Chuyên mục
Cô bé bán báo trong Biệt động Sài Gòn ngày ấy và bây giờ…
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Cô bé bán báo trong Biệt động Sài Gòn ngày ấy và bây giờ…

Thứ năm 20/06/2013 07:51 GMT + 7
Cái tên Vân Dung đã rời xa màn ảnh rộng từ khá lâu, nếu nhắc tên “diễn viên Vân Dung”, người ta dễ nhầm với diễn viên hài Vân Dung đang tung hoành trên sân khấu hài kịch bây giờ.

Nhưng nếu nhắc tên một vài nhân vật ấn tượng như vai chị cả Bé trong Mẹ vắng nhà, cô bé bán báo trong Biệt động Sài Gòn thì hẳn nhiều khán giả sẽ nhớ lại hỉnh ảnh “ngôi sao nhí” một thời của điện ảnh Việt: Vân Dung – con gái của đạo diễn Long Vân, người đã chạm ngõ điện ảnh từ lúc 18 tháng tuổi và để lại không ít dấu ấn cho người xem một thời…

Đóng phim như bản năng

18 tháng tuổi, Vân Dung đã theo bố đến đoàn phim, tham gia vai diễn đầu tiên trong Người đôi bờ (đạo diễn Huy Thành). Sau đó, là một loạt vai diễn ấn tượng khác như cô bé câm trong Những đứa con (đạo diễn Nguyễn Khánh Dư), vai Sa trong Chom và Sa (đạo diễn Phạm Kỳ Nam), vai Bé trong Mẹ vắng nhà (đạo diễn Nguyễn Khánh Dư), vai Mai trong Cho cả ngày mai và vai cô bé bán báo trong Biệt động Sài Gòn đều của đạo diễn Long Vân. Chị bảo, bố kể rằng từ nhỏ, hễ cứ bật đèn sáng và bấm máy là chị diễn. Đóng phim đối với Vân Dung ngày đó như bản năng vậy, bảo đi đóng phim là đi luôn và bảo diễn gì là diễn nấy.

 
Vân Dung vai cô bé câm trong Những đứa con

Nhớ hồi làm phim Chom và Sa , đạo diễn Phạm Kỳ Nam cũng casting vài người. Vân Dung đứng ngoài chờ một bạn vào thử trước. Đạo diễn yêu cầu diễn cảnh bạn ấy đang ngồi chơi thì nhìn thấy một con hổ để thử phản ứng của trẻ con xem sao nhưng diễn mãi không xong. Vân Dung thấy vậy sốt ruột và nghĩ thầm “Có thế mà không diễn được!”. Và khi đến lượt mình, đạo diễn chưa kịp nói gì thì Dung đã diễn ngay cảnh đó. “Vậy là chỉ sau cảnh diễn thử ấy mà tôi được nhận vào phim”, Vân Dung kể lại. Thực ra, Vân Dung cũng không hề có khái niệm về casting mà vì được theo bố mẹ đi làm phim từ nhỏ nên đã quen với việc diễn xuất từ lúc nào không biết.

 
Vân Dung vai chị cả Bé trong Mẹ vắng nhà

Mẹ vắng nhà là một trong những bộ phim thiếu nhi được yêu thích nhất của điện ảnh Việt Nam. Đó là một câu chuyện đẹp, đầy chất thơ giữa bối cảnh chiến tranh Việt Nam đang khốc liệt. Vân Dung nhớ lại, hồi đó đạo diễn Khánh Dư đã nói chuyện trước với bố mẹ chị để mời đóng phim này. Hôm sau, chú đến nhà, thấy Dung đang chơi ở sân, chú bảo: “Nào, theo các chú đi đóng phim nhé!”. Mới 9 tuổi, chẳng suy nghĩ là sẽ đóng như thế nào, thấy chú bảo đi là đi. Thế là, cô bé lon ton chạy lên nhà sắp quần áo, cắt đôi bánh xà phòng 72 của Liên Xô và viết lại mẩu giấy nhắn bố mẹ: “Con đi đóng phim đây. Mẹ cho con xin nửa cục xà phòng ạ!”. Vậy đấy! Đi mà không cần gặp bố mẹ, bấy giờ, mọi chuyện rất đơn giản. Nếu như những vai trẻ con của Vân Dung trong các phim trước đều chỉ có một mình thì ở Mẹ vắng nhà , lần đầu tiên chị được đóng cùng nhiều trẻ con đến vậy. Chị bảo, đi làm phim này vui vì có nhiều đứa trẻ cùng trang lứa. Và khi đó, chị đã ý thức về diễn hơn các bạn nhỏ khác. Khán giả hẳn chưa quên hình ảnh cái Bé rất ra dáng đàn chị, đảm đang, tháo vát, leo lên ngọn dừa, dòm ra xa và chờ nghe tiếng súng nổ để thông tin cho mấy đứa em về mẹ đang chiến đấu ngoài mặt trận.

Câu chuyện Biệt động Sài Gòn

Những năm đó, Vân Dung đi đóng phim liên tục nên việc học cũng bị gián đoạn nhiều, nay trường này mai trường khác. Đóng phim Mẹ vắng nhà thì quay ở đồng bằng sông Cửu Long, đến phim Cho cả ngày mai thì lại quay ở Vũng Tàu. Còn với Biệt động Sài Gòn quay tại Sài Gòn, Vân Dung đã phải chuyển trường theo bố và đoàn phim trong suốt 5 năm bộ phim bấm máy. Lúc đó, Vân Dung 15 tuổi, được bố rủ đóng vai cô bé bán báo trong phim. Vốn toàn đóng vai chính nên khi bố ngỏ lời, Vân Dung từ chối “Con toàn đóng vai chính, giờ lại đóng vai phụ là sao?”. Đạo diễn Long Vân phải dỗ mãi và phân tích “Con đừng coi thường vai đó, bố tin sẽ rất ấn tượng mặc dù chỉ là vai phụ”. Và quả đúng thật, cô bé bán báo tuy là một vai diễn nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn trong toàn bộ phim và gây xúc động mạnh với người xem. Lý giải về điều này, chị tâm sự “Vai diễn này không nhiều đất diễn, chỉ có vài cảnh thôi. Thậm chí tên của nhân vật cũng không có, nhưng có lẽ do mọi người ấn tượng cảnh em bé bị tra tấn và dốc đầu vào thùng rắn độc nên vai diễn của tôi được nhớ đến nhiều chăng?”.

 
Vân Dung lúc 18 tháng tuổi trong phim Người đôi bờ

Nhắc tới cảnh này, Vân Dung kể rằng, cô rất sợ rắn nên khi đọc kịch bản thấy cảnh đó chị đã giao hẹn bới bố: “Con không đóng cảnh này đâu đấy”. Khi đó, đạo diễn Long Vân giả vờ trấn an: “Yên tâm, bố không bắt con đóng cảnh ấy đâu mà sợ”. Nhưng đến khi quay thì… có thật. Vừa nhìn thấy thùng rắn chị đã khóc toáng lên, vô cùng sợ hãi và tất nhiên, hiệu ứng chân thật này lên phim rất có hiệu quả. Xong cảnh quay, chị mới biết rằng, đạo diễn Long Vân đã cho nhổ hết răng những con rắn đó để đảm bảo an toàn nhưng không hề nói với con để tạo hiệu ứng thật. Còn cảnh tra tấn bị cưa chân, để thể hiện cho đúng dáng đi của người bị cụt chân, Vân Dung phải mặc chiếc quần ống rộng và cột cái chân lên đi cho khỏi lộ. Trong vòng một tuần, hàng ngày bố đều yêu cầu Dung phải tập co chân và chống nạng đi vài vòng quanh sân. Nhớ lại vai diễn ngày đó, chị cũng không ngờ là bộ phim có ảnh hưởng đến thế. Cho đến nay, mỗi khi ra đường thỉnh thoảng vẫn có người nhận ra cô bé bán báo năm nào bởi… bộ răng dài. Chị hóm hỉnh giải thích “Vì hồi đó, người thì nhỏ nhưng răng thì dài nên giờ nhìn là nhận ra ngay”.

Thời thế phải rẽ ngang…

Sau này, tốt nghiệp lớp 12 xong, Vân Dung đã đăng ký thi và trúng tuyển vào Nhà hát kịch Việt Nam. Học được một năm, chị lại theo bố chuyển vào TP. Hồ Chí Minh và thi vào trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh ở trong đó cùng khóa với Lý Hùng, Diễm Hương. Ra trường, chị có tham gia đóng một vai chính trong phim Tình đời của đạo diễn Trần Phương, nhưng do thời cuộc lúc bấy giờ đưa đẩy khiến chị rẽ sang làm tiếp viên hàng không và chị xem đó là một vai diễn kỷ niệm trước khi chuyển nghề.

 
Vân Dung hiện tại

“Ngày nhỏ, tôi có tật nói lắp, đến nỗi khi làm phim Chom và Sa , trước mỗi cảnh quay, tôi thường ra bờ suối đứng tập đi tập lại những phân đoạn của mình. Nhiều lần phát khóc vì thoại mãi một câu không xong, nhưng tôi vẫn rất kiên trì. Cộng với sau này được bố mẹ tập cho nên cũng sửa được” – Vân Dung.

Làm bên ngành hàng không được 8 năm cho đến khi lập gia đình và sinh con, chị lại quyết định nghỉ hẳn nghề tiếp viên, chuyển ra Hà Nội sinh sống, dành thời gian cho gia đình. Cũng vẫn có nhiều lời mời đi làm phim nhưng kể từ khi chuyển nghề chị chưa một lần quay lại phim trường. Giờ đây, ngoài việc chăm sóc hai cậu con trai thì chị có một cửa hàng kinh doanh đồ thể thao trên đường Nguyễn Thái Học.


Kim Anh
Nguồn: thegioidienanh.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.