Chuyên mục
50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ - Còn mãi đến mai sau!
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ - Còn mãi đến mai sau!

Chủ nhật 19/05/2019 02:43 GMT + 7

Năm mươi năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi về thế giới Người hiền, những giá trị trong bản Di chúc của Người vẫn như ngọn đèn soi sáng cho toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục con đường cách mạng, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu và đời sống của nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.


Bảo tàng Hồ Chí Minh những ngày tháng 5/2019, bầu trời như xanh hơn trong mùa sinh nhật Bác. Hàng ngàn lượt người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc và bè bạn năm châu đã tới tham quan các gian trưng bày về thân thế và sự nghiệp của nhà cách mạng lỗi lạc Hồ Chí Minh – Nguyễn Ái Quốc.

Trong gian phòng trang trọng trên tầng 3 của nhà bảo tàng, nơi những tấm kính buông dài từ trên cao xuống, trong vắt như giọt lệ trời của ngày 2/9 cách đây đúng 50 năm, các vị khách tham quan xúc động chứng kiến những trang Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người cẩn trọng viết tay, đánh máy và chỉnh sửa trong suốt 5 năm, từ năm 1965 đến năm 1969, trước thời điểm Người đi xa.

Hình ảnh Bác Hồ đang ngồi đánh máy văn kiện cuối cùng trong cuộc đời được tái hiện trong không gian 3D, có cả tiếng chim hót, tiếng máy chữ lách cách khiến khách tham quan như được sống lại khoảnh khắc bình dị mà thiêng liêng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tài liệu lịch sử.

Không gian trưng bày Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Khoảng trung tuần tháng 5/1965, nhân dịp sinh nhật lần thứ 75 của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc. Người đã chọn một ngày đẹp trời trong dịp kỷ niệm ngày sinh, khi sức khỏe còn tốt và trí tuệ minh mẫn để viết những lời dặn lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Trong các ngày 10-14/5/1965, mỗi ngày, Người dành khoảng một tiếng để viết. Người hoàn thành bản Di chúc gồm ba trang do Người tự đánh máy vào ngày 15/5/1965, trên cùng có ghi “Tuyệt đối bí mật”, ở dưới có chữ kí của Người và chữ kí của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Từ năm 1965 trở đi, mỗi năm cứ vào dịp này, đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác lại nghiêm cẩn đặt lên bàn làm việc của Người tập tài liệu quan trọng này.

Năm 1966, Người bổ sung thêm phần nói về tự phê bình và phê bình trong Đảng. Bác viết tay 2 đoạn bằng bút mực, cẩn thận đề là “Tôi sửa Hồ Chí Minh”, theo đúng nguyên tắc hành chính.

Năm 1967, Người xem lại bản thảo Di chúc nhưng không sửa gì.





Di chúc Bác viết cuối năm 1968, lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Năm 1968, Người viết thêm 6 trang gồm một số đoạn về việc riêng và một số công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi trong bối cảnh khi đó chiến tranh còn đang ác liệt. Điều đó thể hiện sự tiên liệu của Người.

Ngày 10/5/1969, Người xem và viết lại toàn bộ phần mở đầu gồm một trang viết tay.

TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, người đã dành 34 năm của cuộc đời mình cho công tác sưu tầm, lưu trữ, trưng bày các kỷ vật, tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho biết: "Với phong cách tiết kiệm nên Bác đã lật ngược tờ Bản tin tham khảo đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam dày hơn 30 trang ra ngày 3/5/1969 để viết ở trang cuối. Khi Bác mất, Đảng công bố trang đó là trang mở đầu Di chúc là hoàn toàn hợp lý vì đó là trang Bác viết mới nhất".

Theo hồi ký của ông Vũ Kỳ (1921-2005), thư ký riêng của Bác, nếu nói về hình thức văn bản thì bản Di chúc Bác viết năm 1965 đã hoàn thành. Nhưng cũng giống như ba văn bản cực kỳ quan trọng viết trong những thời điểm có tính bước ngoặt của lịch sử đất nước là: Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946, Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước năm 1966, cứ còn thời gian là Bác còn sửa chữa, thêm bớt.

Sự cẩn trọng của Người thể hiện ở chỗ, Bác không chỉ viết một lần mà trong vòng 5 năm đó, Bác viết nhiều lần, sửa chữa nhiều chỗ.

“Bác chọn thời điểm minh mẫn, sáng suốt nhất để viết Di chúc là khoảng 9 giờ sáng - thời điểm minh mẫn nhất theo đồng hồ sinh học của mỗi người. Không viết một lần mà 5 năm trời, chọn đúng kỉ niệm ngày sinh để viết về ngày mình ra đi, điều này thể hiện sự chủ động, tự tin của Bác. Đến lúc Bác ra đi rất nhẹ nhàng vì Bác đã dặn hết cho Đảng, cho dân rồi. Điều đó cũng thể hiện sự trách nhiệm với dân, với nước của Bác”, TS Chu Đức Tính nhận định.

Nhiều phần trong Di chúc được Bác sửa bút đỏ.

Còn với PGS.TS Bùi Đình Phong (Giảng viên cao cấp, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), sự cẩn trọng của Bác thể hiện trong chính những lần Bác sửa Di chúc.

Năm 1968 là năm Bác bổ sung Di chúc nhiều nhất với 6 trang viết tay. Năm 1965, Bác viết trong Di chúc là “trước hết nói về Đảng”, đến bản bổ sung năm 1968, Bác lại viết “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn Đảng”. Hai câu đều nói về Đảng nhưng ở tầm mức khác nhau.

“Câu của năm 1965, trước hết nói về Đảng là sắp xếp thứ tự 1, 2, 3 đặt câu chuyện muốn có chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh thì trước hết nói về Đảng. Bản viết năm 1968 có cái hay là nói về Đảng nhưng nói về chỉnh đốn Đảng, tức là bàn về nội dung. Điều đó cho thấy tầm nhìn của Người”, PGS.TS Bùi Đình Phong phân tích.

Mong muốn cuối cùng của Người.

Đến năm 1969 Bác bổ sung một trang viết tay trên tờ Tin tham khảo đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam (bản tin in một mặt). Đây là một nét rất đặc biệt. Cả cuộc đời Bác là tấm gương tiết kiệm, Bác giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân tiết kiệm, đến Di chúc thì tư tưởng và tấm gương tiết kiệm vẫn được thể hiện. Người đã viết: “Khi tôi qua đời chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.

Đúng 10 giờ ngày 19/5/1969, Bác đọc lại lần cuối cùng tất cả các bản Di chúc đã viết trước đó rồi xếp bỏ vào phong bì và cất đi. Đây là lần cuối cùng Bác sửa bản di chúc của mình.

Khi đồng chí Vũ Kỳ trao lại Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Trung ương, Bộ Chính trị đã quyết định chọn một đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị lưu giữ. Trước khi đồng chí qua đời, các cơ quan chức năng đã thu lại tài liệu “Tuyệt đối bí mật” này trong két sắt tại nhà riêng của đồng chí và Bộ Chính trị tiếp tục giao cho một Ủy viên Bộ Chính trị khác quản lý. Đến cuối năm 1989, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới được giao lại cho Cục Lưu trữ, Văn phòng Trung ương Đảng bảo quản. Từ đó đến nay, Di chúc của Người đã được lưu giữ tuyệt đối cẩn trọng.


Trong một lần tiếp ngài Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, TS Chu Đức Tính được biết, sau khi nhận chức vụ, điều đầu tiên ông ta làm là tìm đọc bản Di chúc của Bác Hồ. Vị trưởng đại diện đọc vanh vách bằng tiếng Trung Quốc và thể hiện sự kính trọng với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dòng người nối dài vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bất kể ngày mưa hay nắng.

TS Chu Đức Tính nhấn mạnh điều đặc biệt trong Di chúc của lãnh tụ Hồ Chí Minh là nếu di chúc của một gia đình, dòng họ thường dặn chia của cải, người thừa kế thì Di chúc của Hồ Chí Minh không động đến vấn đề đó vì Bác làm gì có tài sản riêng.

“Giang sơn đất nước này là Cụ để lại cho toàn Đảng, toàn dân. Bác tin vào toàn Đảng mà người đứng đầu là Bí thư thứ nhất Lê Duẩn. Dặn dò một người cụ thể chưa chắc làm tốt vai trò mà dặn cả Bộ Chính trị, toàn Đảng do Bác rèn luyện, đến hôm nay vẫn làm tốt. Điều đó cho thấy giá trị vĩnh hằng của Di chúc của Bác. Di chúc của lãnh tụ thể hiện ở chỗ đó”, TS Chu Đức Tính cho hay.


Có thể nói Di chúc là một di sản vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn dân tộc. Di chúc lần đầu tiên được công bố trong Lễ truy điệu của Người (tháng 9/1969).

Khách tham quan thành kính đọc Di chúc của Bác Hồ.

Đến năm 1989, trong Thông báo số 151-TB/TW về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị khẳng định Di chúc công bố chính thức năm 1969 bảo đảm trung thành với bản gốc của Người. Nội dung chủ yếu dựa theo bản Người viết năm 1965, trong đó đoạn mở đầu là của bản viết năm 1969, đoạn về việc riêng là của bản viết năm 1968. Lúc đầu, vì những lí do nhất định nên một số vấn đề trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa được công bố như: Việc căn dặn của Người về hỏa táng thi hài; việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi; miễn giảm thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp...

Sau đó, trong dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1990, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã quyết định công bố toàn bộ các bản Di chúc của Người.

TS Chu Đức Tính khẳng định giá trị của bản Di chúc Bác Hồ.

Những lời đầy xúc động trong Di chúc của Người...


PGS –TS Bùi Đình Phong nhận định những tư tưởng lớn trong Di chúc đã được định hình từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước, đặc biệt khi Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Nói về Di chúc phải hiểu con người viết ra Di chúc; nghiên cứu cả cuộc đời, sự nghiệp, hoạt động thực tiễn, tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua các trước tác của Người. Toàn bộ Di chúc hướng tới tương lai, xây dựng lại thành phố, làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Như Bác viết: “Còn non, còn nước, còn người. Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

Nội dung Di chúc mang tính thời sự nóng hổi. Nhiều vấn đề trọng đại của Đảng, Nhà nước, của đất nước được đề cập trong các nghị quyết gần đây, đã được Di chúc nói đến. Chẳng hạn vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vấn đề con người, chăm lo đời sống nhân dân, vai trò của nhân dân, đoàn kết, dân chủ...


Trong nội dung cốt lõi của Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành một thời lượng lớn để nói về Đảng cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định truyền thống đoàn kết chặt chẽ trong Đảng và “cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Người yêu cầu “Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” để củng cố và phát triển đoàn kết và thống nhất trong Đảng. Mỗi cán bộ đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, giữ gìn Đảng ta thật trong sạch.

Khách tham quan triển lãm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Danh Lam/TTXVN.

Di chúc là tâm nguyện của Người: “Suốt đời tôi hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Di chúc là tâm sự của một người đã suốt đời hy sinh hạnh phúc riêng tư, hiến dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc và nhân dân; là tấm lòng chung thủy với “các nước anh em” và “bầu bạn khắp năm châu”. Đồng thời, Di chúc là công trình lý luận về xây dựng Đảng và củng cố Đảng cầm quyền.

Bản in Di chúc phục vụ cho lễ tang năm 1969 trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đảng ta là Đảng cầm quyền”. Để đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo xã hội, Đảng phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và gắn bó máu thịt với nhân dân, không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình.

Di chúc nêu những vấn đề cốt yếu của công tác xây dựng Đảng, đó là: Giữ gìn mối đoàn kết trong Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân của mỗi cán bộ đảng viên. Công tác chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng.

Bác Hồ tại phòng làm việc nhà 54, tháng 4/1957. Ảnh: Tư liệu do Bảo tàng Hồ Chí Minh cung cấp.

Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp bền bỉ, dài lâu, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đảng cầm quyền phải chăm lo phát triển lực lượng cho hiện tại và chuẩn bị cho tương lai một thế hệ trẻ vừa “hồng” vừa “chuyên”, có như vậy mới thực hiện thành công lý tưởng xây dựng một xã hội mới, tiến bộ, văn minh.


Bác cũng căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, đó là công việc bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng, đào tạo nguồn nhân lực kế tục sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), ý nghĩa của Di chúc như một cương lĩnh hành động của Đảng từ khi Bác đi xa. Đó là những vấn đề lớn lao, những vấn đề chiến lược của cách mạng. Di chúc đã đề cập những vấn đề thực tiễn nhưng được đúc kết có giá trị lý luận lớn. Những điều Bác tổng kết có giá trị như quy luật vận động của cách mạng Việt Nam.

“Từ bản Di chúc, tư tưởng của Bác soi sáng cho công cuộc đổi mới hôm nay như là một sự tổng kết chính từ thực tiễn Việt Nam. Bản Di chúc có sự thiêng liêng, đoàn kết được dân tộc để tiến lên sự nghiệp vẻ vang hơn, đi tới thắng lợi cuối cùng và tạo nên niềm tin tất thắng”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nói.




Theo TS Chu Đức Tính, sau khi công bố toàn văn Di chúc, Đảng đã làm ngay những điều Bác dặn trong Di chúc như miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho nông dân. Cho đến hôm nay, chúng ta đã hầu như bỏ thuế nông nghiệp cho dân, nhưng năm 1989, bỏ một năm 2 vụ hay chia làm 2 vụ bỏ trong 2 năm, Bộ Chính trị đã phải xin phép hỏi nông dân.

“Hồi đó chúng ta còn rất khó khăn, nguồn thu dựa vào nông nghiệp rất nhiều, làm sao để vừa thực hiện Di chúc của Bác, vừa không bị thất thu. So sánh với ngày nay thì chúng ta đã tiến lên rất nhiều”, TS Chu Đức Tính nói.

Cũng theo TS Chu Đức Tính, nhìn lại các mặt mà Bác dặn trong Di chúc thì thấy, chỉ có về việc riêng là Đảng xin phép làm trái ý Bác thể theo nguyện vọng của nhân dân, còn các việc kia đều làm xuất sắc. Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đã được thực hiện, chăm lo con người ngày càng làm tốt hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau. Về quan hệ quốc tế, trong xu thế thoái trào của phong trào cộng sản quốc tế, chúng ta vẫn đứng vững và giương cao ngọn cờ chủ nghĩa Mác, tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện sức sống của chủ nghĩa xã hội và làm đúng ý Bác.


Mặc dù vẫn có những hạn chế như phân hóa giàu nghèo ngày càng rộng, một bộ phận sa vào chủ nghĩa cá nhân, thoái hóa, tham nhũng… nhưng Đảng và toàn dân đang nỗ lực khắc phục những bất cập này. Tổng kết lịch sử, định hướng tương lai là giá trị của bản Di chúc. 50 năm đã qua nhưng những điều Bác viết trong Di chúc vẫn định hướng cho Đảng ta đi lên. Xây dựng Đảng, chăm lo con người vẫn đầy tính thời sự.

Trong Di chúc, Bác chỉ ra mối quan hệ giữa “Đảng cầm quyền” với đạo đức. Đã có quyền thì phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Bởi vì quyền lực có xu hướng tha hóa. Có quyền mà không có lương tâm là hỏng.

Do đó, theo PGS.TS Bùi Đình Phong, việc xây dựng chỉnh đốn Đảng đang được làm mạnh với các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Trung ương 4 khóa XII, Quy định về trách nhiệm nêu gương trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương..., những nội dung đó cũng theo tinh thần Di chúc của Bác.

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 50 năm qua, nhất là sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới do Đảng khởi xướng, lãnh đạo, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội to lớn, toàn diện và rất quan trọng. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng, kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống người dân được cải thiện đáng kể, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường.

Toàn đảng, toàn dân quyết tâm xây dựng đất nước giàu đẹp như nguyện ước của Người.

Đất nước ngày nay đã “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Người. Vị thế của dân tộc trên trường quốc tế được nâng cao. Việt Nam hiện nay đã trở thành một bộ phận của nền kinh tế thế giới, là điểm đến hấp dẫn của bạn bè quốc tế.

Đã 50 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, ôn lại lời căn dặn của Người trong Di chúc cũng là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam tự soi rọi lại mình; phấn đấu “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như di nguyện của Người.

Bài, ảnh, video: Hoàng Dương
Trình bày: Hồng Hạnh - Hoàng Dương
Nguồn: baotintuc.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.