Chuyên mục
Chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979, sự hợp tác quốc tế giữa Việt Nam - LB Nga dưới góc nhìn của SV Việt Nam
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979, sự hợp tác quốc tế giữa Việt Nam - LB Nga dưới góc nhìn của SV Việt Nam

Thứ bảy 16/02/2019 14:42 GMT + 7
Vào tối ngày 13 tháng 2 vừa qua, tại Viện Hồ Chí Minh thuộc Trường Đại học Tổng hợp Saint-Petersburg, Liên bang Nga đã diễn ra một buổi tọa đàm của Câu lạc bộ Giám định – Phân tích dưới sự bảo trợ của Ủy ban Đối ngoại của Saint - Petersburg. Đây là một trong những sự kiện đầu tiên mở màn cho chuỗi các hoạt động của Năm chéo 2019: Năm Việt Nam tại Nga và năm Nga tại Việt Nam do chính quyền thành phố St.Petersburg tổ chức.


Tại buổi tọa đàm, các vấn đề liên quan đến tình trạng quan hệ Nga -Việt đã được đưa ra thảo luận, đặc biệt về tình hữu nghị giữa hai đất nước, tình cảm gắn bó của nhân dân hai nước từ những năm tháng chiến tranh đến triển vọng phát triển của hai quốc gia ở thời hiện đại. Ngoài ra, tình hình chính trị chung của các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng được đề cập.

Buổi tọa đàm có sự hiện diện của đại diện Ủy ban Quan hệ đối ngoại Saint-Petersburg, thầy Kolotov Vladimir Nikolaevich –Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, cũng là người chủ trì buổi tọa đàm, cô Nguyễn Thị Minh Hạnh - Trưởng khoa Lịch sử các quốc gia Viễn Đông, các thầy cô giáo cùng các bạn sinh viên khoa phương Đông, đại diện sinh viên Việt Nam đang học tập và nghiên cứu tại Saint-Petersburg. Đặc biệt, buổi tọa đàm vinh dự được đón tiếp Đại tá Skreblyukov Alexey Ivanovich, cựu chiến binh Việt Nam, giáo sư khoa học quân sự.

Vinh dự là một trong hai sinh viên tham gia buổi tọa đàm, bạn Lưu Thị Huyền – Thạc sĩ năm 2 ngành Quảng cáo và Quan hệ công chúng đã có những cảm nhận sâu sắc. 

Giữa cố đô Saint-Petersburg, chúng tôi như được sống lại những thời khắc lịch sử trong Chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979

Khoảng thời gian này của 40 năm về trước, có lẽ trong tiềm thức của bao thế hệ ông cha đi trước sẽ không bao giờ quên được dấu mốc lịch sử của dân tộc - cuộc chiến ngắn nhưng khốc liệt giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nổ ra vào ngày 17 tháng 2 năm 1979 khi Trung Quốc đưa quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước, hay còn gọi là  Chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Cuộc chiến ấy kết thúc đã tròn 40 năm, nhưng dư âm của nó vẫn còn trong tâm trí của những người dân sống trong bối cảnh lịch sử đó, trong nghiên cứu khoa học quân sự, trong cả những cựu chiến binh của hai bên đã từng tham chiến. 

Lắng nghe Giáo sư Kolotov Vladimir Nikolaevich ôn lại diễn biến cuộc Chiến tranh giữa hai đất nước Việt -Trung, cả căn phòng như nín lặng. Mọi ánh mắt đều hướng về thầy. Chúng tôi tập trung nghe thầy kể về những hồi ký trong cuốn “Nhật ký” của tác giả Obaturov Gennady Ivanovich (Cố vấn trưởng Quân sự cho Bộ Quốc phòng, cũng là người đã trực tiếp tham gia chiến đấu trong cuộc chiến), ghi chép lại những dấu mốc lịch sử quan trọng. Những tình tiết như việc tướng Obaturov đã đề xuất với Tổng bí thư Lê Duẩn rút một quân đoàn chủ lực của ta từ Campuchia về chi viện cho biên giới phía Bắc, tăng cường cho mặt trận biên giới một đơn vị pháo phản lực BM-21, rút sư đoàn bộ binh 346 ra khỏi vòng vây,…thực sự đã khiến những người trẻ như chúng tôi được mở mang rất nhiều điều. Và càng mở mang bao nhiêu, chúng tôi càng biết ơn sự hỗ trợ tận tâm của các chuyên gia Liên Xô bấy nhiêu.








Giáo sư Kolotov Vladimir Nikolaevich

Tiếp lời của Giáo sư Kolotov Vladimir Nikolaevich, cựu chiến binh Skreblyukov Alexey Ivanovich đã kể về những ngày tháng khi còn là người lính trên chiến trường Việt Nam. Vào năm 1965, ông được nhận nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau khi chiến tranh nổ ra, chỉ 2 ngày sau (tức ngày 19/2), đoàn công tác đặc biệt gồm các tướng lĩnh Liên Xô do ông dẫn đầu đã đáp xuống Hà Nội. Với nét mặt hiện rõ niềm vui, ánh mặt đầy tự hào, ông nói rằng có lẽ trong cuộc đời này, ông không bao giờ quên được khoảnh khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt tay ông và nói chuyện bằng tiếng Nga với các chiến sĩ trẻ Liên Xô ngày đó. “Giá như Hồ Chí Minh còn sống thì cuộc chiến tranh biên giới Việt -Trung sẽ không bao giờ xảy ra, bởi Hồ Chí Minh là một con người quá vĩ đại và vô cùng sáng suốt trong vai trò lãnh đạo. Có ông ấy, đất nước Việt Nam sẽ không phải trải qua đau thương, mất mát nhiều đến như vậy” – ông chia sẻ.

Cựu chiến binh Skreblyukov Alexey Ivanovich

Tham gia buổi tọa đàm, tôi nhận ra rằng không chỉ có thế hệ đi trước mà các bạn sinh viên Nga cũng rất hào hứng bàn luận về vấn đề lịch sử này. Đại diện các sinh viên khoa Phương Đông - trường Đại học Tổng hợp Saint-Petersburg, sinh viên Veronika Chechetko đã có bài tham luận về những vấn đề tìm hiểu được qua sách báo, qua những tài liệu được học về lịch sử chiến đấu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Để có thể tự tin trình bày ý kiến và quan điểm của mình, tôi tin rằng ngoài nền tảng về kiến thức lịch sử, bạn sinh viên Nga hẳn đã dành rất nhiều tình cảm cho văn hóa và lịch sử đất nước Việt Nam.


Veronika Chechetko của khoa phương Đông đọc tham luận.

Doussia Kalganova, một bạn sinh viên năm 3 Khoa Phương Đông sau khi có dịp tới Việt Nam học tiếng Việt đã chia sẻ rằng bạn rất yêu thiên nhiên, đất nước, rất quý con người thân thiện nơi đây. Bạn cũng đồng ý rằng những vấn đề thảo luận trong buổi tọa đàm này rất quan trọng, đặc biệt trong khuôn khổ năm chéo của quan hệ Việt-Nga. Những chương trình như thế này là cơ hội để thế hệ sinh viên Nga ngày nay tìm hiểu thêm về Việt Nam, cũng là cơ hội để thế hệ trẻ hai nước tích cực giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

Buổi tọa đàm kết thúc để lại nhiều cảm xúc cho những sinh viên Việt Nam lần đầu tham dự. Anh Lê Văn Khánh – Bí thư Đoàn Cơ Sở Thành phố Saint-Petersburg chia sẻ: Buổi gặp gỡ giữa các vị đại biểu và các sinh viên hôm nay đã đưa ra những đánh giá chân thực và ý nghĩa lịch sử của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979, mà nếu như không được trực tiếp tham dự, chúng tôi sẽ không có cơ hội được mở mang và học hỏi. Nó làm tôi nhớ đến lời nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình từng nói: “Chúng ta tôn trọng lịch sử, sòng phẳng với lịch sử không có nghĩa là chúng ta kích động hận thù. Chúng ta biết sự thật, để hiểu đâu là lẽ phải và để rút ra bài học cho các mối quan hệ quốc tế trong bối cảnh phức tạp ngày nay”. Chúng tôi hiểu rằng, ôn lại lịch sử là để hiểu và nắm rõ từng chặng đường mà dân tộc đi qua, lấy đó làm nền tảng để thế hệ trẻ hôm nay xây dựng được những mối quan hệ quốc tế tốt đẹp trong tương lai.












Hơn ba giờ tham gia buổi tọa đàm, lắng nghe ý kiến trực tiếp của những người tham gia chiến đấu, của những bạn sinh viên Nga, tôi thêm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, biết ơn những đóng góp to lớn của nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Và từ đó hiểu sâu sắc hơn về tình cảm gắn bó lâu dài của nhân dân hai nước Việt-Nga. Nhờ những chương trình như thế này, chúng tôi dù học tập xa quê hương vẫn thấy lòng mình đang hướng về Tổ quốc. Tôi tự nhủ sẽ cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và rèn luyện, tích cực quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè Nga nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung, góp phần vào sự phát triển hợp tác Việt-Nga ngày càng vững chắc.

Để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người tham dự, buổi tọa đàm đã nhận được những phản hồi rất tích cực. Hi vọng chương trình sẽ là nền tảng cho sự thành công của các hoạt động sắp tới trong khuôn khổ Năm chéo Việt-Nga 2019. 

31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.