Chuyên mục
Đại sứ Nhật cảnh báo metro số 1: Chuyện gì xảy ra?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Đại sứ Nhật cảnh báo metro số 1: Chuyện gì xảy ra?

Thứ ba 27/11/2018 08:03 GMT + 7
TP.HCM đã xây dựng kế hoạch tài chính cho dự án này như thế nào mà lại để rơi vào tình trạng bị động, thiếu tiền, bị đòi nợ như vậy?

Tư duy bị động, chạy theo dự án

Mới đây, Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio đã gửi thư tới Thủ tướng, Bí thư Thành ủy TP.HCM, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan bày tỏ quan ngại về tiến độ triển khai, cấp vốn cho dự án tuyến metro số 1.

Tuyến metro số 1 đang bị chậm tiến độ do thiếu tiền. Ảnh: Youtobe

Trong lá thư, Đại sứ Kunio cho biết hiện số tiền chậm thanh toán cho nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn tại dự án đã lên đến hơn 100 triệu USD (tính đến ngày 16/11).

Ông cho rằng áp lực lên các nhà thầu cũng đã đến mức giới hạn, đồng thời nêu quan ngại rằng nếu đến cuối tháng 12 mà các vấn đề này không được giải quyết, dự án sẽ buộc phải ngừng thi công.

Tuyến Metro số 1 được đánh giá dự án rất quan trọng trong phát triển hạ tầng của TP.HCM, tuy nhiên, sự chậm trễ hoàn thiện dự án này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ, uy tín của Việt Nam đối với các đầu tư quốc tế. Vậy, chuyện gì đang xảy ra với dự án trên?

Trao đổi với Đất Việt, PGS TS Nguyễn Văn Ngãi – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen thẳng thắn cho rằng, vấn đề cốt lõi của những vướng mắc nói trên chính là câu chuyện "tài chính".

Ông cho biết, việc Đại sứ Nhật phải than phiền, thậm chí đưa ra lời cảnh báo phải dừng thi công nếu không thanh toán tiền thi công cho các nhà thầu cho thấy TP.HCM đang gặp vấn đề rất lớn về nguồn tiền chi trả khi thực hiện dự án này.

"Khi nghe thông tin tôi cũng sửng sốt, không hiểu chuyện gì đang xảy ra vậy.

TP.HCM đã tính toán, xây dựng kế hoạch tài chính trước khi triển khai thực hiện dự án này như thế nào mà lại để rơi vào tình trạng bị động như vậy?

Chúng ta hợp tác với nhà đầu tư trong nước hay quốc tế thì yếu tố uy tín phải luôn được đặt lên hàng đầu. Trong trường hợp này, TP.HCM nợ các nhà thầu Nhật tiền thi công và họ dọa dừng dự án là đương nhiên. Đó là lỗi từ phía TP.HCM.

Về nguyên tắc, khi thực hiện ký kết hợp đồng thi công, TP.HCM phải có trách nhiệm chi trả đúng số tiền theo thỏa thuận đã được cam kết tại hợp đồng giữa hai bên. Đó là nguyên tắc, TP.HCM phải hiểu rõ hơn ai hết, không thể làm việc kiểu "chạy theo dự án", "đếm số lượng dự án", làm tới đây tính tới đó như vậy được. Ở đây không chỉ là uy tín của TP.HCM mà còn là uy tín chung của cả Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết với các nhà thầu quốc tế", PGS Nguyễn Văn Ngãi nhấn mạnh.

Và việc này TP.HCM phải tự chủ động giải quyết. Theo ông Ngãi, trong bối cảnh ngân sách khó khăn hiện nay, TP.HCM cũng cần tập trung nguồn chi ưu tiên cho các dự án đang thực hiện dở dang trước khi phân bổ dàn trải, dành tiền xây nhà hát kịch.

"Tôi rất băn khoăn, đây chỉ là một trong nhiều tuyến metro TP.HCM đang triển khai thực hiện, nếu dự án nào cũng dối như tuyến metro số 1 thì TP.HCM sẽ phải tính thế nào? Lấy tiền đâu mà làm?", PGS Nguyễn Văn Ngãi thẳng thắn.

Vị chuyên gia cho biết, về nguyên tắc, khi đề xuất thực hiện dự án, TP.HCM cũng đã phải rất chắc chắn về cơ cấu thu - chi dành cho dự án. Ngay cả việc thu hút trong nước bao nhiêu, lấy từ nguồn nào, còn phần nào phải đi vay nước ngoài, tất cả những yếu tố này lẽ ra phải được tính toán rất "chắc cú", chứ không thể có chuyện làm dự án rồi bị thiếu nợ, bị đòi nợ như hiện nay được.

Xử lý thế nào?

Từ câu chuyện trên, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen cho rằng, cần thiết phải xem xét trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức đã xây dựng phương án tài chính cho dự án này, trên cơ sở đó sẽ xác định được vấn đề gì đang xảy ra.

Cùng với đó, vị PGS cũng đề nghị phải xem xét lại toàn bộ quy trình khảo sát, thiết kế, thực hiện dự án trên, ông nghi ngờ các khâu đoạn trên đã chưa được thực hiện tốt, không sát thực tế, đến khi thực thi dự án mới phát sinh hàng loạt những vấn đề bất cập nêu trên.

PGS Nguyễn Văn Ngãi cũng nhấn mạnh, phải xử lý trách nhiệm trước, song song với đó là tìm mọi cách để bố trí tiền trả cho phía Nhật Bản.

"Việc đầu tiên là phải tìm ngay kẽ hở đẩy dự án rơi vào thế khó như hiện nay là do đâu, ai phải chịu trách nhiệm?

Ai là người thẩm định, quản lý dự án này? Ai là người xây dựng kế hoạch tài chính, ai giám sát, thực thi dự án này? Những người này phải biết được tiến độ các hợp đồng dự án đang đi tới đâu, vướng mắc gì, nguyên nhân nào... và phải đề xuất hướng khắc phục. Trường hợp không thể nắm bắt được tiến độ của dự án chứng tỏ những người làm công tác quản lý còn lơ là, thiếu trách nhiệm, chưa đủ năng lực quản lý, cần phải xử lý, phải có người chịu trách nhiệm. Không thể để hòa cả làng, yếu kém, sai phạm, để bị mang tai, mang tiếng mà không ai chịu trách nhiệm được.

Tiếp đó là phải xoay trở nguồn vốn để chi trả ngay cho phía Nhật Bản để tránh bị phạt thêm do vi phạm hợp đồng hoặc dự án tiếp tục bị kéo dài, đội vốn, gây lãng phí lớn. Làm dự án kiểu thụ động như metro số 1 là không thể chấp nhận được", PGS Nguyễn Văn Ngãi tiếp tục khẳng định.

Lam Nguyên
Nguồn: baodatviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.