Chuyên mục
Sự kiện thiên nga đen (black swan): Những cú sốc lớn trong lịch sử kinh tế toàn cầu

Sự kiện thiên nga đen (black swan): Những cú sốc lớn trong lịch sử kinh tế toàn cầu

Thứ ba 13/08/2024 10:43 GMT + 7

Sự kiện Black Swan hay còn gọi là Thiên Nga Đen là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả những sự kiện hiếm gặp, không thể dự đoán trước, và có tác động lớn một cách tiêu cực đến thị trường tài chính cũng như xã hội.

 

 

Sự kiện thiên nga đen là gì?


Thuật ngữ này được phổ biến bởi Nassim Nicholas Taleb, một giáo sư tài chính, nhà văn và cựu giao dịch viên Phố Wall. 

Ông đã viết về ý tưởng về sự kiện thiên nga đen trong một cuốn sách năm 2007 trước các sự kiện của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Taleb lập luận rằng vì các sự kiện thiên nga đen không thể dự đoán được do chúng cực kỳ hiếm gặp, nhưng lại có hậu quả thảm khốc, dù hiếm gặp nhưng không có nghĩa là nó không xảy ra. 

Nên điều quan trọng là mọi người phải luôn cho rằng sự kiện thiên nga đen có thể xảy ra, và cố gắng chuẩn bị những kịch bản cho tình huống đó. 

Thiên nga đen là một loài chim có thực và chúng không hiếm trong tự nhiên, nhưng chúng không phổ biến trên toàn cầu. Thiên nga đen (Cygnus atratus) là loài thiên nga bản địa của Úc. Chúng rất phổ biến ở Úc và có thể được tìm thấy ở các hồ, đầm lầy và sông ngòi trên khắp đất nước này. Ngoài ra, chúng cũng đã được du nhập vào New Zealand và một số khu vực khác trên thế giới, nơi chúng được nuôi làm cảnh.

Trong lịch sử, trước khi Châu Âu phát hiện ra thiên nga đen ở Úc, người ta tin rằng tất cả các thiên nga đều có lông màu trắng, và khái niệm về một "thiên nga đen" chỉ tồn tại như một điều không thể có. Khi thiên nga đen thực sự được phát hiện, nó đã gây ra sự ngạc nhiên lớn và thay đổi quan điểm của con người về tự nhiên, điều này cũng là nguồn cảm hứng cho thuật ngữ "thiên nga đen" trong lý thuyết tài chính.

 

 

Hiểu về các sự kiện Black Swan có ý nghĩa quan trọng đối với bất kỳ ai tham gia vào thị trường tài chính. Bởi vì bản chất của các sự kiện này là không thể dự đoán và có tác động lớn, việc nhận thức và chuẩn bị cho khả năng xảy ra của chúng có thể giúp nhà đầu tư bảo vệ tài sản và giảm thiểu rủi ro.

Trong thị trường tài chính, thứ khiến mọi người sợ hãi nhất không phải là việc cổ phiếu mất giá mà đó chính là hiện tượng Black Swan. Đây là thuật ngữ ám chỉ hiệu ứng sụp đổ đột ngột và bất ngờ của cả một hệ thống tài chính khiến nền kinh tế nói chung và ngành tài chính nói riêng chìm vào cơn ác mộng suy thoái.

Đặc điểm của một sự kiện black swan


Tính bất ngờ 

Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của một sự kiện Black Swan là tính bất ngờ. Những sự kiện này thường xuất hiện mà không ai có thể lường trước hoặc dự đoán được. Chính vì tính chất hiếm hoi và khó đoán này mà chúng gây ra sự ngạc nhiên và sốc đối với toàn bộ thị trường tài chính và xã hội.

Mang tầm ảnh hưởng lớn 

Một sự kiện Black Swan không chỉ bất ngờ mà còn có tác động rất lớn, thường là tiêu cực, đến toàn bộ nền kinh tế và xã hội. Những sự kiện này có thể làm thay đổi cấu trúc thị trường, dẫn đến suy thoái kinh tế, hoặc gây ra những thay đổi sâu rộng trong cách thức hoạt động của các tổ chức và chính phủ.

Sự kiện black swan thường được hiểu rõ sau khi xảy ra 

Điều đặc biệt về các sự kiện Black Swan là dù không thể dự đoán trước, nhưng sau khi xảy ra, người ta thường nhận ra rằng có những dấu hiệu cảnh báo đã bị bỏ qua hoặc không được chú ý đến đúng mức. Khi nhìn lại, sự kiện có vẻ hợp lý và dễ hiểu, khiến nhiều người tự hỏi tại sao họ không thấy trước được.

Các sự kiện black swan nổi bật trong lịch sử tài chính 

 

Cuộc đại suy thoái 1929 

Cuộc đại suy thoái năm 1929, được coi là một trong những sự kiện Black Swan lớn nhất thế kỷ 20, bắt đầu với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ vào ngày "Thứ Năm Đen" (24 tháng 10 năm 1929). Nguyên nhân chính bao gồm sự bùng nổ tín dụng, đầu cơ quá mức vào cổ phiếu, và mất cân bằng kinh tế giữa sản xuất và tiêu dùng. Hậu quả là nhiều ngân hàng và doanh nghiệp phá sản, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, và sản xuất công nghiệp suy giảm mạnh.

Cuộc khủng hoảng này đã kéo dài nhiều năm, gây ra sự suy giảm kinh tế toàn cầu và làm giảm mức sống của hàng triệu người. Các quốc gia phải áp dụng chính sách bảo hộ thương mại, tăng thuế quan, và đưa ra nhiều biện pháp cải cách kinh tế. Tác động xã hội của đại suy thoái cũng sâu rộng, góp phần vào sự bất ổn chính trị, dẫn đến Thế chiến II.

Bong bóng Dotcom

Bong bóng Dotcom xảy ra vào những năm 90 khi công nghệ phát triển mạnh mẽ, với sự ra đời của những gã khổng lồ như Google, Amazon, và Apple. Sự bùng nổ của các công ty công nghệ mới đã thu hút nhiều nhà đầu tư, dẫn đến việc cổ phiếu của các công ty Dotcom bị thổi phồng quá mức, dù nhiều công ty có hoạt động kinh doanh yếu kém hoặc không có.

Đến đầu năm 2000, khi sự chênh lệch giữa giá trị thực và giá trị trên sàn chứng khoán trở nên quá lớn, hàng loạt công ty Dotcom sụp đổ, tạo ra hiệu ứng Domino. Kết quả là hàng tỷ USD của các nhà đầu tư bị mất trắng khi bong bóng vỡ.

 

Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 

Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 bắt nguồn từ bong bóng bất động sản ở Mỹ, do các khoản vay dưới chuẩn (subprime mortgage) được cấp cho những người có hồ sơ tín dụng yếu. Khi giá nhà giảm, nhiều người vay không thể trả nợ, dẫn đến sự sụp đổ của các công ty tài chính lớn như Lehman Brothers và làm đóng băng thị trường tín dụng toàn cầu.

Hậu quả là một cuộc suy thoái toàn cầu, thị trường chứng khoán mất hàng nghìn tỷ đô la, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, và nhiều nền kinh tế phát triển bị tê liệt. Cuộc khủng hoảng này cũng dẫn đến những cải cách lớn trong quy định tài chính toàn cầu nhằm ngăn chặn sự tái diễn của một sự kiện tương tự trong tương lai.

Đại dịch Covid-19

Đại dịch COVID-19 là một trong những sự kiện Black Swan quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại. Xuất phát từ Trung Quốc vào cuối năm 2019, virus SARS-CoV-2 nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới, gây ra một cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có. Sự lây lan nhanh chóng và không thể kiểm soát của đại dịch đã khiến nhiều quốc gia phải đóng cửa biên giới, ngừng các hoạt động kinh tế, và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt.

Tác động của đại dịch đến kinh tế toàn cầu rất nặng nề, gây ra suy thoái kinh tế lớn nhất kể từ Đại Suy Thoái 1929. Các ngành du lịch, hàng không và bán lẻ bị tê liệt, chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn, nhiều doanh nghiệp phá sản và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, đại dịch cũng thúc đẩy sự phát triển của công nghệ và thương mại điện tử khi mọi người chuyển sang làm việc và mua sắm trực tuyến.

Dưới đây là một số ví dụ về các sự kiện Black Swan đã xảy ra trong thị trường crypto

Các sự kiện này mang tầm vóc nhỏ hơn và chỉ xảy ra trong lĩnh vực crypto nói riêng và ảnh hưởng không nhiều đến nền kinh tế chung của thế giới tài chính toàn cầu. Nhưng nếu bạn là một nhà đầu tư đã và đang tham gia vào thị trường crypto thì có lẽ nó cũng rất đáng để chúng ta có thể nhìn lại và học hỏi được một vài điều gì đó ở những sự kiện này. 

Sự sụp đổ của sàn Mt. Gox (2014)

Sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới, Mt. Gox, chiếm 70% giao dịch Bitcoin toàn cầu, đã tuyên bố phá sản vào năm 2014 sau khi bị hacker tấn công, mất khoảng 850,000 Bitcoin. Sự kiện này làm chấn động thị trường crypto, khiến giá Bitcoin giảm mạnh từ 1,100 USD xuống dưới 400 USD chỉ trong vài tháng và làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào sự an toàn của các sàn giao dịch. 

Điều này thúc đẩy việc sử dụng ví lạnh và các biện pháp bảo mật được tăng cường.

Sự kiện DAO hack Ethereum (2016)

The DAO, một tổ chức tự trị phi tập trung trên nền tảng Ethereum, đã huy động 150 triệu USD qua việc bán token. Tuy nhiên, vào tháng 6/2016, một hacker đã khai thác lỗ hổng trong mã của DAO, đánh cắp khoảng 50 triệu USD Ether. Sự kiện này dẫn đến sự chia rẽ trong cộng đồng Ethereum, tạo ra hai blockchain riêng biệt: Ethereum (ETH) và Ethereum Classic (ETC).

Giá Ethereum giảm mạnh từ 20 USD xuống dưới 10 USD. Sự kiện này làm dấy lên lo ngại về tính bảo mật của các hợp đồng thông minh và làm nổi bật rủi ro kỹ thuật trong các dự án blockchain.

Trung Quốc cấm đào Bitcoin (2021)

Vào tháng 5/2021, Trung Quốc ban hành lệnh cấm khai thác Bitcoin, quốc gia này từng chiếm 65-75% công suất khai thác toàn cầu. Lệnh cấm gây sốc cho thị trường, khiến giá Bitcoin giảm từ 40,000 USD xuống dưới 30,000 USD và sức mạnh băm của mạng lưới Bitcoin giảm gần 50%. Tuy nhiên, sau đó, các thợ mỏ di chuyển sang các quốc gia khác như Mỹ và Kazakhstan, giúp hashrate hồi phục.

Nhưng có một sự thật thú vị là cho đến hiện tại, số lượng hashrate vẫn tập trung một số lượng lớn tại Trung Quốc.

 

Sự sụp đổ của Terra (LUNA) và UST (2022)

Vào tháng 5/2022, Terra (LUNA), một dự án blockchain nổi tiếng với stablecoin UST được hỗ trợ bằng thuật toán, đã sụp đổ khi UST mất chốt với đồng USD. Điều này khiến giá LUNA giảm từ hơn 100 USD xuống gần như bằng 0 chỉ trong vài ngày, gây thiệt hại hàng chục tỷ USD cho nhà đầu tư.

Sự kiện này gây tổn thất lớn cho nhà đầu tư và làm suy giảm niềm tin vào các stablecoin được hỗ trợ bằng thuật toán, dẫn đến việc siết chặt quy định và giám sát các stablecoin trên toàn cầu.

Sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX (2022)

Vào tháng 11/2022, FTX, một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, bất ngờ tuyên bố phá sản do không thể đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng. Nguyên nhân chính là việc FTX sử dụng tài sản của khách hàng để hỗ trợ cho công ty chị em Alameda Research, dẫn đến thua lỗ lớn khi các khoản đầu tư rủi ro thất bại.

Hàng tỷ đô la tài sản của người dùng bị mắc kẹt, gây thiệt hại nặng nề cho nhà đầu tư. Sự sụp đổ của FTX kéo theo hàng chục công ty crypto khác cũng phá sản, đẩy giá Bitcoin xuống mức đáy 15,000 USD vào năm 2022.

 

Sự kiện Black Swan là những sự kiện bất ngờ, hiếm khi xảy ra nhưng có tác động rất lớn đến thị trường tài chính. Khi một sự kiện Black Swan xuất hiện, nó thường gây ra sự sụp đổ hoặc biến động mạnh mẽ trong các thị trường tài chính toàn cầu. 

Những sự kiện này có thể làm đảo lộn sự cân bằng của thị trường, gây ra sự hoảng loạn và bán tháo hàng loạt, khiến giá trị tài sản giảm mạnh trong thời gian ngắn. Chẳng hạn, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bắt đầu từ sự vỡ nợ của các khoản vay dưới chuẩn tại Mỹ, nhưng nhanh chóng lan rộng, làm sụp đổ nhiều ngân hàng lớn và dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tác động của các sự kiện Black Swan thường không chỉ dừng lại ở các thiệt hại kinh tế ngắn hạn mà còn có thể kéo theo những thay đổi lớn về mặt chính sách và cách thức hoạt động của thị trường. Chính phủ và các tổ chức tài chính thường phải can thiệp mạnh mẽ để ổn định lại tình hình, thông qua việc áp dụng các biện pháp cứu trợ kinh tế hoặc điều chỉnh các quy định tài chính. Sự kiện Black Swan cũng là lời nhắc nhở cho các nhà đầu tư về tầm quan trọng của việc quản lý rủi ro và đa dạng hóa danh mục đầu tư để giảm thiểu thiệt hại khi đối mặt với những biến động không lường trước.

Khi xảy ra các sự kiện Black Swan, nhà đầu tư thường dịch chuyển vốn từ các tài sản rủi ro như cổ phiếu và crypto sang các tài sản an toàn hơn như vàng, trái phiếu chính phủ, hoặc tiền mặt. Điều này làm thay đổi cấu trúc của thị trường và gây ra sự biến động lớn.

Các sự kiện Black Swan có thể tạo ra cơ hội mua tài sản với giá thấp đối với những ai có tích trữ lượng tiền mặt, có tầm nhìn dài hạn và khả năng chịu đựng rủi ro cao. Khi thị trường hồi phục, lợi nhuận có thể rất lớn.

Bài học từ các sự kiện black swan

 

 Có những thứ rất lớn và tưởng chừng như rất khó để sập đổ nhưng đến một lúc nào đó, nó lại sập đổ nhanh đến mức chúng ta vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Vì thế trong thị trường tài chính nói riêng và các trong cuộc sống nói chung. Những gì chúng ta cho là không thể thì nó vẫn có một vài phần trăm nhất định xảy đến. 

Thiên nga đen là một sự kiện xảy ra mang tính bất ngờ và không lường trước được, vậy tôi nên chuẩn bị những gì để khi xảy ra tôi có thể ứng phó với nó và không bị tổn thất quá nhiều?

Đa dạng hóa danh mục đầu tư

Đừng đặt tất cả vốn vào một loại tài sản duy nhất. Đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, và crypto. Việc đa dạng hóa giúp giảm thiểu rủi ro, vì khi một loại tài sản bị ảnh hưởng, các loại tài sản khác có thể không bị ảnh hưởng một cách nặng nề tương tự. Còn nếu bạn chỉ tập trung đầu tư vào crypto thì đa dạng hoá bằng cách nắm giữ tiền mặt và crypto ở một tỷ lệ mà bạn cảm thấy an toàn. 

Thiết lập quỹ dự phòng 

Luôn duy trì một khoản tiền mặt dự phòng hoặc các tài sản dễ thanh khoản để có thể nhanh chóng ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Quỹ dự phòng này sẽ giúp bạn có đủ tài chính để xử lý các tình huống bất ngờ mà không cần phải bán tháo các tài sản đang đầu tư với giá thấp.

Luôn cập nhật thông tin và học hỏi 

Cập nhật thông tin thị trường và kinh tế thường xuyên. Hiểu biết về tình hình thị trường và các yếu tố kinh tế vĩ mô có thể giúp bạn nhận biết các dấu hiệu cảnh báo sớm và điều chỉnh chiến lược đầu tư kịp thời.

Luôn nâng cao kiến thức về tài chính và đầu tư để có thể đưa ra các quyết định sáng suốt hơn. Điều này bao gồm việc học hỏi từ các sự kiện Black Swan trong quá khứ và rút ra bài học từ đó.

Duy trì tư duy linh hoạt     

Đừng quá cứng nhắc trong chiến lược đầu tư. Khi thị trường thay đổi, bạn cần linh hoạt điều chỉnh chiến lược của mình để phù hợp với tình hình mới. Điều này có thể bao gồm việc cắt giảm tổn thất sớm hoặc chuyển sang các cơ hội đầu tư mới.

Mặc dù các sự kiện thiên nga đen có thể gây ra sự sụp đổ tạm thời giá trị các tài sản trên thị trường, nhưng lịch sử đã chứng minh rằng thị trường tài chính có khả năng hồi phục khá nhanh chóng sau đó. Các tài sản có giá trị thực thường sẽ phục hồi sau khủng hoảng, và đôi khi còn đạt được mức giá cao hơn trước. Vì thế, việc bạn hoảng loạn và bán tháo toàn bộ tài sản của mình có thể dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội hồi phục.

Thay vì hoảng sợ, điều quan trọng là bạn cần giữ bình tĩnh và có chiến lược rõ ràng. Một phần trong chiến lược đó là việc tích trữ một lượng tiền mặt đủ để duy trì cuộc sống trong giai đoạn khó khăn. Tiền mặt không chỉ giúp bạn vượt qua các thời điểm khó khăn mà còn cho phép bạn nắm bắt những cơ hội mua vào khi giá các tài sản đang ở mức thấp.

Hãy nhớ rằng, các sự kiện thiên nga đen thường tạo ra những cơ hội lớn cho những ai có sự chuẩn bị và kiên nhẫn. Khi thị trường đang sụp đổ và giá trị các tài sản bị giảm mạnh, đó có thể là thời điểm tốt để bạn thu mua các tài sản có giá trị với giá rẻ. Điều này đòi hỏi bạn phải có tầm nhìn dài hạn và tin tưởng vào sự phục hồi của thị trường.

Việc giữ một phần tài sản trong tiền mặt, đồng thời duy trì danh mục đầu tư đa dạng, sẽ giúp bạn có sự linh hoạt trong việc ứng phó với các biến động thị trường. Quan trọng nhất, hãy luôn nhớ rằng thị trường tài chính, dù có biến động mạnh đến đâu, cuối cùng cũng sẽ tìm lại sự cân bằng và phát triển. Kiên nhẫn và chiến lược đúng đắn sẽ giúp bạn vượt qua những giai đoạn khó khăn và thậm chí còn có thể biến khó khăn thành cơ hội lớn.

Nguồn: thuancapital.com
0 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.