Chuyên mục
Đại dịch COVID-19 thổi bùng nạn kỳ thị ở Nhật Bản

Đại dịch COVID-19 thổi bùng nạn kỳ thị ở Nhật Bản

Thứ ba 12/05/2020 12:27 GMT + 7

Virus SARS-CoV-2 không chỉ gây ra một đại dịch nguy hiểm ở Nhật Bản mà còn kéo theo cả nạn kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh, nhân viên y tế và gia đình của họ.

 

Cô Arisa Kadono, nạn nhân của nạn kỳ thị trong đại dịch COVID-19 tại Nhật Bản. Ảnh: AP

 

Theo hãng tin AP, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân nhằm giúp đỡ các nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch. Tuy nhiên, biện pháp này còn nhiều hạn chế khi việc chống lại nạn quấy rối và kỳ thị có thể kích động người dân cản trở cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Arisa Kadono (20 tuổi) làm việc trong ngành kinh doanh thực phẩm có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và phải nhập viện vào đầu tháng 4. Tuy nhiên, bạn bè cô cho biết rằng những tin đồn vô căn cứ về cô đang lan truyền rộng rãi, như việc quán bar do gia đình cô điều hành là một ổ virus, cô đã ăn tối với một cầu thủ bóng chày bị mắc bệnh trước đó mà cô chưa từng gặp, hay chuyện cô đã trốn khỏi bệnh viện và khiến virus lây lan ra cộng đồng.

Ngoài bị sốt vào ngày đầu tiên và mất khứu giác, Kadono không có triệu chứng rõ ràng mặc dù cô đã liên tục xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Mẹ của cô cũng mắc bệnh viêm phổi và đang được chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện khác.

“Tôi cảm thấy mình như một tên tội phạm. Có rất nhiều người cũng phải đối mặt với sự kỳ thị như tôi. Tôi thực sự muốn những người có thành kiến với người mắc bệnh phải thay đổi”, Kadono nói trong một cuộc phỏng vấn tại nhà ở Himeji, phía Tây Nhật Bản, sau 3 tuần điều trị. Cô đã quyết định lên tiếng cho chính bản thân mình, những người mắc COVID-19 khác và gia đình của họ.

Ngoài nỗi sợ lây nhiễm virus, các chuyên gia cho rằng định kiến về những người nhiễm virus, thậm chí gián tiếp liên quan đến bệnh, bắt nguồn từ những quan điểm truyền thống của nền văn hóa về sự thuần khiết và trong sạch. Người Nhật Bản thường chối bỏ bất cứ điều gì được coi là khác biệt, không trong sạch hay những rắc rối.

 

Tokyo Skytree được thắp sáng đèn màu xanh lam để tôn vinh các bác sĩ và nhân viên y tế. Ảnh: AP


Các nhân viên y tế mạo hiểm tính mạng của mình để chăm sóc bệnh nhân đã trở thành mục tiêu chính của những thành kiến này. Những người làm việc tại các cửa hàng tạp hóa, giao bưu phẩm và đảm nhiệm các công việc thiết yếu khác trong dịch COVID-19 cũng phải đối mặt với sự kỳ thị. Thậm chí, các thành viên trong gia đình họ cũng vậy.

“Tôi có thể hiểu được mọi người sợ virus, nhưng chúng tôi đã cống hiến hết sức mình ở tiền tuyến với áp lực rất lớn. Chúng tôi cũng có gia đình riêng của mình và chúng tôi rất quan tâm đến họ. Phân biệt đối xử chỉ vì chúng tôi là nhân viên y tế sẽ khiến chúng tôi nản chí và mất tinh thần”, một y tá giấu tên, 30 tuổi, chia sẻ và cho biết cô rất sợ khi mình có thể trở thành mục tiêu của nhiều người nếu bị nhận diện.

Một nhân viên y tế đã bị một số người lại gần và yêu cầu rời khỏi công viên Tokyo khi cô đến thăm con của mình. Một số y tá không được đón tiếp khi đến một nhà hàng quen thuộc. Nhiều người khác bị lái xe taxi từ chối. Bộ Y tế Nhật Bản đã phải ban hành chỉ dẫn đến các cơ sở chăm sóc ban ngày sau khi một số nơi không nhận chăm sóc con của các bác sĩ và y tá.

Một y tá kỳ cựu ở phía Bắc đảo Hokkaido cho biết mẹ của một trong những đồng nghiệp của cô đã bị đình chỉ công tác. Trong một cuộc phỏng vấn xin việc, chồng của một người khác khi đi phỏng vấn xin việc đã bị từ chối vì công việc của vợ.

Các y tá được chỉ định chăm sóc những bệnh nhân mắc COVID-19 thậm chí đã phải ở lại khách sạn để bảo vệ gia đình của họ khi làm việc dưới điều kiện khắc nghiệt mà không có thiết bị bảo hộ và xét nghiệm đầy đủ.

“Chúng tôi hiểu được nỗi sợ hãi của người dân, nhưng các nhân viên y tế đã phải làm việc hết sức mình tại bệnh viện để ngăn virus lây lan. Chúng tôi cần sự trợ giúp của các bạn. Chúng tôi không yêu cầu bất kỳ điều gì đặc biệt. Chỉ cần một lời cảm ơn cũng đã là phần thưởng to lớn là nguồn động lực cho chúng tôi”, ông Toshiko Fukui, Chủ tịch Hiệp hội Y tá Nhật Bản nói.

 

Người dân vỗ tay để thể hiện sự cảm kích đối với các nhân viên y tế ở Susono, tỉnh Shizuoka, miền Trung Nhật Bản. Ảnh: AP


Trong một cuộc phỏng vấn với đài NHK, nhà tâm lý học Reo Morimitsu tại Bệnh viện Chữ thập đỏ Suwa, cho biết làn sóng kỳ thị bệnh nhân mắc COVID-19 cũng có thể khiến những người nhiễm virus không dám tìm kiếm sự chăm sóc y tế, làm tăng nguy cơ virus lan rộng hơn. Theo các báo cáo, cảnh sát Nhật Bản vào tháng 4 đã phát hiện khoảng chục người chết tại nhà một mình hoặc ngã gục trên đường phố, những người sau đó đã xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

“Virus không chỉ lây nhiễm vào thể xác mà còn cả tâm trí và hành động của mỗi người. Chúng ảnh hưởng đến sức khỏe và chia rẽ xã hội của chúng ta”, ông Moritsu nói.

Thành kiến chống lại những người “không thuần khiết” là tàn dư của xã hội phong kiến Nhật Bản. Một số người làm các ngành nghề như thuộc da và mổ thịt động vật thường được coi là ô uế. Con cháu của họ cũng phải đối mặt với sự phân biệt đối xử. Những người mắc các bệnh như Hansen, bệnh phong cũng bị buộc phải sống trong sự cô lập hàng thập kỷ sau khi tìm ra cách chữa trị.

Nạn nhân của vụ đánh bom nguyên tử năm 1945 của Mỹ tại Nhật Bản, được gọi là “hibakusha” và những người khác bị thương trong các vụ tai nạn công nghiệp như ngộ độc thủy ngân, cũng phải đối mặt với cách đối xử tương tự. Gần đây hơn, một số người chạy trốn khỏi vụ nổ hạt nhân năm 2011 ở Fukushima cũng đã bị bắt nạt và quấy rối.

“Nguyên nhân của sự phân biệt đối xử người nhiễm virus SARS-CoV-2 là vì họ cho rằng các bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 không còn ‘thuần khiết’. Sự lo lắng và nỗi sợ bị lây nhiễm ngày càng tăng khiến sự phân biệt đối xử càng trở nên gay gắt”, Naoki Sato, một chuyên gia về tội phạm học và văn hóa Nhật Bản tại Viện Công nghệ Kyushu, cho biết.

 

Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 5/4/2020. Ảnh: Kyodo/ TTXVN

 

Tại Nhật Bản, nạn kỳ thị đã diễn ra trên khắp đất nước, điển hình như vụ nhiều người cố ý gây hỏa hoạn tại Đại học Kyou Sangyo sau khi một số học sinh trong trường mắc bệnh. Ở tỉnh Mie, miền Trung Nhật Bản, người dân đã ném đá vào nhà một bệnh nhân mắc bệnh và phá hoại tài sản. Tại tỉnh Iwate, một cụ ông đã chết khi tự cách ly sau vì những người hàng xóm cấm ông ta chuyển đến viện dưỡng lão và văn phòng chính quyền địa phương từ chối tiếp nhận ông.

Thủ tướng Shinzo Abe và các quan chức khác đã tố cáo những hành vi đó: “Thật đáng xấu hổ. Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm bệnh”, ông Abe nói trong một phiên họp quốc hội gần đây.

Một số nơi ở Nhật Bản đã học theo châu Âu và nhiều nơi khác gửi thông điệp động viên, ca ngợi nhân viên y tế và những người khác đảm nhận các công việc thiết yếu trong đại dịch. Một số văn phòng đã bắt đầu thu thập quyên góp và hỗ trợ khác cho các bệnh viện.

“Các chiến dịch muộn màng nâng cao nhận thức của người dân trong việc chống phân biệt đối xử tuy mới chỉ bắt đầu, nhưng đó là một sự khởi đầu. Người dân đã bắt đầu động viên chúng tôi. Các cửa hàng lân cận thỉnh thoảng còn mang đồ ăn đến cho chúng tôi như bánh kếp, mì xào và sữa”, một y tá tại Hokkaido nói.

 

Hải Vân

Nguồn: baotintuc.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.