Chuyên mục
Tỉnh lẻ nước Nga, nơi lưu giữ những kỷ niệm thời Xô Viết
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Tỉnh lẻ nước Nga, nơi lưu giữ những kỷ niệm thời Xô Viết

Thứ bảy 09/02/2019 17:45 GMT + 7
Trong dịp tác nghiệp World Cup tại Nga, tôi đã muốn được nhìn thấy những kỷ niệm thời Xô Viết mà thế hệ cha anh kể lại. Nhưng chỉ khi đi ra khỏi nơi phồn hoa đô hội của sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, tôi mới tìm thấy thứ mình muốn. Đó là những tỉnh lẻ nước Nga, được xem là bảo tàng sống của thời Xô Viết, rất gần gũi với khung cảnh Việt Nam.


World Cup phản ánh sự khác biệt nông thôn - thành thị

Moscow và Saint Petersburg rực rỡ sắc màu trong những ngày World Cup. Đó là 2 thành phố lớn nhất nước Nga, có nhiều sân bay quốc tế làm nhiệm vụ đưa đón CĐV ngoại quốc, sở hữu 3 SVĐ (riêng Moscow 2 chiếc) đăng cai World Cup, trong đó sân Luzhniki và Petrovsky tổ chức những trận đấu quan trọng nhất giải. 

Saint Petersburg vẫn giữ được nhiều nét cổ kính của các công trình kiến trúc xa xưa. Moscow thì khác, thủ đô Liên bang Nga ngày nay có bề ngoài và cả lối sống không khác gì những thành phố phương Tây. Hối hả, năng động và hiện đại là những gì dễ dàng cảm nhận thấy trên đất Moscow. 

Nhưng nhịp sống hối hả đó cũng giảm khi chuyến tàu dần xa khỏi thành phố, đi về những miền quê, nông thôn của nước Nga. Ở Tula và Vladimir, những đô thị nhỏ cách Moscow tròm trèm 200 km và đều không tổ chức World Cup, giải bóng đá toàn hành tinh không có chút tác động gì đến cuộc sống nơi đó. 

Tại Tula, tôi đã thấy mạng nhện giăng đầy trên nóc khán đài sân bóng xấp xỉ 2 vạn chỗ ngồi của CLB Arsenal Tula, hoạt động sôi nổi nhất tại SVĐ chính của thành phố trong những ngày World Cup là… đua xe đạp của các cháu thiếu nhi địa phương. 

Tạ Việt Tùng, một thanh niên ở Vladimir cho biết người Việt tại đây chỉ có thể tụ tập nhau xem World Cup trong các trận đấu muộn, bởi những trận sớm luôn trùng với giờ “đi chợ”, khi đồng bào Việt Nam ở đây chủ yếu mưu sinh bằng nghề buôn bán. Vladimir nằm trên trục đường từ Moscow đến Nizhny Novgorod, nơi đăng cai 6 trận đấu World Cup, nhưng không vì thế mà Vladimir được hưởng lợi từ sự kiện này. Khách du lịch chỉ đi ngang qua Vladimir trên đường di chuyển, cùng lắm thì nhảy xuống xe để mua… chai nước. 


Tác giả (bìa trái) chụp ảnh lưu niệm tại một gia đình kiều bào tại Nga

Tại Tula, Vladimir hay Oriol, những thành phố không đăng cai World Cup mà tôi đi qua, chẳng có chút gì của ngày hội bóng đá tại đây ngoài vài biểu ngữ được chính quyền địa phương dựng lên cho có. World Cup có sôi động như thế nào đi nữa thì cuộc sống tại đây vẫn vậy. Ngay cả các gian hàng dành cho khách thập phương cũng vẫn chỉ bày bán các sản phẩm truyền thống như búp bê gỗ Matryoshka, rượu vodka... Nhịp sống của địa phương vẫn diễn ra bình thường, có chăng quán cafe hay bar nhộn nhịp hơn đôi chút vào giờ bóng lăn. 

Dĩ nhiên, nước Nga phải lựa chọn những thành phố hiện đại, có cơ sở vật chất tốt nhất để đăng cai World Cup. 11 thành phố đăng cai World Cup cũng đồng thời được đầu tư lớn phục vụ công tác tổ chức, từ sửa sang, làm mới các công trình công cộng, thậm chí xây hẳn nhà ga tàu điện ngầm mới. Điều đó càng khoét sâu hố ngăn cách giữa thành thị và nông thôn. 

Kỷ niệm thời Xô Viết chỉ ở bên ngoài đô thị lớn

Với người Việt thuộc thế hệ 5x hay 6x, nếu đến Moscow để ôn lại những kỷ niệm thời Xô Viết thì thực sai lầm. Bởi thủ đô Liên bang Nga không phải nơi thích hợp cho chuyện đó. Ngoài những bức tượng Lenin, búp bê gỗ có biểu tượng Xô Viết và một số khu tập thể cũ kỹ, thực khó để nhìn thấy rõ nét những dấu tích của thời Xô Viết. Những thứ đó chỉ được trông thấy ở bên ngoài đô thị lớn.

Nhịp sống tại Moscow hối hả đến nỗi có thể cảm nhận được bằng cách nhìn người dân đi lại ở các bến metro. Người ta ước tính tốc độ di chuyển của người dân Moscow gấp khoảng 4 lần so với người dân tỉnh lẻ. Ở nông thôn, người Nga sống chậm hơn, họ dành nhiều thời gian cho gia đình và bạn bè, trong khi những ý nghĩ về vật chất, kế sinh nhai chiếm hầu hết thời gian của người dân thành thị. 

Tại nông thôn, những dấu ấn của Xô Viết không chỉ nằm ở hiện vật như các quảng trường, nhà cửa, tòa nhà cơ quan nhà nước hay tầu điện được xây dựng thời kỳ này, mà còn cả cách người ta sống với nhau. Khi bạn đang lạ lẫm đường phố thì đã có người bước đến hỏi xem bạn cần giúp đỡ gì. Tại thành phố lớn, người dân cũng luôn rất nhiệt tình giúp đỡ khách ngoại quốc, nhưng bạn phải chủ động mở lời.

Tại Nizhny Novgorod, cách SVĐ khoảng 3km, ở ngay sát bến metro Chkalovskaya là khu tập thể tập trung hầu hết đồng bào Việt Nam (khoảng hơn 100 người) tại thành phố nhỏ yên bình này. Rất nhiều người trong số họ đã sang Nga lao động từ thập niên 1980, lập gia đình rồi ở lại nước bạn. Đồng bào Việt Nam vẫn giữ văn hóa làng xóm gần gũi từ hơn 3 thập kỷ trước. 


Người Việt tại đây thường tụ tập nhau từ 4-5 người trở lên vào mỗi dịp cuối tuần, cùng nhau thưởng thức món cá khô Astrakhan, món nhậu bình dân nổi tiếng của nước Nga (hiện cá Astrakhan đã được nhập khẩu về Việt Nam). Ở khu vực này, bất kỳ người Việt nào cũng nắm được thông tin cơ bản về đồng bào mình như nhà ở đâu, quê gốc ở đâu, sang Nga từ bao giờ và hiện đang làm gì.

Cuộc sống của đồng bào Việt Nam tại Nizhny Novgorod không được sung túc bằng ở các thành phố lớn như Moscow hay Saint Petersburg. Nhưng bù lại, đời sống tinh thần của cộng đồng rất phong phú trong không gian đậm chất Việt Nam, giúp đồng bào cảm thấy khung cảnh gần gũi như quê nhà giữa cuộc sống mưu sinh đầy vất vả nơi xứ người. Những sinh hoạt cộng đồng ở Moscow vẫn có, nhưng không được thường xuyên bởi rất khó gom được đông đảo đồng bào Việt Nam giữa một thành phố quá rộng lớn và luôn bận rộn đến mức… thiếu ngủ. 

Nếu ngồi với kiều bào Việt Nam ở tỉnh lẻ thì ngoài những món ăn Nga, bạn sẽ cảm nhận được độ ấm cúng không khác gì khung cảnh tại quê hương. Ông Trần Kiều Phong, một Việt kiều đã sinh sống tại Moscow gần 40 năm nói với tôi rằng cứ mỗi khi nhớ quê mà không thể thu xếp về Việt Nam, ông lại tự bắt xe khách đến Tula, Kazan hay xa hơn nữa đến tận Ufa, nơi có rất nhiều bạn bè để hồi tưởng lại cả một thời tuổi trẻ và tìm thấy chút gì đó của đất mẹ Việt Nam…

Lốp xe làm vật trang trí, thói quen thời Xô Viết


Người dân Nga tại tỉnh lẻ vẫn giữ thói quen từ thời Xô Viết, tận dụng lốp xe hơi cũ để làm vật trang trí. Phổ biến nhất là dùng làm chậu trồng cây, những chậu cây cảnh làm từ lốp xe sơn đủ sắc màu được nhìn thấy khắp nơi trong các khu dân cư. Với một số người khéo tay và có đầu óc mỹ thuật, lốp xe còn có thể chế tạo thành hình chiếc đồng hồ, ghế bành, bập bênh, giày dép hay thậm chí làm… bồn rửa mặt. Những hình ảnh đó không thấy ở những thành phố tân thời như Moscow hay Saint Petersburg.

Huy Hiếu
Nguồn: bongdaplus.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.