Chuyên mục
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ cản trở Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO?

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ cản trở Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO?

Chủ nhật 15/05/2022 17:45 GMT + 7

Việc ngăn cản Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO có thể là hệ quả từ các toan tính chính trị riêng của Thổ Nhĩ Kỳ, khi nước này tồn tại nhiều mâu thuẫn với các thành viên EU.

Thổ Nhĩ Kỳ, một trong các nhân tố quan trọng của NATO ở Trung Đông, trở thành thành viên đầu tiên lên tiếng phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh. Dù còn nhiều thời gian cho tới khi NATO ra quyết định cuối cùng, đây cũng là dấu hiệu không mấy lạc quan đối với sự đoàn kết của liên minh phương Tây.

Quan hệ cơm không lành, canh chẳng ngọt


Chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan và nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đều là đồng minh trong NATO nhưng luôn có những xung đột mà đến nay chưa thể hóa giải, theo AFP.

EU từ lâu đã phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự vào miền Bắc Syria. Từ năm 2020 đến nay, EU đã nhiều lần kêu gọi Ankara chấm dứt các chiến dịch quân sự nhắm vào lực lượng vũ trang người Kurd - YPG. Đây chính là lực lượng từng sát cánh với liên minh quốc tế trong chiến dịch truy quét tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Tuy vậy, bởi nguồn gốc của YPG là người Kurd, nhóm dân tộc đang đấu tranh giành quyền tự quyết ở phía Đông và Nam Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara coi YPG, cũng như các tổ chức chính trị, quân sự khác của người Kurd ở khu vực, là tổ chức khủng bố.

 


Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại miền Bắc Syria. Ảnh: AFP.


Cuối năm 2020, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và Ngoại trưởng Thụy Điển từng nổ ra tranh cãi gay gắt vì bất đồng liên quan tới Syria, theo Reuters.

Căng thẳng đi xa hơn khi quan chức Thụy Điển chỉ trích Ankara khai thác năng lượng ở Đông Địa Trung Hải, nơi Thổ Nhĩ Kỳ và hai nước thành viên EU là Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus có tranh chấp chủ quyền.

Ngoại trưởng Cavusoglu chỉ trích Thụy Điển cũng như EU tiêu chuẩn kép khi "giảng giải cho Thổ Nhĩ Kỳ về nhân quyền và luật pháp quốc tế". "Vì sao Thụy Điển không lên tiếng cho quyền của người Thổ sống ở Cyprus", ông Cavusoglu nói.

Nhiều năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ dùng con bài người nhập cư từ Trung Đông để gây sức ép lên EU. Ankara chưa bao giờ nói rõ mình muốn gì để chấm dứt cuộc khủng hoảng người nhập cư đổ về châu Âu.

Trong tuyên bố hôm 13/5 của Tổng thống Erdogan, vấn đề người Kurd một lần nữa nổi lên. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích các nước Bắc Âu là "nhà khách của các tổ chức khủng bố".

Ông Erdogan cũng không bỏ qua căng thẳng với Athen khi tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ từng phạm sai lầm khi chấp nhận để Hy Lạp gia nhập NATO năm 1952, theo TASS. "Chúng tôi sẽ không phạm phải sai lầm trong vấn đề này lần thứ hai", ông Erdogan nói.

Nhân tố Nga?


Nga đã nhiều lần phản đối việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Điện Kremlin cảnh báo sẽ có hậu quả nếu hai nước Bắc Âu từ bỏ quy chế trung lập đã duy trì suốt hàng chục năm.

Với khả năng Phần Lan gia nhập NATO, đường biên giới chung giữa Nga và các nước trong khối này có thể tăng từ khoảng 1.215 km lên hơn 2.500 km. “Helsinki phải nhận thức được trách nhiệm và hậu quả của động thái ấy”, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định hôm 12/5, theo TASS.

Thổ Nhĩ Kỳ là nước hiếm hoi duy trì quan hệ tương đối tốt đẹp đồng thời với Nga và Ukraine. Thời gian qua, Ankara đã đóng vai trò trung gian hòa giải giữa hai bên. Nhiều nỗ lực ngoại giao giữa Moscow và Kyiv đã được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ.

 


Nga có thể là nguyên nhân khiến Thổ Nhĩ Kỳ cản trở Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Ảnh: AFP.


Thổ Nhĩ Kỳ muốn sớm có một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt chiến sự. Kịch bản này sẽ có lợi nhất cho Ankara, bởi nó vừa làm gia tăng uy tín của Thổ Nhĩ Kỳ, vừa khôi phục an ninh và hòa bình ở khu vực nằm sát với hàng loạt thành phố trung tâm kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ như Istanbul hay Samsun.

Lúc này, tiến trình đàm phán đang rơi vào bế tắc. Hy vọng hòa giải giữa hai bên sẽ càng trở nên mong manh và có nguy cơ đổ vỡ nếu NATO xúc tiến việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển.

Ngoài ra, cũng không thể loại trừ khả năng đã có động thái từ Moscow gây tác động tới quyết định của Ankara.

Khả năng đối thoại bỏ ngỏ


Soner Cagaptay, chuyên gia viện nghiên cứu chính sách Washington Institue, nhận định quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ đang biến nước này thành "phiên bản Hungary của EU" trong NATO. Ông Cagaptay cho rằng Ankara nên kín đáo xử lý vấn đề người Kurd với Thụy Điển và Phần Lan, theo AFP.

"Việc công khai mâu thuẫn này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới hình ảnh của Ankara", ông Cagaptay nói.

Bình luận của Tổng thống Erdogan cũng có nguy cơ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào thế đối đầu với các thành viên chủ chốt khác của NATO như Pháp, Anh, Mỹ. Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng tuyên bố NATO đang rơi vào tình trạng "chết lâm sàng" vì thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau khi thông điệp phản đối được Ankara phát đi, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách quan hệ Á - Âu Karen Donfried đã lên tiếng trấn an các đồng minh. Bà Donfried nói vấn đề sẽ được thảo luận trong cuộc họp ngoại trưởng các nước NATO ở Berlin cuối tuần này, theo Reuters.

 


Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ đối đầu với các nước chủ chốt trong NATO. Ảnh: Reuters.


Quan chức Mỹ tỏ ra thận trọng khi lên tiếng, nhiều lần khẳng định Washington trước hết cần hiểu rõ lập trường của Ankara. "Chúng tôi chưa thấy Thổ Nhĩ Kỳ nói rõ rằng họ sẽ phản đối. Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển đã phối hợp rất hiệu quả trong khuôn khổ NATO", bà Donfried nói.

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Washington sẽ "làm rõ quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ" với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, theo Reuters.

Dự kiến, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tham dự cuộc họp của NATO ngày 14/5. Hiện chưa rõ ông Blinken có làm việc trực tiếp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ hay không.

Trong ngày 13/5, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio khẳng định nước này hoàn toàn ủng hộ NATO kết nạp Thụy Điển và Phần Lan.

"Italy rất hoan nghênh hai nước gia nhập liên minh, điều giúp bảo đảm hòa bình cho tương lai", ông Di Maio nói.

Trước đó, Anh đã ký hiệp ước phòng thủ chung với Thụy Điển và Phần Lan, cam kết hỗ trợ quân sự cho hai nước Bắc Âu trong trường hợp bị tấn công.

Các ngoại trưởng Thụy Điển và Phần Lan cho biết họ hy vọng có thể trao đổi với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ khi các bên tham dự cuộc họp ngoại trưởng các thành viên NATO khai mạc ngày 14/5.

"Chúng ta sẽ có cơ hội thảo luận về khả năng Thụy Điển xin gia nhập NATO. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hiện chưa trực tiếp gửi thông điệp tới chúng tôi", Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde nói.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Phần Lan Peeka Haavisto cho biết ông hy vọng có thể gặp đối tác Thổ Nhĩ Kỳ để "tiếp tục đối thoại".

 

Duy Anh 

Nguồn: zingnews.vn
29 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.