Chuyên mục
Tranh cãi quanh việc Mỹ đang âm mưu tạo ra vũ khí hủy diệt mới
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Tranh cãi quanh việc Mỹ đang âm mưu tạo ra vũ khí hủy diệt mới

Thứ hai 25/11/2013 05:43 GMT + 7
Mỹ muốn hiện đại hóa kho bom nguyên tử của họ đặt tại Châu Âu, theo một cách thức khiến nhiều chuyên gia coi như đây là việc tạo ra một loại vũ khí hủy diệt mới. Giới phê bình tin rằng, động thái này giống như việc Tổng thống Barack Obama vi phạm cam kết rằng ông sẽ không phát triển những quả bom hạt nhân mới.

 
Hình ảnh về bom hạt nhân B-61 của Mỹ thuộc loại bom huấn luyện.

Hiện đại hóa “đồ chơi” lỗi thời

Ý tưởng các máy bay chiến đấu cất cánh từ Tây Âu, bay theo hướng đông và ném bom hạt nhân xuống binh lính Liên Xô tấn công vào Châu Âu đã được sản sinh ra từ kịch bản của thời kỳ Chiến tranh lạnh. Nhưng trong khi kịch bản đó đã lỗi thời, những quả bom hạt nhân của Mỹ vẫn còn nằm lại ở Châu Âu. Riêng tại Đức, hiện có tới 20 quả bom B-61 vẫn còn chứa trong một căn cứ không quân ở Đức gần làng Büchel nằm trong vùng Rhineland-Palatinate.

B-61 là một trong những vũ khí nhiệt hạch chủ lực của quân đội Mỹ. Nó có thể đóng vai trò vũ khí hạt nhân chiến lược và chiến thuật. B-61 có chiều dài 3,58m, đường kính 33cm và nặng chỉ 320kg, dù các biến thể có thể thay đổi về trọng lượng. B-61 có nhiều biến cỡ sức nổ khác nhau. Các loại bom B-61 thuộc loại vũ khí chiến lược (Mods 3, 4, và 10) có thể đạt được sức công phá tương đương với 0,3; 1.5; 5, 10; 60; 80; 170 ngàn tấn thuốc nổ và lớn hơn. Quả bom B-61-7 được xem là mẫu B-61 có sức nổ mạnh nhất, tương đương với 430.000 tấn thuốc nổ.

Chính phủ Đức đã không ít lần bày tỏ sự quan ngại về B-61 và liên tục nói rằng muốn thấy các vũ khí này phải bị chuyển đi. Nhưng chuyện đó rõ ràng không xảy ra trong thời gian ngắn tới. Thay vì thế, các loại vũ khí này còn được nâng cấp với khả năng quân sự của chúng được tăng cường mở rộng.

Tuần trước, Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng Mỹ đã ra thông báo chung về chương trình B-61 trong một buổi điều trần trước Tiểu ban Lực lượng Chiến lược thuộc Ủy ban phụ trách Quân sự của Hạ viện. Phiên bản bom nguyên tử được cải tiến mang tên B-61-12, giờ sẽ thay thế các mẫu cũ là 3, 4, 7 và 10, bên cạnh mẫu bom nguyên tử chiến lược xuyên phá hầm ngầm B-61-11 và B-83. Mẫu bom B-83 có sức công phá mạnh tới 1.200.000 tấn thuốc nổ, nghĩa là nó mạnh hơn 90 lần quả bom nguyên tử đã ném xuống Hiroshima.

Quả bom B-61-12 đầu tiên dự kiến sẽ được chế tạo hoàn tất vào năm 2020. Tới năm 2024, tất cả các quả bom cũ sẽ được thay thế. Tiếp đó theo kịch bản, chúng sẽ được đưa trở lại trang bị bằng việc được gắn trên các máy bay chiến đấu như F-16, F-35, các máy bay ném bom chiến lược như B-2 “Spirit” hoặc mẫu LRS-B đang được lên kế hoạch sản xuất.

Các máy bay ném bom Tornado của Đức đóng tại Büchel cũng sẽ được trang bị để có thể sử dụng loại bom B-61-12 mới, nhưng chỉ như các loại bom sử dụng kỹ thuật điều khiển tương tự cũ (hệ thống 1). Thuộc hệ thống 2 là những quả bom hiện đại hơn, điều khiển bằng kỹ thuật số, được thiết kế dành riêng cho các máy bay chiến đấu hiện đại như F-35 “Joint Strike Fighter”.

Việc này có thể khả thi thông qua hoạt động lắp đặt hệ thống lắp ghép ở phía đuôi đang được Boeing phát triển cùng với B-61-12. Khoảng 800 hệ thống mới này có thể được mua sắm với giá chừng 1,6 tỉ USD.

Quân đội Mỹ đã đặt kỳ vọng lớn vào hệ thống 2, do nó chính xác hơn và chỉ cần mang bom có sức nổ yếu hơn so với các loại bom trước đó. Quả bom B-61 nhỏ nhất đang tồn tại là B-61-4, có sức nổ tới 50.000 tấn thuốc nổ, tức gấp 4 lần quả bom nổ ở Hiroshima.

Về cơ bản, các linh kiện bom nguyên tử cũ sẽ được tái sử dụng trong những quả bom B-61-12. Nhưng B-61-12 lại có sức mạnh vượt trội so với các quả bom cũ. Nó được cho là có thể tiêu diệt cùng một mục tiêu mà trước đó người ta phải dùng tới các quả bom 300, 400 hoặc nhiều kiloton hơn thế.

Cảnh báo về một loại vũ khí hạt nhân mới

Thực tế, các chuyên gia xem B-61-12 không phải là một phiên bản nối dài tuổi thọ của B-61 hay chỉ nâng cấp sơ vũ khí này. Họ đã coi nó là một thứ vũ khí với các khả năng quân sự mới - một sự phát triển dường như đã vi phạm cam kết của Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng sẽ không tạo ra bất kỳ vũ khí nguyên tử mới nào hoặc bổ sung thêm tính năng quân sự mới cho các vũ khí đã có.

 
Một chiếc B-2 Spirit của Mỹ có thể tạo ra sự hủy diệt bởi bom hạt nhân B-61.

Theo chuyên gia Han Kristensen thuộc Liên đoàn các Khoa học gia Mỹ, hiện nay chưa có quả bom nào mang tính năng quân sự của bom B-61-7, B-61-11 hay B-82 được triển khai ở Châu Âu. Nhưng có thể thấy B-61-12 được sinh ra để hợp nhất các tiềm năng của tất cả những vũ khí này. “Không tệ cho một hoạt động kéo dài tuổi thọ đơn giản” - Kristensen viết trên blog cá nhân - “Điều này sẽ khiến B-61-12 là quả bom “tất cả trong một””.

Chuyên gia Stephen Young thuộc Liên minh cho biết điều các nhà khoa học quan tâm chia sẻ chung một quan điểm. Ông cho biết, Cơ quan Quản lý An ninh Hạt nhân quốc gia (NNSA) - nơi chịu trách nhiệm quản lý vũ khí hạt nhân - thừa nhận rằng 15 trong số 16 hoạt động nâng cấp không nhằm cải thiện tình hình an ninh hoặc khiến vũ khí không bị lỗi thời. Thay vì thế người ta muốn tăng cường khả năng của chúng. Theo Young, điều này cho thấy tăng cường khả năng mới là “động lực chính” đằng sau chương trình hiện đại hóa.

Nhưng đây vẫn không phải là yếu tố quan trọng nhất, theo đánh giá của Oliver Meier tới từ Viện Nghiên cứu các vấn đề an ninh và quốc tế Đức, bởi “các khả năng mới sẽ dần được Mỹ bổ sung, dù là với tốc độ nào”. “Khả năng bổ sung thêm tính năng mới đã được nhắc tới nhiều lần, không chỉ bởi các chuyên gia tới từ ngoài Mỹ mà còn bởi Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ” - Meier nói, cho biết thêm đây là thực tế mà người ta phải đương đầu.

NNSA đang cố gắng chống lại các chỉ trích. Họ nói rằng B-61-12 sử dụng các linh kiện lấy từ các quả bom đang tồn tại. Vì thế, chúng chẳng có thêm tính năng quân sự mới nào. Họ nói rằng, các mục tiêu mà B-61-12 nhắm tới đều đã có những loại vũ khí khác xuất hiện trước đó đạt được. Ví dụ như về khả năng xuyên phá, mẫu B-61-11 hiện đang đứng đầu bảng. Đây là một quả bom hạt nhân có khả năng xuyên phá mạnh, với phần vỏ đã được gia cố tăng lực. Theo một số nguồn tin, vỏ B-61-11 sử dụng uranium nghèo. Bom cũng có kíp nổ chậm, khiến nó có thể xuyên sâu vào đất trước khi phát nổ, qua đó sẽ gây hại nặng cho các công trình ngầm dưới đất. Hiện Mỹ có khoảng 50 quả bom B-61-11 và phương tiện chuyên chở chúng là máy bay B-2 Spirit. Và với sự ra đời của B-61-12, giới chức Mỹ tin rằng kho bom hạt nhân của họ sẽ giảm tới một nửa số lượng hiện nay.

Nhưng những lời này không khiến giới quan sát yên tâm. Họ cảnh báo về nguy cơ vũ khí mới có thể đe dọa các cuộc đàm phán về giải giáp vũ khí hạt nhân trong tương lai giữa khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga - vốn thảo luận về vấn đề vũ khí hạt nhân phi chiến lược. Meier nói rằng, việc B-61-12 sẽ thay thế bom phá hầm ngầm B-61-11 và bom hạt nhân chiến lược B-83 là tín hiệu đáng báo động.

“Người Nga cũng đang hiện đại hóa kho vũ khí của họ và vì thế họ sẽ rất mừng khi sử dụng chương trình hiện đại hóa B-61 để chất vấn tính nghiêm túc của NATO” - Meier nhận xét. “Như thế, trong các nỗ lực giải giáp vũ khí, có thể thấy chương trình hiện đại hóa B-61 không giúp ích gì”.

Götz Neuneck thuộc Viện Nghiên cứu hòa bình và chính sách an ninh ở Hamburg thấy rằng quả bóng trách nhiệm đang được đẩy vào chân của người Đức. “Họ phải nói rõ với Mỹ rằng Châu Âu không cần những quả bom mới và sẽ không để ra bất kỳ hệ thống mang bom nào để sử dụng chúng cả” - Neuneck nói. Ngoài ra, NATO cũng phải đưa ra các đề nghị chắc chắn với Nga liên quan tới hệ thống phòng thủ tên lửa gây tranh cãi của Mỹ - vốn xem Nga là mối đe dọa. “Nếu tất cả những điều này đều không có tác dụng” - Neuneck nói - “Vũ khí hạt nhân chiến thuật mới sẽ được triển khai ở Châu Âu và hoạt động giải giáp vũ khí hạt nhân sẽ không thể diễn ra trong hàng thập kỷ”.

Mỹ sẽ không dừng cuộc chơi

NNSA hiện vẫn đang thúc đẩy chương trình hiện đại hóa B-61, bất chấp sự chỉ trích từ các chính trị gia ủng hộ việc giải giáp vũ khí hạt nhân và chi phí nâng cấp khổng lồ. Tính tới nay, chi phí nâng cấp B-61 được dự báo sẽ tốn kém ít nhất 10 tỉ USD. Nhưng NNSA nói rằng dự án B-61 chỉ là bước đầu tiên trong chương trình lớn hơn tiến tới việc sở hữu một kho vũ khí hạt nhân hiện đại hơn, hiệu quả hơn.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Hội đồng Vũ khí hạt nhân - một ủy ban ra chính sách chung thuộc các bộ Quốc phòng và Năng lượng - đã triển khai cái gọi là “chiến lược 3 cộng 2”. Chiến lược này cho phép việc giữ cho vũ khí hạt nhân Mỹ ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cho tới 2/3 thế kỷ này. Cụ thể trong tương lai, Mỹ có kế hoạch triển khai 3 loại đầu đạn hạt nhân cho các tên lửa đặt trên bộ và trên biển. 2 loại vũ khí hạt nhân khác sẽ dành cho máy bay, một là bom B-61-12 và một là đầu đạn chưa được lựa chọn, gắn vào tên lửa hành trình; nhưng nhiều khả năng đầu đạn sẽ là một biến thể dựa trên bom B-61.

Từ quan điểm của NNSA, chương trình B-61 không thể bị hủy bỏ bởi nó sẽ có tác dụng domino trên các dự án khác nằm trong chiến lược 3 cộng 2. Ngay cả viễn cảnh đạt được thỏa thuận giải giáp vũ khí hạt nhân với Nga, trong đó vũ khí hạt nhân phi chiến lược lần đầu được đưa vào, cũng không phải là lý do chấp nhận được để thay đổi.

“Hãy đừng sai lầm” - Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề chiến lược toàn cầu Madelyn Creedon nói. “Ngay cả khi liên minh NATO đạt được thỏa thuận với Nga trong việc giảm vũ khí hạt nhân chiến thuật, chúng tôi vẫn cần hoàn tất chương trình kéo dài tuổi thọ B-61-12”.
Nguồn: laodong.com.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.