Chuyên mục
Nhiệm kỳ ngoại giao đặc biệt tại Mexico khi bị xác định là F1 - người có nguy cơ cao nhiễm COVID-19

Nhiệm kỳ ngoại giao đặc biệt tại Mexico khi bị xác định là F1 - người có nguy cơ cao nhiễm COVID-19

Thứ sáu 26/06/2020 09:41 GMT + 7

Bí thư thứ Nhất, phụ trách Lãnh sự, phụ trách Cộng đồng người Việt tại Mexico Phan Hoa vừa có bài ký ghi lại trải nghiệm của chính mình trong đại dịch COVID-19 khi chị là F1 - người tiếp xúc trực tiếp với người bị Covid-19. Tạp chí Thời Đại trích đăng chia sẻ của chị tới bạn đọc để độc giả hiểu được một góc nhỏ của nghề ngoại giao.


Bí thư thứ Nhất, phụ trách Lãnh sự, phụ trách Cộng đồng người Việt tại Mexico Phan Hoa.


Ai đi công tác xa nhà cũng luôn mong muốn được may mắn, có sức khỏe tốt và công việc thành công. Ngành ngoại giao của chúng tôi cũng vậy, phải chịu nhiều áp lực của công việc nhưng vẫn luôn mỉm cười, cả trong lĩnh vực đối ngoại cũng như các lĩnh vực khác, nhất là khi được giao trách nhiệm lãnh sự, bảo hộ công dân, quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ cho bà con cộng đồng người Việt đang học tập, lao động và sinh sống tại các nước.

Nhiệm kỳ này tôi được giao phụ trách Lãnh sự, phụ trách Cộng đồng người Việt tại Mexico. Công dân Việt tại đây không quá đông nhưng mọi người cũng rất tình cảm và biết giúp đỡ lẫn nhau, nên sau những lần điện thoại thăm hỏi bà con, tôi đều thấy mừng khi mọi người lo làm ăn và học tập, không xảy ra các vụ mất đoàn kết tại cộng đồng.

Đại dịch COVID-19 – Nỗi lo lắng khôn nguôi


Nỗi lo lắng chỉ bắt đầu khi đại dịch COVID-19 ập đến. Các cuộc điện thoại của tôi thường vang lên vào lúc nửa đêm bởi ngoài Mexico, Đại sứ quán (ĐSQ) còn kiêm nhiệm Panama, Honduras, El Salvador, Belize, Guatemala.


Bí thư Phan Hoa luôn cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Mexico trên trang Facebook cá nhân.


Với trách nhiệm của mình, tôi đã cố gắng trả lời và động viên công dân, khuyên mọi người bình tĩnh và không nên di chuyển nhiều trong thời gian này, ở đâu ở yên đó và phải tự phòng chống, bảo vệ mình bằng các cách mà Bộ Y tế Việt Nam đã khuyến cáo. Cũng có nhiều trường hợp trước đây chưa bao giờ liên lạc với ĐSQ vì họ sang các nước qua con đường không chính thống, thì nay vì dịch bệnh đã điện thoại xin giúp đỡ cho về nước vì họ bị mất việc làm và không còn tiền sinh sống. Cũng có những người đã hết hạn lao động, chưa kịp về nước bởi các chuyến bay quốc tế bị đình lại vì COVID-19, rồi những người đi công tác, đi du lịch bị kẹt....đều có nguyện vọng mong được về nước.

Cái khó ở đây là Mexico, Panama... không có chuyến bay thẳng, mà phải quá cảnh tại các nước, nhưng chính tại các nước mà bà con có thể quá cảnh như Mỹ, Hàn, Nhật, Canada, Pháp... cũng đang còn ùn tắc vì số lượng người đăng kí về nước của bà con ta thì nhiều mà chuyến bay chỉ có hạn.


Chị Phan Hoa cùng các công dân Việt Nam được về nước ngày 5/6.


Cuối cùng, sau rất nhiều nỗ lực cùng sự phối hợp với ĐSQ ta tại Nhật, ngày 5/6, cũng có được chuyến bay đầu tiên để 6 công dân Việt Nam trở về nước. Phải nói rõ hơn là 6 người trong diện ưu tiên kịp mua vé sau khi nhận được tin báo là có chuyến bay, còn lại gần 20 người thì vì giá vé của hãng ANA tăng quá nhanh, họ không thể đủ tiền mua vé máy bay nên đã đành chấp nhận chờ chuyến sau. Rất thương những công dân này mà tôi không biết phải làm sao, nằm trong vùng dịch bệnh với số ca nhiễm COVID-19 tăng không ngừng, nhưng các em không về nổi vì không còn nhiều tiền, phải dành dụm chờ chộp được vé giá rẻ để mua nhưng lại phải gần ngày với chuyến bay đón công dân từ Nhật. (Nhật không cho quá cảnh quá 24 tiếng).

Chính vì vậy 6 công dân về được Việt Nam lần này quả là may mắn và hạnh phúc. Tôi cùng vui với niềm vui của các em, như chính mình cũng chuẩn bị được bay về quê hương vậy. Khi nhận được tin chuyến bay VN319 đã hạ cánh an toàn tại Đà Nẵng, tôi mới cảm thấy thật sự yên tâm.

Đương đầu với dịch bệnh


Nhưng lại thật không may, trong số 6 công dân về từ Mexico, sau khi xét nghiệm ngày 7/6, Viện Pasteur Nha Trang cho kết quả 2 em dương tính với virus Corona. Các em đã được đưa cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (BN 330 và BN 331).

Tất cả các em còn lại trong đoàn, những người tiếp xúc gần với 2 em dương tính cũng đều được cách ly tại bệnh viện để theo dõi. Tôi vẫn lo nhất là em trai bị bệnh nền ung thư vì em đã ở cùng căn hộ với 2 bạn gái dương tính tại Mexico hơn 10 ngày để chờ đợi có chuyến bay về. Nhưng dù sao các em đã về đến nhà, đã ở tại Việt Nam, có các bác sĩ Việt Nam chăm sóc thì chắc chắn sẽ khỏi bệnh nhanh và sẽ sớm được đoàn tụ với gia đình thân yêu.


Chị Phan Hoa và các công dân Việt Nam trong bộ đồ bảo hộ.


Tôi đã không giấu được sự lo lắng khi nhận được thông báo 2 em dương tính trong đoàn vừa về đến Việt Nam. Tôi, phụ trách Lãnh sự, người tiếp xúc gần với các em để đưa công hàm của ĐSQ và tiễn các em về nước, sẽ bị cách ly tại nhà 14 ngày để theo dõi. Tôi là F1. Tôi đang sống cùng con gái, vậy con gái tôi là F2.

Mọi người có thể hình dung cảm giác của tôi lúc đó không? Tôi muốn khóc mà không dám khóc vì sợ con hoảng sợ. Tôi thèm được bay về Việt Nam ngay để xét nghiệm, để được các bác sĩ Việt Nam quan tâm theo dõi sức khỏe cho tôi và con gái như những người F1 đang ở Việt Nam vì bên này việc xét nghiệm không đơn giản, chỉ khi nào mình không tự thở được thì bệnh viện mới xử lý. Nhưng rồi tôi lại nghĩ đến công việc, tôi đang là một cán bộ ngoại giao, tôi không thể thích thì về, như vậy là đảo ngũ.

Tôi đã làm gì trong những ngày bị cách ly?


Cũng mất ngày đầu tinh thần tôi không ổn định, cách ly tại nhà làm việc kiểu giãn cách xã hội khác, còn cách ly vì là F1 phải theo dõi xem sức khỏe của mình có biểu hiện gì không thì lại hoàn toàn khác. Áp lực vô cùng!

Tôi lo cho con gái nếu không may tôi bị dương tính thì chắc con cũng khó tránh khỏi vì 2 mẹ con sống trong một căn hộ của khuôn viên ĐSQ. Tôi bắt đầu nghĩ đến việc tách con: con ngủ trong phòng ngủ còn tôi mang chăn gối ra ghế salon nằm, quay dọc lại bàn ăn, các bữa ăn 2 mẹ con cũng lệch nhau, con ăn trước, mẹ ăn sau.

Tôi giải thích với con vì công việc, con tạm thời coi mẹ như 1 bệnh nhân COVID-19 để tránh xa mẹ ra, không ôm mẹ, không nói chuyện nhiều. Tôi đeo khẩu trang cả ngày và đi găng tay khi nấu nướng, làm các việc trong nhà. Con gái tôi hiểu và rất thương mẹ, con đã hợp tác cùng tôi để chống lại dịch bệnh khủng khiếp này.

Những ngày cách ly đặc biệt… Tôi không thấy ho, không thấy sốt mà chỉ thấy mệt, đau đầu. Tôi nghĩ có thể là do đã bị suy nghĩ nhiều quá, lo lắng quá, tôi quyết định làm theo các cách sau: uống chanh, mật ong, sả vào các buổi sáng, uống thuốc tăng cường sức khỏe như: Vitamin C, Zin C, Vitamin D3. Uống thuốc giảm đau đầu: Tylenol ( một dạng Paracetamol ), chỉ uống 5 ngày liên tục. Uống trà gừng với nước ấm. Uống các loại nước hoa quả: cam, táo, chanh... Súc miệng nước muối với nước ấm ngày 3 lần. Dùng máy sấy, sấy vùng cổ, đỉnh đầu, dọc cột sống lưng. Xông lá sả, lá chanh, vỏ cam, vỏ chanh, ngải cứu, tỏi ngày 2 lần, mỗi lần từ 10' -15', ngâm chân với nước muối ấm… và đặc biệt là giữ tinh thần vui vẻ, luôn suy nghĩ tích cực.

Ngày nào cũng thế, tôi làm đầy đủ các bước trên và con gái cũng làm theo tôi. Tôi nghĩ quan trọng nhất có lẽ vẫn là tinh thần, phải nghĩ rằng mình đang tập luyện cho thân hình đẹp, cho da đẹp, cho sức khỏe tốt. Phải có sức khỏe thì mới làm được tất cả.



Sử dụng lá chanh, bồ kết, vỏ cam, vỏ chanh, lá sả, ngải cứu để xông hàng ngày.


Hàng ngày tôi vẫn trả lời điện thoại của các công dân có nguyện vọng xin về nước và viết tin bài cho các trang hoạt động đối ngoại, tôi không muốn não mình bị tê liệt.

Cho đến nay, hết 14 ngày bị cách ly thì tôi thấy trong người khỏe mạnh bình thường, không còn thấy đau đầu và mệt mỏi nữa.

Tôi muốn chia sẻ với các bạn, với những người làm ngoại giao, những "người lính" thầm lặng nơi tuyến đầu và với tất cả mọi người đang xa quê hương nếu chẳng may bị F1 như tôi thì cũng hãy vui vẻ đón nhận và tự xử lý.

Với tôi, đây là một nhiệm kỳ công tác đặc biệt, sẽ không thể nào quên trong cuộc đời làm ngoại giao của tôi.

 

Phan Hoa

Nguồn: thoidai.com.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.