Chuyên mục
Mục tiêu chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình là gì?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Mục tiêu chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình là gì?

Thứ bảy 19/04/2025 11:41 GMT + 7

Trong này, nội dung chính trong nhiều bài viết, phóng sự về Việt Nam trên các phương tiện truyền thông Nga và nước ngoài là hai sự kiện: chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia kỳ 2021 - 2030.

 


Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc dự Liên hoan giao lưu hữu nghị nhân dân hai nước.


Trong bài tổng quan “Việt Nam trên báo chí nước ngoài”, chúng tôi sẽ nói về hai nội dung này và sẽ đề cập đến các vấn đề chính sách đối nội và tình hình kinh tế Việt Nam sau khi Donald Trump công bố mức thuế cao chưa từng có trong quan hệ song phương Việt - Mỹ.


“Chiến tranh thuế quan không có người thắng cuộc”


Các ấn phẩm hàng đầu phương Tây và phương Đông đều dành sự quan tâm lớn tới chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình vào ngày 14-15/4. Báo chí nước ngoài ghi nhận sự đón tiếp nồng hậu nhất dành cho nhà lãnh đạo Trung Quốc khi Chủ tịch nước CHXHCNVN ra sân bay đón ông. Nhiều phương tiện truyền thông trích dẫn lời phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng, trước bối cảnh quốc tế đầy biến động và bất ổn, Trung Quốc và Việt Nam cần tăng cường niềm tin vào con đường và chế độ của mình, tăng cường đoàn kết và phối hợp, tiếp tục xây dựng cộng đồng Trung Quốc - Việt Nam chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, chung tay tiến tới hiện đại hóa, truyền thêm sự ổn định và năng lượng tích cực tới thế giới. Bắc Kinh đang cố gắng định vị mình là một giải pháp thay thế ổn định cho Trump và chính sách thuế quan của ông. Nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi đất nước ông và Việt Nam “phản đối hành vi bắt nạt đơn phương và duy trì sự ổn định của hệ thống thương mại toàn cầu tự do”. Và trong một bài viết đăng trên báo Nhân Dân, ông cho biết “chiến tranh thương mại và thuế quan sẽ không mang lại người thắng, còn chủ nghĩa bảo hộ thì không có lối ra”. Trung Quốc và Việt Nam đã ký 45 văn bản thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng, kinh tế số và nông nghiệp. Các ấn phẩm trích dẫn phản ứng của Donald Trump về cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Tô Lâm. Theo Tổng thống Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam bắt tay lừa Mỹ. Tạp chí The Diplomat viết rằng, bất chấp mọi bất đồng và căng thẳng với Trung Quốc, bất kỳ hy vọng nào của người Mỹ về việc Việt Nam sẽ tham gia vào bất kỳ liên minh chống Trung Quốc nào đều hoàn toàn vô căn cứ.


Và Fulcrum đăng tải một bài phân tích về mục tiêu chuyến thăm của ông Tập Cận Bình:


“Bất chấp các bóng đen do chính sách thuế quan của ông Trump phủ lên, ý nghĩa thực sự của chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình nằm ở các dòng chảy chính trị và kinh tế sâu sắc hơn có khả năng thay đổi tương lai của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Ngoại giao Trung Quốc đang bước vào giai đoạn quan trọng nhằm kết nối sâu sắc bối cảnh khu vực và những thay đổi toàn cầu, do đó Trung Quốc cần phải xem xét các khu vực lân cận của mình thông qua một góc nhìn toàn cầu. Việt Nam đang bước vào một “kỷ nguyên mới” dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư Tô Lâm, và sự ổn định chiến lược trong môi trường bên ngoài là vô cùng quan trọng. Những thế lực phá hoại mà Trump đã tung ra cho hệ thống quốc tế chỉ khuyến khích Việt Nam phát triển mối quan hệ xây dựng và ổn định với Trung Quốc: không phải để đối trọng với Washington, mà để đáp ứng nhu cầu chiến lược cho an ninh và phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư Tô Lâm, Hà Nội đang hướng tới một con đường bền vững hơn không chỉ dựa trên FDI và xuất khẩu mà còn dựa trên các động lực tăng trưởng địa phương mới dưới hình thức đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới sáng tạo và công nghệ. Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đã mang đến cho Việt Nam cơ hội đảm bảo sự ủng hộ của Trung Quốc cho chương trình phát triển đầy tham vọng của mình".

 

"Ưu tiên hàng đầu của Hà Nội là thúc đẩy tăng trưởng nhờ đầu tư trong thập kỷ tới, đòi hỏi phải mở rộng hợp tác cơ sở hạ tầng với Trung Quốc. Một ưu tiên quan trọng khác của Hà Nội là tăng cường sự hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng có giá trị gia tăng cao trong các lĩnh vực mà Trung Quốc đã nắm giữ vị trí dẫn đầu về công nghệ và công nghiệp, chẳng hạn như đường sắt tốc độ cao, trí tuệ nhân tạo và công nghệ xanh. Hợp tác kinh tế với Trung Quốc mang lại con đường dù phức tạp nhưng thực tế để đạt được mục tiêu này. Tất nhiên, vẫn còn nhiều thách thức, từ nguy cơ hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam do khả năng tiếp cận thị trường Hoa Kỳ hiện tại bị hạn chế và sự giám sát chặt chẽ của Washington đối với quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, cho đến các hạn chế của Trung Quốc đối với chuyển giao công nghệ và cảnh báo của Bắc Kinh đối với các công ty Trung Quốc về việc chuyển chuỗi cung ứng ra nước ngoài. Tuy nhiên, sự cởi mở ngày càng tăng của Việt Nam đối với sự tham gia sâu hơn của Trung Quốc vào hệ sinh thái cơ sở hạ tầng và công nghệ của mình - như đã thể hiện trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình - phản ánh mức độ can đảm chính trị và lòng tin vào Trung Quốc của giới lãnh đạo Việt Nam chưa từng thấy trong thời gian gần đây", ấn phẩm này viết.

 

Các vấn đề lớn nhất là tham nhũng và đói nghèo


Asia News viết rằng, tham nhũng, đói nghèo và việc làm là ba vấn đề người dân Việt Nam quan ngại nhất năm 2024 liên quan đến quản trị quốc gia và địa phương, hành chính công và cung cấp dịch vụ, trong đó tham nhũng nổi lên là mối quan ngại lớn nhất đòi hỏi sự quan tâm khẩn cấp của chính phủ. Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2024 (PAPI 2024) ở Hà Nội. Báo cáo năm 2024 ghi nhận phản hồi từ 18.894 người dân được chọn mẫu ngẫu nhiên, thể hiện tiếng nói chân thực, trực tiếp từ cơ sở về nhiều khía cạnh của quản trị, hành chính công và cung cấp dịch vụ công.


Phát triển mạnh điện mặt trời, không sử dụng than sản xuất điện!


Các ấn phẩm kinh tế và năng lượng hàng đầu đưa ra bình luận chi tiết về Quy hoạch điện VIII điều chỉnh vừa được duyệt ở Việt Nam, đặt nền tảng cho quá trình chuyển đổi năng lượng quy mô lớn nhằm tìm kiếm sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và trách nhiệm về khí hậu. Chính phủ dự báo GDP sẽ tăng trưởng 10% mỗi năm từ năm 2026-2030 và sau đó 7,5%, điều đó sẽ làm tăng nhu cầu điện. Cụ thể, nhu cầu điện thương phẩm dự kiến được điều chỉnh vào năm 2030 khoảng 500-558 tỷ kWh; định hướng năm 2050 khoảng 1.238-1.375 tỷ kWh. Việt Nam tự coi mình là trung tâm năng lượng xanh của khu vực, đặt mục tiêu xuất khẩu tới 10.000 MW điện sang các nước láng giềng ASEAN vào năm 2035. Sẽ có những thay đổi đáng kể trong cơ cấu năng lượng. Điện mặt trời sẽ chiếm tỷ trọng từ 25% trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam vào năm 2030. Trong khi đó, nhiệt điện LNG sẽ chiếm 12,3% và nhiệt điện than - 16,9%. Kế hoạch này cũng chính thức đưa điện hạt nhân vào cơ cấu năng lượng của Việt Nam, với các nhà máy đầu tiên dự kiến đi vào hoạt động trong khoảng từ năm 2030 đến năm 2035. Công suất điện hạt nhân lắp đặt dự kiến đạt từ 4 GW đến 6,4 GW, tương đương với khoảng 4-6 nhà máy điện hạt nhân lớn. Đến năm 2050, tổng công suất có thể đạt 839 GW với các nguồn năng lượng tái tạo dẫn đầu: năng lượng mặt trời (38%), điện gió ngoài khơi (17%) và điện gió trên bờ (11%).

 

Việt Nam đã giành chiến thắng trong các cuộc chiến và cũng sẽ chiến thắng trong cuộc chiến thuế quan


Việt Nam không chỉ xây dựng các tuyến đường sắt mà còn tạo ra phương tiện di chuyển trên những con đường này. Mục tiêu đến năm 2030-2045, Việt Nam phải làm chủ công nghệ sản xuất toa xe, đầu máy và phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt, tạp chí Rollingstock World đưa tin. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch, trình lên Bộ vào tháng 6 và thành lập Ủy ban quản lý các dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt. Developing Telecoms đưa tin rằng công ty viễn thông của Việt Nam MobiFone đang tìm cách thâm nhập vào lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia như một phần trong chiến lược tăng trưởng tương lai. Còn Reuters cho biết rằng, Bộ Công an Việt Nam có kế hoạch nắm giữ đa số cổ phần tại FPT Telecom, một trong những nhà cung cấp internet lớn nhất của nước này, như một phần trong nỗ lực tăng cường an ninh mạng quốc gia.


Báo chí nước ngoài đưa tin, các nhà xuất khẩu Việt Nam đối mặt với tình thế khó xử giữa cơn hỗn loạn thuế quan. Một số công nhân nhà máy ở Việt Nam đã được yêu cầu tăng sản lượng hàng hóa cho thị trường Mỹ, trong khi những người khác bị cắt giảm ca làm việc xuống còn ba ca một tuần vì đơn đặt hàng từ Hoa Kỳ bị trì hoãn hoặc hủy bỏ, Reuters đưa tin. Các hành động thương mại của Trump hoàn toàn trái ngược với mối quan hệ nồng ấm kéo dài một thập kỷ giữa Washington và Hà Nội, đạt đến đỉnh điểm khi hai cựu thù này nâng cấp mối quan hệ lên "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện" vào năm 2023, Al Jazeera lưu ý. Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Bruno Jaspaert, căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể là "cơ hội vàng" để châu Âu tăng cường quan hệ thương mại với Việt Nam và để Hà Nội đa dạng hóa hoạt động thương mại rộng rãi hơn.


"Việt Nam đã chiến thắng trong mọi cuộc chiến tranh, vì vậy tôi tin rằng họ sẽ chiến thắng trong cuộc chiến thuế quan", Al Jazeera dẫn lời ông Bruno Jaspaert.

 

Tờ Japan Times đưa tin về tình trạng hoảng loạn tại các nhà máy may mặc và đồ gỗ ở Bình Dương. Hai cuộc khảo sát kinh doanh và ba nguồn tin khác trong ngành đã xác nhận các biện pháp cắt giảm chi phí của các công ty tại Việt Nam và lệnh đóng băng đầu tư của các công ty nước ngoài. Một cuộc khảo sát nhanh với 183 doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cho thấy hầu hết đều đang cân nhắc cắt giảm để ứng phó với thuế quan, bao gồm cắt giảm lực lượng lao động và thu hẹp quy mô hoạt động. NZZ viết về những lựa chọn có sẵn cho các nhà sản xuất để ứng phó với thuế quan: họ có thể thương lượng mức giá thấp hơn với nhà cung cấp, chuyển chi phí bổ sung cho người tiêu dùng bằng cách tăng giá sản phẩm cuối cùng hoặc tự chịu chi phí bổ sung bằng cách chấp nhận biên lợi nhuận thấp hơn. Theo các chuyên gia, giá bán lẻ sẽ tăng là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất.

Nguồn: Kevesko.vn
0 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.