Chuyên mục
Trừng phạt dự án khí đốt khủng của Nga, Mỹ 'nhìn xa trông rộng'; tham vọng của Moscow chẳng hề hấn vì Trung Quốc ra tay?

Trừng phạt dự án khí đốt khủng của Nga, Mỹ 'nhìn xa trông rộng'; tham vọng của Moscow chẳng hề hấn vì Trung Quốc ra tay?

Thứ năm 16/11/2023 06:41 GMT + 7

Mỹ trừng phạt dự án khí đốt lớn của Nga trong khi Trung Quốc có thể vẫn trở thành khách hàng lớn của Moscow, cũng như cung cấp công nghệ để xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất năng lượng.


Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với dự án LNG 2 ở Bắc Cực của Nga, buộc các cổ đông phải kết thúc các giao dịch và thoái vốn trong dự án trước ngày 31/1/2024. (Nguồn: Novatek).


Tham vọng giành 20% thị phần khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu của Nga đang bị đe dọa bởi các lệnh trừng phạt đối với dự án xuất khẩu LNG quan trọng mà Mỹ mới áp đặt.

Mỹ nhắm mục tiêu vào dự án LNG 2 ở Bắc Cực

Đầu tháng 11 này, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với dự án LNG 2 ở Bắc Cực của Nga, buộc các cổ đông phải kết thúc các giao dịch và thoái vốn trong dự án trước ngày 31/1/2024.

Dự án LNG 2 ở Bắc Cực sắp hoàn thành, được coi là trung tâm cho tham vọng trở thành nhà sản xuất LNG lớn thứ tư thế giới của Moscow với sản lượng xuất khẩu 100 triệu tấn LGN mỗi năm vào năm 2035 và tăng hơn gấp đôi thị phần 8% hiện tại trên thị trường thế giới.

Các biện pháp trừng phạt không áp dụng đối với các cơ sở LNG hiện có của Nga mà nhằm vào hoạt động sản xuất trong tương lai của nước này, có thể vì Mỹ lo ngại về việc làm gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt hiện có cho các đồng minh như Nhật Bản và châu Âu, những nước phụ thuộc nhiều vào năng lượng nhập khẩu.

Dự án LNG 2 Bắc Cực, được xây dựng trên bán đảo Gydan ở miền Bắc nước Nga, sẽ là dự án thứ ba trong số các dự án LNG quy mô lớn của Moscow, với vị trí thuận lợi cho phép xuất khẩu sang châu Âu hoặc châu Á.

Dự kiến, dự án ở Bắc Cực này vẫn có thể bắt đầu vận hành chuyến tàu chở LNG đầu tiên trong quý I/2024 và khi hoạt động hết công suất, dự án sẽ chiếm khoảng 1/5 tổng sản lượng LNG của Nga vào năm 2030.

Theo kế hoạch, sẽ có ba chuyến tàu với sản lượng hằng năm khoảng 6,6 triệu tấn LNG mỗi chuyến, trong đó chuyến đầu tiên dự kiến sẽ đạt hết công suất vào đầu năm tới, chuyến thứ hai hoàn thành trong năm 2024 và chuyến cuối cùng vào năm 2026.

Dự án này được xây dựng phần lớn bằng công nghệ phương Tây, có sự tham gia của các cổ đông châu Âu và Nhật Bản. Novatek sở hữu 60% cổ phần trong dự án, TotalEnergies và 2 doanh nghiệp Trung Quốc, gồm Tập đoàn Dầu khí quốc gia (CNPC) và Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia (CNOOC), mỗi bên nắm giữ 10%. 10% còn lại thuộc về Công ty thương mại Nhật Bản Mitsui & Co và Tổ chức An ninh kim loại và năng lượng Nhật Bản (Jogmec) thuộc sở hữu nhà nước.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với xuất khẩu công nghệ sang Nga đã khiến một số nhà cung cấp cho LNG 2 Bắc Cực phải rút lui vào đầu năm nay. Tuy nhiên hiện tại, với việc xây dựng chuyến tàu đầu tiên đã hoàn thành khoảng 90% và chuyến tàu thứ hai khoảng 80%, Trung Quốc đã vào cuộc để giúp hoàn thành. Nga không có công nghệ hoặc chuyên môn để tự xây dựng nhà máy LNG.

Vẫn “ưu ái” đồng minh?

Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ sẽ có tác động đầu tiên và lớn nhất tới Nhật Bản, quốc gia gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước. Cổ phần tại LNG 2 Bắc Cự do Mitsui nắm giữ, trong liên doanh với công ty nhà nước Jogmec, giúp Nhật Bản có được 2 triệu tấn sản lượng mỗi năm từ dự án.

Có thể hình dung rằng, Nhật Bản, một đồng minh quan trọng của Mỹ, sẽ được phép nới lỏng một số biện pháp trừng phạt. Ví dụ, Mitsui và Mitsubishi của Nhật Bản vẫn giữ được cổ phần trong dự án LNG Sakhalin-2 ngay cả sau khi tập đoàn năng lượng tư nhân lớn thứ hai thế giới Shell (Anh) quyết định rút lui và Nga đã quốc hữu hóa dự án này. Về lâu dài, các biện pháp trừng phạt có thể mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất hiện tại không phải của Nga, bao gồm cả Australia.

Mỹ đã được hưởng lợi từ việc bán LNG bởi nhu cầu năng lượng ở châu Âu tăng vọt sau khi phần lớn các nước trong lục địa này quyết định chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt qua đường ống của Nga. Nga hiện là nước có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới, tiếp theo là Iran, Qatar, Saudi Arabia và Mỹ.

Nếu năng lực xuất khẩu LNG của Nga bị hạn chế, thị trường vốn đã tương đối chặt chẽ này sẽ không bị ảnh hưởng nhiều trong vài năm tới trước khi khối lượng sản xuất mới tiếp theo xuất hiện vào nửa sau của thập niên này.

Cơ hội của Trung Quốc

Trung Quốc, vốn là khách hàng lớn mua LNG của Nga, có thể bỏ qua các lệnh trừng phạt và trở thành khách hàng lớn của dự án LNG 2 Bắc Cực, cũng như cung cấp công nghệ để chế tạo đoàn tàu thứ ba.

Tuy nhiên, trước bài học từ châu Âu, Bắc Kinh có thể sẽ cảnh giác về việc Moscow vũ khí hóa năng lượng và trở nên phụ thuộc quá mức vào Nga. Trung Quốc cũng có thể sẽ nhận thức được rằng Mỹ và các đồng minh có khả năng trừng phạt các công ty giúp Moscow xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng bị trừng phạt.

Điều đó có thể tác động đến các công ty năng lượng của Trung Quốc, vốn hoạt động trên toàn cầu và có mối quan hệ lâu dài với các công ty và nền kinh tế phương Tây.

Việc Mỹ chỉ nhắm mục tiêu trừng phạt xuất khẩu LNG trong tương lai của Nga phù hợp với chiến lược trừng phạt năng lượng của nước này từ trước tới nay, với mục đích giảm doanh thu của Moscow từ hoạt động sản xuất hiện tại trong khi vẫn duy trì khối lượng xuất khẩu dầu và khí đốt ra thị trường thế giới.



Bất chấp các lệnh trừng phạt, doanh thu từ dầu khí của Nga trong tháng 10/2023 vẫn cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. (Nguồn: Reuters).


Nhờ thời tiết ấm hơn thường lệ cũng như lượng nhập khẩu LNG đáng kể của Mỹ và Nga, châu Âu đã có thể duy trì điện chiếu sáng và sưởi ấm trong mùa Đông năm ngoái mặc dù đã mất đi nguồn khí đốt qua đường ống của Nga, vốn từng cung cấp 40% nhu cầu của châu lục.

Nhập khẩu LNG của Nga vào châu Âu, chủ yếu qua Tây Ban Nha và Bỉ, vì hai nước này có cảng và cơ sở tái hóa lỏng cần thiết, tăng 40% so với mức trước khi nổ ra xung đột tại Ukraine (tháng 2/2022). Trong đó, các quốc gia này là cửa ngõ cung cấp năng lượng cho các nền kinh tế lớn hơn như Pháp và Đức.

Châu Âu sẽ có thể vượt qua một mùa Đông nữa mà không bị mất điện hoặc không phải áp dụng các biện pháp tiết kiệm quá mức, với mức dự trữ khí đốt đạt gần 96% công suất và rất nhiều cảng nhập khẩu LNG được xây dựng bổ sung.

Trừng phạt kém hiệu quả?

Mỹ lo ngại rằng các lệnh trừng phạt của Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), cùng với Australia, đối với hoạt động sản xuất dầu hiện tại của Nga đang bị các công ty vận tải biển và "hạm đội xám" tàu chở dầu mua lại, cũng đã ra tín hiệu rằng họ sẽ thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu mỏ của Nga.

Doanh thu xuất khẩu dầu của Moscow ngày càng tăng khiến các nước phương Tây cho rằng, dầu của Nga được xuất khẩu với giá cao hơn mức giá trần 60 USD/thùng do G7 áp đặt.

Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ đã gửi thông báo tới 30 công ty quản lý tàu biển, tìm kiếm thông tin về khoảng 100 tàu mà họ nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt.

Điều đó phù hợp với cảnh báo của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vào tháng trước rằng Washington và các đồng minh sắp tăng cường thực thi các lệnh trừng phạt. Thông báo này thể hiện một bước tiến tới hành động thực thi đầu tiên kể từ khi lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga được áp dụng vào năm ngoái.

Doanh thu từ dầu khí của Nga trong tháng 10/2023 đã cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ việc tiếp tục cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và Nga cũng như cuộc chiến ở Trung Đông.

Bất chấp xung đột ở Israel và Gaza và khả năng gây bất ổn cho khu vực rộng lớn hơn, giá dầu đã đạt mức cao nhất trong tháng 9, ở mức hơn 96 USD/thùng và hiện giao dịch ở mức trên 82 USD/thùng.

Đó là những biện pháp trừng phạt áp dụng với nguồn thu hiện tại của Nga, trong khi việc áp trừng phạt đối với dự án LNG 2 ở Bắc Cực nhằm hạn chế thu nhập của Moscow trong tương lai.


Hải An (theo SMH)

Nguồn: baoquocte.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.