Chuyên mục
Khủng hoảng năng lượng: Trả đũa trừng phạt, Nga dùng chiêu bài khí đốt, châu Âu ''ngấm đòn'', chạy đua tìm ''trái ngọt'' ở miền đất hứa

Khủng hoảng năng lượng: Trả đũa trừng phạt, Nga dùng chiêu bài khí đốt, châu Âu ''ngấm đòn'', chạy đua tìm ''trái ngọt'' ở miền đất hứa

Thứ bảy 12/11/2022 10:46 GMT + 7

Những đòn trừng phạt qua lại trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine gây ra cuộc khủng hoảng khí đốt khiến châu Âu gánh chịu ảnh hưởng nặng nề. Chiến dịch tìm kiếm những hợp đồng mới ở Bắc Phi có mang lại 'trái ngọt' cho EU?

 

Việc tìm kiếm một giải pháp thay thế cho dầu và khí đốt của Nga đã khiến các nước EU chuyển sự chú ý sang những thị trường và nhà cung cấp khác, điển hình là Algeria và Morocco ở Bắc Phi. Trong ảnh: Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune (phải) tiếp Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne tại Dinh tổng thống ở Algiers, Algeria, ngày 10/10. (Nguồn: AP)

 

Mối quan hệ của châu Âu với các quốc gia Bắc Phi như Morocco và Algeria ngày càng trở nên khăng khít trong bối cảnh Nga cắt nguồn cung khí đốt liên quan xung đột tại Ukraine.

Dưới tác động của xung đột, toàn cầu đang phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng hơn bao giờ hết. Và châu Âu đã “ngấm đòn” trong nhiều tháng.

Phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga đang chịu tổng cộng 8 gói trừng phạt của Mỹ và các nước Liên minh châu Âu (EU). Đáp lại, Moscow cắt giảm mạnh nguồn cung cấp khí đốt cho các quốc gia châu lục này.

Chạy đua tìm nhà cung thay thế Nga


Việc tìm kiếm một giải pháp thay thế cho dầu và khí đốt của Nga đã khiến các nước EU chuyển sự chú ý sang những thị trường và nhà cung cấp khác, điển hình là Algeria và Morocco ở Bắc Phi. Sự hợp tác kinh tế được thực hiện thông qua các nỗ lực ngoại giao.

Các quốc gia như Pháp và Italy đã nhanh chân “gõ cửa” các nhà sản xuất khí đốt lớn ở Algeria. Trong khi đó, Tây Ban Nha cũng tập trung vào Morocco với các mỏ năng lượng mới đang được phát triển.

Đặc biệt, để thay thế khí đốt Nga, Italy đã thành công khi mở rộng thị trường nguồn cung năng lượng của mình ở Angola, Ai Cập, Congo và Nigeria.

Trong khi đó, các nước Tây Âu và Vương quốc Anh cũng đã tìm thấy khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ. London cũng đã tìm đến Morocco để hợp tác sản xuất năng lượng tái tạo.

Gần đây, quốc gia Bắc Phi này đã ký thỏa thuận “đối tác xanh” với EU nhằm tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy các dự án chuyển đổi năng lượng và kích thích nền kinh tế xanh.

Tại lễ ký kết diễn ra ở thủ đô Rabat của Morocco, ngày 18/10, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans khẳng định, thỏa thuận, được ký giữa ông và Ngoại trưởng Morocco Nasser Bourita, là thỏa thuận đầu tiên thuộc loại này.

Theo đó, hai bên nhất trí tìm cách "thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang ngành công nghiệp khử cacbon thông qua đầu tư vào công nghệ xanh, sản xuất năng lượng tái tạo và sản xuất sạch trong công nghiệp" với sự tham gia của khu vực tư nhân.

Cần nhắc lại rằng EU đã đầu tư gần 700 triệu Euro vào thị trường năng lượng tái tạo ở Morocco trong những năm gần đây. Với “thỏa thuận xanh” này, EU đặt mục tiêu đảm bảo ngừng phát thải khí nhà kính vào năm 2050.

Thỏa thuận cũng dự kiến huy động đầu tư và tăng cường liên hệ với các tổ chức tài chính và cơ quan hợp tác châu Âu. Theo cách này, Rabat đặt mục tiêu trở thành lựa chọn thay thế vững chắc cho các quốc gia châu Âu đang cố gắng rời xa nhiên liệu hóa thạch, tránh sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

 

Những thập niên qua, sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng Nga luôn rất lớn. 50% khí đốt tự nhiên được sử dụng tại Đức đến từ Nga, con số này tại Italy là 40%.

Pháp nhập khẩu 25% khí đốt từ Nga và đã công bố nhiều biện pháp mở rộng các trạm tái cấp khí hóa.

Cũng cần ghi nhớ cam kết mạnh mẽ của Paris đối với năng lượng hạt nhân - một nguồn năng lượng từng bị Berlin loại bỏ. Do ảnh hưởng của các chính sách môi trường khác nhau, dẫn đến việc Đức ngày càng phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Moscow.

Theo Al-Arab, nhà kinh tế học Morocco Mohammed Nazif lưu ý rằng: "Các nước châu Âu biết lợi ích của họ và sẽ bảo vệ chúng, điều này khiến họ có xu hướng chuyển dịch sang châu Phi để tìm kiếm các giải pháp năng lượng thay thế".

Đây là một phần trong chiến lược dài hạn được các nước EU thiết lập do cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài, vốn đã diễn ra từ tháng 2 năm nay.

 

Bắc Phi nâng tầm ảnh hưởng


Châu Phi, đặc biệt là vùng Maghreb, đang ngày càng trở nên quan trọng trong các vấn đề năng lượng. Điều này được thể hiện qua các dự án như đường ống dẫn khí Morocco-Nigeria, hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu kỹ thuật, trong khi quá trình gây quỹ vẫn tiếp tục được thúc đẩy với một khoản tài chính ước tính khoảng 30 tỷ USD.

Về dự án này, Nhà vua Morocco Mohammed VI bày tỏ cam kết thúc đẩy sự thịnh vượng của Tây Phi: "Morocco đã quyết định xúc tiến càng sớm càng tốt dự án đường ống dẫn khí đốt với Nigeria".

Đường ống dự kiến dài hơn 7.000 km dọc theo bờ biển phía Tây qua 13 quốc gia trên lục địa châu Phi và kết thúc hành trình tại châu Âu.

Quốc vương Alawi nhấn mạnh, đường ống dẫn khí đốt sẽ kết nối Morocco với Nigeria, cho rằng lợi ích của nó không chỉ giới hạn ở Morocco, mà nó còn là một dự án chiến lược mang lại lợi ích cho các nước Tây Phi và châu Âu.

Ông khẳng định, đường ống này sẽ là lựa chọn thực tế nhất và gần gũi nhất cho châu Âu, sau những khó khăn về nguồn cung cấp của Nga và các vấn đề ngoại giao của Algeria với các quốc gia như Tây Ban Nha.

 


Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari (phải) và Quốc vương Morocco Mohammed VI. (Nguồn: AFP)


Quốc vương Alawite nói: “Ngoài Morocco và Mauritania, đường ống này mang đến cho 15 quốc gia thành viên của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) những cơ hội và đảm bảo về an ninh năng lượng, phát triển kinh tế xã hội và công nghiệp”.

Với dự án dẫn khí Morocco-Nigeria, năng lượng sẽ được mua bán với chi phí thấp hơn, một số lĩnh vực, chẳng hạn như điện và công nghiệp, sẽ giảm chi phí sản xuất. Điều này sẽ cải thiện chủ quyền năng lượng của quốc gia Bắc Phi.

Mặt khác, theo hãng thông tấn EFE, Văn phòng Hydrocacbon quốc gia Morocco (ONHYM) và các đối tác đã đầu tư 275 triệu Dirham (25 triệu Euro) vào việc thăm dò dầu ở vùng Maghreb trong 9 tháng đầu năm 2022. Các hoạt động thăm dò được thực hiện với sự hợp tác của 11 công ty, trên tổng diện tích 207.423 km2 ngoài khơi và trên bờ.

Dự án dầu mỏ này nhằm cải thiện chủ quyền năng lượng của Morocco và biến nước này trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn đối với các lợi ích năng lượng của châu Âu.

Bên cạnh đó, Algeria và Nigeria cũng tiếp tục quan tâm đến một dự án cũ để vận chuyển khí đốt đến châu Âu như một phần của "Đường ống dẫn khí đốt xuyên Sahara", mặc dù trọng tâm chính hiện nay là đường ống dẫn khí đốt Nigeria-Morocco.

Vào tháng 9, Bộ trưởng Năng lượng Nigeria Timipre Sylva tiết lộ rằng, chính phủ nước này "đã bắt đầu triển khai việc xây dựng một đường ống vận chuyển khí đốt đến Algeria, ở giai đoạn sau sẽ vận chuyển đến các nước châu Âu".

Các cuộc đàm phán về dự án đường ống dẫn khí Nigeria-Algeria ở châu Phi đã được bắt đầu hơn 20 năm trước. Libya cũng bày tỏ sẵn sàng hoàn thành dự án dẫn khí Libya-Nigeria tới châu Âu.

Các động thái và hành động trên cho thấy, châu Âu và châu Phi đang trở nên gần gũi hơn bao giờ hết trong các vấn đề năng lượng.

HẢI AN

Nguồn: baoquocte.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.