Chuyên mục
Phân biệt chủng tộc gốc Á – vấn nạn không chỉ ở riêng nước Mỹ?

Phân biệt chủng tộc gốc Á – vấn nạn không chỉ ở riêng nước Mỹ?

Thứ hai 22/03/2021 17:28 GMT + 7

Theo CNN, phân biệt chủng tộc đối với những người gốc Á không chỉ là tình trạng ở riêng nước Mỹ, mà đã lan rộng trên khắp thế giới, từ châu Âu đến Anh và Australia.

Sự đau buồn và nỗi tức giận ngày càng gia tăng trước thông tin 6 người phụ nữ châu Á nằm trong số những người thiệt mạng trong vụ xả súng tại 3 tiệm massage ở thành phố Atlanta, bang Georgia (Mỹ). Vụ việc cũng gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực chống người châu Á ở Mỹ.

 

Vụ xả súng tại 3 tiệm massage đã gióng lên hồi chuông về tình trạng bạo lực chống người châu Á ở Mỹ. Ảnh: CNN.


Vấn đề không chỉ ở nước Mỹ

Phân biệt chủng tộc không chỉ là vấn đề của riêng nước Mỹ. Từ Anh đến Australia, các báo cáo về tội phạm căm hận chống người gốc Á đã gia tăng ở các nước phương Tây khi đại dịch Covid-19 diễn ra trong năm 2020. Ít nhất 11 người gốc Á đã báo cáo các vụ việc về phân biệt chủng tộc và tình trạng bài ngoại như bị mọi người xa lánh trên tàu hỏa, xúc phạm bằng lời nói, thậm chí là hành hung.

Trong năm 2020, một số chính trị gia phương Tây đã liên tục nhấn mạnh mối liên hệ giữa Trung Quốc với sự bùng phát Covid-19, cũng như đưa ra những lời chỉ trích nhằm vào quốc gia này. Đây được xem là một trong những lý do khiến những người gốc Á ngày càng trở thành mục tiêu của nạn phân biệt chủng tộc.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia châu Âu bao gồm Pháp, Đức và Bỉ không thu thập dữ liệu nhân khẩu học về sắc tộc vì lý do lịch sử, khiến việc đánh giá chính xác quy mô của tình trạng phân biệt chủng tộc trở nên khó khăn hơn.

Theo số liệu thống kê về tội phạm hận thù của Cảnh sát Thủ đô London (Anh), hơn 200 vụ tội phạm thù hận chống lại những người gốc Đông Á đã xảy ra từ tháng 6 đến tháng 9/2020, tăng 96% so với cùng thời điểm vào năm 2019.

Peng Wang, một giảng viên tại Đại học Southampton (Anh) cho biết, ông đã bị một nhóm 4 người đàn ông hành hung khi đang chạy bộ gần nhà vào một buổi chiều lạnh giá.

Bốn người đàn ông nói những lời chế nhạo chủng tộc, bao gồm cả “virus Trung Quốc”, Peng Wang, 37 tuổi, nói với CNN. Sau đó họ đã đấm vào mặt và đá ông xuống đất. Ông Wang bị thương nhẹ ở mặt và chảy máu mũi. Vụ việc này khiến ông lo lắng về việc rời khỏi nhà cũng như tương lai của mình tại Anh và sự an toàn của cậu con trai nhỏ.

“Những gì họ đã làm là không lịch sự, điều này không nên xảy ra trong xã hội ngày nay. Họ đối xử với tôi như một con vật”, ông Wang nói. Sau vụ việc, cảnh sát đã bắt giữ hai người đàn ông do nghi ngờ có hành vi tấn công nghiêm trọng về chủng tộc, theo tuyên bố gửi cho CNN.

Một cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện vào tháng 6/2020 cho thấy, 3/4 người gốc Hoa ở Anh từng gặp tình trạng phân biệt chủng tộc.

Tại cuộc tranh luận hồi tháng 10/2020 về nạn phân biệt chủng tộc chống lại cộng đồng người Hoa và Đông Á tại Nghị viện Anh, David Linden, nhà lập pháp thuộc đảng Dân tộc Scotland cho biết, một số thành viên của ông đã báo cáo các cuộc tấn công chống lại họ khi bị xúc phạm bằng lời nói.

 

“Chúng tôi như người vô hình”

Khi đại dịch Covid-19 hoành hành khắp châu Âu, các nhà hoạt động xã hội tại Tây Ban Nha và Pháp bắt đầu nhận thấy tình trạng phân biệt chủng tộc. Các chiến dịch như #NoSoyUnVirus (#IAmNotAVirus) đã được khởi xướng nhằm nâng cao nhận thức về tình trạng gia tăng bạo lực đối với người gốc Á.

Vào tháng 3/2020, Thomas Siu, một người đàn ông Mỹ gốc Hoa cho biết, anh đã bị tấn công dữ dội ở thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, sau khi hai người đàn ông hét lên những lời chế nhạo chủng tộc vào ông.

Siu nói rằng, từ tháng 1 đến tháng 3/2020, anh đã bị xúc phạm bằng lời nói 10 lần. Anh cho biết bản thân đã không thể chịu đựng thêm nữa và đã có những lời phản kháng lại những người bạo hành bằng lời nói.

Tuy nhiên, những người đàn ông đã không dừng lại và bước tới đánh anh Siu bất tỉnh. “Tôi luôn biết rằng có sự phân biệt chủng tộc ở đây và mọi người không thực sự thừa nhận điều đó”, Siu nói với CNN.

Susana Ye, một nhà báo Tây Ban Nha 29 tuổi, người đã thực hiện một bộ phim tài liệu về cộng đồng người Hoa ở nước này vào năm 2019, nói với CNN rằng, bạo lực đối với người châu Á ở Tây Ban Nha đã trở thành một vấn đề bình thường và được báo chí Tây Ban Nha đưa tin ít hơn.

“Đối với nhiều người, đó không phải là vấn đề quan trọng vì nhiều nhà báo không sống trong cộng đồng hoặc không biết các thành viên của cộng đồng. Họ không có quan điểm chống phân biệt chủng tộc và họ không biết về các cộng đồng khác ngoài cộng đồng của họ”, bà Susana Ye cho biết.

Bà Ye cũng nói rằng, có một vấn đề trong việc đưa tin về tội phạm thù hận ở Tây Ban Nha là do rào cản ngôn ngữ, lo sợ bị trục xuất và xu hướng thế hệ lớn tuổi giữ im lặng về các vụ việc.

“Tôi nghĩ rằng một số người lựa chọn bạo lực, bạo hành bằng lời nói và bạo hành thể chất bởi vì họ nghĩ rằng chúng tôi sẽ không phản ứng lại. Họ đã quen với việc các vụ việc phân biệt chủng tộc ít xuất hiện trên báo chí”, bà Susana Ye nói.

Zhou Wu, người sáng tác truyện tranh Tây Ban Nha, sống ở Madrid, đồng ý với quan điểm trên. “Vụ tấn công ở thành phố Atlanta không xuất hiện trên các trang nhất của truyền thông ở Tây Ban Nha, đó là một tin tức siêu nhỏ, chúng tôi như người vô hình”, Zhou Wu nói với CNN.

Một báo cáo năm 2019 của chính phủ Tây Ban Nha cho thấy, 2,9% công dân châu Á sống ở nước này là nạn nhân của tội phạm thù hận. Tuy nhiên, trong khi những hành vi phạm pháp như vậy đối với công dân Tây Ban Nha được ghi nhận, các số liệu không được phân theo sắc tộc. Hiện chính phủ Tây Ban Nha vẫn chưa công bố số liệu năm 2020.

Tại Pháp, các nhà vận động cho biết, đại dịch Covid-19 đã khiến hình ảnh của cộng đồng người châu Á trở nên tồi tệ hơn. Sun-Lay Tan, người phát ngôn của tổ chức Security for All, một tổ chức đại diện cho hơn 40 hiệp hội châu Á tại Pháp, nói rằng: “Kể từ năm 2020, nạn phân biệt chủng tộc đã trở nên công khai hơn. Mọi người nói rằng họ không thích người châu Á hoặc họ không thích Trung Quốc”.

“Lên tiếng để tốt hơn cho thế hệ tương lai”

Tổ chức Security for All ước tính rằng vào năm 2019, cứ 2 ngày lại có một vụ tội phạm thù hận đối với một người châu Á, chỉ tính riêng ở khu vực Paris (Pháp).

Ông Sun-Lay Tan cho biết, trải nghiệm đầu tiên của ông về chủ nghĩa bài ngoại ở Pháp là vào tháng 2/2020, khi một người đàn ông đổi chỗ trên tàu điện ngầm sau khi ông Tan ngồi xuống.

“Cha mẹ chúng tôi đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc nhưng họ chấp nhận vì họ muốn hòa nhập với đất nước. Chúng tôi là thế hệ thứ hai của những người nhập cư ở Pháp, trách nhiệm của chúng tôi là lên tiếng và làm cho nước Pháp tốt hơn cho thế hệ tiếp theo”, ông Sun-Lay Tan nói.

 


Những người biểu tình giơ cao những tấm bảng với các thông điệp như: "Hãy chấm dứt sự thù ghét với người gốc Á" hay "Sự thù ghét mới là virus". Ảnh: Getty.


Nhà làm phim tài liệu Popo Fan, sinh ra ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, cho biết, nạn phân biệt chủng tộc trở nên tồi tệ hơn khi đại dịch bùng phát, ông cảm thấy sợ hãi khi đi ra ngoài hoặc khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Ông Popo Fan nói rằng, ông đã nhiều lần bị tấn công trên đường phố ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát. “Đã có người hét vào mặt tôi rằng ‘Hãy trở về Trung Quốc’. Cảnh sát nói với tôi rằng họ không thể làm được gì”, Popo Fan nói.

Theo CNN, phân biệt chủng tộc không chỉ là vấn đề riêng của châu Âu. Một báo cáo của Viện nghiên cứu Lowy (Australia) cho thấy, hơn 1/3 số người Australia gốc Hoa cảm thấy họ bị đối xử khác biệt hoặc ít ưu ái hơn trong những năm qua. 18% nói rằng, họ đã bị đe dọa hoặc tấn công về thể chất do “di sản Trung Quốc” của họ.

Trở lại với tình hình ở Anh, Kay Leong, sinh viên đến từ Singapore, nói với CNN rằng, một người bán hoa hồng trên phố đã hét lên “coronavirus, coronavirus” sau khi cô từ chối mua hoa.

“Tôi không đến từ Trung Quốc nhưng tôi tưởng tượng rằng tất cả người châu Á sẽ cảm thấy bối rối khi phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc này. Tuy nhiên, phân biệt chủng tộc không phải là điều mới đối với tôi. Tôi đã phải đối mặt với nó từ khi học tại London vào năm 2016”, Kay Leong nói.

Kate Ng, một nhà báo 28 tuổi người Malaysia gốc Hoa, làm việc cho báo The Independent nói rằng, trong khi các vụ tấn công ở Mỹ dường như lan rộng hơn rất nhiều, thì các vụ việc được báo cáo ở Anh lại khiến người dân Đông Nam Á cảm thấy “ớn lạnh”.

“Tôi muốn ra ngoài một mình khi có nhiều người xung quanh. Nhưng tôi tự hỏi rằng: Có nhiều khả năng tôi sẽ bị bạo hành bằng lời nói hoặc bị tấn công không?”, Kate Ng nói.


CTV Mai Trang (biên dịch)
Theo CNN

Nguồn: vov.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.