Chuyên mục
Tết tây, Tết ta ở Nga
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Tết tây, Tết ta ở Nga

Thứ năm 26/01/2012 04:26 GMT + 7
Hàng chục năm nay, người Việt học tập, sinh sống và làm ăn trên xứ sở Bạch Dương đã biết cách thích nghi với hoàn cảnh mới, từng bước hòa nhập vào đời sống văn hóa, tinh thần của người sở tại. Và có một “thói quen” vẫn được duy trì từ nhiều năm nay - “ăn Tết ta thì ngắn, đón Tết Tây thì dài”.

Cộng đồng người Việt ở Nga đa phần kinh doanh tại các chợ và trung tâm thương mại hoặc các công trường xây dựng ở nước bạn. Không chỉ ở Việt Nam mới có “tháng ăn chơi” mà đối với người Nga, tháng Giêng cũng gắn liền với hàng loạt những hoạt động đón năm mới, lễ Phục sinh, rồi “ăn Tết lại”. Vì vậy, dân Nga thường được nghỉ cả chục ngày để tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi. Các cơ quan công sở đóng cửa, các trung tâm thương mại hoạt động cầm chừng, khách hàng hầu như đã mua sắm hết trong tháng 12 nên bà con ta có muốn ra chợ cũng chẳng có nhiều “thượng đế” để phục vụ. Vì vậy, dịp Tết Dương lịch, người Việt ở Nga thường có nhiều thời gian để xả hơi. Bà con mỗi người một kiểu “giết” thời gian. Ngồi ở nhà xem ti vi là phương án không tồi vì vào dịp này, các kênh truyền hình Nga đua nhau phát các chương trình ca nhạc tạp kỹ đặc sắc, với sự tham gia của dàn ca sĩ, diễn viên, MC nổi tiếng nhất nước Nga. Những bà con sinh sống và làm ăn tại các thành phố lớn của Nga như Moskva, Saint Peterburg… có thể hòa vào dòng người bản xứ, hướng về các quảng trường trung tâm, nơi có lãnh đạo Nhà nước đọc lời chúc Tết, sau đó là các chương trình nghệ thuật, bắn pháo hoa ngoài trời. Những người năng động hơn thì rủ nhau thành từng nhóm, cả Tây, cả ta, đi ra ngoại ô, thuê nhà trọ để nghỉ ngơi và đón Tết.



Mâm cỗ Tết của lưu học sinh Trường đại học Giao thông đường bộ Moskva (MADI)

Thế nhưng, đa phần người Việt đều cảm thấy đó chưa phải là cái không khí mà họ chờ đợi mỗi năm... Vì vậy mới có người tranh thủ dịp Tết Tây để “ngủ bù”, giống như thói quen ngủ Đông của những chú gấu Nga. Đa phần người Việt đều chờ đến thời điểm khi người Nga đã trở lại làm việc bình thường (thường vào tháng 2 dương lịch) thì mới bắt đầu “tự thưởng” cho mình 1 - 2 ngày nghỉ trọn vẹn để hưởng không khí Tết Nguyên đán cùng gia đình và bạn bè.

Không thể nghỉ nhiều hơn vì tiền thuế đã đóng, hàng đã nhập về, khách hàng bắt đầu đi mua sắm trở lại, nhưng như thế cũng là đủ. Trong các khu ngoại giao đoàn, các “ốp” tập trung đông người Việt, hầu như nhà nào, phòng nào cũng có ti vi. Bây giờ khắp thế giới đều phủ sóng VTV4 qua vệ tinh, qua đó bà con có thể thấy được hết không khí Tết ở cả 63 tỉnh thành tại Việt Nam. Nếu ở nhà có kết nối Internet thì coi như “cả thế giới đã ở trong tầm tay” rồi. Xem truyền hình trên mạng cũng có cái thú, thôi thì đủ cả: truyền hình trung ương, địa phương, truyền hình thông tấn… liên tục cập nhật về hoạt động đón Tết của người dân trong nước cũng như kiều bào trên khắp thế giới. Phóng viên báo đài xuất hiện khắp nơi, từ miền núi cho đến miền xuôi, từ đồng bằng cho đến những vùng hải đảo xa xôi. Để căn phòng nơi xứ tuyết xa xôi thêm ấm cúng, ngoài khói hương và mâm ngũ quả, bà con không quên bật ti vi hoặc máy tính để đón nhận những âm thanh, giọng nói nơi quê nhà. Trong mấy ngày Tết, ti vi hoặc máy tính có dịp được “kiểm tra độ bền” khi phải làm việc hết công suất.



Khoa học công nghệ có phát triển đến mấy, thế giới có “siêu phẳng” cũng không lấp đầy khoảng trống của sự đoàn tụ và sum họp trong những ngày Tết của người phương xa.


Thời buổi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão thế này, sự xa xôi, cách trở dường như đã giảm đi nhiều. Càng sát đến thời điểm giao thừa thì hoạt động được ưa thích là nhắn tin điện thoại chúc mừng người thân, bạn bè. Vào lúc đang tất bật chuẩn bị bữa cơm Tất niên, tay chân còn dính mắm muối thì tin nhắn bay đến tới tấp, chuông điện thoại đổ liên hồi vì gần 5 triệu kiều bào trên khắp thế giới đều hướng các cuộc gọi về phía dải đất hình chữ S và ở chiều ngược lại cũng vậy.

Đúng đến giờ “G”, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mọi người đua nhau lên mạng để chúc Tết, nhận “lì xì” của gia đình và bạn bè qua webcam. Được nhìn và nghe thấy giọng nói, tiếng cười, khuôn mặt của người thân lúc đó, cảm giác thật lâng lâng, buồn vui lẫn lộn, mới thấy Tết đang về. Khoảng cách 10 nghìn km dường như chẳng có nghĩa lý gì. Thầm cảm ơn những phát minh vĩ đại của nhân loại đã giúp con người gần nhau hơn, để những ngày này, chúng ta được chia sẽ thông tin về nhau, về hoạt động đón Tết của kiều bào ta trên khắp năm châu bốn bể. Chẳng bù khoảng 20 năm trước, những người xa quê hương phải chờ đợi cả tháng trời mới nhận được bức thư tay của người thân.

Năm nay có cái mới là nước Nga không còn áp dụng hình thức đổi giờ Đông - Hè, một thói quen đã tồn tại bao nhiêu năm nay. Vì thế, chênh lệnh múi giờ giữa Hà Nội và Moskva vào mùa Đông cũng sẽ là 3 tiếng, chứ không phải 4 tiếng như trước đây. Thay vì chuẩn bị đón Giao thừa vào lúc 8h tối như mọi khi thì nay bà con có thêm 1 tiếng nữa để chuẩn bị xôi gấc, gà luộc thắp hương. Cảm nhận của những người đón Tết xa quê hương là Giao thừa càng sát với giờ ở Việt Nam hơn càng tốt.

Nhiều năm đón Tết xa nhà, cộng đồng người Việt tại Nga đã tạo ra một “dây chuyền” sản xuất và cung ứng các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán. Vì thế, dù là trong điều kiện khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chính sách nhập cư hay chế độ hải quan của nước sở tại có thay đổi, thì “những thức, những món” ngày Tết cổ truyền Việt Nam vẫn cứ tràn ngập các quầy hàng tại các khu chợ có đông người Việt kinh doanh.

Bên cạnh hoa đào - một trong những biểu tượng của mùa Xuân Việt Nam, vài ba năm nay ở Moskva thấy xuất hiện cả những cây quất tươi, tuy không có dáng, có thế và không có nhiều sự lựa chọn như ở quê nhà, nhưng cũng lá xanh, hoa trắng, quả vàng, mà điều đặc biệt là quả và lá hầu như không bị héo. Hoa đào cũng khá sẵn: đào thật 100% từ Nhật Tân đưa sang, cành và hoa đào giả của Trung Quốc cũng có, đào “nửa thật nửa giả” đôi khi là “mốt” vì người chơi đào tự mình tạo ra không khí Tết khi vào rừng, chặt cành, ngâm nước và gắn hoa đào giả vào.

Ngày Tết ở Nga bây giờ xem ra chẳng thiếu thứ gì. Nhưng nếu coi ngày Tết là biểu tượng của sự đoàn tụ và sum họp thì dù sau này, khoa học công nghệ có phát triển đến mấy, cho dù thế giới này có “siêu phẳng” đến mấy thì việc đón Tết ngay trên quê hương với cha mẹ, anh em họ hàng vẫn sẽ là điều gì đó khó thay thế được.

Hồng Quân (phóng viên TTXVN tại Nga)
Nguồn: thethaovanhoa.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.