Chuyên mục
Trung Quốc 'kết thân' năng lượng Nga, cung cấp một huyết mạch kinh tế, Nord Stream 2 đã bị 'thế chân'?

Trung Quốc 'kết thân' năng lượng Nga, cung cấp một huyết mạch kinh tế, Nord Stream 2 đã bị 'thế chân'?

Thứ hai 27/03/2023 04:53 GMT + 7

Trung Quốc nổi lên như một huyết mạch kinh tế của Nga vào năm ngoái, đặc biệt là thông qua thương mại năng lượng.

Kỳ vọng vào Power of Siberia 2

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2/2022, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số nước phương Tây khác đã "mạnh tay" tung nhiều "đòn" trừng phạt với Moscow.

Dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu ngày càng chậm lại, khiến giá khí đốt không ngừng lập kỷ lục mới và đẩy các nước trong khu vực vào một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có trong lịch sử.

Và việc giảm cung cấp khí đốt cho châu Âu và bị các nước trong khu vực này từ chối mua than và dầu thô được cho là có thể sẽ khiến nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng - lĩnh vực chủ lực của nền kinh tế Nga - giảm sút.

Tuy nhiên, trong năm ngoái, Nga vẫn “kiếm bộn tiền” từ xuất khẩu năng lượng, do giá dầu thô và khí đốt tăng cao kể từ khi chiến tranh nổ ra, cộng thêm việc dòng chảy dầu thô của nước này đang dịch chuyển nhiều hơn về phía thị trường châu Á.

Hiện tại, Nga đang trông đợi vào một đường ống dẫn khí đốt khổng lồ mới - Power of Siberia 2 (Sức mạnh của Siberia 2) - nối Siberia với Tây Bắc Trung Quốc.

Đường ống mới này được kỳ vọng có thể đưa nhiều khí đốt hơn tới Trung Quốc và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ thay thế châu Âu tăng mua năng lượng của Moscow. Nhưng cho đến nay, Bắc Kinh vẫn tránh đưa ra một cam kết rõ ràng.

Power of Siberia 2 có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển 50 tỷ m³ khí đốt đến Trung Quốc hàng năm, tương đương với tổng công suất của đường ống Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) từ Nga đến Đức.

Vào tháng 9 năm ngoái, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak khẳng định, Power of Siberia 2 sẽ thay thế cho Nord Stream 2.

Thời điểm đó, ông Novak tiết lộ, Nga và Trung Quốc sẽ sớm ký thỏa thuận cung cấp 50 tỷ m³ khí đốt mỗi năm thông qua đường ống Power of Siberia 2.

Mới dây dnhất, tại cuộc gặp ngày 21/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thảo luận với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin về đường ống dẫn khí Power of Siberia 2.

Tổng thống Putin tiết lộ, "tất cả các thỏa thuận đã đạt được" về dự án Power of Siberia 2. Nhưng tuyên bố chung chỉ nói rằng, hai bên sẽ nỗ lực thúc đẩy "nghiên cứu và tham vấn" về đường ống.

Nhà nghiên cứu Maria Shagina tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở Berlin nhận định, Trung Quốc "không vội ký kết bất cứ điều gì, trừ khi đề xuất thuận lợi và được định hình theo các điều khoản của Bắc Kinh".

Nga đang "đi về phía Đông"

Trước đây, Nga là nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, xuất khẩu khí đốt của Nga đã giảm mạnh vào năm 2022, sau một loạt lệnh trừng phạt của phương Tây đối với vấn đề này.

Khi châu Âu ra sức tìm kiếm các nhà cung cấp khác, Moscow cũng "nhanh tay" tìm kiếm khách hàng thay thế và Trung Quốc là một trong số đó.

Vào năm 2022, Trung Quốc đã vượt qua Đức trở thành khách hàng mua năng lượng hàng đầu của Nga. Cụ thể, vận chuyển khí đốt của Nga tới Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia hiện tại đã đạt mức kỷ lục 15,5 tỷ m³.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch có trụ sở tại Helsinki (Phần Lan), nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã thanh toán tổng cộng 12,2 tỷ USD để mua than, khí đốt và dầu từ Nga trong năm 2023.

 

Hệ thống đường ống Power of Siberia và Power of Siberia 2 (dự kiến) chuyển khí đốt từ Nga tới Trung Quốc. (Đồ họa: CNBC)


Nhưng doanh số bán hàng sang châu Á không đáng kể so với mức 155 tỷ m³ khí đốt mà Nga xuất khẩu sang châu Âu trước chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Nhà nghiên cứu cấp cao Philip Andrews-Speed tại Viện Nghiên cứu Năng lượng của Đại học Quốc gia Singapore nhận định: “Nga đang mong muốn gửi càng nhiều khí đốt về phía Đông càng tốt".

Còn chuyên gia thị trường khí đốt Jaime Concha tại công ty phân tích ngành Energy Intelligence nhận thấy, một thỏa thuận khí đốt qua đường ống Power of Siberia 2 tiềm năng sẽ củng cố Trung Quốc như một thị trường dài hạn của Nga.

Chuyên gia Concha nhấn mạnh: "Cơ sở hạ tầng đường ống hiện tại của Nga hầu hết được cấu trúc để phục vụ cho thị trường châu Âu. Việc xây dựng một mạng lưới tương đương ở châu Á sẽ rất tốn kém và mất thời gian. Điều này cho thấy Nga có rất ít lựa chọn thay thế".

Bài học từ châu Âu

Trong khi đó, về phía Trung Quốc, không chỉ "kết thân" với năng lượng Nga, quốc gia này đã tăng cường tìm kiếm một loạt các nhà cung cấp năng lượng đa dạng.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã ký một loạt hợp đồng khí đốt dài hạn trên khắp thế giới và nổi bật nhất là một thỏa thuận 27 năm trị giá 60 tỷ USD với Qatar vào tháng 11/2022.

Không chỉ thế, các công ty Trung Quốc cũng ký nhiều hợp đồng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) dài hạn với các nhà cung cấp quốc tế.

Nhà nghiên cứu Anne-Sophie Corbeau tại Trung tâm về Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia (Mỹ) tiết lộ: “Trung Quốc là một trong số các quốc gia có danh sách dài các kho cảng tiếp nhận LNG đang được xây dựng. Bên cạnh một số kho cảng được xây dựng mới, nhiều cơ sở hiện có đang được mở rộng”.

Nhà phân tích Yan Qin tại Refinitiv cho rằng: “Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã quan sát thấy bài học từ châu Âu về sự phụ thuộc quá mức vào nhập khẩu năng lượng của Nga".

“Với vị thế được củng cố trong các cuộc đàm phán năng lượng với Nga, Trung Quốc nổi lên như người chiến thắng trong chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Bắc Kinh được hưởng lợi khi tăng cường mua dầu, khí đốt và than được giảm giá mạnh của Nga", Nhà nghiên cứu Shagina của IISS nhận định.

Đồng thời, Trung Quốc cũng cảm nhận được hậu quả từ sự hỗn loạn trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Theo bà Yan Qin, chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã đẩy giá than nhiệt tại cảng Qinhuangdao của Trung Quốc "cao gần bằng châu Âu", trong khi giá LNG tăng đã ảnh hưởng đến các nhà máy phát điện và người dân.

Bà nói: "Đường ống Power of Siberia 2 có thể tăng cường đáng kể khả năng nhập khẩu khí đốt của Trung Quốc và có khả năng làm giảm nhu cầu mua LNG của đất nước này".

 

Linh Chi

Nguồn: baoquocte.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.