ biến nhất trong lòng họ khi nhìn thấy vị Tổng thống của mình trong quá khứ là: Sự tin tưởng (33%), tự hào (21%) và cảm giác bình an (19%).
Theo ý kiến của người dân Nga, ở thời cầm quyền cũ của ông Putin, nước Nga đã không ổn định (18%),  nghèo (10%), nhưng vẫn có cảm hứng hồi sinh (10%). Hiện nay, người dân Nga cho rằng, tổ quốc của họ đang là một cường quốc mạnh mẽ (16%), ngày một trở nên tốt hơn (10%). 10% số người Nga được hỏi ý kiến cho rằng, với phong cách chèo lái của ông Putin hiện nay, nước Nga đang ổn định. Cũng từng ấy tỉ lệ người Nga nghĩ ngược lại...

Phải nói rằng, trong năm 2013, Tổng thống Putin đã tạo dựng được hàng loạt dấu ấn sâu đậm trên chính trường quốc tế. Tờ Le Huffington Post của Pháp ngày 22/10 viết: “Năm 2013 chưa cạn, nhưng tới ngày 31/12, khi chuông đồng hồ điểm những nhịp cuối cùng, Vladimir Putin có thể theo truyền thống tốt đẹp nhất từ chế độ Xôviết ăn mừng rất nhiều thắng lợi chính trị của nước Nga trên trường quốc tế. Syria, Iran, Armenia, G-20, Snowden... Danh sách dài những thành tựu Nga này thậm chí đã có thể giúp cho Tổng thống Nga trở thành ứng cử viên của giải Nobel Hòa bình...”.

Các nhà xã hội học thống kê trong danh sách những yếu tố thuận lợi cho việc duy trì uy tín cao của Tổng thống Putin, cả các phẩm chất cá nhân của ông cũng như việc ổn định tình hình kinh tế và cả những luồng gió mát lành từ bên ngoài, như việc giá dầu mỏ trên thị trường quốc tế không ngừng tăng... Điều này hiển nhiên là đúng: Việc giá dầu tăng không những đã giúp nước Nga thanh toán được những món nợ lương cho các viên chức  và người về hưu mà còn giúp tăng trưởng kinh tế khá mạnh mẽ. Và sự tăng trưởng này có lợi cho số đông dân chúng. Hiện nay, đại đa số người Nga cảm thấy đời sống vật chất của mình được cải thiện hơn so với trước, bất chấp những khó khăn đã nảy sinh từ cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính đã hoành hành từ không chỉ một năm nay trên quy mô toàn cầu. Chính nhờ thế nên với hình ảnh ông  Putin mà đại đa số người Nga đã gắn vào cảm giác rằng đất nước mình đã và đang vượt qua khủng hoảng. Trong đội ngũ này nổi lên trước hết là những người tự tin vào sức mình chứ không thụ động trông đợi vào sự trợ giúp của nhà nước. Đây chính là bí quyết thành công của đương kim Tổng thống Nga: Ông đã  làm đông đúc thêm tầng lớp trung lưu và chính họ đã trở thành chỗ dựa chính của ông. Tầng lớp trung lưu này khá đa dạng về thành phần nhưng nhìn chung đều đánh giá hoạt động của ông Putin một cách tích cực.  Trong những năm qua, phần lớn các quyết định của chính quyền đều không đi ngược lại quyền lợi của tầng lớp trung lưu. Chẳng ai dại gì lại đốt lửa dưới ghế mình ngồi. Làm thua thiệt tầng lớp ủng hộ mình nhất đối với bất cứ chính khách nào cũng là việc tự sát...

Cộng thêm vào đó, Tổng thống Putin rất biết cách lo tối đa cho những tầng lớp bị thua thiệt trong xã hội. Chế độ lương hưu và trợ cấp xã hội liên tục được điều chỉnh theo hướng cải thiện. Chính vì thế nên dù trong xã hội Nga hiện nay vẫn tồn tại không ít mâu thuẫn như trong bất cứ một xã hội tư bản chủ nghĩa nào, nhưng nhìn chung, tình hình luôn ở trong “vòng kiểm soát”...



Phong cách Putin

Khi ông Putin mới xuất hiện trên thượng tầng chính trị Nga, trên các phương tiện truyền thông quốc tế đã xuất hiện câu hỏi: Mr. Putin, ông là ai? Tới thời điểm hiện tại, mặc dù không ai dám nói là đã hình dung hết được chiều sâu và chiều rộng trong hình ảnh mang tên Putin, nhưng tựu trung, đã có thế đúc kết được những nét chính trong phong cách trị quốc của đương kim Tổng thống Nga. Chỉ trong khoảng thời gian không dài ở đầu thế kỷ XXI, ông Putin đã biết cách để từ một viên chức bình thường luôn biết thân biết phận đã trở thành một chính trị gia tầm cỡ thế giới với phong cách tự tin nhưng không ngạo nghễ, giản dị nhưng vẫn thanh lịch, biết tìm ra những mối lợi cho quốc gia mình từ những tình huống quốc tế tưởng chừng như bế tắc. Nói một cách công bằng, việc V. Putin trở thành Tổng thống Nga không phải là một sự kiện không có tiền lệ trên chính trường thế giới. Khi một quốc gia chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang một cơ chế năng động hơn, trước các viên chức “ngoan ngoãn” của thời cũ đã mở ra những cơ hội mới giúp họ, nếu thực sự có năng lực, có thể thi thố được sở trường của mình hơn.  Hãy thử nhớ lại nước Đức sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chẳng lẽ Konrad Adenawer, người đã trở thành vị Thủ tướng đầu tiên của Cộng hòa Liên bang Đức khi đã bước sang tuổi 73, chẳng đã chỉ là một viên chức tầm tầm dưới thời Hitler sao? Thế nhưng, khi đã nắm được bộ máy điều hành trong tay, Adenawer đã có dịp bộc lộ tầm cỡ một nhà cải cách xuất sắc nhất thế kỷ XX. Ludvig Erhard, người được coi là cha đẻ của phép lạ kinh tế Cộng hòa liên bang  Đức sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cũng chỉ là một nhà nghiên cứu khiêm nhường tại Nurenberg trong chế độ Hitler. Thời đại mới đã giúp họ lên được những tầm cao mới mà trước đó chẳng mấy ai ngờ. Không ngẫu nhiên mà trong các bài trả lời phỏng vấn, chính ông Putin trước yêu cầu nêu tên những chính khách mà ông cảm thấy thú vị nhất đã nhắc tới De Gaulle và Erhard...

Dưới chế độ bao cấp, những người hoạt động chính trị, ngay cả ở thế đội đầu, cũng không cần phải quá quan tâm tới dáng vẻ bề ngoài, tuổi tác, cách ăn mặc, khả năng hùng biện, thậm chí cả năng lực trí tuệ của mình. Mọi việc thăng tiến đều do “tổ chức” lo và quan trọng là biết cách tìm lối đúng lúc lọt vào “cơ cấu”. Nhưng trong cơ chế thị trường, những yếu tố  dân túy và khả năng thực chất của các chính khách đã trở thành những đòi hỏi rất quan trọng vì chúng có ảnh hưởng rất lớn đến sự tín nhiệm của dân chúng đối với họ.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, không thể nào mở lớp đào tạo ra những chính trị gia đích thực trong các nhà trường hay học viện. Có thể đào tạo ra những kỹ sư, bác sĩ. Cũng có thể dạy dỗ nên những viên chức tốt... Tuy nhiên, không ai đào tạo được những thị trưởng, tỉnh trưởng, thủ tướng hay tổng thống, tức là không ai đào tạo được những người mà chức phận chủ yếu của họ là chịu trách nhiệm về mọi sự và biết tự đưa ra những quyết định cá nhân một cách đầy trách nhiệm trong những tình huống bất ngờ nhất. Khi bầu hoặc cử  ai đó vào những vị trí như vậy, lý do chính chỉ là sự hy vọng vào tài năng của người được lựa chọn, vào những tinh anh còn chưa kịp phát tiết ra ngoài của người ấy. Nếu tài năng và những tinh anh bên trong đó không được thể hiện vào thực tế thì kết cục là xã hội không được có một chính khách lớn mà chỉ được nhận thêm vào một viên chức bậc cao nữa. Ông Putin là một trường hợp may mắn vì ở ông đã có kho dự trữ năng lực cá nhân rất lớn của một thủ lĩnh quốc gia mà trước đó, ở những vị trí thấp hơn, ông đã khôn khéo không bộc lộ ra ngoài để khỏi rơi vào tình trạng “cầm đèn chạy trước ô tô”. Hay hơn nữa là khi đã trở thành một nhà chính trị lớn, ông Putin vẫn không bị “quan liêu hóa” và vẫn giữ được những phẩm chất của một viên chức kiểu mẫu. Chính điều này đã xác định một phong cách Putin trong công việc chuyên môn và những mối quan hệ với thuộc hạ, với các cộng sự và với các công dân Nga theo yêu cầu nhìn nhận Tổng thống không phải như một vị cứu thế mà như một người được xã hội “thuê” làm nhà điều hành cao cấp.

Theo đánh giá của ông Grigory Yavlinsky, thủ lĩnh phe đối lập Yabloko,  ông Putin đặt tính quốc gia cao hơn tất cả. Đối với ông, tự do cá nhân chỉ có thể được thực sự tôn trọng trong một đất nước đủ tiềm lực để được tôn trọng trên trường quốc tế. Dân chủ trong quan niệm của đương kim Tổng thống Nga vẫn phải là một hình thái xã hội có thể định hướng được sao cho “ích nước lợi nhà”. Cũng tạp chí Đức Focus trong số ra ngày 12/1/2004 đã đặt cho V. Putin biệt danh “chuyên gia về nền dân chủ có định hướng”. Nếu người khởi xướng cải tổ Mikhail Gorbachev đã dại dột nhìn thấy tai hoạ ở trong sự quá hùng hậu của bộ máy nhà nước thì típ chính khách như V. Putin ngay cả khi tiến hành các cuộc cải cách kinh tế theo xu hướng tự do hoá cũng vẫn giữ lại cho mình quyền kiểm soát quốc gia chặt chẽ hơn với sự góp sức của cả các cơ quan an ninh. Dân chủ không có nghĩa là ai muốn làm gì cũng được. Điều này có thể khiến phương Tây không hài lòng nhưng lại hợp với lối tư duy truyền thống của người Nga: Đại đa số cư dân ở đây coi nguyên nhân dẫn tới nạn tham nhũng và vô trật tự tràn lan không phải ở sức mạnh của bộ máy nhà nước mà là ở thế yếu của người cầm lái. Sau cảnh xập xí xập ngầu dưới thời B. Yeltsin, V. Putin đã hứa điều mà mọi người dân Nga đều trông đợi: ổn định thay cho loạn lạc, trật tự thay cho tình trạng hỗn quân hỗn quan, vị thế oai hùng của một cường quốc thay cho cảnh  thất thế từ một Liên bang bị tan rã...

Ông Putin như thực tế nước Nga trong những năm qua cho thấy, không thích hứa nhiều nhưng luôn giữ lời đã hứa. Ông biết cách làm mọi việc tới cùng kể cả những việc khó chịu nhất. Là cấp trưởng nhưng không dưa cho cấp phó làm những việc cần làm nhưng bản thân ông cảm thấy khó chịu. Ông biết cách xử sự cứng rắn và cương quyết để đạt được mục đích của mình nhưng không phải là người thích bẻ hành bẻ tỏi và không thích những cuộc cãi cọ ầm ĩ. Ông thích đạt được mục đích đã đặt ra không phải bằng đối đầu mà bằng con đường điều hòa các lợi ích.

Theo thăm dò của tạp chí Profil, đại đa số các tỉnh trưởng ở Nga đều cho rằng, ông Putin biết nghe những lý lẽ khác mình và biết nghe thấu quan điểm của đối tác để tìm ra phương án tối ưu giải quyết các vấn đề có thể gây nên mâu thuẫn. Ông không khiến người ta sợ hãi nhưng luôn buộc người ta phải kính trọng mình. Trong giai đoạn từ khi ông được đề cử làm Thủ tướng Nga cho tới lúc ông chính thức nhậm chức Tổng thống, ông Putin không hề gây mâu thuẫn với bất cứ một Bộ trưởng hay một viên chức cao cấp nào. Thậm chí cả với các đối thủ trong cuộc bầu cử Tổng thống, ông cũng tìm được cách duy trì không khí cơm lành canh ngọt, ít ra là ở bề ngoài. Sau khi yên vị ở trong Điện Kremli, ông đã không chỉ một lần phải dính vào các vụ mâu thuẫn tính chất và cấp độ khác nhau: với các bộ trưởng, với các thuộc hạ trong bộ máy Phủ Tổng thống, với thủ lĩnh các khu vực trong nước, với các ông trùm kinh tế, với nhiều phương tiện thông tin đại chúng... Tuy nhiên, không một vụ việc nào bị câu dầm; chúng đều được giải quyết trong một thời gian ngắn một cách “tiết kiệm”, không phải sử dụng tới những thủ pháp thô bạo và những lời lẽ khiếm nhã công khai.

Ông Putin biết cách tỏ rõ bản lĩnh của một cựu điệp viên trước những lời buộc tội dối trá và bẩn thỉu: đơn giản là ông không thèm đáp lại khiến các đối thủ rơi vào tình trạng đấm bị bông. Khác với người tiền nhiệm và cũng là ân nhân của mình, vị Tổng thống đầu tiên của nước Nga thời hậu Xôviết Boris Yeltsin, ông Putin không bao giờ công khai hạ nhục cấp dưới trước bàn dân thiên hạ...

Vốn từng là một vận động viên chuyên nghiệp, một võ sĩ judo có hạng, lại hơn hai mươi năm phục vụ trong cơ quan an ninh, V. Putin đã rèn luyện được một bộ thần kinh thép ngay từ thời thơ ấu. Người ta kể lại rằng, khi còn học phổ thông, để đánh cuộc với bạn bè, cậu bé Volodia đã bám vào song sắt  ban công tầng bốn để treo mình ra ngoài... Ông Putin cũng là một nhà tổ chức tốt, có tinh thần kỷ luật cao. Ông luôn tỏ ra thận trọng và không thích những quyết định nhanh chóng và ngẫu hứng. Vì thế chơi xỏ ông là việc hầu như không thể. Nhưng những khi cần, ông cũng có thể đưa ra những quyết định tức thì lắm khi trái ngược với sự trông đợi của đa số. Người ta kể lại rằng, mùa thu năm 1999, khi ông Putin còn là Thủ tướng, tới dự Lễ kỷ niệm Nhà hát  châm biếm nổi tiếng do Nghệ sĩ nhân dân Arkadi Raikin rất lừng danh lập ra 60 năm trước, bất ngờ ngoài hành lang gặp ngay diễn viên nam ăn khách Shirvindt đang chân nam đá chân chiêu. Anh diễn viên ngà ngà say nên coi trời bằng vung, chìa ngay tay cho V. Putin và tự giới thiệu một cách suồng sã: “Tôi là Shura!”. “Còn tôi là Vôva!”- ông Putin trả lời ngay không khách khí. “Có lẽ, ta đi làm một ly mừng ngày làm quen nhỉ?”- Shirvindt hỏi. “Ừ, sao lại không nhỉ?”- ông Putin điềm nhiên trả lời rồi cùng Shirvindt rẽ vào quầy ăn trước sự ngạc nhiên đến nín thở của đông đảo người chứng kiến hành động có vẻ như phạm thượng này của anh nghệ sĩ say đối với lãnh đạo quốc gia... Cách ứng xử linh hoạt và không trịch thượng này đối với văn nghệ sĩ chỉ càng giúp ông chiếm thêm được cảm tình của xã hội. Trước họ, ông là một chính khách vừa dân chủ, khiêm nhường nhưng cũng đầy tự trọng, không xun xoe trước người trên nhưng không hống hách với kẻ dưới.

Cũng bằng câu trả lời: “Ừ, sao lại không nhỉ?” mà ông Putin đã khiến cho các phóng viên phương Tây phải ngẩn người ra khi họ định dồn ông vào thế bí với câu hỏi: “Liệu ông có muốn nước Nga gia nhập NATO không?” Trong buổi thảo luận của Duma quốc gia để phê chuẩn ông vào cương vị Thủ tướng, một số thủ lĩnh phe đối lập  định hạ nhục ông bằng cách cố tình nói sai tên đệm của ông, ông Putin đã đáp lại bằng cách lên phát biểu cảm ơn, đặc biệt nhắc tới “thịnh tình” của họ nhưng cũng cố tình nói sai tên đệm của những người này...

Ông Putin tỏ ra mình là người luôn “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, không quay mặt trước những người ngã ngựa. Trước đây, khi vị Thủ tướng Liên bang Nga Yevgueni Primakov bị ông Yeltsin cho về vườn, chỉ một ngày sau đó, ông Putin, mới đang là Giám đốc Cơ quan an ninh, đã cùng thuộc cấp của mình tới tận nhà nghỉ ngoại ô của ông Primakov để cảm ơn những việc mà ông này đã làm trên cương vị đứng đầu nội các cho sự nghiệp an ninh quốc gia (cần nhớ rằng khi ông Primakov còn thịnh, ông Putin không phải là người được Thủ tướng sủng ái)... Ông Putin cũng đã có cách đối xử đầy ân nghĩa với những nhà lãnh đạo KGB cũ, chứ không bạc bẽo và trở mặt như nhiều chính trị gia làn sóng mới ở Nga...

Tất cả những nét trên đã tạo ra một phong cách Putin, rất có ích cho nước Nga trên chặng đường mới đầy khó khăn để tìm lại vị trí xứng đáng với mình trên bàn cờ chính trị thế giới.

Lần đầu tới Việt Nam

Ngày 12/11 tới, theo kế hoạch, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ bắt đầu chuyến thăm chính thức mới tới Việt Nam. Nhân dịp này, có thể cùng nhớ lại lần đầu tiên ông sang thăm nước ta với cương vị nguyên thủ quốc gia từ đêm 28/2 cho tới tối 2/3/2001.

Đây là lần đầu tiên một vị nguyên thủ quốc gia của nước Nga tới Hà Nội (kể cả trong thời Xôviết, chưa bao giờ người có chức vụ cao nhất ở Moskva sang thăm chính thức Việt Nam).

Với Việt Nam, ông Putin gắn bó bởi những tình cảm tốt đẹp đã có từ thời niên thiếu, khi mà đối với mọi cậu bé quàng khăn đỏ trên quê hương Xôviết, Việt Nam là một biểu tượng của lòng dũng cảm, của tinh thần yêu nước, của tình đoàn kết vô sản quốc tế. Dù thế nào thì những ấn tượng của tuổi thơ ấu vẫn thường ăn sâu vào tâm trí chúng ta hơn là chúng ta vẫn tưởng. Nếu đồ vật, như một câu danh ngôn đã nói, tốt khi mới, thì bạn bè tốt nhất là khi cũ.

Những cuộc tiếp xúc tại thủ đô Việt Nam cho người đứng đầu nước Nga nhìn nhận thêm nhiều điều. Tại Hà Nội, Tổng thống Putin đã cùng Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi đó là đồng chí Trần Đức Lương ký Hiệp ước quan hệ chiến lược mới giữa hai nước. Người đứng đầu nước Nga đã được tận mắt chứng kiến những tình cảm tốt đẹp mà chưa bao giờ và chưa ở đâu ông được cảm nhận, đó dường như là biểu hiện của mọi thứ tốt đẹp nhất mà người Việt muốn dành cho vị nguyên thủ quốc gia đến từ quê hương của Lênin vĩ đại. Trong buổi lễ gặp mặt các cựu lưu học sinh từng tốt nghiệp các học đường Xôviết và Nga tổ chức chiều ngày 2/3/2001 tại Cung Văn hóa Hữu nghị ở Hà Nội, khi hòa cùng tất cả thầm thì cất lên giai điệu bài hát “Chiều Moskva”, trên mi mắt Tổng thống Putin dường như sắp sửa trào ra giọt lệ cảm kích. “Tôi thật sự  kinh ngạc trước thịnh tình của người dân thường nước Việt đón chào chúng tôi. Không thể nào đạo diễn trước một tình cảm như thế. Vậy thì tại sao lại để mất một trữ lượng tình hữu nghị từng được bao nhiêu thế hệ gây dựng nên như vậy? Đó là một yếu tố rất quan trọng cơ mà”.

Do thời gian eo hẹp nên thực ra Tổng thống Nga mới chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” với cảnh vật Hà Nội. Tuy thế, ông cũng đã kịp gõ lên một tiếng chuông lảnh lót ở Văn Miếu và nhập vào mình những hình ảnh và hương vị đặc biệt cảm động của thủ đô Việt Nam. Đó là thành phố mà ta chưa xa đã nhớ, nói như thơ của một người bạn Nga, Piotr Yurevich Txvetov, một nhà báo, nguyên phóng viên thường trú báo Pravda tại Đông Nam Á và hiện nay đang là Giám đốc Cơ quan đại diện Trung tâm hợp tác quốc tế về khoa học và văn hóa Nga tại Việt Nam:

Thành phố này, tôi chưa xa đã nhớ,

Nét rêu xanh trong kỷ niệm bạn bè.

Hồ Gươm thẫm ánh mắt nhìn thiếu phụ,

Tiếng sấu rơi hút gió đêm hè...


Tôi xa lạ nhưng đã thành thân thuộc

Với con đường ve inh ỏi đồng ca,

Em ngơ ngác và em không quen biết

Mà nụ cười như môi nở ngàn hoa...


Thành phố này có bao nhiêu cổ tích,

Tôi ước thành Tháp Bút một lần thôi

Giá tôi viết được lên xanh biếc

Những câu thơ hòa hợp với mây trời...


Ba sáu lối hay nhiều hơn nữa

Cũng đưa về bầu bạn với thương yêu.

Thành phố này tôi chưa xa đã nhớ

Giọt nắng trong như giọt rượu say chiều.


Tôi đã lớn cùng bạch dương xứ Tuyết,

Đến nơi đây thanh thản với tre ngà,

Tối Hồ Tây trong vòng tay ngủ thiếp

Sóng sâm cầm nhè nhẹ vỗ mơ Nga...



Thuận Vương
Nguồn: cand.com.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.