Chuyên mục
Trung Quốc tăng tốc thương mại với châu Á giữa căng thẳng với Mỹ

Trung Quốc tăng tốc thương mại với châu Á giữa căng thẳng với Mỹ

Chủ nhật 01/01/2023 11:36 GMT + 7

Mỹ đang tìm cách thuyết phục các nước giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc nhưng quan hệ thương mại giữa Bắc Kinh và châu Á ngày càng sâu sắc khi các nền kinh tế trong khu vực thúc đẩy tăng trưởng và các công ty nỗ lực tái cấu trúc chuỗi cung ứng.


Container tập kết ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Zuma Press.


Châu Á cần hàng hóa và linh kiện giá rẻ của Trung Quốc

Các chuyên gia cho rằng đằng sau xu hướng này là những động lực kinh tế mạnh mẽ có xu hướng ràng buộc các nền kinh tế nhỏ với các nền kinh tế lớn hơn cũng như vai trò thống trị của Trung Quốc với tư cách là nhà cung cấp hàng hóa và linh kiện giá rẻ mà các nước đang phát triển cần, chẳng hạn như ô tô và máy móc.

Nhưng trao đổi thương mại ngày càng phát triển của Trung Quốc với các nước láng giềng châu Á cũng phản ánh những gợn sóng của mối quan hệ căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu bằng cuộc chiến thương mại, rồi sau đó, mở rộng sang lĩnh vực công nghệ, an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra vào năm 2018, cùng với tình trạng gián đoạn nguồn cung do đại dịch Covid-19 sau đó, đã kích hoạt các nỗ lực sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc đã tìm cách chuyển một số yếu tố trong dây chuyền sản xuất của họ sang các nước châu Á khác, để tránh thuế quan hoặc tự bảo vệ mình khỏi rủi ro biến động trong tương lai khi quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xấu hơn.

Tuy nhiên, các dữ liệu cho thấy, sự dịch chuyển đó thường giúp tăng cường hơn là giảm thương mại giữa Trung Quốc và các khu vực khác của châu Á. Điều này phản ánh bản chất phức tạp của các quy trình sản xuất thường đòi hỏi số lượng linh kiện lớn và nhiều công đoạn lắp ráp. Chẳng hạn, việc lắp ráp một chiếc điện thoại thông minh ở Việt Nam hoặc Ấn Độ yêu cầu nhà sản xuất phải di chuyển các linh kiện và vật liệu cơ bản do Trung Quốc sản xuất đến các nước châu Á khác.

Kết quả là Mỹ sẽ khó đẩy châu Á ra khỏi Trung Quốc nếu không có các bước đi cụ thể hơn để thúc đẩy thương mại với thị trường nội địa khổng lồ của mình. Các chuyên gia cho rằng điều đó đòi hỏi Mỹ phải ký kết các thỏa thuận thương mại, tham gia các hiệp định thương mại khu vực hoặc thực hiện các bước đi khác giúp các nền kinh tế châu Á tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng Mỹ.

Rory Green, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc và trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại Công ty tư vấn TS Lombard ở London, nhận định: “Mỹ đang đối mặt với một cuộc đấu tranh khó khăn thực sự ở châu Á vì nước này đang chống lại lực hấp dẫn kinh tế”.

Thương mại của Trung Quốc với châu Á tăng tốc

Tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với 10 nước ASEAN, bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam, đã tăng 71% kể từ tháng 7-2018, thời điểm Mỹ lần đầu tiên áp thuế đối với một loạt hàng hóa Trung Quốc, và lên mức 979 tỉ đô la trong 12 tháng tính đến tháng 11-2022, theo phân tích của Wall Street Journal về dữ liệu hải quan Trung Quốc.

Trao đổi thương mại của Trung Quốc với Ấn Độ tăng 49% trong cùng kỳ. Dữ liệu của Trung Quốc cho thấy thương mại của nền kinh tế lớn thứ hai với Mỹ tăng 23% và với châu Âu là 29% trong cùng giai đoạn. Điều này cho thấy thương mại của Trung Quốc với các nền kinh tế châu Á dễ dàng vượt qua thương mại với các thị trường lớn khác như thế nào.

Mức tăng trưởng cao hơn trong thương mại của Trung Quốc với châu Á một phần là do lực hấp dẫn kinh tế của Trung Quốc. Các nhà kinh tế đã kết luận từ nhiều thập niên trước rằng các nước thường có xu hướng giao dịch thương mại nhiều hơn với các nền kinh tế lớn và với các quốc gia lân cận. Với tư cách là nền kinh tế lớn nhất châu Á, Trung Quốc dễ dàng trở thành đối tác thương mại tự nhiên của hầu hết các nước láng giềng đang phát triển nhanh, giống như Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Canada và Mexico.

Một lý do khác là giỏ hàng xuất khẩu của Trung Quốc chứa đầy điện thoại thông minh rẻ tiền, các mẫu xe cơ bản và thiết bị nhà máy giá rẻ bán chạy ở các nền kinh tế nhỏ và phát triển nhanh xung quanh nước này. Trung Quốc cũng giảm nhiều loại thuế đối với hàng nhập khẩu từ phần còn lại của thế giới để đáp lại quyết định của Mỹ đánh thuế cao đối với hàng xuất khẩu của nước này sang Mỹ, giúp các sản phẩm do châu Á sản xuất trở nên rẻ hơn đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng trong khu vực. Trung Quốc là bên ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), giúp giảm thuế quan thương mại giữa 15 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương.

Các nền kinh tế châu Á cũng hưởng lợi lớn từ những căng thẳng Mỹ-Trung. Nhiều nền kinh tế châu Á ghi nhận thương mại với Mỹ gia tăng khi các nhà nhập khẩu ở nền kinh tế lớn nhất thế giới tìm kiếm các lựa chọn thay thế miễn thuế cho các sản phẩm của Trung Quốc. Bên cạnh đó, các nhà xuất khẩu có trụ sở tại Trung Quốc cũng thiết lập nhà máy mới ở các nước châu Á để tránh các hạn chế thương mại mới của Mỹ.

Theo một phân tích năm 2021 của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, một tổ chức tư vấn, có trụ sở ở Washington, sau năm 2018, Hàn Quốc đã chứng kiến xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh ở các mặt hàng như máy xúc, hàng dệt may và linh kiện ti-vi. Những sản phẩm này của Trung Quốc đều bị áp thuế phạt khi bán sang Mỹ kể từ thời Tổng thống Donald Trump. Dữ liệu hải quan Mỹ cho thấy hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ 10 nước ASEAN tăng 89% kể từ tháng 7-2018. Nếu tính cả xuất khẩu của Mỹ sang cùng 10 quốc gia, tổng thương mại hai chiều đạt 450 tỉ đô la trong 12 tháng tính đến tháng 10-2022, so với 262 tỉ đô la vào giữa năm 2018. Thương mại của Mỹ với toàn thế giới đã tăng 29% trong cùng thời kỳ.

Mỹ cần tham gia CPTPP để thay đổi cục diện thương mại


Việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu tăng tốc do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, đại dịch Covid-19, căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington về vấn đề Đài Loan và an ninh quốc gia. Trong những năm gần đây, hàng chục công ty đa quốc gia đã chuyển một phần hoạt động sản xuất từ khỏi Trung Quốc đến các nước châu Á khác.

Dù vậy, các nhà máy ở châu Á vẫn cần các nguyên vật liệu và linh kiện đầu vào của Trung Quốc để hoạt động. Các chuyên gia cho rằng điều đó cũng góp phần củng cố mối liên kết thương mại của Trung Quốc với các nước châu Á.

Theo Wall Street Journal, Apple đã đẩy nhanh kế hoạch chuyển nhiều hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, yêu cầu các nhà cung cấp sẵn sàng lắp ráp các sản phẩm của Apple ở những nơi khác ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Việt Nam. Nhưng Apple không hoàn toàn rời bỏ Trung Quốc, và thậm chí có thể tăng khối lượng kinh doanh với một số công ty Trung Quốc khác.

Khi các nền kinh tế lân cận phụ thuộc nhiều hơn chứ không phải ít hơn vào thương mại với Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng để đưa ra một giải pháp thay thế thực sự, Mỹ cần phải làm nhiều hơn để thúc đẩy thương mại với châu Á, có lẽ bằng cách tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một hiệp định thương mại tự do có 11 nước thành viên. Trước đó, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của CPTPP. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ quan điểm không ủng hộ phiên bản CPTPP hiện tại nhưng sẽ sẵn sàng đàm phán lại nó.


Chánh Tài (Theo WSJ)

Nguồn: thesaigontimes.vn/t
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.