Chuyên mục
Cảm nhận về câu chuyện ''Bàn tay Bác Hồ''

Cảm nhận về câu chuyện ''Bàn tay Bác Hồ''

Thứ ba 19/05/2020 09:39 GMT + 7

Tôi sinh ra khi vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đã đi xa. Những nhận thức đầu đời về Người bắt nguồn từ những câu thơ, bài hát, lời ru, câu chuyện mà những người lớn trong gia đình răn dạy con cháu. Lớn lên, khi biết đọc, biết viết, biết nhìn nhận, đánh giá thế giới quanh mình, tôi đã thầm yêu quý, cảm phục, tôn thờ và hướng theo một con người đã hy sinh cuộc đời mình vì độc lập tự do cho Tổ quốc, no ấm, hạnh phúc cho nhân dân, hòa bình dân chủ, tiến bộ cho nhân loại. 

 

 

Bác là một tấm gương vượt qua những khó khăn trong cuộc sống bằng chính đôi bàn tay của mình, chính niềm tin và nghị lực của bản thân để đạt được ước mơ.


Rồi như một lẽ tự nhiên, tôi tìm đọc và đọc đến say mê những gì liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Người. Qua những trang sách, tôi xúc động, cảm phục và dần hướng theo một con người có những suy nghĩ, việc làm cao cả. Tôi đã chọn con đường đi theo Bác làm lý tưởng sống cho đời mình.


Câu chuyện đầu tiên tôi đọc về Bác là câu chuyện “Bàn tay Bác Hồ”. Câu chuyện kể về việc Bác rủ một người bạn tên là Lê ra nước ngoài cùng Bác tìm đường cứu nước. Trong bối cảnh đó người bạn hỏi tiền đâu mà đi. Bác Hồ giơ hai bàn tay: Tiền đây! rồi nói tiếp: Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi… Hình ảnh đôi bàn tay của Bác đã để lại ấn tượng mạnh trong suy nghĩ thơ trẻ của tôi. Từ đó đến nay, qua tìm hiểu của mình tôi được biết đôi bàn tay ấy đã không ngại gian khổ, khó khăn, nguy hiểm… góp phần làm nên những trang sử hào hùng, oanh liệt cho dân tộc.


Ai đó nói rằng thuộc như lòng bàn tay, nhưng 21 tuổi - khi xòe tay trước bạn mình tìm đường đi cứu nước Bác đâu biết rằng “lòng bàn tay cuộn sóng cồn bốn biển? Năm ngón dài in nắng gió năm châu”. Để thực hiện mơ ước ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác họ làm như thế nào, sau đó sẽ trở về giúp đồng bào, Bác đã không nề hà bất cứ việc gì từ xúc than, quét tuyết đến bán báo, bồi bàn... nhằm duy trì cuộc sống, đồng thời có điều kiện thâm nhập, tìm hiểu, nghiên cứu đời sống của người dân, các cuộc cách mạng, các trào lưu tư tưởng... ở các nước tư bản và thuộc địa nhằm tìm ra con đường cứu nước mới, phù hợp cho dân tộc.


Trong những năm tháng bị giam hãm, tù đày, với đôi bàn tay nặng trĩu xiềng gông, Bác vẫn ngắm trăng, làm thơ - những vần thơ đau đáu về tương lai của quê hương, đất nước. Những lúc tình thế cách mạng như ngàn cân treo sợi tóc, vì sự tồn vong của dân tộc, bình yên cho nhân dân, Bác đã nhẫn nhịn bắt tay với kẻ thù, bịt lại nòng súng (khi bị uy hiếp về mặt ngoại giao) nhằm cứu vãn hòa bình, chấm dứt chiến tranh… , nhưng vì dã tâm cướp nước của các nước lớn nên mọi nỗ lực, thiện chí Bác không được chấp thuận. Trước tình thế khó khăn đó, Bác lại cùng với nhân dân bắt tay chuẩn bị nhân tài vật lực cho 2 cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại, làm nên một Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và giải phóng hoàn toàn  miền Nam, thống nhất Tổ quốc.


Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chính bàn tay ấy đã vạch bản đồ ra quân, trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Biên giới. Khi Miền Bắc hòa bình, bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, Bác thường xuyên xuống cơ sở động viên bà con nông dân tăng gia sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của Miền Bắc đồng thời chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Bác trực tiếp cùng những người nông dân tát nước, cấy lúa, kéo lưới, trồng rau… như một người nông dân thực thụ. Rồi khi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc bước đầu giành được thắng lợi, Bác vui mừng, hạnh phúc, làm nhạc trưởng bắt nhịp cho bài ca “Kết đoàn”.


Trong cải cách ruộng đất, do không nắm vững chủ trương, nên một số địa phương đã xảy ra tình trạng oan sai làm tổn thất không nhỏ cho cách mạng, khi biết được điều này, chính bàn tay Bác đã lau những giọt nước mắt đau xót, tiếc thương, thay mặt Đảng xin lỗi nhân dân. 


Trong những năm tháng miền Bắc được giải phóng còn miền Nam vẫn bị giày xéo dưới gót giày của đế quốc xâm lược, hằng ngày Bác dõi theo tin tức từ chiến trường, không ít lần Bác chia sẻ cùng các đồng chí cận vệ và các đồng chí trực tiếp làm việc với Bác ý muốn được vào miền Nam thăm đồng bào và chiến sỹ. Bởi miền Nam đi trước về sau nhưng do tính chất ác liệt của cuộc chiến và sự an toàn của Bác nên các đồng chí hẹn Bác một ngày thống nhất non sông sẽ cùng Bác vào Nam. Nhưng Bác ra đi khi cuộc kháng chiến đang vào giai đoạn khốc liệt nhất. Hình ảnh Bác đặt tay lên ngực trái nghẹn ngào “Miền Nam luôn trong trái tim tôi” đã in đậm trong trái tim, trí óc của biết bao người con Miền Nam, thôi thúc họ sống, tin tưởng, chiến đấu cho ngày thống nhất. 


Đôi bàn tay có thực đó đã trở thành huyền thoại ngay khi Bác còn sống, bởi từ rất sớm, đôi bàn tay ấy đã xác định được sứ mệnh lịch sử của mình đối với dân tộc và nhân loại. Đôi bàn tay ấy từng “cầm một cái kim nhưng mơ khâu áo cho tất cả loài người”. Bàn tay có năm ngón như năm cánh sao đã bắt tay với bao chính khách vĩ nhân nhưng lại rất đỗi dịu hiền nâng niu từng nhành cây ngọn cỏ. Thông qua đôi bàn tay của mình với những việc làm cụ thể, Bác đã giúp cho những người quanh mình biết yêu lao động, biết đoàn kết, biết nâng đỡ, biết chiến đấu, hy sinh cho Tổ quốc, cho Đảng, cho nhân dân. Rồi cũng chính đôi bàn tay ấy đã chân thành chia sẻ, cảm hóa, động viên những người lầm lỡ, khác biệt trở về phục vụ Đảng, phục vụ đất nước.


 Hơn năm mươi năm qua, kể từ ngày Bác đi xa, nhưng những gì mà đôi bàn tay Bác đã làm cho Đảng, cho nhân dân, cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới đã trở thành lịch sử thiêng liêng của dân tộc và nhân loại. Đôi bàn tay huyền thoại ấy đã giúp cho biết bao con người kiên trung, nhiệt huyết, trách nhiệm chọn con đường đi theo Bác, làm theo Bác làm lý tưởng sống của đời mình. 


Thời đại có thể có nhiều yếu tố mới, các nước bạn bè có thể không còn chung thủy, mặn nồng với dân tộc như xưa, một số cán bộ, đảng viên trong lúc giao thời có thể  không giữ được mình... nhưng những trăn trở của Bác làm sao để dân tộc được độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, bạn bè quốc tế thủy chung, trong sáng, giúp đỡ lẫn nhau luôn là chân lý, là đích đến để những người có tâm huyết, trí tuệ như chúng tôi hướng tới./.


 

Trần Thị Bích Thủy (Trường Chính trị Trần Phú)

33 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.